Nghiên cứu: Protein gai từ vaccine và do nhiễm virus gây ra các bệnh khó trị

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngay từ khi bắt đầu đại dịch COVID-19, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng protein gai từ vaccine và do nhiễm virus có những điểm tương đồng với protein của con người cả về cấu trúc và trình tự hóa học cơ bản; chúng có thể làm tăng nguy cơ hình thành tình trạng tự miễn và ngụ ý rằng vaccine mRNA, vốn khiến cơ thể tạo ra một lượng lớn protein gai, cũng sẽ có tác dụng tương tự.

Vào buổi sáng ngày 15 tháng 1 năm 2022, Debbie Botzum-Pearman, người phụ nữ đã từng khỏe mạnh suốt 66 năm, thức dậy, thấy mình bị liệt từ ngực trở xuống.

Ngày 13 tháng 9 năm 2022, tức là gần chín tháng sau, cô đã đứng dậy được trong 10 giây mà không cần sự trợ giúp. Từ lúc đó, cô đã hồi phục một cách ổn định. Cô đã lấy lại được cảm giác ở đùi và bước những bước đi đầu tiên bằng khung tập đi. Tuy nhiên, một chặng đường dài vẫn còn ở phía trước.

Hình ảnh của Debbie Botzum-Pearman trước (trái) và sau khi bị viêm tủy thần kinh thị giác (Courtesy of Debbie Botzum-Pearman).

Các triệu chứng của Debbie xuất hiện chưa đầy một tháng sau mũi tiêm tăng cường đầu tiên của Pfizer COVID-19. Cô tiêm mũi tăng cường này vào giữa tháng 12 và cảm thấy ổn, giống như những lần tiêm phòng COVID-19 trước đó.

Bây giờ nhìn lại, Debbie nhận ra rằng trước khi bị liệt đột ngột, cô đã cảm thấy ngực của mình ngày càng bị bó chặt. Cảm giác này còn được gọi là Cái ôm đa xơ cứng hay MS Hug (MS: bệnh đa xơ cứng). Có một số người cũng có thể gặp triệu chứng này ngay cả khi họ không bị bệnh đa xơ cứng.

Mọi việc đã bắt đầu xảy ra vào ngày 14 tháng 1. Khi Debbie đang hoàn thành công việc vẽ tranh ở nhà người bạn thì nhận ra rằng mình không thể đi tiểu mặc dù rất muốn.

Cô nói với The Epoch Times: “Tôi đang uống nước… không thể đi tiểu, đơn giản là không thể đi tiểu”.

Khi về nhà vào ngày hôm đó, lúc đang đi lên cầu thang, chân trái của cô khuỵu xuống và cô đã tiểu ra khắp người.

Cô đi ngủ và vào sáng ngày hôm sau, Debbie đã bị liệt từ ngực trở xuống. Cô được đưa đi cấp cứu. Debbie nói: “Tôi có lẽ đã chụp MRI 15 lần và được chọc dò tủy sống tại bệnh viện… họ quay trở lại vài ngày sau] với bệnh viêm tủy thần kinh [thị giác.

Viêm tủy thần kinh đã ăn mòn, tôi không biết, bốn hoặc năm inch tủy sống của tôi, trên MRI, hiện nó đang tự phục hồi”.

Viêm tủy thần kinh, có tên khoa học là viêm tủy thần kinh thị giác (NMO), là một tình trạng hiếm gặp với tỷ lệ khoảng 1 đến 2 ca trên 100.000 dân. Tình trạng này phá hủy các dây thần kinh của hệ thần kinh trung ương và mắt. Có thể gây tê liệt, suy nhược và thậm chí mù lòa nếu không được điều trị.

Sự khởi phát của NMO thường do nhiễm virus hoặc vi khuẩn. Ví dụ như virus Epstein-Barr (EBV) hoặc viêm màng não do vi khuẩn. Nó chủ yếu xuất hiện trong thời thơ ấu cũng như ở phụ nữ ở độ tuổi 30 và 40. Các yếu tố nguy cơ bao gồm hút thuốc và có tiền sử gia đình mắc bệnh tự miễn.

