Trái Đất có thể phải đối diện với sự tuyệt chủng hàng loạt vào năm 2100

Giúp NTDVN sửa lỗi

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, sự nóng lên ở nhiều khu vực, Trái Đất có thể phải đối mặt với sự tuyệt chủng hàng loạt vào năm 2100, một phần tư đa dạng sinh học hiện nay sẽ bị quét sạch.

Một nghiên cứu mới của một nhà khoa học thuộc Ủy ban Châu Âu, Tiến sĩ Giovanni Strona, và Giáo sư Corey Bradshaw từ Đại học Flinders, Úc, mô hình hóa biến đổi khí hậu và sử dụng đất trên thế giới. Kết quả cho thấy 27% đa dạng sinh học có thể sẽ bị quét sạch vào năm 2100.

Theo nghiên cứu, nguyên nhân dẫn đến điều này xuất phát từ việc con người khai thác quá mức tài nguyên, sử dụng đất không hợp lý, ô nhiễm môi trường đặc biệt là biến đổi khí hậu toàn cầu.

Nguy cơ tuyệt chủng hàng loạt lần thứ sáu

Các nhà khoa học cảnh báo, hành tinh của chúng ta đang có nguy cơ bước vào sự kiện tuyệt chủng hàng loạt lần thứ sáu.

Các mô phỏng dự đoán sự mất đa dạng nghiêm trọng vào cuối thế kỷ. Tùy thuộc vào kịch bản biến đổi khí hậu, đến năm 2050, các hệ sinh thái địa phương sẽ mất trung bình từ 6% đến 10,8% các loài động vật có xương sống. Đến năm 2100, con số này tăng lên mức mất đa dạng trung bình 13-27%.

Những đứa trẻ sinh ra ngày nay đến độ tuổi 70 có thể chứng kiến sự biến mất của hàng nghìn loài thực vật và động vật; từ những loài hoa lan, côn trùng nhỏ cho đến những loài động vật mang tính biểu tượng như voi và gấu túi.

Đến cuối thế kỷ này, các khu rừng nhiệt đới còn lại trên thế giới sẽ bị chia cắt, và suy thoái. Trái Đất sẽ không còn mảnh đất nào nguyên vẹn, các loài thực vật phân tán tốt sẽ lấn át bởi các loài kém hơn dẫn đến động vật gặm nhấm nhỏ phát triển mạnh ở các khu vực bị xáo trộn.

Các con đường được xây dựng xuyên qua các khu rừng làm cô lập các mảnh rừng và chia cắt môi trường sống của một số loài động vật chuyên sống trên mặt đất. Từ năm 2000 đến năm 2011 khoảng 62% voi rừng của châu Phi đã bị giết hại để lấy ngà.

Bên cạnh đó, khai thác gỗ cũng đang khiến rừng suy thoái, dễ bị cháy hơn. Điều này làm cho nhiều loài cây bị chết và những loài động vật sống trong rừng bị tận diệt.

Nhiệt độ ấm hơn kết hợp cùng hiện tượng El Nino cực đoan gây ra hạn hán nhiều khu vực, cháy rừng hoành hành đang ngày càng phá hủy thiên nhiên trên toàn thế giới.

Khi khí hậu thay đổi nhanh chóng, buộc thực vật và động vật sẽ cần phải di chuyển để tìm kiếm môi trường sống phù hợp trong phạm vi chịu đựng sinh thái của chúng.

Các vùng khí hậu trên Trái Đất sẽ thay đổi

Sự nóng lên toàn cầu và những thay đổi về lượng mưa đã dẫn đến những biến động ở các vùng khí hậu, kết quả này đã được công bố trong một nghiên cứu vào tháng 4/2023.

Nghiên cứu cho thấy vùng khí hậu nhiệt đới có thể giảm từ 25% xuống 23% vào năm 2100, trong khi kiểu khí hậu khô hạn sẽ tăng từ 31% lên 34%.

Hậu quả dẫn đến khoảng 89% diện tích của châu Âu có thể chứng kiến khí hậu thay đổi hoàn toàn và 66% diện tích ở Bắc Mỹ cũng được cho là sẽ bước vào một môi trường mới. Châu Phi cũng sẽ chịu sự bất thường của nắng nóng và hạn hán.

Nếu không có các hành động quyết liệt, cùng sự hợp tác của các quốc gia trên thế giới. Khí hậu Trái Đất tiếp tục xấu đi và nhiều khu vực có thể trở nên không thể ở được - điều này cũng có thể gây ra sự dịch chuyển dân số lớn.

Thiên nhiên là đồng minh tốt nhất của chúng ta trong việc giải quyết khủng hoảng khí hậu, vì các hệ sinh thái khỏe mạnh có thể bảo vệ chúng ta khỏi những rủi ro như lũ lụt hoặc hạn hán khắc nghiệt, đồng thời chúng hấp thụ nhiều carbon hơn.

(Tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Trái Đất có thể phải đối diện với sự tuyệt chủng hàng loạt vào năm 2100