Đại biểu chất vấn: Cơ quan công an, kiểm soát có bỏ sót tội phạm không?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) chất vấn Bộ trưởng Y tế về việc những cơ quan chuyên môn về quản lý kinh tế còn không phát hiện sai phạm vậy làm sao những giáo sư, bác sĩ chỉ biết đọc bệnh án phát hiện được.

Liên quan đến một loạt cán bộ giáo sư, tiến sĩ ngành Y tế rơi vào vòng lao lý trong thời gian gần đây, nhiều đại biểu đã gửi ý kiến chất vấn đến Bộ trưởng.

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) nêu tình trạng hàng loạt cán bộ y tế vướng vào vòng lao lý khi sai phạm trong vấn đề đấu thầu và mua bán thuốc. Ông đặt câu hỏi về vai trò kiểm tra, giám sát của Bộ Y tế với vai trò là quản lý lĩnh vực, nhất là trong thời gian khi Nghị quyết 30 với hàng loạt cơ chế đặc thù sẽ có hiệu lực.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, đây là những vụ việc “hết sức đau lòng”. Nhìn nhận về nguyên nhân, ông Long cho rằng một phần do cơ chế, do sự hướng dẫn và đặc biệt những vi phạm này mang tính cá nhân. Ông lấy ví dụ về quy định về đấu thầu đã có cụ thể nhưng sai phạm vẫn xảy ra.

Bộ trưởng Y tế cũng cho biết Bộ tiếp tục rà soát những hướng dẫn, thể chế liên quan đến quản lý và tăng cường kiểm tra, giám sát mua sắm, đấu thầu, phân cấp phân quyền.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) tiếp tục tranh luận về sai phạm kinh tế xảy ra tại bệnh viện khiến hàng loạt bác sĩ rơi vào vòng lao lý. Đại biểu Cường cho rằng phần trả lời của Bộ trưởng Long về những giải pháp chưa thật sự thỏa đáng.

Thứ nhất, về giải pháp phân quyền cho một cấp phó chuyên phụ trách về kinh tế, ông Cường cho rằng dù có phân công cho cấp phó nhưng nếu có sai phạm người đứng đầu vẫn phải chịu trách nhiệm. Do vậy có thể người đứng đầu vẫn bị sai phạm trong “vô thức”.

Về trách nhiệm của cơ quan quản lý, ông Cường cho rằng theo quy định hàng năm, cơ quan chức năng của cơ quan chủ quản, cơ quan kiểm toán, thanh tra đều phải duyệt quyết toán đối với phần vốn ngân sách, còn hoạt động về vốn của đơn vị tự quyết định phải kiểm tra báo cáo tài chính.

“Những cơ quan này có chuyên môn về quản lý kinh tế mà còn không phát hiện sai phạm vậy làm sao những giáo sư, bác sĩ chỉ biết đọc bệnh án phát hiện được”, đại biểu Cường nêu.

Dẫn quy định Luật Phòng chống tham nhũng về những sai phạm xảy ra sau khi có thanh tra, kiểm tra, kiểm toán thì những người thực hiện chức năng này cũng phải chịu trách nhiệm. Ông Cường hỏi thêm cơ quan công an, kiểm soát liệu có bỏ sót tội phạm hay không?

Trả lời đại biểu Hoàng Văn Cường, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, theo quy định của Đảng, người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm khi sai phạm xảy ra trong đơn vị của mình. Nếu đơn vị xảy ra sai phạm dù trực tiếp hay gián tiếp thì người đứng đầu vẫn phải chịu trách nhiệm.

Bộ trưởng Y tế cũng cho biết cơ quan này chịu trách nhiệm chỉ đạo về chuyên môn, kỹ thuật trên cả nước. Vấn đề kiểm tra, tài chính, mua sắm, đấu thầu thanh tra kiểm tra là trách nhiệm của UBND các tỉnh, thành phố quản lý.

Mặt khác, Bộ Y tế cũng tổ chức các đoàn kiểm tra, thanh tra liên ngành nhưng chỉ về mặt chuyên môn. Trước những sai phạm xảy ra trong thời gian qua, Bộ Y tế đã có văn bản nhắc nhở các địa phương, các đơn vị trực thuộc tăng cường kiểm tra, giám sát và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long trả lời chất vấn trong buổi sáng nay và 15 phút buổi chiều để làm rõ các nội dung chất vấn liên quan đến việc phòng, chống dịch bệnh, chiến lược ứng phó với dịch bệnh và chiến lược vaccine.

 

Theo chương trình, sau phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long là phần làm việc của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Minh Nguyệt - Mạnh Hùng


Đại biểu chất vấn: Cơ quan công an, kiểm soát có bỏ sót tội phạm không?