Chuyên gia: Dù e ngại Trung Quốc, Đông Nam Á vẫn thích đi một mình

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các quốc gia Đông Nam Á cho rằng họ có đủ năng lực để tự vệ và sẽ tự mình đứng lên chống lại Trung Quốc nếu xảy ra xung đột. Do đó, lời đề nghị liên minh từ Hoa Kỳ dường như xúc phạm đến năng lực tự vệ của họ. Cho nên rất khó có khả năng Hoa Kỳ đạt được nhiều tiến bộ trong việc thu xếp mối quan hệ với các đối tác này, trừ khi Washington nghiêm túc đẩy mạnh cuộc chơi của mình ở Đông Nam Á và chứng minh rằng Mỹ có thể giữ đúng lời hứa của mình.

Khi nhà văn, nhà triết học nổi tiếng và người theo chủ nghĩa vô thần Voltaire sắp qua đời, một linh mục được cho là đã cố gắng cải đạo ông trên giường bệnh và thúc giục ông từ bỏ Satan, Voltaire trả lời, "Bây giờ không phải là lúc để gây thù chuốc oán".

Tôi cũng có một trải nghiệm tương tự khi tham dự một cặp hội thảo liên tục vào tháng trước ở Việt Nam và Indonesia. Cả hai cuộc họp đều quy tụ các chuyên gia về chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia từ Hoa Kỳ cùng hai quốc gia này để thảo luận về vấn đề mở rộng hợp tác giữa Đông Nam Á và Washington trước sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực, đặc biệt là ở Biển Đông.

Hội nghị đã đưa ra các kịch bản, trong đó đề cập đến những động thái ngày càng hiếu chiến của Trung Quốc trong khu vực, đe dọa đến an ninh của hai quốc gia này. Đến lượt mình, Hoa Kỳ cho các nước này cơ hội để thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn với Washington và hợp lực để công khai chống lại một kẻ thù chung.

Điều đáng ngạc nhiên đối với nhiều người Mỹ tham gia cuộc họp, câu trả lời từ người Việt Nam và người Indonesia rất lịch sự: “Không, cảm ơn”. Nhiều người Indonesia và Việt Nam tham gia đã hoan nghênh cơ hội nhận được vũ khí viện trợ hoặc thông tin tình báo của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, sau đó họ nói rằng nếu có vấn đề gì xảy ra với Trung Quốc, họ sẽ tự xử lý và nhất định không liên minh với Hoa Kỳ.

Thái độ này khó có thể gây sốc cho những ai am hiểu sâu sắc về tư duy Đông Nam Á. Nổi tiếng là độc lập, gần như là có đầu óc máu lửa (bloody-minded), các quốc gia trong khu vực muốn duy trì mối quan hệ với cả Bắc Kinh và Washington, trên cơ sở phù hợp với lợi ích quốc gia của họ.

Ngay cả những đồng minh được cho là của Hoa Kỳ, chẳng hạn như Thái Lan và Philippines, cũng có xu hướng đi theo con đường riêng của mình. Theo một cách nào đó, nó gợi nhớ đến phong trào biểu tình ohne mich (Tiếng Đức: Trừ tôi ra!) ở Tây Đức vào đầu những năm 1950. Những người ủng hộ phong trào này không muốn ở trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hay Hiệp ước Warsaw. Họ không muốn thuộc về bên nào cả.

Phần lớn các quốc gia Đông Nam Á vẫn tin rằng, thông qua các cơ sở hạ tầng an ninh khu vực khác nhau, họ có thể lôi kéo được Bắc Kinh và khiến nước này trở thành một bên có trách nhiệm. Quan trọng nhất trong số này là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ASEAN.

