Bức tranh tích cực của kinh tế Việt Nam quý I năm 2022 vẫn có nhiều dấu hiệu đáng lo

Giúp NTDVN sửa lỗi

Báo cáo kinh tế - xã hội cho quý I năm 2022 của Tổng cục Thống kê cho thấy một bức tranh kinh tế với nhiều tín hiệu tích cực cho Việt Nam. Tuy nhiên giữa các chỉ số đi lên của nhiều lĩnh vực, vẫn tồn tại các dấu hiệu đáng lo do bối cảnh biến động của kinh tế thế giới, ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng như cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Tổng cục Thống kê vào ngày 29/03/2022 đã công bố Báo cáo tình hình kinh tế xã hội quý I năm 2022, trong đó có một số điểm đáng chú ý như sau:

Bức tranh chung về nền kinh tế

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I năm 2022 ước tính tăng 5,03% so với cùng kì năm trước, cao hơn so với mức tăng 4,72% cùng kỳ năm 2021 và 3,66% của năm 2020. Tuy nhiên con số này vẫn thấp hơn mức 6,85% của quý I năm 2019, thời điểm trước đại dịch.

Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, năng suất: Thuận lợi về điều kiện thời tiết nhưng do dịch Covid-19, sản xuất nông nghiệp vẫn bị ảnh hưởng. Lúa mùa đồng bằng sông Cửu Long tăng 7,4 tạ/ha so với vụ mùa năm trước. Ngành chăn nuôi đang dần phục hồi, sản lượng thị hơi xuất chuồng quý I đều tăng so với cùng kỳ năm trước, tuy đang gặp khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao và giá đầu ra có xu hướng giảm. Sản xuất lâm nghiệp phát triển, chế biến và xuất khẩu gỗ có nhiều tín hiệu tích cực. Giá cá tra, tôm nuôi trồng đang ở mức cao do nhu cầu xuất khẩu tăng mạnh. Sản lượng khai thác thủy sản suy giảm do giá xăng dầu tăng cao và giá hải sản khai thác có chiều hướng giảm.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp quý I năm 2022 tăng 7,07% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 6,44% của quý I năm 2021. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 7,79%, đóng góp 2,05 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng trưởng ổn định. Ngành khai khoáng tăng trưởng 1,23% (trong đó khai thác than tăng 3,2%, quặng kim loại tăng 5%). Ngành xây dựng tăng 2,57%, thấp hơn mức tăng 6,53% của quý I năm 2021.

Khu vực dịch vụ có nhiều khởi sắc. Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,75% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,54 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung. Ngành vận tải, kho bãi tăng 7,06%, đóng góp 0,43 điểm phần trăm. Ngành bán buôn và bán lẻ tăng 2,98%, đóng góp 0,31 điểm phần trăm. Riêng ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 1,79%, làm giảm 0,04 điểm phần trăm.

Cơ cấu nền kinh tế quý I năm 2022: nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 10,94%, công nghiệp và xây dựng chiếm 37,97%, dịch vụ chiếm 41,70%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,39%.

Về mặt sử dụng GDP, tiêu dùng cuối tăng 4,28% so với cùng kỳ năm trước, tích lũy tài sản tăng 3,22%, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 5,08%, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 4,20%.

Tình hình hoạt động của doanh nghiệp

Trong 3 tháng đầu năm 2022, cả nước có gần 34,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 471,2 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký gần 243,5 nghìn lao động, tăng 18,1% về số doanh nghiệp, 5,2% về vốn đăng ký và 0,9% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong quý I năm 2022 là 60,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 36,7% so với cùng kỳ năm trước. Theo khu vực kinh tế, có 519 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, 9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng và gần 25,1 nghìn doanh nghiệp mới thành lập thuộc khu vực dịch vụ.

Tuy nhiên, quý I năm 2022 cũng ghi nhận 51,3 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 27,2%. Trong đó có 35,7 nghìn doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh có thời hạn, 11,3 nghìn doanh nghiệp dừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, 4,3 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.

Hoạt động dịch vụ

Quý I năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.318 nghìn tỷ đồng, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước, tăng 1,6% nếu loại trừ yếu tố giá. Hoạt động thương mại và dịch vụ đang dần phục hồi với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I năm 2022 cao hơn so với cùng kỳ các năm từ 2018 đến năm 2021.

