Kinh tế Việt Nam tháng 5: Tiếp đà phục hồi, đặc biệt là du lịch

Giúp NTDVN sửa lỗi

Báo cáo kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2022 của Tổng cục Thống kê phản ánh sự đi lên của nhiều chỉ số kinh tế của Việt Nam. Công nghiệp tiếp tục xu hướng phục hồi trong khi tăng trưởng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong 5 tháng đầu năm gần đạt mức trước đại dịch. Đặc biệt du lịch lữ hành có những dấu hiệu tích cực khi lượng khách quốc tế tăng mạnh.

Tổng cục Thống kê vào ngày 29/05/2022 đã công bố Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2022, trong đó có một số điểm đáng chú ý về kinh tế Việt Nam như sau:

Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản bị ảnh hưởng bởi đầu vào

Năng suất và sản lượng lúa đông xuân giảm so với năm trước do giá phân bón tăng cao và ảnh hưởng của mưa trái mùa. Diện tích khoai lang, đậu tương và lạc giảm so với cùng kỳ năm trước do hiệu quả kinh tế không cao. Nếu tiếp tục xu hướng này, nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước có thể bị ảnh hưởng.

Chăn nuôi phát triển ổn định, dịch bệnh được kiểm soát tốt, nhu cầu thị trường tăng cao. Tuy nhiên giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao.

5 tháng đầu năm nay có điều kiện thời tiết thuận lợi, lĩnh vực lâm nghiệp có nhiều kết quả tích cực.

Sản lượng thủy sản tháng 5 ước đạt 756,9 nghìn tấn tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 400,9 nghìn tấn, tăng 6,3%; sản lượng thủy sản khai thác đạt 356 nghìn tấn, giảm 0,7%. Sản lượng khai thác biển trong tháng ước đạt 341,3 nghìn tấn, giảm 0,7%. Ngư dân khai thác thủy sản gặp khó khăn do giá nhiên liệu tăng cao. Ngoài ra, xuất khẩu cá tra sang các thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc… khả quan do mức giá cạnh tranh và là nguồn thay thế cho nguồn cung từ Nga.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, sản lượng thủy sản ước đạt 3.356,9 nghìn tấn, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 1.769,3 nghìn tấn, tăng 5,5%; sản lượng khai thác đạt 1.587,6 nghìn tấn, giảm 1% (trong đó, sản lượng khai thác biển đạt 1.518,6 nghìn tấn, giảm 1%).

Sản xuất công nghiệp tiếp tục xu hướng phục hồi

Sản xuất công nghiệp tháng 5 tiếp tục xu hướng phục hồi khi các doanh nghiệp dần thích ứng với bối cảnh chống dịch mới. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5 ước tính tăng 4% so với tháng trước và tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 12,1%. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, IIP ước tính tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 tăng 10%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,2% (cùng kỳ năm 2021 tăng 12,5%).

Chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 61 địa phương và giảm ở 02 địa phương trên cả nước (Trà Vinh giảm 17,2%; Hà Tĩnh giảm 7,5%).

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/05/2022 tăng 1,4% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 4,4% so với cùng thời điểm năm trước.

Tỷ lệ doanh nghiệp tham gia và rút lui khỏi thị trường đều tăng

Trong tháng 5, cả nước có 13,4 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, giảm 10,9% so với tháng trước; số vốn đăng ký mới đạt gần 125,8 nghìn tỷ đồng, giảm 23,4% so với tháng trước; số lao động đăng ký là 89,5 nghìn lao động, giảm 14,6% so với tháng trước. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng 15,2%, số vốn đăng ký mới giảm 16,5% và số lao động đăng ký tăng 24% so với cùng kỳ năm trước. Cả nước có 5.207 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 26% so với tháng trước và tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2021; có 4.964 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 7,9% so với tháng trước và tăng 46% so với cùng kỳ năm 2021; có 4.186 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 11,3% và giảm 1,1%; có 1.339 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 9,1% và tăng 4,7%.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, cả nước có 98,6 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 5 tháng đầu năm 2022, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 19,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 71,8 nghìn doanh nghiệp, tăng 20%, bình quân một tháng có 14,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Đầu tư: FDI 5 tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ năm trước

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 5 ước đạt 38,1 nghìn tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 147,8 nghìn tỷ đồng, bằng 27,7% kế hoạch năm và tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam trong 5 tháng đầu năm tính đến ngày 20/5/2022 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 11,71 tỷ USD, giảm 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký mới ghi nhận ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ lệ lớn nhất, 65%; ngành bất động sản chiếm 20,3%. Tỷ lệ khi tính cả vốn đăng ký mới và đăng ký điều chỉnh của 2 ngành trên khá tương tự. Đối với vốn góp và mua cổ phần, ngành bất động sản chiếm 53,1%; ngành công nghiệp chế biến chế tạo chiếm 21,6%.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 5 tháng đầu năm 2022 ước tính đạt 7,71 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 76,1% tổng nguồn vốn; hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 8,9%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa chiếm 8,3%.

