Lỗ thủng tầng ozone tiếp tục thu hẹp vào năm 2022, theo NASA

Giúp NTDVN sửa lỗi

Diện tích lỗ thủng tầng ozone ở Nam Cực nhỏ hơn một chút so với năm ngoái và tiếp tục xu hướng thu hẹp tổng thể của những năm gần đây. Một điều rất may là lỗ thủng ozone chỉ xuất hiện ở các vùng cực Trái đất, nơi có rất ít người sinh sống.

Lỗ thủng tầng ozone ở Nam Cực đạt diện tích trung bình 23,2 triệu km vuông trong khoảng thời gian từ ngày 7/9 đến ngày 13/10 năm 2022.

Paul Newman, trưởng bộ phận khoa học Trái đất tại Trung tâm Chuyến bay Vũ trụ Goddard của NASA ở Greenbelt, Maryland, cho biết: “Theo thời gian, tiến trình ổn định đang được tiếp tục và lỗ thủng tầng ozone đang nhỏ dần. Chúng tôi thấy một số dao động khi thời tiết thay đổi và các yếu tố khác làm cho các con số dao động nhẹ từ ngày này sang ngày khác và tuần này sang tuần khác. Nhưng nhìn chung, chúng tôi thấy nó giảm dần trong hai thập kỷ qua”.

Tại sao lỗ thủng ozone xuất hiện vào tháng 9 hàng năm tại Nam cực?

Tầng ozone - một phần của tầng bình lưu bảo vệ hành tinh của chúng ta khỏi tia cực tím của Mặt trời - mỏng đi và tạo thành “lỗ thủng ozone” phía trên Nam Cực vào tháng 9 hàng năm. Các dạng clo và brom hoạt động hóa học trong khí quyển, có nguồn gốc từ các hợp chất do con người tạo ra, bám vào các đám mây vùng cực trên cao vào mỗi mùa đông phía Nam. Sau đó, clo và brom bắt đầu các phản ứng phá hủy ozone khi Mặt trời mọc vào cuối mùa đông Nam Cực.

Nhưng tại sao các chất đó lại bám vào các đám mây ở phía Nam và vì sao lỗ hổng không xuất hiện ở những nơi xả ra nhiều khí thải nguy hại? Có một số giải thích cho rằng do gió thổi và chênh lệch áp suất, nhưng vẫn chưa được thỏa đáng, về cơ bản thì chúng ta vẫn còn chưa biết. Chỉ biết rằng, đó là khu vực mà có ít người sinh sống hơn các khu vực khác rất nhiều. Đây là điều thật là may mắn cho nhân loại.

Các nhà nghiên cứu tại NASA và Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) phát hiện, đo lường sự phát triển và hình thành của lỗ thủng ozone bằng các thiết bị trên vệ tinh Aura, Suomi NPP và NOAA-20. Vào ngày 5 tháng 10 năm 2022, những vệ tinh đó đã quan sát thấy một lỗ thủng tầng ozone cực đại trong một ngày có diện tích 26,4 triệu km vuông, lớn hơn một chút so với năm ngoái.

Xác định tầng ozone bằng máy đo quang phổ

Khi mặt trời vùng cực mọc, các nhà khoa học của NOAA cũng thực hiện các phép đo bằng Máy đo quang phổ Dobson, một dụng cụ quang học ghi lại tổng lượng ozone giữa lớp trong và bên ngoài rìa không gian - được gọi là tổng giá trị ozone.

Trên toàn cầu, tổng số cột trung bình là khoảng 300 đơn vị Dobson. Vào ngày 3 tháng 10 năm 2022, các nhà khoa học đã ghi nhận tổng giá trị ozone trong tổng cột thấp nhất là 101 đơn vị Dobson trên Nam Cực. Vào thời điểm đó, ozone gần như hoàn toàn không có ở độ cao từ 14 và 21 km - một mô hình rất giống với năm ngoái.

Một số nhà khoa học lo ngại về các tác động lên tầng bình lưu từ vụ phun trào tháng 1 năm 2022 của núi lửa Hunga Tonga. Vụ phun trào núi lửa Pinatubo năm 1991 đã giải phóng một lượng đáng kể lưu huỳnh đioxit làm khuếch đại sự suy giảm tầng ozone. Tuy nhiên, không có tác động trực tiếp nào từ Hunga Tonga được phát hiện trong dữ liệu về tầng bình lưu ở Nam Cực.

Xem tình trạng mới nhất của tầng ozone trên Nam cực với NASA’s ozone watch.

Tầng ozone là gì?

Tầng ozone là một lớp sâu ở bên trong tầng bình lưu, bao quanh trái đất, từ khoảng 15-35 km phía trên Trái đất. Lớp này có vai trò quan trọng để che chắn toàn bộ Trái đất khỏi phần lớn các bức xạ cực tím có hại đến từ mặt trời, tầng ozone hấp thụ tia tử ngoại.

Tầng ozone được sinh ra từ chính những tác động của tia cực tím đến các phân tử oxy, chúng gồm có hai dạng tốt và xấu với những đặc điểm cụ thể như sau:

  • Ozone tốt được tạo ra từ tự nhiên, nằm ở tầng bình lưu phía trên.
  • Ozone xấu còn được gọi là ozone tầng đối lưu hay ozone tầng mặt đất. Chúng là kết quả hành động của con người, tạo ra từ phản ứng hóa học giữa oxit của nitơ và các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi.

Theo NASA



BÀI CHỌN LỌC

Lỗ thủng tầng ozone tiếp tục thu hẹp vào năm 2022, theo NASA