Gen Z già nhanh hơn thế hệ trước

Giúp NTDVN sửa lỗi

Số liệu thống kê cho thấy, những người thuộc thế hệ Gen Z không những trông già trước tuổi, mà họ còn sớm bị mắc bệnh của người trung niên, cao niên.

Nói cách khác, tuổi tế bào hoặc tuổi sinh học của gen Z lớn hơn đáng kể so với tuổi thật. Họ dễ mắc một số loại ung thư, đặc biệt là ung thư phổi, đường tiêu hóa và tử cung. Các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng tỷ lệ phát triển ung thư tăng dần theo mỗi thế hệ sinh sau năm 1995. Gen Z cũng có nguy cơ phát hiện các căn bệnh mạn tính, nguy hiểm khác sớm hơn nhiều so với bậc cha mẹ.

Nghiên cứu do các nhà khoa học từ Trường Y thuộc Đại học Washington thực hiện. Họ đã sử dụng dữ liệu xét nghiệm máu từ Ngân hàng sinh học (Biobank) của Anh – nơi chứa thông tin y tế và di truyền cho nửa triệu người trưởng thành nước này để xem xét độ tuổi sinh học.

Cụ thể, người được coi là lão hóa nhanh có nguy cơ khởi phát ung thư phổi sớm hơn gấp đôi, nguy cơ phát triển khối u đường tiêu hóa cao hơn 60% và nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung cao hơn 80%. Các nhà nghiên cứu Đại học Bristol sử dụng mô hình tương tự và nhận thấy nguy cơ ung thư ruột tăng 12% khi tăng một tuổi sinh học.

Theo giáo sư Ilaria Bellantuono, đồng giám đốc Viện Tuổi thọ Sức khỏe tại Đại học Sheffield, ý tưởng thế hệ trẻ đang lão hóa nhanh hơn so với giai đoạn trước là có cơ sở. Giới khoa học trong những năm gần đây nhận thấy gen Z mắc nhiều loại bệnh vốn chỉ phát triển ở người lớn tuổi. Lão hóa sinh học là một trong những yếu tố gây nên các căn bệnh đó. Quá trình lão hóa nhanh cũng làm tăng nguy cơ phát triển các bệnh mạn tính, tương tự việc hút thuốc ở người ung thư phổi.

Các nhà khoa học nhiều lần cảnh báo về "đại dịch" ung thư khởi phát sớm trên khắp thế giới. Theo số liệu thống kê, từ đầu những năm 1990 đến 2018, tỷ ung thư ở những người từ 25 đến 49 tuổi tại Anh tăng 22%. Con số lớn hơn bất kỳ nhóm tuổi nào khác, cao hơn hai lần so với những năm 70.

Cuộc điều tra do tiến sĩ Shuji Ogino, chuyên gia dịch tễ Đại học Harvard thực hiện cho thấy tỷ lệ ung thư tăng đều đặn kể từ giữa thế kỷ 20. Ông cho biết mỗi thế hệ tiếp nối kể từ năm 1950 đều có nguy cơ mắc ung thư khởi phát sớm cao hơn.

Ở những người trẻ, khỏe mạnh, tế bào thường tự sửa chữa và làm mới. Nhưng khi họ già đi tự nhiên hoặc lão hóa sớm, quá trình tự chữa lành của cơ thể gặp nhiều trục trặc.

Các tế bào có thể tích tụ những tổn thương không phục hồi được, biến thành "tế bào thây ma", gây viêm, gây nhiều bệnh tật, bên cạnh ung thư.

Các thói quen về lối sống cũng dễ già nhanh

Dữ liệu từ Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) cho thấy số người dưới 40 tuổi được điều trị đau tim cũng tăng 38% trong một thập kỷ, từ 1.700 người năm 2012-2013 lên 2.300 người năm 2022-2023. Mức tăng lớn nhất (89%) là ở độ tuổi 20-24.

Tình trạng này lặp lại với bệnh tiểu đường. Báo cáo Tiểu đường Quốc gia mới, công bố tháng 12 năm ngoái cho thấy số người mắc đã tăng 11,6% kể từ năm 2017 đến năm 2022. Con số đặc biệt cao đối với người trẻ: 18% ở người dưới 40, 21% ở người 12-25 tuổi. Số trẻ dưới 12 tuổi mắc bệnh mạn tính tăng vọt 66% trong 4 năm, từ 90 lên 150 người.

Nghiên cứu phát hiện quá trình lão hóa nhanh chóng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của tiểu đường type 2. Người dưới 40 tuổi mắc tiểu đường sẽ giảm 15 đến 16 năm tuổi thọ.

Giới chuyên gia chưa hiểu rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Một số người phỏng đoán yếu tố di truyền, lối sống, chế độ ăn uống và môi trường đóng vai trò quan trọng. Nhiều nhà khoa học cho rằng "đại dịch" thuốc lá điện tử ở gen Z có thể gây ra tình trạng lão hóa sớm. Dù an toàn hơn hút thuốc, nicotin trong thuốc lá điện tử vẫn có thể phân hủy collagen, loại protein giữ cho da săn chắc và đầy đặn. Thói quen này có thể đẩy nhanh quá trình hình thành nếp nhăn.