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 5 tháng đầu năm 2022 có 43 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 293,4 triệu USD, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước; có 14 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 44,9 triệu USD, giảm 88,9%.

Tăng trưởng bán lẻ hàng hóa và dịch vụ dần bắt kịp các năm trước đại dịch

Nhu cầu du lịch tăng mạnh với sự kiện SEA Games 31. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 ước đạt 477,3 nghìn tỷ đồng, tăng 4,2% so với tháng trước và tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt quy mô và tốc độ tăng cao hơn so với cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch Covid-19. Trong đó, dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành phục hồi mạnh mẽ với doanh thu lần lượt là 69,3% và 324,3% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 2.257,1 nghìn tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,3% (cùng kỳ năm 2021 giảm 1%). Mức tăng 5 tháng đầu năm 2022 đã dần bắt kịp tốc độ tăng của cùng kỳ các năm trước khi xảy ra đại dịch.

Trong 5 tháng đầu năm 2022, doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 9,8%, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 15,7%, doanh thu dịch vụ lữ hành tăng 34,7%, và doanh thu dịch vụ khác tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt doanh thu du lịch lữ hành của Khánh Hòa tăng 347,6%

Xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 5 giảm nhẹ

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 05/2022 ước đạt 30,48 tỷ USD, giảm 8,5% so với tháng trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 152,81 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước.

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2022, nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm nhiều nhất với 88,6%.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 05/2022 ước đạt 32,21 tỷ USD, giảm 0,8% so với tháng trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 152,29 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước.

Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2022, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm nhiều nhất với 93,9%.

Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm 2022, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 46,7 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 49,6 tỷ USD.

Cán cân thương mại hàng hóa: tháng 5 ước tính nhập siêu 1,73 tỷ USD. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 516 triệu USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 1,24 tỷ USD).

Chỉ số giá tiêu dùng, giá vàng và USD biến động theo tình hình thế giới

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 0,38% so với tháng trước; tăng 2,48% so với tháng 12/2021 và tăng 2,86% so với cùng kỳ năm trước. Giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới, giá hàng hóa và dịch vụ thiết yếu tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào là những nguyên nhân khiến CPI tháng 5 tăng. Bình quân 5 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 2,25% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 1,29% của 5 tháng đầu năm 2021, nhưng thấp hơn mức tăng của 5 tháng đầu năm 2017 - 2020; lạm phát cơ bản tăng 1,1%, phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và xăng dầu.

Chỉ số giá tăng cao nhất lần lượt ở các nhóm giao thông (2,43%), văn hóa giải trí và du lịch (0,74%), đồ uống và thuốc lá (0,33%), hàng ăn và dịch vụ ăn uống (0,27%), thiết bị và đồ dùng gia đình (0,22%).

Chỉ số giá giảm ở nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng (0,13%).

Chỉ số giá vàng tháng 5 giảm 0,52% so với tháng trước; tăng 9,86% so với cùng kỳ năm 2021; bình quân 5 tháng đầu năm 2022 tăng 6,48%. Giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới.

Chỉ số giá USD tháng 5 tăng 0,65% so với tháng trước và tăng 0,21% so với cùng kỳ năm 2021, cùng lúc giá USD trên thị trường thế giới tăng. Bình quân 5 tháng đầu năm 2022, giá USD trong nước giảm 0,49%.

Vận tải hành khách và hàng hóa khôi phục mạnh mẽ

Do chính sách mở cửa du lịch và chuỗi sự kiện SEA Games 31, trong tháng 5, vận tải hành khách khôi phục mạnh mẽ với số lượt hành khách vận chuyển tăng 34% và luân chuyển tăng 45,7% so với cùng kỳ năm trước . Vận tải hàng hóa tiếp tục phát triển tích cực với tốc độ tăng 22,8% về vận chuyển và tăng 22,4% về luân chuyển so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, vận chuyển hành khách giảm nhẹ 0,3% so với cùng kỳ năm trước (do 2 tháng đầu năm nay số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh, người dân hạn chế đi lại), luân chuyển hành khách tăng 4,2% và vận chuyển hàng hóa tăng 11,3%, luân chuyển hàng hóa tăng 16,4%.

Trong 5 tháng đầu năm, vận tải ngoài nước phục hồi tích cực, đạt 262,1 nghìn lượt khách, tăng 414,6%, luân chuyển tăng 477,7%.

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng cao

Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 5 đạt 172,9 nghìn lượt người, tăng 70,6% so với tháng trước và gấp 12,8 lần so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt 365,3 nghìn lượt người, gấp 4,5 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 95% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch Covid-19.

Bảo Nguyên



BÀI CHỌN LỌC

Kinh tế Việt Nam tháng 5: Tiếp đà phục hồi, đặc biệt là du lịch