Đại biểu chất vấn: Bộ Y tế buông lỏng, không quản lý giá xét nghiệm Covid-19

Giúp NTDVN sửa lỗi

Là người đầu tiên ngồi "ghế nóng", Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã nhận được hàng loạt chất vấn của các đại biểu.

Chương trình chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên của Quốc hội khóa XV bắt đầu lúc 8h sáng nay (10/11) với Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long.

Là người đầu tiên ngồi "ghế nóng", Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã nhận được hàng loạt chất vấn của các đại biểu.

Bộ Y tế buông lỏng, không quản lý giá xét nghiệm Covid-19

Đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) gửi chất vấn đến Bộ trưởng về việc loạn giá xét nghiệm Covid-19. Đại biểu Hoà cho biết, có thông tin trên báo đài đưa tin rằng Bộ Y tế đã buông lỏng, không quản lý giá xét nghiệm Covid-19, có nơi thu đến 450.000 đồng/xét nghiệm, gây bức xúc cho người dân. Ông đặt câu hỏi liệu có lợi ích nhóm không và trách nhiệm của Bộ trưởng trong vấn đề này.

Đại biểu Hòa cho rằng Bộ Y tế không kiểm soát là thiếu sót. Trong một quận mà giá xét nghiệm khác nhau.

Ông Hòa còn cho biết vừa qua ông xét nghiệm ngoài vỉa hè sân bay Tân Sơn Nhất mất hơn 400.000 đồng, theo ông "giá vậy tội cho dân". Nếu Bộ đã quy định giá mới thì phải kiểm soát.

Bên cạnh đó, đại biểu tỉnh Đồng Tháp cũng muốn Bộ trưởng trả lời về tình trạng tiêu cực trong đội ngũ lãnh đạo bệnh viện. Ông hỏi liệu ngành y tế đã tính đến tách bạch giữa nhiệm vụ chuyên môn và nhiệm vụ quản trị của lãnh đạo các cơ sở y tế chưa.

đại biểu phạm văn hoà đồng tháp
Đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) trong phiên chất vấn Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long sáng 10/11.

Với vấn đề giá xét nghiệm, giá trang thiết bị sinh phẩm mà đại biểu Phạm Văn Hòa nêu, có hay không lợi ích nhóm, ông Long cho biết, trang thiết bị y tế, sinh phẩm không thuộc mặt hàng quản lý giá theo Luật Giá, nên có nhiều mức giá khác nhau giữa các hãng sản xuất, các công ty sản xuất, các thời điểm.

"Giá khẩu trang, găng tay, máy thở khan hiếm trên thị trường nên có tình trạng tranh mua ở thời điểm ban đầu. Nhưng thời gian qua đã có hạ giá. Bộ Y tế đã từng bước minh bạch hóa cung ứng vật tư, sinh phẩm y tế. Tháng 7/2021 yêu cầu công ty công khai niêm yết giá trên cổng của Bộ Y tế với hơn 69.000 sản phẩm, triển khai đấu thầu và cung ứng", ông Long nói.

Bộ cũng yêu cầu doanh nghiệp tăng nguồn cung, hạ giá thành sản phẩm, tăng cường cấp phép tạo cạnh tranh giữa các đơn vị, với 131 sản phẩm sinh phẩm xét nghiệm. Tăng cường vận động tài trợ từ các nước với trên 50 triệu test.

Ông Long cũng nêu ra yêu cầu về việc giảm giá thành, theo đó, Bộ đã có hướng dẫn về gộp mẫu với cả test nhanh (gộp 3-5) và test PCR (gộp 10-20), thực hiện ở nhiều tỉnh, thành.

Việc tăng cường giảm giá thành là yêu cầu đặt ra nên Bộ Y tế hướng dẫn trong gộp mẫu, cho phép về mặt chuyên môn và giảm giá thành. Chiến lược xét nghiệm tùy từng thời điểm, có điều chỉnh phù hợp.

Bộ cũng đã có văn bản yêu cầu thực hiện theo phương thức thực thanh thực chi. Người dân tự nguyện, thu phí chỉ được phép thu theo đúng giá đầu vào, nên có sự chênh lệch giá khác nhau giữa các bên. Nhưng ông Long cũng thừa nhận do quá bận chống dịch nên có địa phương thực hiện thu giá xét nghiệm chưa phù hợp.

F1 tiêm 2 mũi vẫn cách ly tập trung?

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) đề cập đến sự hoang mang của người dân, đặc biệt là người dân ở Thủ đô Hà Nội, mặc dù đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, thực hiện 5K đầy đủ, nhưng chỉ cần đi chung thang máy với F0 vài chục giây cũng bị đưa đi cách ly tập trung trong 14 ngày. Đại biểu Cường đề nghị Bộ trưởng nêu quan điểm về vấn đề này.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình)
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) chất vấn Bộ trưởng.

Về vấn đề này, ông Long cho biết, lãnh đạo Bộ đã trao đổi với TP. Hà Nội và nêu quan điểm trong một số trường hợp không bắt buộc cách ly tập trung 14 ngày. Hướng dẫn của Bộ Y tế đã nêu rõ có thể cách ly tại nhà 7 ngày. Ông Long cũng đề nghị các địa phương áp dụng hướng dẫn của Bộ Y tế, cách ly theo phân cấp nguy cơ đối với người tiêm 2 mũi, 1 mũi, chưa tiêm, F0 khỏi bệnh để phù hợp với Nghị quyết 128 của Chính phủ.

Ông cho biết chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn thì các địa phương cần quản lý rủi ro, tạo sự ổn định, thống nhất đồng bộ trên cả nước.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) chất vấn về việc Nghị quyết 128 của Chính phủ hiện nay các địa phương mỗi nơi một khác. "Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để thực hiện Nghị quyết 128 đồng bộ trên phạm vi cả nước?", bà Yến chất vấn.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh diễn biến dịch phụ thuộc nhiều vào từng địa phương nên các địa phương vừa qua căn cứ vào địa bàn, quy mô dân số và nhiều yếu tố khác để thực hiện các biện pháp khác nhau, nhưng khi Nghị quyết 128 ra đời thì cơ bản tất cả áp dụng đồng bộ. Lãnh đạo ngành Y tế mong các địa phương lưu ý thực hiện đúng theo Nghị quyết 128.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long trả lời chất vấn trong buổi sáng nay và 15 phút buổi chiều để làm rõ các nội dung chất vấn liên quan đến việc phòng, chống dịch bệnh, chiến lược ứng phó với dịch bệnh và chiến lược vaccine.

 

Theo chương trình, sau phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long là phần làm việc của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Minh Nguyệt - Mạnh Hùng


Đại biểu chất vấn: Bộ Y tế buông lỏng, không quản lý giá xét nghiệm Covid-19