Làn sóng cắt giảm việc làm, công nhân tiêu 100.000 đồng trong một tuần

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thời buổi suy thoái kinh tế, nhiều doanh nghiệp lao đao dẫn đến hàng ngàn người lao động bị mất việc, thôi việc, giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng lao động.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động do sụt giảm đơn hàng, khó khăn trong tìm kiếm đơn hàng mới và phát triển thị trường nước ngoài.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động của Việt Nam tính đến cuối quý II/2023 là khoảng 1,07 triệu người, tăng 25,4 nghìn người so với quý I và tăng 1,9 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II năm 2023 là 2,30%, tăng 0,05 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,02 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Riêng tại khu vực thành thị, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động ở mức 2,75% trong quý II năm 2023, vẫn duy trì ở dưới mức 3% trong vòng 1 năm qua.

Tình trạng nhiều doanh nghiệp ở các ngành nghề, địa phương cắt giảm đơn hàng đã diễn ra từ quý IV/2022 và tiếp tục tiếp diễn sang quý II/2023, dẫn đến hàng trăm nghìn người lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm.

Báo cáo từ các địa phương cho biết số lao động nghỉ giãn việc của các doanh nghiệp trên cả nước trong quý II năm nay là khoảng 241,5 nghìn người, trong đó lao động giãn việc ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 84,1%, tập trung chủ yếu ở ngành da giày với 66,3%, tiếp theo là dệt may với 14,4%.

Số người lao động bị mất việc làm trong quý II/2023 là 217,8 nghìn người, tập trung chủ yếu ở các ngành dệt may, da giày, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử, chế biến gỗ .

Trong quý II vừa qua, cả nước có hơn 1,4 triệu thanh niên 15-24 tuổi không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo, chiếm 11,3% tổng số thanh niên.

Cơ quan thông kê cho biết thị trường lao động Việt Nam phải đối mặt nhiều khó khăn do chịu tác động kéo dài của các cú sốc tiêu cực chồng chéo, như đại dịch Covid-19, xung đột giữa Nga và Ukraina, và tổng cầu thế giới suy giảm, khiến nhiều doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng.

Qua đánh giá chung, các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến gỗ xuất khẩu, may giày da, phụ trợ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Ít biến động lao động là ngành chế biến thủy, hải sản.

Dự kiến, đến cuối năm 2023, con số thất nghiệp sẽ còn tăng thêm 60.000 người.

Cố cầm cự

Chị Nguyễn Thị Thảo ( quê Đồng Tháp) kể rằng trong 17 năm sống đời công nhân, chưa bao giờ chị thấy thu nhập bị giảm sút như hiện nay. Sau dịch COVID-19, tần suất tăng ca của chị giảm dần.

Chị Thảo là công nhân may mặc của Công ty PouYuen tại quận Bình Tân, TP.HCM. Chị kể từ sau Tết đến nay, không còn được làm thêm giờ, cả ngày Thứ sáu và Thứ bảy nay cũng trở thành ngày nghỉ.

Dù không thất nghiệp, song đồng lương bấp bênh vì bị giảm giờ làm khiến việc ăn học của đứa con 8 tuổi của chị trở thành nỗi lo lắng thường trực.

Một vài công nhân thất nghiệp khác cũng cố bám trụ, chuyển sang làm phụ hồ, bưng bê hay làm một số công việc tự do.

Tương tự hoàn cảnh chị Thảo, vợ chồng chị Thùy Linh (quê Sóc Trăng) đang trọ tại đường Bùi Văn Ba (Quận 7, TP.HCM) cũng đang loay hoay tìm thêm sinh kế.

Là công nhân công ty sản xuất quạt công nghiệp xuất khẩu trong Khu chế xuất Tân Thuận, từ đầu tháng 7, do không có đơn hàng mới nên chị Linh ra về lúc 5h chiều, thay vì tăng ca đến 9h - 10h tối như nhiều tháng trước.

Trong khi đó, chồng chị Linh từ đầu năm đến nay thất nghiệp, thu nhập không thể lo nổi cho chính mình. Anh đi xin việc nhiều nơi nhưng bị từ chối do các công ty đều cắt giảm lao động, nơi nhận làm thời vụ được hai tháng thì chủ nợ lương do tình hình kinh doanh khó khăn quá. Gánh nặng tiền trọ, ăn uống và gửi về quê nuôi con đều dồn lên vai người vợ.

Chạy ăn từng ngày, chị Linh tâm sự mình chỉ chi tiêu 100.000 đồng trong 1 tuần.

Chị kể: "Tôi vẫn nấu cơm ăn ở nhà, mang theo đi làm, nhưng lựa đồ nào rẻ thì ăn, hạn chế thịt cá, rồi ăn ít lại. Gạo mua loại 11.000 đồng/kg, bữa nào hết gạo thì ăn mì gói thay cơm. Tôi mua một bịch trà nhỏ để pha trà đường mang theo đi làm uống cả ngày để khỏi mua nước bên ngoài, cũng không ăn vặt".

Cũng không khá hơn là mấy, tháng 4 vừa qua, anh Cường (quê Trà Vinh) rơi vào diện bị cắt giảm lao động của công ty, còn vợ anh cũng mới nhận thông báo nghỉ việc từ tháng 6. Mất việc làm ở tuổi 44, mấy tháng nay, anh Cường sáng đi phụ hồ, chiều đi giữ xe cho quán ăn.

"Trong PouYuen mình làm, tính ra tiền này tiền kia cũng được hơn 10 triệu. Mà giờ ra ngoài làm đâu có được vậy đâu, ra ngoài làm cỡ 4,5 triệu thôi đâu có đủ chi tiêu. Rồi con ăn học nữa", anh Cường cho biết.

Đối với người lao động, cắt giảm công việc đồng nghĩa với khó khăn chồng chất khó khăn. Nhiều người chỉ cố gắng "cầm cự" với đồng lương ít ỏi, còn số bị ngừng việc thì phải tìm một công việc mới, có thể là xe ôm, phụ hồ.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng Việt Nam năm 2023 sẽ còn chịu tác động của tình hình chính trị trên thế giới, lạm phát, giá cả tăng cao.

Việt Nam Xã hội

Làn sóng cắt giảm việc làm, công nhân tiêu 100.000 đồng trong một tuần