Khải thị của Thần trong bệnh dịch

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bệnh dịch tràn lan chưa ngừng lại, nhân loại đang tìm lối thoát ra, kỳ thực, hãy quay về nguồn cội, suy ngẫm kỹ lại từ xưa đến nay, chân diện mạo của ôn dịch là gì, thì sẽ tìm ra phương cách hóa giải hiệu nghiệm.

Bệnh chứng của ôn dịch rất giống với cảm mạo thông thường, như đau đầu, phát sốt, ho, chảy nước mũi, tuy nhiên, từ góc độ Đông y cổ đại, hai bệnh chứng này thực chất không giống nhau.

Danh y nhà Minh Ngô Hựu Khả cho rằng, cảm mạo thông thường là: “Cảm thiên địa chi thường khí” (cảm do cái khí thông thường của trời đất), là do sự biến hóa bốn mùa khí tiết, ngoại cảm phong hàn mà lên, nhưng ôn dịch lại là : “Không do: gió, lạnh, nóng, ẩm thấp, mà là do một loại dị khí trong trời đất cảm ứng, nó được gọi là ‘lệ khí’”.

Ôn dịch là tà khí trong trời đất

Lưu Khuê thời Thanh trong “Tùng Phong thuyết dịch” nói rõ hơn: “Bệnh dịch là tà khí trong Trời Đất…nó đến và đi rất khó biết, nhưng nó nhất định là do nguyên nhân nào đó chiêu mời đến, đại để là do người ta đã làm điều sai trái thất đức, Thiên thời vận hành đảo loạn, khí tử thi oan khuất nhiều, độc khí biến hóa bốc hơi, dẫn đến sinh bệnh.”

Là cũng nói, ôn dịch là do thế đạo nhân tâm trầm luân bại hoại, lại thêm Thiên thời vận hành nghịch loạn, oán khí tử thi bốc lên, hợp trộn với nhau thành độc khí, cũng gọi “Tà khí”.

Tà khí xâm nhập, thể hiện trên thân thể người là loại khí nóng nhiệt, cho nên, người mắc dịch đều có biểu hiện phát sốt thân nóng, cũng gọi là “Nhiệt bệnh”, khi bệnh nặng, rất khó lý giải được bệnh chứng sinh ra.

“Hoàng Đế nội kinh” và Lưu Khuê đều ghi lại bệnh trạng của những người bị bệnh nặng khi ấy, bao gồm: Vài ngày không ăn, nói mê sảng không ngừng, mắt đỏ như lửa, tinh thần như say như ngốc, còn có người nằng nặc cởi bỏ y phục, ra ngoài đi loạn, cuồng ngôn chửi bới, thậm chí trèo lên nóc nhà, hát váng cả lên, hành vi tựa kẻ điên, khác hẳn lúc bình thường.

Đông y chẩn trị, gọi đó là “Nhiệt tà”

Cuốn y thư độc đáo “Tùng Phong thuyết dịch” nói: Tự cổ “Tà bất thắng Chính” (Tà không thể thắng Chính), dịch bệnh tuy khó lường, nhưng có thể trị được.

Trong “Tùng Phong thuyết dịch” của Lưu Khuê thời nhà Thanh, ghi chép rất nhiều các phương pháp trị bệnh dịch tự cổ chí kim, xem xét kỹ càng trên thực nghiệm, rồi diễn dịch ra “Tám phương pháp trị ôn dịch”.

Lưu Khuê, tự Văn Phủ, hiệu Tùng Phong, xuất thân từ gia đình quan lại, phụ thân Lưu Dẫn Lam là quan ở địa phương, bản thân ông tinh thâm y lý, ông đi khắp nam bắc, biết người dân bị bệnh, là ra sức cứu chữa.

Lưu Khuê lúc nhỏ yếu nhược, lại được cha dìu dắt, dần dần chuyển từ học Nho sang nghề y, lặn lội dân gian tìm tòi thảo dược và phương cách chữa trị, giúp những người bần hàn không có tiền mua thuốc, có thể dùng ngay những dược liệu dễ kiếm để trị bệnh. Qua tháng năm tích lũy, Lưu Khuê đã có phương thức độc đáo để trị liệu ôn dịch, viết lên hai cuốn “Ôn dịch luận loại biên” và “Tùng Phong thuyết dịch”, thậm chí đã lưu truyền tận Nhật Bản, rất được nghề y coi trọng.