Giá nhiên liệu tăng cao khiến doanh thu bán lẻ hàng hóa quý I cũng tăng. Do Việt Nam bắt đầu mở cửa du lịch, doanh thu du lịch lữ hành quý I tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu một số địa phương tăng mạnh: Khánh Hòa tăng 279,1%, Quảng Nam tăng 71,1%. Riêng Thành phố Hồ Chí Minh giảm 26,8%, Đà Nẵng giảm 51,1%.

Dịch Covid-19 khiến hoạt động vận tải hành khách bị ảnh hưởng nặng. Tính chung quý I năm 2022, vận chuyển hành khách giảm 23,6% so với cùng kỳ năm trước, luân chuyển hành khách giảm 15,8% (luân chuyển hành khách được tính bằng số hành khách nhân khoảng cách đi lại). Vận tải hành khách trong nước giảm nhẹ, trong khi vận tải hành khách ngoài nước tăng mạnh. Vận chuyển hàng hóa tăng 8,2%, luân chuyển hàng hóa tăng 8,8% (luân chuyển hàng hóa được tính bằng trọng lượng hàng hóa nhân với khoảng cách vận chuyển).

Hoạt động viễn thông quý I năm 2022 ổn định với doanh thu ước đạt 83,8 nghìn tỷ đồng, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 4,6%).

Do Việt Nam đã mở cửa du lịch và nhiều đường bay quốc tế được khôi phục, khách quốc tế đến Việt Nam trong quý I đạt gần 91 nghìn lượt người, tăng 89,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến bằng đường hàng không đạt 82,3 nghìn lượt, chiếm 90,5% tổng lượt khách quốc tế đến Việt Nam.

Hoạt động ngân hàng, bảo hiểm, thị trường chứng khoán

Để thúc đẩy nền kinh tế đang chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục giữ nguyên lãi suất điều hành. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng trưởng ổn định. Doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm ước tính tăng 13% so với cùng kỳ năm trước, doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ tăng 15%, lĩnh vực phi nhân thọ tăng 9%.

Thị trường chứng khoán có nhiều triển vọng tích cực với mức vốn hóa thị trường cổ phiếu tính đến ngày 14/03/2022 đạt 7.628,6 nghìn tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến ngày 25/03/2022, chỉ số VNIndex đạt 1.498,5 điểm, tăng 0,5% so với thời điểm ngày 31/12/2021. Giá trị giao dịch bình quân đạt 31.409 tỷ đồng/phiên, tăng 18,1% so với bình quân năm trước.

Hoạt động đầu tư nước ngoài

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt nam tính đến ngày 20/03/2022 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tổng cộng đạt 8,91 tỷ USD, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đăng ký cấp mới có 322 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 3,21 tỷ USD , tăng 37,6% về số dự án và giảm 55,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới chiếm phần lớn nhất - 68,2% - về vốn đăng ký, đạt 2,19 tỷ USD. Hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 599,9 triệu USD, chiếm 18,7%. Các ngành còn lại đạt 422,7 triệu USD, chiếm 13,1%. Trong số 35 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt nam trong quý I năm 2022, Đan Mạch là nhà đầu tư lớn nhất với 1,32 tỷ USD, chiếm 41,1% tổng số vốn. Tiếp đến là Singapore với 626,6 triệu USD, chiếm 19,5%; Trung Quốc 379,5 triệu USD, chiếm 11,8%.

Vốn đăng ký điều chỉnh có 228 dự án với số vốn đầu tư tăng thêm 4,07 tỷ USD, tăng 93,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án, vốn đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt gần 5 tỷ USD, chiếm 68,7% tổng số vốn; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,71 tỷ USD, chiếm 23,5%; các ngành còn lại đạt 569,6 triệu USD, chiếm 7,8%.

Vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 734 lượt, tổng giá trị góp vốn 1,63 triệu USD, tăng 102,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành kinh doanh bất động sản đạt 992,9 triệu USD, chiếm 60,9% giá trị góp vốn; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 300,6 triệu USD, chiếm 18,4%; các ngành còn lại đạt 337,7 triệu USD, chiếm 20,7%.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam quý I ước tính đạt 4,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức cao nhất của quý I trong 5 năm qua. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 3,44 tỷ USD, chiếm 77,8% tổng số vốn; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 379,8 triệu USD, chiếm 8,6%; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 350,3 triệu USD, chiếm 7,9%.

Tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 211,5 triệu USD, giảm 63% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 96,8 triệu USD, chiếm 45,8%; hoạt động khai khoáng đạt 33,5 triệu USD, chiếm 15,9%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm đạt 30,8 triệu USD, chiếm 14,6%; các ngành còn lại đạt 50,4 triệu USD, chiếm 23,8%.

