Ông Biden ký dự luật trần nợ, kết thúc trận chiến chính trị kéo dài nhiều tháng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cuộc chiến chính trị xung quanh trần nợ tại Mỹ đã kết thúc với Đạo luật Trách nhiệm Tài chính. Vẫn còn tồn tại những phản đối trong nội bộ Quốc hội Mỹ. Trong khi đó, xuất hiện những phản ứng đa dạng từ bên ngoài điện Capitol.

Tổng thống Joe Biden đã ký Đạo luật Trách nhiệm Tài chính vào thứ 7 (03/06), đình chỉ trần nợ trong 19 tháng và kết thúc cuộc chiến chính trị kéo dài hàng tháng xung quanh vấn đề trần nợ.

Đạo luật thỏa hiệp do ông Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng hòa - California) đàm phán đã được cả hai viện của Quốc hội thông qua với sự ủng hộ của lưỡng đảng trong tuần này. Đạo luật đã ngăn chặn khả năng vỡ nợ của Mỹ đối với các nghĩa vụ tài chính của quốc gia.

“Việc thông qua thỏa thuận ngân sách này là rất quan trọng. Rủi ro không thể cao hơn thế này”, ông Biden nói trong một bài phát biểu trước quốc gia vào tối thứ 6 (02/06) từ Phòng Bầu dục.

Các nhà lãnh đạo Quốc hội ở cả hai đảng, với mong muốn tránh thảm họa tài chính, đã thông qua dự luật.

Ông McCarthy gọi đây là lần cắt giảm chi tiêu lớn nhất từng được Quốc hội ban hành. Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer (Dân chủ - New York) cho biết, “Chúng ta đã cứu đất nước khỏi tai họa vỡ nợ”, sau khi dự luật được Thượng viện thông qua vào ngày 01/06.

Lãnh đạo Thiểu số Hạ viện Hakeem Jeffries (Dân chủ - New York) và Lãnh đạo Thiểu số Thượng viện Mitch McConnell (Cộng hòa - Kentucky) đều ủng hộ dự luật.

Cuộc chiến trong nhiều tháng

Chữ ký của Tổng thống Mỹ đã chấm dứt cuộc chiến tranh lạnh kéo dài nhiều tháng với ông McCarthy về các điều khoản liên quan tới việc nâng trần nợ 31,4 nghìn tỷ USD của Mỹ.

Ông Biden ký dự luật trần nợ, kết thúc trận chiến chính trị kéo dài nhiều tháng
Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng hòa - California) tại Phòng Bầu dục của Tòa Bạch Ốc vào ngày 22/05/2023 tại Washington, DC, Mỹ. (Ảnh: Drew Angerer/Getty Images)

Đạo luật Trách nhiệm Tài chính đình chỉ trần nợ [tạm bỏ qua giới hạn trần nợ] cho đến ngày 01/01/2025, cắt giảm nhẹ chi tiêu tùy ý phi quốc phòng vào năm 2024 và hạn chế mức tăng chi tiêu tùy ý ở mức 1% vào năm 2025.

Thỏa thuận cũng bao gồm các cải cách giấy phép khoan dầu khí, các thay đổi về yêu cầu công việc đối với một số chương trình phúc lợi xã hội và thu hồi 20 tỷ USD tài trợ IRS và 30 tỷ USD trong quỹ cứu trợ COVID-19 chưa được chi tiêu, cùng các điều khoản khác.

Theo Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen, nếu Quốc hội không có hành động cho phép chính phủ vay thêm, Mỹ sẽ thiếu tiền mặt để thanh toán tất cả các hóa đơn của mình vào ngày 05/06.

Bà Yellen tuyên bố vào tháng 1 rằng nước Mỹ có nguy cơ đạt đến giới hạn.

Ông McCarthy từng tuyên bố, Quốc hội sẽ không tăng trần nợ nếu không có thỏa thuận cắt giảm chi tiêu từ Tòa Bạch Ốc. Ông Biden cho biết ông sẽ không đàm phán về việc dỡ bỏ trần nợ vì điều đó sẽ khiến toàn bộ niềm tin và uy tín của Mỹ gặp rủi ro.

Thế bế tắc đã được phá vỡ vào cuối tháng 4 khi Hạ viện thông qua Đạo luật Giới hạn, Tiết kiệm, Tăng trưởng, cho phép tăng trần nợ thêm 1,5 nghìn tỷ USD cùng với việc cắt giảm chi tiêu và các biện pháp khác được đảng Cộng hòa ủng hộ.

