Ông Morris Chang nổi bật tại Hội nghị APEC, TSMC và Đài Loan vui mừng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Việc ông Morris Chang xuất hiện nổi bật tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC mới đây cho thấy tầm quan trọng của TSMC trong lĩnh vực bán dẫn, đồng thời giúp nâng cao vị thế toàn cầu của Đài Loan.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC (Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương) mới đây, ông Morris Chang, người sáng lập Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC), nổi lên như một nhân vật trung tâm. Đại diện cho Đài Loan, ông Chang đã giao lưu với hơn một nửa số lãnh đạo quốc gia tham dự hội nghị thượng đỉnh, nhấn mạnh sự vượt trội của TSMC trong lĩnh vực bán dẫn toàn cầu.

Trong cuộc họp báo vào ngày 17/11 tại San Francisco, ông Chang đã nói về những tương tác của mình tại hội nghị thượng đỉnh. Mặc dù không tham gia các cuộc đàm phán song phương chính thức với Tổng thống Mỹ Joe Biden, nhưng ông Chang lưu ý rằng ông đã có rất nhiều sự tương tác với các nhà lãnh đạo Mỹ, bao gồm Ngoại trưởng Antony Blinken, Phó Tổng thống Kamala Harris và cố vấn cấp cao của Tòa Bạch Ốc Lael Brainard.

Hội nghị thượng đỉnh đã mang đến cho ông Chang nhiều cơ hội đối thoại không chính thức, trong đó có bữa trưa dành cho các quan chức quan trọng của APEC và bữa tối do Tổng thống Biden và Đệ nhất phu nhân chủ trì. Tại những cuộc gặp gỡ này, ông Chang đã trò chuyện với các nhà lãnh đạo như Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, chia sẻ những hiểu biết sâu sắc về ngành bán dẫn.

Chuyên môn về chất bán dẫn của ông Chang là thỏi nam châm thu hút sự tò mò và tôn trọng. Các nhà lãnh đạo đặt câu hỏi về sự thành công của Đài Loan trong lĩnh vực này và tìm kiếm lời giải thích về những nguyên lý cơ bản của công nghệ chip. Việc kể lại một cách đầy hài hước của ông Chang về những tương tác này đã làm nổi bật mối quan tâm thực sự của các nhà lãnh đạo đối với lĩnh vực hoạt động của TSMC.

Một quan chức đối ngoại Đài Loan chỉ ra sức ảnh hưởng đáng kể của ông Chang tại hội nghị thượng đỉnh, khi nhiều nhà lãnh đạo quan tâm tới công ty của ông. Điều này giúp nâng cao vị thế toàn cầu của Đài Loan và thúc đẩy tình hữu nghị quốc tế. Tuy nhiên, ông Chang cho biết ông không có tương tác nào với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình trong sự kiện này.

Về vấn đề Mỹ hạn chế xuất khẩu công nghệ cao sang Trung Quốc, ông Chang bày tỏ sự ủng hộ đối với các biện pháp này, cho thấy TSMC sẽ tuân thủ các chính sách của Mỹ về lệnh cấm xuất khẩu chip.

Năm nay đánh dấu lần thứ 7 ông Chang đại diện cho Đài Loan tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC, trước đó ông từng đại diện cho các Tổng thống Đài Loan là bà Thái Anh Văn và ông Trần Thủy Biển. Kinh nghiệm của ông ở Mỹ, thứ kéo dài gần ba thập kỷ, đã đặt nền móng cho việc thành lập TSMC vào năm 1987.

Dưới sự lãnh đạo của ông, TSMC đã phát triển thành doanh nghiệp chip hàng đầu thế giới, tự hào với giá trị thị trường khoảng 470 tỷ USD. Chip của công ty chiếm khoảng 50% sản lượng toàn cầu, trong đó chip tiên tiến chiếm 90% thị trường.

Những con chip này không thể thiếu trong hàng tỷ thiết bị điện tử trên toàn thế giới, bao gồm điện thoại di động, máy tính và ô tô. Với sự ra đời của trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là AI tạo sinh, nhu cầu về chip tiên tiến đã tăng vọt. Khi thế kỷ 21 đang được định hình bởi trí tuệ nhân tạo, vai trò của chip tiên tiến như là cốt lõi của công nghệ AI càng nhấn mạnh vị trí then chốt của TSMC trên trường toàn cầu.

