Ngoại trưởng Pompeo: Trung Quốc đang theo đuổi 'lợi ích quân sự chiến lược' ở Bắc Cực

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo, Trung Quốc đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng sang khu vực Bắc Cực bằng cách tuyên bố là một quốc gia 'cận Bắc Cực' để tiến hành khai thác tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo các tuyến đường thương mại nhằm giành được lợi thế quân sự để đối đầu với Washington.

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và chủ tịch Tập Cận Bình đang đưa Trung Quốc vào con đường đối đầu với Mỹ bằng cách theo đuổi các mục tiêu chiến lược trong khu vực, ông Pompeo cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Viện Nghiên cứu Hudson, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington.

“Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình từng tuyên bố rõ ràng rằng ông ấy muốn cai trị mãi mãi và sự cai trị của ông ấy phải vượt lên trên tất cả mọi thứ”, ông Pompeo nói. "Tôi nghĩ chúng ta nên xem xét điều đó một cách nghiêm túc".

"Không còn nghi ngờ gì nữa, ĐCSTQ ấp ủ những ý định quân sự sâu sắc và mang tính chiến lược ở Bắc Cực", ông nói.

Cựu Ngoại trưởng Pompeo cho biết, ĐCSTQ đang xâm lấn khu vực Bắc Cực như một phần của nỗ lực rộng lớn hơn nhằm đảm bảo an ninh quân sự và kinh tế chống lại phương Tây. Nỗ lực đó cho dù bị lùi lại vài năm nhưng cũng đã đạt được một bước tiến mới vào năm 2017, khi ĐCSTQ cố gắng mua một căn cứ hải quân đã ngừng hoạt động ở Greenland.

Ông Pompeo nói, khu vực Bắc Cực rất quan trọng đối với quốc phòng và an ninh quốc gia Mỹ. Không chỉ bởi các nguồn tài nguyên dồi dào ở Bắc Cực, mà các tên lửa đạn đạo của Trung Quốc hoặc Nga nếu muốn phóng vào Mỹ sẽ phải băng qua khu vực này.

Bắc Cực có những mỏ quặng sắt, kẽm, niken, vàng, uranium và nhiều loại khoáng sản khác với trữ lượng thuộc loại lớn nhất thế giới. Hiện nay, mỏ kẽm lớn nhất thế giới hiện đang ở bang Alaska của Mỹ, trong khi đó một mỏ niken lớn nhất thế giới cũng được phát hiện ở vùng lãnh thổ Bắc Cực của Nga

Cựu Ngoại trưởng cho hay: “An ninh quốc gia Mỹ phụ thuộc vào khu vực này. Mọi tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) của Trung Quốc đều phải bay qua khu vực Bắc Cực để đánh trúng các mục tiêu ở Mỹ và Canada".

“Hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ chống lại các ICBM như vậy, cho dù chúng đến từ Nga hay Trung Quốc, đều được triển khai chủ yếu ở Bắc Cực, ở Greenland và Alaska”.

Ông Pompeo nói rằng tám quốc gia của Hội đồng Bắc Cực cần lên tiếng cấm sự hiện diện quân sự của các quốc gia không thuộc Bắc Cực.

Tám quốc gia có chủ quyền đối với đất liền trong khu vực Bắc Cực là Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Nga, Thụy Điển và Mỹ.

ĐCSTQ tuyên bố Trung Quốc là “quốc gia cận Bắc Cực” để hợp pháp hóa việc di chuyển của mình vào khu vực này. Tuy nhiên, tuyên bố này không có thẩm quyền pháp lý và không được công nhận bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc.

“Trung Quốc không có bất kỳ tuyên bố chính đáng nào về chủ quyền trong khu vực Bắc Cực, mặc dù họ đã tuyên bố rằng họ là một 'quốc gia cận Bắc Cực'", ông Pompeo nói.

“ĐCSTQ không bao giờ được phép trở thành một phần của bất kỳ tổ chức nào, kể cả Hội đồng Bắc Cực", ông nói.

Tuy nhiên, ông Pompeo cảnh báo rằng, mối quan hệ hợp tác "không có giới hạn" giữa ĐCSTQ và Điện Kremlin sẽ làm suy yếu phương Tây do Mỹ dẫn đầu. Theo đó, Nga và Trung Quốc hiện đang bị thế giới cô lập, song hai quốc gia này có thể thắt chặt liên minh để vươn tầm ảnh hưởng đến Bắc Cực, ông nói.

Ông Pompeo cho rằng quyết định gần đây của Phần Lan và Thụy Điển về việc xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là một "kết quả tốt". Ông hy vọng rằng việc kết nạp hai thành viên vào liên minh phòng thủ sẽ tăng cường hợp tác an ninh ở khu vực Bắc Cực.

"Tôi không nghĩ rằng quý vị sẽ tìm thấy một căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Bắc Cực", ông Mike Pompeo cho biết trong phiên hỏi đáp sau bài phát biểu của mình.

Nhà Trắng hôm thứ Sáu (7/10) đã công bố Chiến lược Bắc Cực, nhấn mạnh sẽ ngăn chặn sự hiện diện của Nga và Trung Quốc ở khu vực này, trong bối cảnh biến đổi khí hậu đẩy nhiệt độ mặt đất và biển lên cao, kéo theo tình trạng nóng lên toàn cầu và khiến băng tan nhanh.

Chiến lược này kêu gọi tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Alaska và các quốc gia NATO, mở rộng các cuộc tập trận quân sự và cam kết xây dựng lại hạm đội phá băng của nước này.

"Nga, Trung Quốc và các quốc gia dân chủ cần tuân thủ các quy tắc trong khu vực", ông Pompeo nói. Các quy tắc này nhấn mạnh tôn trọng chủ quyền và tính minh bạch của các quốc gia khác. Điều đó sẽ giúp Mỹ dẫn đầu ở khu vực Bắc Cực, ông Pompeo khẳng định.

Huyền Anh



BÀI CHỌN LỌC

Ngoại trưởng Pompeo: Trung Quốc đang theo đuổi 'lợi ích quân sự chiến lược' ở Bắc Cực