Sản vật triệu đô cực hiếm trên thế giới mọc đầy tại Việt Nam

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tại Việt Nam, hoa hồi được mệnh danh là cánh hoa nghìn tỷ bởi giá trị kinh tế mang lại rất lớn, là loài cây có thể thu hoạch đến 80 năm. Các nước như Ấn Độ, Mỹ, Trung Quốc đua nhau săn lùng.

Sản lượng xuất khẩu "loại cánh hoa nghìn tỷ" sang Ấn Độ đã tăng phi mã 178% chỉ trong 1 tháng.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), xuất khẩu hoa hồi của Việt Nam đã tăng kỷ lục trong tháng 3 với 998 tấn, thu về 5,4 triệu USD, tăng 79% về sản lượng. Trong đó xuất khẩu sang thị trường chính là Ấn Độ chứng kiến mức tăng 178% về sản lượng so với tháng trước, đạt 645 tấn, chiếm tỷ trọng gần 65%.

Prosi Thăng Long là doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhất trong tháng 3 với 203 tấn, tăng 99%.

Lũy kế trong quý 1/2024, xuất khẩu hoa hồi đạt 13,3 triệu USD với 2.435 tấn, giảm 27% về sản lượng và kim ngạch giảm 38%. Xét theo thị trường, Việt Nam xuất khẩu hoa hồi sang Ấn Độ nhiều nhất trong quý 1 với 1.376 tấn, giảm 39%, chiếm tỷ trọng 56,5%. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 với 212 tấn, chiếm 8,7% tỷ trọng và giảm 16% so với cùng kỳ năm 2023.

Trước đó trong năm 2023, nước ta thu về 83 triệu USD từ xuất khẩu hoa hồi, sản lượng đạt 16.136 tấn, tăng mạnh 26% về lượng. Ấn Độ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với 499 tấn, chiếm 57% tỷ trọng.

Hoa hồi hay còn gọi là hoa đại hồi là một loại cây có nguồn gốc từ Trung Quốc và đông bắc Việt Nam. Đây là loài cây gia vị có tác dụng và mùi thơm tương tự như cây tiểu hồi, thu nhặt được từ vỏ quả. Đặc điểm của loài cây này là có hình dáng khá nhỏ chỉ từ 6-10m, thân cây thẳng và nhẵn và có màu nâu xám, cành dễ gẫy. Lá mọc gần thành chùm 3-4 lá ở đầu cành, có cuống, phiến lá nguyên, dài 8-12cm, rộng 3-4cm, dòn, vò nát có mùi thơm. Cây hồi nếu được trồng và chăm sóc tốt sẽ cho hoa sau 4 năm trồng.

Cây hồi thường cho hoa từ tháng 3 đến tháng 5, đến tháng 7, tháng 9 hoa hồi bắt đầu chín và người dân có thể thu hoạch. Thông thường một cây đại hồi có tuổi đời từ 5 năm trở lên mới được lấy quả, mỗi năm cũng chỉ được thu hoạch 2 vụ nên hoa hồi đã hiếm lại càng quý hơn.

Năng suất từ năm thứ 5-6 là 0,5 -1 kg/cây. Từ năm thứ 20 trở đi cây sẽ cho năng suất ổn định lên tới 40 – 50kg/cây. Nếu cây hồi được trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật thì sẽ cho năng suất cao và ổn định, kéo dài thời gian thu hoạch lên tới 80 năm. Đáng chú ý theo dữ liệu của Tridge, Trung Quốc, Việt Nam và Ấn Độ hiện là những nhà cung cấp hoa hồi đứng đầu toàn thế giới. Trong số đó, Việt Nam và Trung Quốc là hai nước duy nhất có thể sản xuất hồi với số lượng lớn nhờ điều kiện thuận lợi.

Lạng Sơn được mệnh danh 'thủ phủ' của cây hồi với diện tích trồng khoảng 40.000 ha với sản lượng hàng năm hơn 16.000 tấn và giá trị kinh tế trung bình hàng năm đạt trên 1.000 tỷ đồng. Hồi được trồng chủ yếu tại các huyện Văn Quan, Bình Gia, Bắc Sơn, Tràng Định, Chi Lăng, Văn Lãng và Cao Lộc. Nếu như cây hồi được trồng trên các địa hình đồi dốc thì ở những khu vực bằng phẳng bên dưới, người dân sử dụng làm nơi phơi, sấy hoa hồi trước khi xuất bán.