Tuy nhiên, ngoài giới tính nữ, Debbie không có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào kể trên.

Viêm tủy thần kinh hầu như ít được biết đến, thường bị lu mờ và chẩn đoán nhầm là bệnh đa xơ cứng, vốn được biết đến nhiều hơn, và là một căn bệnh khác, hoàn toàn khác biệt.

May mắn thay cho Debbie, bác sĩ của cô rất có năng lực và có khả năng phán đoán lâm sàng xuất sắc. Ngay cả trước khi có kết quả các xét nghiệm và chẩn đoán, ông đã phán quyết rằng Debbie đang bị NMO. Bác sĩ của cô cũng được cho là đã kết luận rằng mũi tiêm vaccine nhắc lại từ một tháng trước đó chính là nguyên nhân.

The Epoch Times không thể xác minh danh tính của bác sĩ cũng như tuyên bố của ông. Nhưng Debbie và con trai riêng của cô, Jared Pearman, bày tỏ rằng những tuyên bố của người bác sĩ khuyết danh đó chính là nguyên nhân khiến họ nghi ngờ rằng vaccine đã gây ra căn bệnh này.

Debbie nhớ lại, có lẽ đó là ngày cô nhập viện, “bác sĩ bước vào, đóng cửa lại và hỏi có phải tôi đã tiêm mũi vaccine tăng cường không. Tôi đã không đề cập đến rằng tôi đã tiêm vaccine tăng cường và chính ông ấy là người đã tuyên bố rằng đó là do vaccine”, cô nói.

Debbie được đặt máy lọc máu (plasmapheresis) để lọc bỏ các kháng thể tự thân đang tấn công các dây thần kinh của chính cô.

Debbie nằm viện được một tuần và cô nhớ lại rằng gần như ngày nào cô cũng phải lọc máu. Cả Debbie và Jared đều rất biết ơn người bác sĩ nọ; họ tin rằng nếu không có sự phán đoán nhanh chóng của bác sĩ, Debbie sẽ còn tệ hơn rất nhiều. Tuy nhiên, ông đã nói với Debbie rằng ông không thể công khai chẩn đoán của mình trong bệnh viện, kẻo ông sẽ bị sa thải.

“Một trong những điều thực sự gây sốc cho chúng tôi, là việc mọi người trong cộng đồng y tế không khuyến khích thảo luận và phân tích các tác dụng phụ của vaccine… [người bác sĩ đó] đã phải bí mật xác nhận rằng [vaccine] là nguyên nhân gây ra các triệu chứng của mẹ tôi để cứu sống bà ấy”, Jared nói.

“Tôi hiểu rằng [có thể] chỉ có 1 phần triệu [khả năng gặp phải những biến chứng nhất định], và cũng hiểu rằng 1 trong một triệu đó là một con người có thật, có cuộc sống thật bị hủy hoại, và đôi khi đó chính là bạn”.

Protein gai của coronavirus (màu đỏ) làm trung gian cho virus xâm nhập vào tế bào chủ. Nó liên kết với enzyme chuyển angiotensin 2 (thụ thể ACE2 - màu xanh) để kết hợp màng virus và vật chủ. (Juan Gaertner/Shutterstock)

Protein gai và tự miễn dịch

Debbie không phải là trường hợp cá biệt. Kể từ khi triển khai tiêm vaccine Covid-19 dạng DNA và mRNA, các báo cáo về các bệnh như viêm tủy thần kinh, bệnh đa xơ cứng, hội chứng Guillain-Barre, viêm khớp dạng thấp, bệnh zona, bệnh lupus, tiểu đường và nhiều tình trạng tự miễn khác đã đột ngột xuất hiện hoặc tái phát, thường là với các triệu chứng nặng nề hơn.