Ông Biden sau đó đồng ý đàm phán với ông McCarthy, dẫn đến Đạo luật Trách nhiệm Tài chính.

Phản đối

Một nhóm thiểu số các nhà lập pháp ở cả hai đảng đã lớn tiếng phản đối dự luật.

Một số đảng viên Cộng hòa tin rằng, thỏa thuận đã nhượng bộ quá nhiều cho đảng Dân chủ. Dân biểu Chip Roy (Cộng hòa - Texas) gần như đã chặn dự luật trong ủy ban, nhưng nó đã được thông qua chỉ bằng một phiếu bầu.

Một số đảng viên đảng Dân chủ phản đối thỏa thuận này vì nó cắt giảm chi tiêu tùy ý và thay đổi các yêu cầu công việc đối với Chương trình Hỗ trợ Dinh dưỡng Bổ sung (SNAP). Họ nói rằng những điều khoản đó sẽ làm tổn thương những người Mỹ đang làm việc và những người có nhu cầu.

Ông Biden ký dự luật trần nợ, kết thúc trận chiến chính trị kéo dài nhiều tháng
Thành viên Ủy ban Nội quy Hạ viện, Dân biểu Chip Roy (Cộng hòa - Texas), phát biểu tại Điện Capitol vào ngày 30/01. (Ảnh: Win McNamee/Getty Images)

Một nhóm Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa do ông Lindsey Graham (Cộng hòa - North Carolina) và bà Susan Collins (Cộng hòa - Maine) dẫn dắt ban đầu đã phản đối dự luật do lo ngại về mức chi tiêu quốc phòng. Sau đó, họ đã quay sang ủng hộ sau khi nhận được sự đảm bảo từ ông Schumer và ông McConnell rằng, các khoản phân bổ quốc phòng khẩn cấp có thể được bổ sung sau nếu cần.

Dự luật đã được Hạ viện thông qua với tỷ lệ 314 - 117 vào ngày 31/05. 46 thành viên đảng Dân chủ và 71 thành viên đảng Cộng hòa đã bỏ phiếu không.

Thượng viện đã thông qua với tỷ lệ 63 - 36 vào ngày hôm sau. 4 đảng viên đảng Dân chủ, 1 đảng viên Độc lập và 31 đảng viên Cộng hòa đã bỏ phiếu chống.

Phản ứng bên ngoài Điện Capitol

Bên ngoài Điện Capitol, một số nhà quan sát hoan nghênh nỗ lực của lưỡng đảng trong khi những người khác lặp lại lời phàn nàn của những người bất đồng chính kiến trong quốc hội.

Vào ngày 02/06, bà Kelly Veney Darnell, Giám đốc điều hành tạm thời của Trung tâm Chính sách Lưỡng đảng, cho biết: “Loại thỏa hiệp này chính xác là cách chính phủ bị chia rẽ nên hoạt động".

Ông EJ Antoni, một nhà nghiên cứu tại Viện Di sản, cho biết “những người bảo thủ có rất ít điều để ăn mừng với thỏa thuận này, và nhiều điều để phàn nàn”. Theo ông Antoni, dự luật không thực sự cắt giảm chi tiêu. Ông gọi đó là “đạo luật cánh tả” trong một tuyên bố được công bố vào ngày 01/06.

Ông Navin Nayak, cố vấn tại Trung tâm vì sự tiến bộ của Mỹ, tán thành luật này theo cách không nhiệt tình, nói rằng nó không hoàn hảo nhưng là cần thiết trong một tuyên bố ngày 31/05. Ông Nayak cho biết, Đường ống Mountain Valley, được bật đèn xanh bởi dự luật, khiến hàng nghìn người rơi vào rủi ro về an toàn và các yêu cầu bổ sung về công việc sẽ làm gia tăng nạn đói ở Mỹ.

Quốc hội hiện phải đưa các điều khoản của Đạo luật Trách nhiệm Tài chính vào ngân sách liên bang và xử lý hàng chục dự luật phân bổ cần thiết để tài trợ cho chính phủ trong năm tới.

Năm tài chính 2024 bắt đầu vào ngày 01/10.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Ông Biden ký dự luật trần nợ, kết thúc trận chiến chính trị kéo dài nhiều tháng