Dự thảo luật đề xuất trích 70% tiền xử phạt cho cảnh sát giao thông

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong dự thảo mới nhất của Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, lực lượng cảnh sát giao thông được đề xuất trích không thấp hơn 70% khoản tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ sau khi nộp vào ngân sách nhà nước. Đồng thời, không thấp hơn 30% khoản tiền thu được từ đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách trung ương.

Mục đích của đề xuất này là để phục vụ công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ, tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị, hiện đại hóa lực lượng cảnh sát giao thông.

Tuy nhiên đề xuất này đang gây ra nhiều tranh cãi.

Dư luận phản đối

Trang Pháp luật online đăng tải một số ý kiến của độc giả phản đối đề xuất trên.

"Tôi mong Quốc hội xem xét vấn đề này! Việc xử phạt hành chính đã có luật, tiền xử phạt về ngân sách là bao nhiêu thì tôi cũng biết từ nhiều năm rồi nhưng vấn đề là giữ lại tới 70% thì là quá vô lý. Cảnh sát giao thông hay các lực lượng chấp pháp đều ăn lương ngân sách nhà nước theo cấp bậc mà còn hưởng những đặc quyền này thì sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới ngành công an. Đối với cảnh sát giao thông như vậy còn các ngành khác thì sao?", một bạn đọc viết.

"Là một cảnh sát giao thông nhiệm vụ là giữ gìn an ninh trật tự quốc gia, lương hưởng đầy đủ chế độ của nhà nước thì tại sao còn có phần này? Trích như vậy sẽ làm thất thu ngân sách nhà nước. Thiết nghĩ nên tăng lương cho cảnh sát giao thông sẽ phù hợp với cơ chế đặc thù của cảnh sát giao thông hơn là hưởng % cao. Như vậy là không hợp lý với chính sách nhà nước và còn gây nhiều hệ lụy như đút lót, chạy tiền vào ngành cảnh sát giao thông", người khác có ý kiến.

Hầu hết ý kiến độc giả đều không đồng tình với đề xuất trên. Họ cho rằng:

  • Việc xử phạt hành chính đã được quy định rõ ràng trong luật.
  • CSGT được hưởng lương từ ngân sách nhà nước và chế độ đặc thù, nên không hợp lý khi được trích thêm 70% tiền phạt.
  • Việc trích tiền phạt sẽ gây thất thu ngân sách nhà nước.
  • Đề xuất này có thể dẫn đến tiêu cực, đút lót và chạy tiền trong ngành CSGT.

Ý kiến của cơ quan làm luật

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội, ông Hoàng Thanh Tùng, đề nghị cần làm rất rõ ràng, mạch lạc, đảm bảo sự thống nhất trong đề xuất trích 70% tiền xử phạt cho cảnh sát giao thông.

Theo báo Tuổi trẻ, ông Tùng nêu ra một số vấn đề cần làm rõ:

  • Tính phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành: Đề xuất trích 70% tiền xử phạt cho cảnh sát giao thông cần được đánh giá tác động đến ngân sách nhà nước và tính phù hợp với các luật liên quan, đặc biệt là Luật Xử lý vi phạm hành chính.
  • Nguyên tắc chung về chính sách trích tiền: Cần thiết lập nguyên tắc chung về chính sách trích tiền xử phạt vi phạm hành chính, thay vì quy định riêng lẻ cho từng lĩnh vực như giao thông.
  • Tính thống nhất với các quy định khác trong dự thảo luật: Đề xuất trích 30% khoản tiền thu được từ đấu giá biển số xe cũng cần được làm rõ hơn để đảm bảo sự thống nhất với các quy định khác trong dự thảo luật, cũng như các luật liên quan như Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Ông Tùng nhấn mạnh rằng việc đầu tư cho lực lượng cảnh sát giao thông và công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ là cần thiết. Tuy nhiên, cách thức đầu tư cần được cân nhắc kỹ lưỡng, đảm bảo sự thống nhất và phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành.

Trước đó, hồi năm 2020, dư luận cũng đã quan tâm đến thông tin lực lượng công an được giữ lại 70% số tiền từ việc xử lý vi phạm giao thông.

Khi đó, Cục Cảnh sát giao thông cho biết, thông tin trên có trong Thông tư số 89/2007/TT-BTC ngày 25/7/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc thu, nộp tiền phạt, quản lý, sử dụng tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt và đường thuỷ nội địa. Tuy nhiên, thông tư này đã hết hiệu lực, theo báo Lao động.

Dương Minh

Việt Nam Xã hội

Dự thảo luật đề xuất trích 70% tiền xử phạt cho cảnh sát giao thông