Tự miễn là tình trạng trong đó hệ miễn dịch của cơ thể bị bối rối, không thể phân biệt được giữa bản thân và vật chất ngoại lai, do đó nó tấn công các mô của chính mình.

Sự phát triển của tình trạng tự miễn, được cho, là kết quả sự tương tác của cả yếu tố di truyền lẫn yếu tố môi trường. Một số bệnh tự miễn dịch có xu hướng tập trung trong gia đình, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp, viêm tuyến giáp Hashimoto và bệnh lupus.

Mặc dù di truyền đóng một vai trò quan trọng nhưng sự phát triển của tình trạng tự miễn cũng phụ thuộc vào tiếp xúc môi trường với nhiễm khuẩn, chất độc, cũng như lối sống, chất lượng dinh dưỡng và các quá trình trao đổi chất hay giải độc khác nhau.

Trong trường hợp của COVID-19 và vaccine của nó, ngay từ khi bắt đầu đại dịch, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng protein gai có những điểm tương đồng với protein của con người cả về cấu trúc và trình tự hóa học cơ bản.

Điều này có nghĩa là protein gai có thể làm tăng nguy cơ hình thành tình trạng tự miễn và ngụ ý rằng vaccine mRNA và DNA, vốn khiến cơ thể tạo ra một lượng lớn protein gai, cũng sẽ có tác dụng tương tự.

“Nếu protein gai từ virus SARS-CoV-2 góp phần tạo ra tình trạng tự miễn, thì tại sao protein gai từ vaccine lại không? Nhưng dường như khi chúng ta tiến tới luận điểm đó, các nhà khoa học và nhiều người lại cố gắng lảng tránh”, Tiến sĩ Aristo Vojdani, người đứng đầu Phòng thí nghiệm Khoa học Miễn dịch và là người tiên phong trong lĩnh vực miễn dịch học lâm sàng cho biết.

Giả thuyết về Phản ứng chéo

Một nghiên cứu gần đây do Đại học Quốc tế Florida công bố đã kết luận rằng điều này là có khả năng sau khi so sánh các chuỗi protein gai của Covid-19 với cấu trúc protein của cả người và động vật.

Các tác giả phát hiện ra rằng protein của người có nhiều chuỗi trình tự giống hệt của protein gai nhất, với 627 vùng chung.

Một protein gai được cấu thành từ 1.273 axit amin. Dữ liệu cho thấy protein này có khoảng 600 vùng chung, mỗi vùng được tạo thành bởi các chuỗi có ít nhất năm axit amin. Điều này chỉ ra rằng protein gai chia sẻ nhiều điểm tương đồng, với các khu vực có điểm nóng chồng lấp.

Ngoài ra còn có 20 vùng, trong đó protein gai không chỉ có cùng trình tự axit amin mà còn có cùng hình dạng 3D.

Tiến sĩ Peter McCullough, bác sĩ tim mạch và đồng tác giả của cuốn Can đảm đối mặt với virus (Courage to Face the Virus), nói với The Epoch Times rằng nghiên cứu này đã giải thích được các hiện tượng quan sát thấy ở cả những cá nhân được tiêm chủng lẫn nhiễm virus.

“Một trong số đó là loại protein gắn trên sợi Actin IPP có ảnh hưởng đến cơ tim. Vì vậy, việc cơ thể tự tấn công protein gắn Actin này có thể là một phần trong cơ chế bệnh sinh của bệnh viêm cơ tim. Điều này cũng đúng với chuỗi tropomyosin alpha 3 [có trong cơ trơn]. Vì vậy, một số mục tiêu (cấu trúc 3D) này đang giúp giải thích một số tình trạng bệnh hô hấp trong các hội chứng sau tiêm chủng mà chúng ta đang thấy”.

