Hôn nhân thực sự cần không phải tình yêu mà là hai chữ này

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tình yêu chân chính là sau khi bước đến hôn nhân, thì sẽ dần dần thăng hoa, tuy không nồng thắm như thuở ban đầu, nhưng lại có thể khiến hai người nhanh chóng trưởng thành, trở thành những người có khả năng gánh vác mọi gánh nặng cuộc đời.

Mọi người phổ biến cho rằng, hôn nhân dựa trên cơ sở tình yêu là hôn nhân hoàn mỹ nhất.

Nhưng trên thực tế, sau khi bước vào hôn nhân, tình yêu thường không vượt qua được những thử thách của cuộc sống nhỏ nhặt vụn vặt thường ngày, và rất nhanh chóng bị nhạt phai.

Những cuộc hôn nhân vượt qua những thử thách lâu dài, mà vẫn giữ được sự hài hòa ổn định, đều không dựa vào bản thân tình yêu, mà dựa vào tín ngưỡng đối với tình yêu, và sự kính úy đối với hôn nhân.

Tình yêu, kỳ thực không cần trang điểm, vỏ bọc hoa lệ, bởi càng bình thường, chân thực thì càng kiên định.

Hôn nhân, kỳ thực không cần sự lãng mạn khiến mọi người ngưỡng mộ, mà cần vợ chồng đồng lòng, cùng gánh vác trách nhiệm, dắt tay nhau vượt qua những gió gió mưa mưa của cuộc đời.

Khi yêu, có thể say sưa nói chuyện tình cảm yêu thương, có thể vui vẻ như đứa trẻ, đôi khi phóng túng, có lúc nũng nịu, có lúc cãi cọ, đều là những thú vị của tình yêu. Nhưng sau khi kết hôn, thì phải học làm người lớn chân chính.

Thế nào là người lớn chân chính? Không phóng túng, không làm nũng, như thế đã là người lớn chân chính chăng? Hoàn toàn không phải vậy.

Người lớn chân chính cũng có tâm trạng, nhưng có thể khống chế được tâm trạng. Người lớn chân chính sẽ không coi tình yêu là tối cao, mà sẽ coi trách nhiệm ở vị trí thứ nhất.

Người lớn chân chính sẽ hiểu rõ, điều mà hôn nhân cần nhất không phải là tình yêu, mà là hai chữ: gánh vác.

Điều mà hôn nhân cần nhất không phải là tình yêu, mà là hai chữ: gánh vác. (Ảnh: pexels)

Gánh vác trách nhiệm của hôn nhân

Tình yêu như chuyện cổ tích, hôn nhân là cuộc sống. Tình yêu trong cổ tích luôn có cái kết là: “từ đó, hoàng tử và công chúa sống một cuộc sống tươi đẹp, hạnh phúc”.

Nhưng tình yêu trong cuộc sống hiện thực, thì từ ngày bước vào cuộc sống hôn nhân chính là bước ngoặt có tính lịch sử.

Hôn nhân dựa trên tình yêu, rõ ràng sẽ hạnh phúc hơn hôn nhân mà kết hôn chỉ vì kết hôn, nhưng loại hạnh phúc này có lâu bền hay không, thì lại quyết định bởi việc hai vợ chồng có thể cùng nhau gánh vác trách nhiệm hôn nhân hay không.

Trách nhiệm hôn nhân là gì?

Trách nhiệm hôn nhân là cùng nhau xây dựng mái ấm gia đình, cùng nhau nuôi dạy con cái, cùng nhau chăm sóc cha mẹ già.

Đó chính là những trách nhiệm cơ bản, tuy nhiên, cũng có người không muốn gánh vác những trách nhiệm đó.

Có một bà mẹ trẻ lên mạng chia sẻ rằng, cô mới sinh em bé được mấy tháng, tất cả việc trong nhà cô đều phải làm, cô không làm thì không có ai làm. Chồng cô đi làm về liền ngồi sofa chơi điện thoại, con khóc cũng chẳng dỗ, chỉ biết gọi cô.

