Nam thanh niên 17 tuổi ở Hà Nội tử vong khi tự điều trị sốt xuất huyết tại nhà

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bệnh nhân 17 tuổi ở Hà Nội nhập viện trong tình trạng ngừng tim, dù được can thiệp ECMO, nam thanh niên này vẫn tử vong vì suy đa tạng.

Mới đây, khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) tiếp nhận thanh niên 17 tuổi mắc sốt xuất huyết. Khi đưa đến khoa Cấp cứu, bệnh nhân đã ngừng tim 30 phút do sốc khi truyền dịch tại nhà.

Ngay sau đó, người này được cấp cứu, ép tim và tim đã đập trở lại, sau đó lại ngừng tim lần 2. Các bác sĩ đã hồi sức tim cho bệnh nhân thành công, đặt ECMO (kỹ thuật tim phổi nhân tạo), tuy nhiên bệnh nhân tử vong sau 2 ngày do suy đa tạng.

Trước đó, bệnh nhân được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết nhưng do mẹ bệnh nhân làm hộ lý tại một bệnh viện của Hà Nội nên đã cho con truyền dịch tại nhà, không vào viện điều trị vì sợ nguy cơ lây nhiễm COVID-19.

Theo giới y khoa, sốt xuất huyết và COVID-19 đều là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra. Tuy nhiên đây là 2 bệnh có yếu tố dịch tễ và đường lây truyền cũng như bệnh cảnh hoàn toàn khác nhau.

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trường hợp trên là một trong 2 sai lầm đáng tiếc mà người dân và nhân viên y tế dễ mắc phải trong việc chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết khi dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

6 dấu hiệu nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết

  1. Chảy máu: Xuất hiện các chấm hay đốm màu đỏ trên da; chảy máu mũi, lợi; nôn ra máu; đi ngoài phân đen; kinh nguyệt ra nhiều bất thường/chảy máu âm đạo;
  2. Nôn liên tục;
  3. Đau bụng dữ dội;
  4. Lơ mơ, rối loạn ý thức hoặc co giật;
  5. Xanh tím, tay và chân lạnh ẩm;
  6. Khó thở.

Ngoài ra, nếu bệnh nhân có tình trạng sốt cao liên tục không kiểm soát được bằng các thuốc hạ sốt thông thường, cũng nên đến bệnh viện để được xử trí càng sớm càng tốt.

Các trường hợp có tiểu cầu hạ thấp cũng cần vào viện để theo dõi, tránh nguy cơ chảy máu, xuất huyết não, xuất huyết nội tạng.

2 biến chứng chết người của sốt xuất huyết

  1. Hạ tiểu cầu: biến chứng hạ tiểu cầu không khiến cơ thể mệt mỏi, li bì. Do đó, nhiều người khỏe mạnh chủ quan, không theo dõi cho đến khi bị xuất huyết ồ ạt.
  2. Cô đặc máu: biến chứng cô đặc máu có liên quan nhiều đến triệu chứng mệt, đau tức vùng gan, nôn, buồn nôn, lơ mơ, li bì, thường kéo dài 24-48 giờ.

Việt Nam Xã hội

Nam thanh niên 17 tuổi ở Hà Nội tử vong khi tự điều trị sốt xuất huyết tại nhà