Ông Morris Chang nổi bật tại Hội nghị APEC, TSMC và Đài Loan vui mừng
Một nhà máy của nhà sản xuất chất bán dẫn Đài Loan TSMC tại Khu Khoa học Trung tâm Đài Loan ở Đài Trung, Đài Loan, vào ngày 25/03/2021. (Ảnh: Sam Yeh / AFP qua Getty Images)

Thách thức đối với Trung Quốc trong ngành chip

Ngành công nghiệp bán dẫn đang bị ảnh hưởng sâu sắc bởi sự phụ thuộc lẫn nhau toàn cầu. Ông Chiu Chun-Jung, giáo sư Khoa Kinh tế tại Đại học Trung ương Đài Loan, đã chỉ ra bối cảnh toàn cầu của ngành này, nơi các bằng sáng chế cơ bản nằm ở Mỹ, các hợp chất chính ở Nhật Bản và thiết bị quang khắc quan trọng ở Hà Lan. Môi trường kinh doanh tại Đài Loan, với đội ngũ kỹ sư xuất sắc và tận tâm cao độ, đã có ảnh hưởng rất quan trọng đối với thành công của TSMC, một chiến thắng lớn tạo nên bởi vị trí địa lý, điều kiện hoạt động và tài năng con người.

Ông Chiu nhấn mạnh tính chất độc đáo của ngành bán dẫn, lưu ý rằng đây không chỉ đơn thuần là vấn đề đầu tư. Ông nói với The Epoch Times: “Ngay cả với bí quyết, Mỹ không thể tái tạo các khả năng sản xuất chip mới nhất nếu không đưa [các đơn vị của] TSMC về trong nước [Mỹ]”.

Ông Morris Chang nổi bật tại Hội nghị APEC, TSMC và Đài Loan vui mừng
Tổng thống Joe Biden (giữa) chào đón các công nhân khi ông đi thăm Cơ sở Sản xuất Chất bán dẫn TSMC ở Phoenix, Arizona, vào ngày 06/12/2022. (Ảnh: Brendan Smialowski/AFP qua Getty Images)

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có tham vọng có thể độc lập sản xuất chip tiên tiến theo chính sách "Made in China 2025" nhằm giảm tỷ lệ nhập khẩu chip của Trung Quốc từ 85% xuống 30% vào năm 2025. Tuy nhiên, mục tiêu này phải đối mặt với những thách thức đáng kể.

Vào tháng 9, Reuters đưa tin rằng quỹ đầu tư mới của ĐCSTQ, còn được gọi là Big Fund Phase III [Quỹ Lớn Giai đoạn III], đã nhận được sự chấp thuận. Quỹ này, với mục tiêu huy động 300 tỷ CNY (nhân dân tệ) (khoảng 41 tỷ USD), có mục đích thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc và thu hẹp khoảng cách với các đối thủ toàn cầu, đặc biệt là Mỹ. Mức đầu tư của giai đoạn thứ ba này vượt quá tổng mức đầu tư của hai giai đoạn đầu tiên, vốn đã huy động được lần lượt 138,7 tỷ CNY (khoảng 19,5 tỷ USD) và 200 tỷ CNY (khoảng 28,2 tỷ USD) trong năm 2014 và 2019.

Bất chấp những khoản đầu tư này, cách tiếp cận của ĐCSTQ vẫn bị hủy hoại bởi sự kém hiệu quả và tham nhũng, dẫn đến phá sản, vỡ nợ và các dự án chưa hoàn thành. Kể từ năm 2021, một số quan chức cấp cao đã dính líu đến các vụ bê bối tham nhũng liên quan.

Ngành công nghiệp bán dẫn là tâm điểm trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung. Lệnh cấm chip được nâng cấp của chính phủ Mỹ đối với Trung Quốc vào tháng 10 càng làm trầm trọng thêm những thách thức đối với Trung Quốc. Lệnh cấm mới bao hàm việc bán chip chuyên dụng, như A800 và H800 của Nvidia, sang Trung Quốc, nhằm đối phó những lỗ hổng trước đó. Hơn nữa, lệnh cấm quy định rằng các con chip được sản xuất bằng công nghệ, phần mềm và thiết bị của Mỹ trên toàn cầu phải có sự cho phép của Mỹ để bán cho Trung Quốc.

Ngoài ra, lệnh này còn đặt ra những hạn chế đối với công nhân lành nghề của Mỹ, cấm người Mỹ hỗ trợ Trung Quốc phát triển hoặc sản xuất mạch tích hợp mà không được phép.

Tính đến cuối năm 2022, khả năng tự cung cấp mạch tích hợp của Trung Quốc duy trì ở mức dưới 30%, cho thấy sự phụ thuộc hơn 70% vào nhập khẩu. Tình huống này nêu bật sự phức tạp và thách thức mà Trung Quốc phải đối mặt trong việc giảm sự phụ thuộc vào chip nước ngoài, nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược và bản chất cạnh tranh của ngành bán dẫn toàn cầu.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Ông Morris Chang nổi bật tại Hội nghị APEC, TSMC và Đài Loan vui mừng