Các phương pháp điều trị ôn dịch trong sách của Lưu Khuê rất độc đáo, không chỉ kế thừa các quan niệm trị dịch từ cổ đại, mà còn đưa vào đó nhiều tinh hoa thần diệu.

Lưu Khuê đã có phương thức độc đáo để trị liệu ôn dịch, viết lên hai cuốn “Ôn dịch luận loại biên” và “Tùng Phong thuyết dịch” (Ảnh Epoch Times)

Thần nhân truyền phương thuốc kháng dịch

Vào một năm, huyện Thái Hòa Giang Tây bùng phát ôn dịch, có một thầy thuốc giúp người khám bệnh, bận rộn mãi tới nửa đêm mới về nhà. Trên đường về, bỗng nhìn thấy phía trước có đoàn tùy tùng, xúm quanh một vị Thần nhân cưỡi ngựa, thầy thuốc vội vội quỳ xuống bái lạy.

Thần nhân đến trước mặt lớn tiếng hỏi: “Ngươi là ai?”

Thầy thuốc đáp: “Tôi là thầy thuốc”.

Thần nhân hỏi: “Hôm nay trị bệnh ngươi dùng thuốc gì?

Thầy thuốc trả lời: “Tùy theo mức độ hàn nhiệt của bệnh nhân, mà dùng thuốc trị liệu.

Thần nhân nói: “Không phải trị liệu như thế, phải dùng hương tô tán.”

Thầy thuốc y theo lời của Thần nhân dặn dò, lấy Hương phụ, Tía tô, Trần bì, Cam thảo điều chế thành thang “Hương tô tán”, dùng phương thuốc này, quả nhiên thần hiệu.

Lưu Khuê bình chú: Đây là phương thuốc của Thần truyền cho, trong đó hàm chứa ý nghĩa rất thâm sâu!

Thiên Thượng có đức hiếu sinh, lặng lẽ phù hộ, thông qua vị thầy thuốc mà quảng truyền diệu pháp giải cứu chúng sinh.

Ma nữ sợ tỏi

Thôn Đồng có một vị thầy thuốc họ Triệu, có lần đi khám bệnh, khi về thì trời đã tối, lại còn sắp mưa. Đến giữa đường, ông nhìn thấy ánh đèn le lói từ một căn nhà thấp, mưa mỗi lúc một nặng hạt, thế là ông đành gõ cửa xin tá túc. Trong nhà tiếng phụ nữ vọng ra: “Trong nhà không có đàn ông, không tiện cho ở nhờ.”

Ông Triệu xin nghỉ ở ngoài hiên, nữ nhân đồng ý.

Quá nửa đêm, nữ nhân mở cửa mời ông vào nhà, thầy thuốc nhất quyết chối từ, không dám vượt phép tắc, ai ngờ nữ nhân có lực khí rất mạnh, kéo tuột ông vào trong, rồi đòi ôm ấp.

Thầy thuốc Triệu thấy trong phòng đèn xanh leo lét mờ ảo, tay nữ nhân lại lạnh lẽo như băng, lập tức biết là đã gặp ma nữ, ông vội vàng tháo chạy, nhưng ma nữ dùng hai tay vòng qua cổ ông, rồi áp môi lên. Bỗng nhiên lúc ấy ma nữ mắc ói, mắng rằng: “Kẻ này ăn tỏi đun với rượu, thực hôi không chịu được!”, nói xong quay người đi mất. Thầy thuốc Triệu sợ quá, chẳng kể gió mưa, mở cửa chạy cho nhanh.

Hơn mười ngày sau, ông Triệu có việc phải đi qua nơi ấy, nhìn kỹ thì chỉ thấy một ngôi mộ cô độc.

Thầy thuốc Triệu cẩn thận giữ mình, không bị sắc làm mê hoặc, củ tỏi phát huy thần hiệu, cứu ông vào lúc nguy nan, quả thực thần kỳ!