Trong 3 tháng đầu năm 2022, có 12 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư từ Việt Nam. Trong đó, Lào chiếm 30,4% với 64,3 triệu USD; Mỹ chiếm 16,3% với 34,5 triệu USD; Canada 16,1% với 34 triệu USD; Singapore 14,1% với 29,9 triệu USD; Indonexia 10,8% với 22,7 triệu USD.

Hoạt động xuất nhập khẩu

Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa hồi phục mạnh mẽ vào tháng 03/2022. Quý I năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 176,35 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu tăng 12,9%; nhập khẩu tăng 15,9%. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 88,58 tỷ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 23,27 tỷ USD, tăng 22%, chiếm 26,3 tổng kim ngạch xuất khẩu. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 65,31 tỷ USD, tăng 10% chiếm 73,7% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu, nhóm nhiên liệu và khoáng sản chiếm 1,4%; nhóm công nghiệp chế biến chiếm 89%; nhóm nông sản, lâm sản chiếm 6,9%; nhóm thủy sản chiếm 2,7%.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa quý I năm 2022 đạt 87,77 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ. Về có cấu nhóm hàng nhập khẩu, nhóm tư liệu sản xuất chiếm 93,8%; nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng chiếm 6,2%.

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 25,2 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 27,6 tỷ USD.

Kim ngạch xuất khẩu dịch vụ ước đạt 1,05 tỷ USD, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm trước. DỊch vụ du lịch đạt 77 triệu USD, tăng 75%, chiếm 7,3% tổng kim ngạch. Dịch vụ vận tải đạt 140 triệu USD, tăng 97,2% chiếm 13,4%.

Kim ngạch nhập khẩu dịch vụ quý I ước đạt 5,18 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó dịch vụ vận tải đạt 2,6 tỷ USD, tăng 11,3%, chiếm 49,4% tổng kim ngạch. Dịch vụ du lịch đạt 1,1 tỷ USD, chiếm 20,3%, tăng 16,7%.

Tình hình các chỉ số giá

Giá xăng dầu, giá gá tăng theo giá nhiên liệu thế giới. Giá nhà ở thuê có dấu hiệu tăng trở lại sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và giá xăng dầu.

Tính chung quý I/2022, CPI tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 0,81%. Trong đó, nhóm giao thông có mức tăng cao nhất với 4,8% do ảnh hưởng của chỉ số giá xăng, dầu tăng. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,27%.

Giá xăng dầu trong nước tăng 48,81% so với cùng kỳ năm trước; giá gas tăng 21,04%.

Giá gạo tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước do giá gạo xuất khẩu tăng và nhu cầu tiêu dùng tăng trong dịp Tết Nguyên đán và Rằm tháng Giêng.

Giá các mặt hàng thực phẩm giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước. Giá dịch vụ giáo dục giảm 4,24% do các tỉnh, thành phố miễn giảm học phí do dịch Covid-19. Giá thuê nhà ở giảm 15,14% do nhiều hộ gia đình giảm giá hỗ trợ người thuê nhà.

Giá các loại hàng hóa trên thị trường thế giới tăng cao do chịu tác động bởi các yếu tố kinh tế, xã hội, chính trị và cuộc chiến Nga - Ukraine, cùng với đà phục hồi kinh tế tại nhiều quốc gia khiến nhu cầu nguyên nhiên vật liệu tăng mạnh trong khi nguồn cung bị đứt gãy. Trong nước, nền kinh tế tăng trưởng trở lại, nhu cầu sản xuất và tiêu dùng tăng làm giá hàng hóa và dịch vụ tăng theo. Chỉ số giá sản xuất, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất, chỉ số giá xuất khẩu, nhập khẩu quý I năm 2022 đều tăng so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ giá thương mại hàng hóa (Chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa so với chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa) quý I năm 2022 giảm 0,23% so với quý trước và giảm 3,13% so với cùng kỳ năm trước, phản ánh Việt nam đang ở vị trí không thuận lợi.

Tình hình lao động và việc làm

Lực lượng lao động, số người có việc làm và thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động đều giảm so với quý trước, nhưng vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm trước.

Bảo Nguyên



BÀI CHỌN LỌC

Bức tranh tích cực của kinh tế Việt Nam quý I năm 2022 vẫn có nhiều dấu hiệu đáng lo