Các tác giả của nghiên cứu này đặc biệt tập trung vào hai chuỗi trình tự có độ tương tự cao. Một là chuỗi TQLPP trên protein Thrombopoietin ở người, đây là protein chịu trách nhiệm huy động tiểu cầu để cầm máu. Một loại khác là chuỗi ELDKY chia sẻ chéo trên protein PRKG1, có liên quan đến hoạt hóa tiểu cầu và điều hòa canxi, cả hai đều có vai trò quan trọng đối với sự hình thành cục máu đông.

Peter McCullough, bác sĩ tim mạch, phát biểu tại Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ tại khách sạn Hilton Anatole ở Dallas, Texas, vào ngày 5 tháng 8 năm 2022. (Bobby Sanchez for The Epoch Times)

Một loại protein khác là tropomyosin đã đề cập tới ở trên. Các tác giả cũng suy đoán rằng kháng thể phản ứng chéo với tropomyosin có thể liên quan đến các bệnh về tim. Họ viết rằng: “Các kháng thể phản ứng chéo với PRKG1 và tropomyosin có thể gây ra các biến chứng đã biết của COVID-19 lần lượt như rối loạn đông máu và bệnh tim".

Tuy nhiên, Tiến sĩ Aristo Vojdani, một chuyên gia về tự miễn dịch, chủ sở hữu của 17 bằng sáng chế của Hoa Kỳ, đồng tác giả của 200 nghiên cứu và hai cuốn sách về miễn dịch, nói với The Epoch Times rằng các vùng có những điểm tương đồng với protein người đã được xác định trong nghiên cứu gần đây chưa phải tất cả.

Ông trích dẫn một nghiên cứu do Tiến sĩ Yehuda Shoenfeld dẫn đầu cho thấy protein gai chia sẻ các chuỗi, mỗi một chuỗi gồm 6 axit amin, tương đồng với 34 loại protein khác nhau của con người.

Chúng bao gồm các protein được tìm thấy trong tuyến giáp, não, mũi, tai, da, cơ, tim, máu, dây thần kinh, khớp, ruột, và còn nhiều nữa.

Shoenfeld và các đồng nghiệp của ông đã suy đoán rằng protein gai có thể gây ra hội chứng Guillain-Barre, viêm khớp do virus, ban xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch (chảy máu), hội chứng kháng phospholipid, bệnh Kawasaki, bệnh lupus ban đỏ hệ thống và nhiều bệnh khác.

"Mục tiêu của vaccine là tạo ra loại protein gai giống hệt như của virus... Bởi vì sau khi tiêm chủng, mỗi cá nhân sẽ tạo ra các kháng thể trung hòa. Khi virus thực xâm nhập vào cơ thể người trên thực tế, những kháng thể kháng protein gai được tạo do tiêm chủng mRNA hoặc tiêm vaccine khác sẽ thông báo cho [cơ thể] rằng đã có virus, tiến sĩ Vojdani cho biết.

Do đó, nếu protein gai trong virus làm tăng nguy cơ tự miễn dịch, thì có lý do để tin rằng các protein gai được tạo ra từ các mũi tiêm cũng sẽ làm điều tương tự.

Các nghiên cứu cho thấy kháng thể kháng SARS-CoV-2 tấn công mô người

Để bác bỏ, có một số nghiên cứu khác đã tuyên bố rằng sự tương đồng giữa các mô của con người và protein gai là không đủ để hiện tượng tự miễn xảy ra.

Do đó, tiến sĩ Vojdani và các đồng nghiệp của ông đã thực hiện các nghiên cứu sâu hơn để kiểm tra xem liệu protein gai có gây ra rủi ro thực sự đáng kể hay không.

Trong một nghiên cứu, Vojdani đã lấy các kháng thể kháng mô người được tạo ra trong phòng thí nghiệm, chẳng hạn như protein tuyến giáp, ty thể, cơ trơn và các loại protein khác rồi trộn chúng với các protein gai. “[Các kháng thể] đã phản ứng mạnh mẽ [với các protein gai]”, ông nói.

