Bất ổn kinh tế - chính trị toàn cầu: Giá dầu và vàng mải miết tăng tốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Giá dầu thô tăng WTI đã tăng tới 21,76% trong tháng qua, trong khi giá vàng thiết lập kỷ lục mới, hiện vẫn giao dịch ở mức trên 2,000 USD/ounce. Cầu dầu thô tăng trong khi OPEC+ cắt giảm sản lượng, Trung Quốc nhập dầu nhiều nhất trong 3 năm thúc đẩy giá dầu tăng. Giá vàng cũng tăng tốc sau khi Fed tuyên bố tiếp tục tăng lãi suất.

Hợp đồng tương lai dầu thô WTI giao dịch ở mức trên 82 USD/thùng vào ngày hôm nay, thứ Hai (17/4/2023), sau khi tăng hơn 2% vào tuần trước. Tính chung cả tháng, giá dầu WTI đã tăng 21,76% (theo giá tại thời điểm 11h15' ngày 17/4/2023 trên trang Trading Economics).

Giá dầu không ngừng mải miết leo dốc kể từ khi khối OPEC+ tuyên bố họ sẽ cắt giảm cung dầu 1,16 triệu thùng/ngày kể từ tháng 5/2023.

Giá vàng thiết lập kỷ lục mới trong khi giá dầu thô tương lai tăng gần 22% trong tháng qua sau tuyên bố cắt giảm cung dầu của OPEC+ (nguồn: Trading Economics, ảnh chụp màn hình bởi NTDVN)

Theo Trading Economics, trích nguồn từ Báo cáo Thị trường Dầu tháng 4 của IEA, được công bố hôm thứ Sáu, cho biết nhu cầu dầu thế giới sẽ tăng 2 triệu thùng/ngày vào năm 2023 lên mức kỷ lục 101,9 triệu thùng/ngày. Hơn nữa, các nhà đầu tư vẫn lạc quan về nhu cầu của Trung Quốc, vì dữ liệu cho thấy nhà nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới đã nhập khẩu nhiều dầu nhất trong gần ba năm vào tháng 3/2023.

Quyết định cắt giảm sản lượng dầu thô của khối OPEC+ được xem là một quyết định do xung đột địa chính trị giữa Mỹ và Thế giới Ả-rập thân Nga. Trong tháng 3/2023, lạm phát của Mỹ tuy giảm 1% về mức 5% nhưng lạm phát lõi (không bao gồm năng lượng và lương thực) lại tăng mạnh lên 5,6% so cùng kỳ (tháng trước là 5,5%). Lạm phát bình quân của Mỹ giảm chủ yếu là do giá xăng dầu giảm. Mỹ đã phải xả gần một nửa kho dầu dự trữ chiến lược của họ để đối phó với chính sách giữ giá dầu ở mức cao của OPEC+ trong hơn 2 năm qua.

Chính sách cắt giảm cung dầu lần này của OPEC+ được xem là đòn đánh vào kinh tế Mỹ và ủng hộ Nga một cách âm thầm của thế giới Ả-rập. Không ngạc nhiên là Trung Quốc tận lực hưởng lợi, nhập khẩu dầu thô lớn nhất trong 3 năm qua. Số liệu xuất khẩu dầu của Trung Quốc cho thấy nước này đang trở thành kênh vận chuyển và buôn bán dầu thô lớn nhất của Nga.

Trước tình trạng lạm phát lõi tăng trong khi lạm phát lõi và bình quân có thể bùng phát trở lại do giá dầu tăng, Fed không thể dừng lại chu kỳ tăng lãi suất. Điều này đang thúc đẩy dòng tiền trú ẩn vào vàng; một biện pháp giảm thiểu tổn thất nếu khủng hoảng ngân hàng, khủng hoảng tài chính diễn ra.

Quang Nhật



BÀI CHỌN LỌC

Bất ổn kinh tế - chính trị toàn cầu: Giá dầu và vàng mải miết tăng tốc