Cô vừa nấu ăn vừa nói: “Có lẽ con đái đó, anh thay bỉm cho con đi”.

Anh chồng văng một câu: “Anh không biết làm”, rồi mặc kệ.

Buổi tối, đứa trẻ khóc quấy, đều là cô bế và dỗ con, anh chồng mặc kệ, và còn bực mình vì con khóc khiến anh không ngủ được, và thường quát mắng cô, nói cô rằng dỗ con cũng không biết đường dỗ.

Trong cuộc sống có rất nhiều đàn ông, vẫn giữ những quan niệm cổ hủ, trong nhà không làm gì, cho rằng những việc lặt vặt như làm việc nhà, trông con, chăm sóc con cái… đều là việc của phụ nữ, cho dù mình có nhàn rỗi thì cũng không muốn động tay làm.

Những người đàn ông như thế này, chính là người không nhận thức đúng đắn được rằng, bản thân mình cần phải gánh vác trách nhiệm hôn nhân như thế nào. Cứ như thế trong thời gian dài thì phụ nữ sẽ không thể nào nhẫn thêm được nữa, hôn nhân rất có thể sẽ đi đến đường cùng.

Gánh vác trách nhiệm cuộc sống

Khi còn đơn thân, thì sẽ không cảm nhận sâu sắc được áp lực đối với cuộc sống, dù sao thì một thân một mình, làm gì ăn gì cũng khá dễ dàng và đơn giản. Nhưng sau khi kết hôn, có con rồi, cha mẹ lại ngày ngày một già đi, thì tình hình sẽ không còn như trước nữa.

Hiện nay, rất nhiều người than thở rằng, đến tuổi trung niên, áp lực lớn như núi, mà vẫn phải cắn răng bước tiếp.

Đại đa số các gia đình hiện nay thì đàn ông là người chịu áp lực lớn nhất. Bởi đàn ông thường vẫn là trụ cột trong gia đình, phải gánh vác tất cả lo toan cho cả gia đình, cha mẹ, vợ con.

Nói chung, người đàn có tinh thần trách nhiệm càng lớn, càng có khả năng lo toan công việc, thì áp lực tinh thần cũng càng lớn. Nếu người vợ là phụ nữ thấu hiểu lòng người, biết an ủi chồng, thì đó chính là phúc khí cả đời của người đàn ông. Nếu người vợ là người phụ nữ thực dụng coi trọng vật chất, luôn ca thán oán trách cuộc sống, kể tội chồng, thì đó là nỗi thống khổ cả cuộc đời của người đàn ông.

Nếu muốn hôn nhân hài hòa, ổn định, lâu bền, thì vợ chồng phải cùng nhau gánh vác áp lực cuộc sống.

Áp lực cuộc sống không chỉ là áp lực kinh tế, mà còn có rất nhiều phương diện khác. Ví như, hai người đều là lần đầu tiên làm cha mẹ, cả hai đều không biết làm người cha tốt như thế nào, người mẹ tốt như thế nào, nên khi đối diện với đứa con quậy phá, không nghe lời, thì trong tâm khó tránh khỏi sốt ruột lo lắng.

Cưới nhau rồi, ai cũng muốn làm cha làm mẹ, nhưng khi được làm cha làm mẹ thì mới thấy thật khó khăn, và áp lực cũng ngày càng lớn.

Rất nhiều sự việc trong cuộc sống đều sẽ đem đến áp lực, trong đó, rất nhiều áp lực thì một người không thể nào gánh vác nổi, cần hai người chia sẻ gánh vác. Hiểu rõ đạo lý này và tích cực đối diện với thách thức, thì hôn nhân nhất định sẽ không có vấn đề.

Gánh vác rủi ro chưa biết

Cuộc đời đầy những sự việc chưa biết, đầy những biến số, chẳng ai biết được giây phút tiếp theo sẽ xảy ra những điều gì.