Bởi vì các kháng thể kháng protein của con người cũng tấn công các protein gai, điều này ngụ ý rằng các kháng thể được tạo ra để chống lại các protein gai cũng có thể tấn công các protein của con người.

Bằng chứng thứ hai của ông đến từ một nghiên cứu khác, trong đó ông lấy các kháng thể đơn dòng kháng virus SARS-CoV-2 được tạo ra trong phòng thí nghiệm và thêm chúng vào mô người.

Ông nói: “Chúng phản ứng ở mức từ vừa phải đến mạnh mẽ với nhiều kháng nguyên mô khác nhau bao gồm cơ, khớp, tuyến giáp, não, da, đường tiêu hóa, hầu hết mọi kháng nguyên lấy từ các bộ phận khác nhau của cơ thể.”

Nghiên cứu cho thấy các kháng thể kháng protein gai phản ứng đặc biệt mạnh mẽ với các protein trong tế bào thần kinh vận động, tiếp đến là protein ty thể và DNA. Sự có mặt của kháng thể kháng DNA (ANA) là dấu hiệu đặc trưng của tình trạng tự miễn.

“Đó [là] bằng chứng bổ sung củng cố rằng protein gai không chỉ tương đồng với mô người, khi chúng ta tạo ra kháng thể… những kháng thể đó có thể quay ngược lại chống lại cơ thể chúng ta và tạo ra tình trạng tự miễn”.

“Bằng chứng thứ ba đến từ nghiên cứu của chúng tôi. Chúng tôi thu thập huyết thanh từ nhiều người, bao gồm cả người mắc bệnh COVID và những người khỏe mạnh”.

Tiến sĩ Vojdani và các đồng nghiệp nhận thấy huyết thanh phân lập từ những người bị nhiễm Covid-19 có nhiều kháng thể chống lại mô người hơn những người không bị nhiễm bệnh.

Những nghiên cứu này đều chỉ ra rằng protein gai có khả năng tạo ra các tự kháng thể, có thể dẫn đến bệnh tự miễn.

Vojdani cho biết ông đang chờ thêm nghiên cứu để chứng minh vai trò của protein gai do vaccine mRNA và DNA tạo ra đối với tình trạng tự miễn, bởi vì thông thường có thể mất vài tháng đến hàng thập kỷ để khả năng tự miễn hình thành.

“Thực sự còn quá sớm để đưa ra bất kỳ kết luận nào về việc liệu vaccine có góp phần vào tình trạng tự miễn hay không”, ông nói.

Dù vậy, ông đề nghị các nhà nghiên cứu có thể kiểm tra khả năng tự miễn do vaccine gây ra bằng cách thu thập kháng thể từ những người đã tiêm vaccine và so sánh chúng với protein của con người, thậm chí có thể thử nghiệm xem liệu chúng có phản ứng với mô người hay không.

Ảnh Dr. Aristo Vojdani, (Courtesy of Dr. Vojdani)

Tại sao các chuyên gia quan tâm đến vaccine nhiều hơn là virus

Tiến sĩ McCullough cho biết khi bị nhiễm virus, hầu hết mọi người đều có thể loại bỏ virus trong vòng vài ngày hoặc vài tuần nếu điều trị sớm và hầu hết virus cũng bị giới hạn chỉ ở trong phổi, trong khi vaccine được tiêm trực tiếp vào cơ bắp.

“Nhiều bệnh nhân [Covid-19] mắc bệnh về đường hô hấp, nếu được điều trị sớm, họ chỉ xuất hiện các triệu chứng trong vài ngày và chỉ thế thôi—có rất ít nguy cơ xâm lấn toàn thân. Trong khi đó với vaccine, mọi người đều bị protein gai xâm nhập toàn thân vì nó đi tắt, bỏ qua các xoang [của đường hô hấp trên]”.

