Làm giả, cấp giấy đi đường sai đối tượng có thể bị phạt tù tới 15 năm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thời gian qua, lực lượng chức năng tại nhiều tỉnh, thành đã phát hiện và thu giữ nhiều giấy đi đường được ký, cấp khống, sai mục đích.

Thời gian qua, lực lượng chức năng tại nhiều tỉnh, thành phát hiện tình trạng mua bán giấy đi đường, giấy xét nghiệm COVID-19 giả hay việc cấp giấy đi đường “khống” để một số người có thể qua chốt kiểm dịch một cách dễ dàng mà không bị xử lý.

Ngày 17/8, tại điểm chốt kiểm soát vào chợ Thịnh Liệt (phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội), lực lượng chức năng phát hiện một người ngoài giấy đi đường của mình thì trong người còn mang theo 4 giấy đi đường không ghi ngày tháng, không ghi thông tin người đi đường nhưng lại có đóng dấu sẵn của doanh nghiệp.

Cùng ngày, tổ công tác số 7, Công an TP. Hà Nội phát hiện một nam thanh niên điều khiển xe máy trên đường Nguyễn Trãi hướng đi Ngã Tư Sở, có dấu hiệu nghi vấn nên đã kiểm tra hành chính, qua đó, phát hiện người này tự làm giả giấy đi đường để dùng vào việc đi lại.

Sáng 12/8, tại chốt kiểm soát khu vực cầu Trường Đai (phường Thới An, quận 12, TP. HCM), lực lượng chức năng phát hiện anh P.M.K. (SN 1991, trú tại huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) mang theo 7 “Giấy xác nhận đi lại do yêu cầu công việc” có đóng dấu và chữ ký của đại diện Công ty TNHH Thực phẩm N.G, địa chỉ ở đường Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp, TP. HCM). Tuy nhiên, trên giấy để trống nhiều mục, không có thông tin của người được xác nhận.

Anh K. cho biết, anh đang trên đường đi giao số giấy tờ cho khách hàng quen của Công ty, để họ tự điền thông tin nhằm qua các chốt kiểm soát dịch.

Theo Luật sư Nguyễn Thanh Bình – Trưởng văn phòng Luật sư Nguyễn Thanh Bình: Làm giấy tờ đi đường giả, giấy tờ công vụ lệnh giả, cấp sai đối tượng thì có thể cấu thành nhiều hành vi hành chính như: làm giả giấy tờ chứng nhận của cơ quan tổ chức, làm giả tài liệu con dấu, cấp sai đối tượng - tức là sử dụng bất hợp pháp, thì theo quy định của pháp luật có thể bị xử phạt hành chính và mức cao nhất là 3 triệu đồng.

Ngoài ra còn vi phạm về sử dụng con dấu, mức độ xử phạt cũng lên đến 3 triệu đồng. Hành vi làm giả giấy tờ tài liệu trong đó có giấy đi đường, công vụ lệnh và có các hành vi để né tránh hành vi bất hợp pháp khác mà được gọi là nguy hiểm cho xã hội thì có thể bị xử lý hình sự. Theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 và sửa đổi năm 2017, hành vi này là tội được quy định tại Điều 359 và 341, mức phạt có thể lên đến 15 năm tù.

Theo Luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn luật sư TP. Hà Nội, mặc dù con dấu trên giấy là đúng, nhưng lại sai về mặt nội dung, do người được cấp giấy không làm việc tại cơ quan, tổ chức đó và cũng không thực hiện nhiệm vụ được ghi ở trên giấy. Bởi vậy, trong trường hợp này, giấy tờ được cấp sẽ được xác định là giấy tờ giả và người cấp giấy tờ giả sẽ bị xử lý hình sự về tội giả mạo trong công tác.

Đối với người sử dụng giấy đi đường, họ biết đây là giấy không đúng nhưng vẫn dùng để thực hiện hành vi trái pháp luật thì cũng có thể bị xử lý hình sự về hành vi sử dụng giấy tờ giả của cơ quan tổ chức theo Điều 341 Bộ luật hình sự năm 2015.

Điều 341. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức
  1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 2 năm.
  2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm: a) Có tổ chức; b) Phạm tội 2 lần trở lên; c) Làm từ 2 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác đến 5 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác; d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng; đ) Thu lợi bất chính từ 10 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng; e) Tái phạm nguy hiểm.
  3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm: a) Làm 6 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên; b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; c) Thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên.
  4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng.

Điều 359. Tội giả mạo trong công tác:

  1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm: a) Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; b) Làm, cấp giấy tờ giả; c) Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.
  2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm: a) Có tổ chức; b) Người phạm tội là người có trách nhiệm lập hoặc cấp các giấy tờ, tài liệu; c) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 2 giấy tờ giả đến 5 giấy tờ giả.
  3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm: a) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 5 giấy tờ giả đến 10 giấy tờ giả; b) Để thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng.
  4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm: a) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 11 giấy tờ giả trở lên; b) Để thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
  5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm, có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng.

Thành Trung


Làm giả, cấp giấy đi đường sai đối tượng có thể bị phạt tù tới 15 năm