Đa số các cặp vợ chồng đều bỏ lỡ cơ hội được "trưởng thành" về mặt tinh thần và nhận thức, thậm chí là từ yêu hóa thành hận thù, cuối cùng đường ai nấy đi. (Ảnh: Shutterstock)
Đa số các cặp vợ chồng đều bỏ lỡ cơ hội được "trưởng thành" về mặt tinh thần và nhận thức, thậm chí là từ yêu hóa thành hận thù, cuối cùng đường ai nấy đi. (Ảnh: Shutterstock)

Có một cặp vợ chồng rổ rá cạp lại, người chồng rất tài giỏi, người vợ rất khôn ngoan, hai người đồng tâm hiệp lực gây dựng mái ấm gia đình, tình cảm vợ chồng cũng không có bất kỳ vấn đề gì.

Tuy nhiên, trời có gió mây bất trắc, người có lúc họa lúc phúc, người chồng đột nhiên ngã bệnh, đã tiêu tốn rất nhiều tiền chạy chữa, nhưng cũng chỉ là người nửa phế nhân, gầy như que củi, đi mấy bước cũng khó khăn, phải lập tức ngồi nghỉ.

Người vợ chăm sóc chồng một thời gian rất dài, sau không chịu nổi nỗi vất vả cùng đủ mọi áp lực đổ lên đầu cô, nên đã yêu cầu ly hôn. Họ vốn đều đã từng ly hôn một lần rồi, ai nấy đều có con riêng, nên ly hôn cũng khá dễ dàng. Chỉ là người chồng không muốn, cầu xin cô ở lại, nói rằng chờ anh khỏe lại, anh vẫn có thể kiếm được nhiều tiền.

Người vợ cảm thấy anh đã tiều tụy như thế này rồi, còn nói sau này gì nữa, nên cô không muốn nửa cuộc đời còn lại của mình chịu cực khổ, nên cương quyết muốn ly hôn.

Có câu cổ ngữ rằng: “Vợ chồng vốn là chim cùng rừng, khi đại nạn đến thì mỗi con bay một nơi”.

Đây cũng là nhân tính, cũng khó nói ai đúng ai sai. Nhưng nếu là người dám gánh vác rủi ro chưa biết, thì khi người kia lâm vào hoàn cảnh thống khổ nhất, bất lực nhất, họ sẽ không nhẫn tâm giũ áo ra đi.

Đời người đầy những rủi ro chưa biết, lựa chọn bước tới hôn nhân chính là dũng cảm gánh vác những rủi ro chưa biết của nhau, bất kể là giàu sang hay nghèo hèn, bất kể là khỏe mạnh hay bệnh tật, bất kể là thuận lợi hay nghịch cảnh, đều nên không xa rời không ruồng bỏ nhau. Đó mới là ý nghĩa chân chính của hôn nhân.

Thứ mà hôn nhân thực sự cần, không phải là tình yêu, mà là gánh vác. Gánh vác trách nhiệm hôn nhân, gánh vác áp lực cuộc sống, gánh vác rủi ro chưa biết.

Tình yêu là mộng ảo, nhưng cũng là chân chất. Hôn nhân là thế tục, nhưng cũng là thiêng liêng.

Tình yêu chân chính là sau khi bước đến hôn nhân, thì sẽ dần dần thăng hoa, tuy không nồng thắm như thuở ban đầu, nhưng lại có thể khiến hai người nhanh chóng trưởng thành, trở thành những người có khả năng gánh vác mọi gánh nặng cuộc đời.

Cuộc sống hôn nhân tuy cũng có sự thương cảm của tình yêu nhạt phai, nhưng đó chỉ là tâm trạng nhất thời, không có ảnh hưởng đối với hôn nhân. Bởi vì, điều mà hôn nhân thực sự cần, hoàn toàn không phải là tình yêu tha thiết, mà là niềm tin dám gánh vác tất cả.

Hoàng Mai
Theo Apollo



BÀI CHỌN LỌC

Hôn nhân thực sự cần không phải tình yêu mà là hai chữ này