Bên cạnh đó, các bệnh tâm lý ngày càng gia tăng cũng khiến người trẻ già đi nhanh hơn. Theo NHS, cứ 5 người từ 20 đến 25 tuổi thì một người bị rối loạn sức khỏe tâm thần. Tiến sĩ Julian Mutz, nhà nghiên cứu tại Cao đẳng King London, nhận định người trầm cảm có telomere ngắn hơn theo tuổi tác. Đây là loại màng bọc DNA - thước đo tuổi sinh học.

Gen Z cũng là "thế hệ cô đơn" khi dành nhiều thời gian lên mạng xã hội, Khoảng 73% người được khảo sát trong nghiên cứu của Trường Y thuộc Đại học Washington cho biết họ thường xuyên cảm thấy cô đơn. Theo tiến sĩ Vivek Murthy, cảm giác cô đơn dai dẳng gây tổn hại cơ thể tương đương với việc hút 15 điếu thuốc mỗi ngày. Người bị cô lập về mặt xã hội có nguy cơ tử vong sớm cao hơn 32%.

Nỗi lo sợ già đi của Gen Z

Emma Brooks là một TikToker có tầm ảnh hưởng, bản thân cô chưa từng suy nghĩ về tuổi già, thế nhưng khi vừa bước sang tuổi 20, cô đã bắt đầu lo lắng về điều này.

"Tôi dần cảm thấy hoảng sợ", Emma nói. "Tôi thấy mình trông khác đi so với hai năm trước… Tôi sẽ trông như thế nào sau 5 năm nữa?".

Thông thường, người ta sẽ chỉ nhận thấy các vấn đề về ngoại hình sau khi sinh nở hoặc bước qua tuổi 35. Thế nhưng, những người trẻ thuộc Gen Z (thế hệ được sinh ra trong khoảng thời gian từ năm 1997 đến năm 2012), mặc dù lớp tuổi lớn nhất mới chỉ khoảng 26 tuổi nhưng đã có ý thức về việc bản thân trông già đi.

"Phòng bệnh hơn chữa bệnh" đã trở thành phương châm sống, theo phân tích của Circana – một công ty nghiên cứu thị trường, Gen Z đang ưu tiên lựa chọn các sản phẩm trang điểm giàu thành phần chống lão hóa như giảm nếp nhăn và chỉ số chống nắng SPF cao.

Trong số đó có đến 70% sử dụng huyết thanh chống lão hóa hàng ngày. Peachy, một công ty khởi nghiệp trong ngành Botox, cho biết Gen Z là nhóm khách hàng tiềm năng nhất của họ.

Minh chứng cho xu hướng này, đầu năm nay, trên nền tảng TikTok đã có rất nhiều video cùng chủ đề: "Những điều tôi làm để làm chậm quá trình lão hóa khi còn là một đứa trẻ 14 tuổi" và được lan truyền rộng rãi trong giới trẻ.

Larissa Jensen, cố vấn làm đẹp tại Circana cho biết: "Thế hệ này bị ảnh hưởng và đang tiếp nối thói quen chăm sóc da của thế hệ đi trước".

Ngày nay, những người ở độ tuổi 20 mặc dù đến gặp bác sĩ da liễu vì những mối quan tâm khác như mụn hay viêm da, nhưng sau cùng, hầu hết trong số họ đều hướng cuộc trò chuyện về vấn đề lão hóa.

Nhờ Instagram, TikTok và các trang mạng xã hội khác, mọi người đang dành nhiều thời gian hơn bao giờ hết để quan tâm đến khuôn mặt của mình. Họ thường chia sẻ các thói quen chăm sóc da nhằm "ngăn ngừa lão hóa và hình thành nếp nhăn", bao gồm mọi thứ từ bôi retinoids, vitamin C và kem chống nắng cho đến dán băng kéo căng da mặt vào ban đêm và tiêm "baby Botox".

Nền tảng cung cấp thông tin bán lẻ Trendalytics cho biết số lượt tìm kiếm và các thông tin lan truyền trên mạng xã hội xung quanh Botox, chất làm đầy da và retinol đã tăng 63% trong năm nay.

Jensen cho biết, Gen Z có nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng và cũng có hiểu biết nhiều hơn về việc chăm sóc da, quá trình lão hóa và sự tác động của các tác nhân gây ô nhiễm môi trường hơn bất kỳ thế hệ nào trước đó.

Dylan Heberle, một thanh niên 26 tuổi, là một ví dụ. Dylan coi việc chăm sóc da của mình quan trọng như chăm sóc sức khỏe và luôn đề cao vai trò của kem chống nắng, trước hết để ngăn ngừa ung thư da, sau là lợi ích ngăn ngừa nếp nhăn. Anh coi việc chăm sóc da hàng đêm của mình giống như thói quen tập thể dục hàng ngày.

Diala Haykal, một bác sĩ da liễu cho biết, những người trẻ bây giờ muốn tập trung vào việc làm chậm quá trình lão hóa hơn là phải đi khắc phục các vấn đề sau này. Vì thế, việc phổ biến phương pháp "trẻ hóa" là sự thay đổi đáng kể nhất trong lĩnh vực da liễu và thẩm mỹ trong hai thập kỷ qua ở nhóm tuổi này.

 



BÀI CHỌN LỌC

Gen Z già nhanh hơn thế hệ trước