Lưu Khuê hóm hỉnh bình luận: “Thế mới biết, tỏi đun với rượu là vị không thể thiếu để kháng dịch đó!”

Ngày nay, tỏi có thể nâng cao sức miễn dịch, là tri thức dưỡng sinh phổ biến của người hiện đại.


Tỏi đun với rượu là vị không thể thiếu để kháng dịch. (Ảnh wikipedia/ CC BY SA 3.0)

Trung thần lương tướng gặp Thần mộng:“Đại Hoàng” giải dịch bệnh.

Những trung thần lương tướng trong lịch sử, đều có phẩm cách trong sáng như châu ngọc, họ không những được Thần linh phù hộ mà còn tích đức rất nhiều.

Vị tể tướng cuối cùng thời Nam Tống là Trần Nghi Trung, tận lực chống đại quân xâm lược Mông Cổ. Khi Nam Tống diệt vong, lúc Hoàng đế tháo chạy đến Macao, ông vẫn tính kế sang biên thùy Việt Nam mượn binh lực để phản công đại quân Nguyên triều.

Sau khi quân Nguyên đánh vào Việt Nam, Trần Nghi Trung chạy sang nước Xiêm (nay là Thái Lan), cuối cùng, một tấm lòng trung nghĩa lưu lạc nơi xứ người, nhưng chính khí của ông đã làm lay động lòng người, thấm sâu bao thế hệ.

Trần Nghi Trung trung nghĩa vẹn toàn, phiêu dạt trong chiến loạn, một ngày, ông mộng thấy Thần nhân nói với ông: “Thiên tai khắp nơi, người chết nhiều do dịch bệnh, chỉ có ăn Đại Hoàng thì mới giữ được sinh mệnh.”

Trần Nghi Trung kể với mọi người giấc mộng này, không lâu sau quả nhiên phát sinh ôn dịch, rất nhiều người được cứu sống do nghe theo lời ông mà dùng Đại Hoàng chữa trị.

Trong dược liệu Đông y, “Đại Hoàng” có tác dụng thanh thấp nhiệt, hạ hỏa, mát huyết, tan ứ, giải độc.

Lương tướng nhà Nguyên là Gia Luật Sở Tài, khi trẻ theo Thành Cát Tư Hãn đánh Nam Kinh Linh Vũ, chư tướng tranh nhau chiếm đoạt tài vật cùng mỹ nữ, ông chỉ lẳng lặng nhặt mấy cuốn sách và hai bao Đại Hoàng.

Không lâu sau, trong quân có đại dịch, chỉ có uống Đại Hoàng thì mới khỏi bệnh. Hai bao Đại Hoàng mà Gia Luật mang về, đã cứu sống cả vạn mạng người!

Trong “Tùng Phong thuyết dịch’, biên tập các câu chuyện kỳ diệu gặp được, các phương thuốc trị dịch của các thầy thuốc, trung thần lương tướng. Trong khi ôn dịch hoành hành, vẫn thấy ánh quang từ bi của Thần khải thị, cùng ánh sáng của phẩm đức chiếu soi.

Bùa linh Thần chú cứu người

Điều hết sức độc đáo là trong tám phương thức trị ôn dịch của Lưu Khuê, có một phương pháp được nghiệm chứng rất hiệu quả đó là dùng bùa linh Thần chú.

Lưu Khuê nhận định, những linh thư mật phù là di sản quý giá di lưu lại từ thời viễn cổ, không phải là chuyện hoang đường hư ngôn vọng ngữ. Lúc sơ khai viễn cổ Phục Hy sáng tạo văn minh Thần thú Long Mã lưng đội “Hà đồ” từ Hoàng Hà nổi lên; ở Lạc thủy, một Rùa Thần cũng mang “Lạc thư” bơi tới. Phục Hy có được hai bộ này, dựa vào đó mà vẽ ra Bát Quái, Chu Văn Vương theo đó diễn dịch ra 64 quẻ, đồng thời viết quẻ từ, là “Dịch - Hệ từ”.

Hà đồ và Lạc thư chứa đựng ý chỉ huyền vi của Thần, là nguồn gốc văn hóa Hà Lạc của Trung Nguyên. Từ góc nhìn của Đạo gia thời viễn cổ, thì đó chính là nguồn gốc của bùa linh Thần chú.