Các bộ trưởng ngoại giao của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) chụp ảnh tập thể trong Hội nghị hẹp Ngoại trưởng ASEAN (AMM Retreat) tại Phnom Penh, Campuchia, hôm 17/2/2022. (Ảnh: Tang Chhin Sothy/AFP/Getty Images)

ASEAN là trung tâm của một số diễn đàn nhằm thúc đẩy an ninh và hợp tác tốt đẹp trong khu vực, đồng thời giải quyết các tranh chấp thực tế hoặc tiềm ẩn. Đứng đầu trong số này là hội nghị cấp cao ASEAN định kỳ 6 tháng một lần, cuộc họp của những người đứng đầu chính phủ của các quốc gia thành viên. Tại đây, các nhà lãnh đạo thảo luận và giải quyết các vấn đề trong khu vực. Hội nghị thượng đỉnh này thường bao gồm các cuộc đối thoại xây dựng an ninh bổ sung với các quốc gia khác ngoài ASEAN, chẳng hạn như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc (ASEAN + 3). ASEAN + 3 nhằm tạo ra một diễn đàn để Đông Nam Á và Đông Bắc Á cùng nhau giải quyết các vấn đề kinh tế, tài chính và an ninh phi truyền thống (như bệnh truyền nhiễm và tội phạm xuyên quốc gia) trong khu vực.

ASEAN cũng tiến hành Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF). ARF bao gồm tất cả các thành viên ASEAN, cộng với Úc, Bangladesh, Canada, Trung Quốc, Liên minh Châu Âu, Ấn Độ, Nhật Bản, Triều Tiên, Hàn Quốc, Mông Cổ, New Zealand, Pakistan, Papua New Guinea, Nga, Sri Lanka, Timor Leste và Hoa Kỳ. ARF là một diễn đàn chính của đối thoại an ninh ở châu Á, bổ sung thêm các cuộc đối thoại song phương.

Ngoài ra, ASEAN là nhà tổ chức chính của Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), một diễn đàn xây dựng cộng đồng khu vực toàn châu Á được tổ chức hàng năm bởi các nhà lãnh đạo của 18 quốc gia: 10 quốc gia thành viên ASEAN và Úc, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, New Zealand, Nga và Hoa Kỳ.

Ngoài các cuộc họp và diễn đàn, ASEAN đã đi đầu trong các sáng kiến ​​thiết thực nhằm thúc đẩy an ninh khu vực và giảm căng thẳng. Ví dụ, vào năm 1995, các nước thành viên ASEAN đã ký Hiệp ước khu vực không có vũ khí hạt nhân ở Đông Nam Á (SEANWFZ). Hiệp ước này cấm tất cả vũ khí hạt nhân trong khu vực và buộc các thành viên không được phát triển, sản xuất, sở hữu hoặc có quyền kiểm soát vũ khí hạt nhân.

Cuối cùng, ASEAN tập trung vào việc Đông Nam Á tự kiểm soát vận mệnh của chính mình. Diễn đàn hoan nghênh vũ khí của Hoa Kỳ chứ không phải là sự vướng mắc về phương diện chính trị-quân sự của Washington. Ngay từ đầu, người ta thực sự lo ngại rằng Washington sẽ không giữ lời hứa của mình và có thể phớt lờ bất kỳ đối tác và đồng minh nào trong khu vực. Và thực sự, họ có lý do để nghi ngờ các cam kết của Hoa Kỳ, đặc biệt là khi hai hoặc ba đời tổng thống Hoa Kỳ trong quá khứ đã không nêu rõ và bắt đầu một chính sách đáng tin cậy đối với Châu Á.

Đồng thời, những người Đông Nam Á (hoặc ít nhất là người Việt Nam và Indonesia tham dự hội nghị) kiên quyết rằng họ có đủ năng lực và sẽ tự mình đứng lên chống lại Trung Quốc. Những lời đề nghị liên minh dường như xúc phạm đến năng lực tự vệ của họ.

Đối với việc bất kỳ quốc gia Đông Nam Á nào cho rằng họ có thể tự mình chống lại Trung Quốc về mặt quân sự, thật sự điều này được đánh giá rất cao ở cấp độ quốc gia. Tuy nhiên, điều này cũng giáp ranh với sự kiêu ngạo (hay thậm chí là ảo tưởng).

Cho nên rất khó có khả năng Hoa Kỳ đạt được nhiều tiến bộ trong việc thu xếp mối quan hệ với các đối tác này nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc, trừ khi Washington nghiêm túc đẩy mạnh cuộc chơi của mình ở Đông Nam Á và chứng minh rằng Mỹ có thể giữ đúng lời hứa của mình. Từ đây cho đến lúc đó, ohne mich.

Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Thanh Hải

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia: Dù e ngại Trung Quốc, Đông Nam Á vẫn thích đi một mình