McCullough trích dẫn một bài báo do Tiến sĩ Alana Ogata dẫn đầu đã lần lượt phát hiện các protein S1 (một phần của protein gai) trong 40 ngày và chính bản thân các protein gai vào khoảng 30 ngày sau khi tiêm chủng. Thời gian này dài hơn thời gian nhiễm trung bình.

Tuy nhiên, mối quan tâm lớn hơn của McCullough là việc vaccine được triển khai ra mà mọi người lại không nhận thức được rủi ro, nên họ sẽ tiêm những mũi tăng cường sáu tháng một lần, kèm với đó là lượng protein gai được tạo ra một cách có hệ thống và tồn tại trong cơ thể trong nhiều tháng.

Ông nói: “Cứ sáu tháng tiêm một mũi cộng với các mũi tiêm tăng cường thì cơ hội hình thành tự miễn là phi thường lớn, vì thực tế là chúng được tiêm vào cánh tay - ngoài đường tiêu hóa… Chúng ta thực sự, thực sự đang tạo ra nguy cơ tự miễn cho bệnh nhân”.

Ngoài ra, với việc triển khai vaccine trên toàn cầu trong tình trạng vẫn còn có thể có những vùng trên protein gai tương hợp với trình tự của con người mà chúng ta chưa biết tới, thì McCullough suy đoán rằng điều đó đang đặt con người trước nguy cơ mắc các bệnh tự miễn còn ít được nghiên cứu, còn mơ hồ, bao gồm cả những loại tình trạng tự miễn hoàn toàn mới.

“Tự miễn là một vấn đề đã và đang tồn tại của con người… giờ đây chính chúng ta đang tạo ra cơ hội cho một số lượng lớn các hội chứng tự miễn mới có thể xảy ra, mà nguyên nhân chỉ là do việc sử dụng bừa bãi vaccine [Covid-19]”.

“[Nếu] họ đang sử dụng [vaccine] hạn chế cho một nhóm nhỏ có nguy cơ cao, thì chúng ta sẽ không phải đối mặt với một số nguy cơ rất lớn của những điều tồi tệ sẽ xảy ra với dân chúng, với 2/3 dân số thế giới đang sử dụng vaccine. Ngay cả khi chỉ có một phần trăm vô cùng nhỏ phát triển thành tình trạng tự miễn, thì số lượng người mắc hội chứng tự miễn cũng là rất lớn… đó thực sự sẽ là một vấn đề do tiêm chủng bừa bãi”.

Các lựa chọn điều trị

Tiến sĩ Ana Maria Mihalcea, một bác sĩ nội khoa, hành nghề trong lĩnh vực y học tích hợp và đào thải sắt, cho biết cô đã có những thành công trong điều trị cho những bệnh nhân bị tình trạng tự miễn sau khi tiêm chủng.

Ảnh Dr. Ana Maria Mihalcea (Courtesy of Dr. Mihalcea)

Cô viết trong một email: “Nó được kiểm tra bằng xét nghiệm máu tìm kiếm kháng thể kháng nhân (ANA), về bản chất, xét nghiệm cho thấy hệ miễn dịch đang tấn công chống lại DNA của chính mình”.

Mihalcea cho biết nhiều người đã điều trị tình trạng tự miễn liên quan đến tác dụng phụ có thể xảy ra của vaccine bằng vitamin C và D liều cao hàng ngày (chống viêm), cũng như nhiều loại vitamin tổng hợp khác, N-Acetyl cysteine (chất chống oxy hóa và chống viêm) và cả các thuốc làm loãng máu.

Sử dụng quercetin hàng ngày (có tác dụng chống viêm và giảm nhẹ tình trạng tự miễn trong các nghiên cứu trên động vật), kẽm (thiếu hụt kẽm có liên quan đến tình trạng tự miễn), dimethyl glycine (cải thiện chức năng miễn dịch) và xanh methylene (kháng khuẩn, kháng độc tố, chống viêm), cũng như ivermectin ( chống viêm, cải thiện khả năng chữa lành tế bào) hai lần một tuần và hydroxychloroquine (thuốc chống viêm, thuốc tự miễn thông thường) ba lần một tuần cũng được khuyên dùng.

