Đề xuất bỏ quy định tuổi tối đa của người lái xe ôtô, nên hay không?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đề xuất bỏ quy định tuổi tối đa đối với lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ giúp các tài xế còn đủ sức khoẻ không phải nghỉ hưu sớm, cũng như các doanh nghiệp không phải gặp khó khăn trong việc tuyển dụng.

Tại dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an - cơ quan chủ trì soạn thảo - đã đề xuất bỏ quy định tuổi tối đa của người điều khiển xe ôtô chở người trên 30 chỗ là 50 tuổi đối với nữ và 55 tuổi đối với nam như quy định hiện hành.

Thay vào đó, dự thảo luật này chỉ quy định: Người đủ 18 tuổi trở lên được điều khiển xe mô tô, xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ, phương tiện giao thông thông minh, xe máy chuyên dùng.

Ngoài ra, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải có sức khỏe phù hợp với từng loại phương tiện được phép điều khiển.

Ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội, cho biết trên báo Giao Thông, theo quy định hiện hành, tuổi lao động của lái xe hạng E chỉ kéo dài 28 năm, thấp hơn nhiều so với các hạng giấy phép lái xe khác (được hành nghề trong khoảng từ 18-60 tuổi).

Trong bối cảnh độ tuổi lao động ở Việt Nam đang tăng, việc nâng tuổi tối đa của tài xế có giây phép lái xe hạng E lên cho đến khi nghỉ hưu theo Bộ luật Lao động (tức bỏ quy định tuổi tối đa của tài xế vận tải) là hợp lý, từ đó giúp các doanh nghiệp tận dụng nguồn lao động có kinh nghiệm.

Ông cho rằng, với các tài xế chuyên nghiệp, độ tuổi từ 40-60 tuổi được coi là độ tuổi "chín" trong sự nghiệp, họ là những người dày dạn kinh nghiệm, cẩn trọng khi điều khiển phương tiện, nhờ đó cũng hạn chế va chạm, tai nạn trên đường.

"Hiện đã có quy định các doanh nghiệp phải kiểm tra sức khỏe định kỳ tài xế 6 tháng/lần, do đó không cần quá lo lắng về rủi ro của việc tăng tuổi lái xe", ông Thông lý giải.

Tài xế Đặng Đình Cường - Công ty Tình Nghĩa - chia sẻ: "Sang năm sau, tôi 55 tuổi. Tuy nhiên, tôi cảm thấy sức khỏe của mình vẫn tốt, kiểm tra mắt vẫn 10/10, dù lái xe nhiều giờ nhưng không cảm thấy đau lưng. Tôi cho rằng mình có thể tiếp tục điều khiển xe chở người trên 30 chỗ thêm ít nhất 5 năm nữa. Tuy nhiên, vấn đề sức khỏe đảm bảo hay không cũng tùy từng tài xế. Do đó, cần quan tâm đến vấn đề kiểm tra sức khỏe định kỳ lái xe, nếu ai đủ điều kiện về sức khỏe thì cho phép tiếp tục sử dụng GPLX hạng E, nếu không thì buộc phải xuống hạng."

Ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát (hãng xe Sao Việt chuyên chạy tuyến Hà Nội - Lào Cai) cho biết trên báo Người Lao Động, rằng nhiều tháng nay công ty rất khó trong việc tìm tài xế có giấy phép lái xe hạng E nhằm thay thế cho loạt lái xe đã bước sang tuổi 55.

Theo quy định hiện hành, những lái xe này buộc phải chuyển giấy phép lái xe xuống hạng D, không còn đủ điều kiện để điều khiển phương tiện trên 30 chỗ.

Cũng theo ông Bằng, điều kiện để nâng hạng giấy phép từ hạng D lên hạng E rất chặt chẽ vì cần có ít nhất 3 năm kinh nghiệm hành nghề, có tối thiểu 50.000 km lái xe an toàn nên số tài xế có giấy phép hạng E hiện nay rất ít.

Còn ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho biết rất nhiều doanh nghiệp vận tải phản ánh tình trạng lái xe còn sức khỏe nhưng do hạn chế độ tuổi theo quy định nên không được đổi giấy phép lái xe dù chưa đến tuổi nghỉ hưu. Những tài xế này đều từ 50-55 tuổi nên rất khó xin việc khác, trong khi doanh nghiệp tuyển dụng mới gặp nhiều khó khăn.

Việt Nam Xã hội

Đề xuất bỏ quy định tuổi tối đa của người lái xe ôtô, nên hay không?