Lưu Khuê từ Phật kinh, Đạo tạng, sao lục ra những linh phù mật chú. Ông nhận định, những kinh điển này đều ghi chép lại sự tích Thần Tiên tu luyện phi thăng, giúp người trị bệnh, đây không phải là mê tín tà thuyết, mà là căn cứ qua nghiệm chứng tự thân của ông, bùa linh Thần chú quả thực có thể dùng vào lúc mà thuốc chữa không còn công hiệu, cứu được mạng người.

Lưu Khuê dẫn “Ngự ôn kinh lược” để thuyết minh: Thần trong Trời Đất là từ bi vô tư, chăm sóc vạn vật, không có tâm phân biệt. Do nhân thế tự tư, không hành thiện hạnh, lại còn làm điều ác, cho nên để trừng phạt nhân loại, Ôn Thần mới giáng xuống độc khí, suy cho cùng tai họa chính do người ta chiêu mời đến.

Ngoài ra, sau khi người ta nhiễm dịch, đều không tự phản tỉnh xem mình đã làm điều gì sai trái, mà lại đi trách cứ Thần linh không bảo hộ họ, cho nên bệnh dịch càng ngày càng nặng thêm.

Ngoài việc uống thuốc điều dưỡng, khôi phục “Chính khí” của nhân thể, còn có thể đeo Thần phù (bùa) để tránh nạn, hàng ngày đọc niệm mật chú, Thần Phật sẽ ngày đêm coi sóc hộ vệ, ôn dịch bách Thần sẽ kính sợ. Thành kính đọc niệm trăm lượt, trăm quỷ sẽ chạy sứt đầu vỡ trán, tức khắc tản mất.

Đeo bùa linh, tụng niệm chân ngôn chú ngữ, luôn tồn tại trong tín ngưỡng văn hóa dân gian. Đến tận ngày nay, khi trẻ con bị sốt dai dẳng, khóc to không dừng, hoặc các vận thế không lành, đều dùng tập tục đeo Linh phù, niệm Linh chú để hóa giải.

Lưu Khuê trường kỳ hành tẩu dân gian chữa bệnh, cũng đã tận mắt nghiệm chứng thần hiệu siêu thường của chân ngôn Thần chú, thấu hiểu chỗ thiếu sót của phương thuốc, do vậy mới viết phần này vào “Ôn dịch thống trị bát pháp” (8 phương pháp trị ôn dịch).

Cận đại có một số người chỉ trích Lưu Khuê làm mê tín tà thuyết, kỳ thực, văn hóa Trung Hoa bác đại tinh thâm, rất nhiều điều linh nghiệm siêu việt khỏi lý giải của nhân loại, vẫn đang lưu truyền trong các ngõ ngách thôn xóm xa xôi, người không tận mắt nhìn thấy, e khó tưởng tượng ra nổi. Tất nhiên, các tiểu đạo tà pháp cũng vẫn có, quan trọng là làm thế nào để phân biệt ngọc châu và đá sỏi.

Trong “Tùng Phong thuyết dịch”, tiêu tốn nhiều giấy mực, ngoài việc bản thân là thầy thuốc tự tìm tòi, thâm nhập quan sát , phân tích để tìm ra phương thuốc trị liệu, ông còn tiếp thu dung hòa, học tập sự thâm sâu của y gia cổ đại cùng các giai thoại kỳ tích, cũng là âm thầm nhắc nhở thế nhân rằng: Thế gian còn có những lực lượng cao hơn, làm chủ sự đến đi của ôn dịch, cùng sinh tử của nhân loại. Từ tầng thứ cao hơn mà nhìn, thì quả là xa xôi rộng lớn vô cùng.

Thái Bình
Theo Lý Dực vân - Epochtimes

Nguồn tham khảo:

Ôn Dịch Luận của Ngô Hựu Khả
Tùng Phong Thuyết Dịch
Thanh Sử Cảo - Liệt truyện 289 - Nghệ thuật 1
Tống Sử quyển 480 - Liệt truyện 177



BÀI CHỌN LỌC

Khải thị của Thần trong bệnh dịch