“Ngoài ra, tôi còn truyền Vitamin C và sử dụng Epithalon, một peptide chống lão hóa giúp kéo dài telomere, sửa chữa DNA, đảo ngược tuổi tác của tế bào và GHK Copper”.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng GHK Copper có thể thiết lập lại DNA của con người, có thể thiết lập lại hoạt động của tế bào bao gồm cả hoạt động tự miễn dịch.

Debbie đang đứng không cần trợ giúp. (Courtesy of Debbie)

Hành trình hiện tại của Debbie

Jared bày tỏ rằng điều anh cảm thấy khó chấp nhận nhất là sự kiểm duyệt nghiêm ngặt và sự bỏ mặc mà Debbie phải đối mặt trong quá trình hồi phục.

Khi Debbie đứng đó và nói, 'Tôi là người không may trong một triệu người' [bị ảnh hưởng xấu từ vaccine], thì mọi người đều nói 'không, bạn không bị như vậy, hãy im lặng, đừng đề cập tới chuyện đó nếu không bạn sẽ khiến tôi bị sa thải'. Đó thực sự là một điều điên rồ mà cô ấy phải đối mặt trong khi bản thân đang phải nỗ lực làm cho cơ thể mình có thể hoạt động trở lại.

Sau một tuần điều trị tại bệnh viện, Debbie đã thuyên giảm và được chuyển sang phục hồi chức năng để lấy lại khả năng vận động cho phần thân và đôi chân. Cô ấy hầu như không được chăm sóc trong hai tháng phục hồi chức năng dẫn tới bị các vết loét do tì đè cũng như bị các cục máu đông trong tĩnh mạch sâu do phải nằm, ngồi bất động trong nhiều giờ liên tục.

Kể từ khi bắt đầu phục hồi chức năng tại nhà vào tháng 4, cô ấy đã dần dần có được khả năng vận động và cảm giác ở chi dưới. Tuy nhiên, trước khi lấy lại được cảm giác, cô đã phải trải qua hai tháng đau đớn tột cùng.

“Bàn chân của tôi như đang bốc cháy, cơn đau nhức nhối lan lên tận đùi, rất, rất, rất đau. Còn đau đớn hơn lúc sinh nở”, cô nói.

Tuy nhiên, các bác sĩ lâm sàng đã cho cô một câu trả lời nghịch lý rằng cơn đau là một dấu hiệu tốt, nó cho thấy các dây thần kinh đã hoạt động trở lại. Debbie đã cố gắng hết sức nhưng cảm giác ở chân hầu như vẫn chưa bình thường trở lại.

“Chân của tôi, nếu tôi cử động mà không mang tất,… có cảm giác như [chúng đang bị chà xát bởi] giấy nhám. Nếu tôi để một chiếc cốc có hơi nước đọng lại và nó nhỏ giọt xuống đùi tôi thì sẽ rất đau ”.

Vào ngày 13 tháng 9 năm 2022, lần đầu tiên Debbie đứng lên mà không cần trợ giúp .

Các bác sĩ của cô ấy đã nói với Debbie rằng cô ấy có thể bình phục hoàn toàn. Debbie tin rằng cô ấy đã đi được khoảng 50 đến 60% chặng đường của mình.

Pfizer đã không trả lời yêu cầu bình luận của The Epoch Times.

Theo The Epoch Times

Quân Dương biên dịch

Tác giả: Marina Zhang

Marina Zhang: Là cây viết về sức khỏe của The Epoch Times, có trụ sở tại New York. Cô chủ yếu đưa tin về COVID-19 và hệ thống y tế, đồng thời có bằng cử nhân y sinh tại Đại học Melbourne. Địa chỉ liên hệ [email protected])



BÀI CHỌN LỌC

Nghiên cứu: Protein gai từ vaccine và do nhiễm virus gây ra các bệnh khó trị