Khi trồng cây hồi chỉ phải bỏ công chăm sóc, bảo vệ lúc cây còn nhỏ; khi cây đã phát triển cao hơn 1m thì không tốn nhiều công chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh như một số loại cây trồng khác mà hiệu quả kinh tế tương đối ổn định và cho thu hoạch lâu dài.

Hoa hồi thường được sử dụng chủ yếu là 2 loại chính: đại hồi và tiểu hồi. Đại hồi có tính cay và the hơn tiểu hồi và có vị giống với cam thảo.

Ngoài ra, hoa hồi thường được ưa chuộng sử dụng làm gia vị nhiều ở dạng bột hoặc nguyên đóa. Vì đặc tính cay, thơm nên hoa hồi là gia vị được sử dụng nhiều trong các món như phở, cà ry, hầm, tiềm…. giúp tạo vị và dậy mùi, cho món ăn có hương vị nồng nàn và đặc sắc. Ngoài ra hoa hồi còn tạo cảm giác thèm ăn, kích thích vị giác cũng như giúp chữa đau bụng, ho, xương khớp, cảm cúm hay kháng viêm,… Tinh dầu hoa hồi cũng được sử dụng trong các sản phẩm làm đẹp.

Theo thống kê, hiện nước ta có khoảng trên 5.100 loài cây dược liệu, có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển dược liệu trở thành một ngành kinh tế.

Ngoài cây hồi, dưới đây cũng là một 'báu vật' mọc khắp Việt Nam được các cường quốc tranh nhau săn đón, từ Mỹ đến Nhật Bản đều ưa chuộng.

Xuất khẩu mây, tre, cói, thảm

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 3/2024, xuất khẩu nhóm mặt hàng mây, tre, cói, thảm của Việt Nam đạt 74,31 triệu USD, tăng 57,2% so với tháng 2/2024 và tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung, trong 3 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sản phẩm mây, tre, cói, thảm đạt 201,58 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023.

Đây là tín hiệu đáng mừng bởi trong tháng 2, nhóm sản phẩm này giảm mạnh do thời gian nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài. Nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng đến giữa năm 2024.

Xét về thị trường, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm, đạt hơn 77,1 triệu USD, tăng 35,7% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm tỷ trọng 38,3%. Riêng tháng 3, xuất khẩu mây, tre, cói và thảm sang Mỹ đã thu về hơn 28 triệu USD, tăng 25,4% so với tháng 3/2023.

Hiện Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) đã đưa ra những thông điệp ngừng tăng lãi suất và tiến tới xem xét giảm lãi suất trong năm 2024. Lạm phát đang hạ nhiệt, việc làm gia tăng, xây dựng và mua bán nhà đất có tín hiệu tích cực. Trong khi đó, vấn đề hàng tồn kho đang dần được khắc phục mở ra nhiều cơ hội cho mây, tre, cói, thảm.

Xếp thứ 2 là thị trường Anh. Tháng 3, nước này nhập khẩu 5,3 triệu USD, tăng 43,1% so với tháng 3/2023. Lũy kế 3 tháng, Việt Nam thu về 14,1 triệu USD nhờ xuất khẩu mặt hàng này sang Anh, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm tỷ trọng 7%.

Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam ở lĩnh vực này khi thu về 12,8 triệu USD trong tháng 3/2024, giảm 5,5% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm tỷ trọng 6,3%.

Việt Nam đang là một trong những quốc gia xuất khẩu mây tre đan lớn nhất thế giới cùng với Trung Quốc và Philippines. Trước đó, tính chung cả năm 2023, nhóm hàng này đã thu về cho Việt Nam hơn 733 triệu USD, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm 2022. Kể từ năm 2021, xuất khẩu mặt hàng này đã lấy lại sự phục hồi và tăng trưởng mạnh từ cuối năm 2023.

Việt Nam nằm trong nhóm xuất khẩu lớn sản phẩm mây, tre, cói, thảm. Các chuyên gia nhận định, khả năng chiếm lĩnh 10 - 15% thị phần thế giới là hoàn toàn khả thi. Khi quy mô thị trường tre toàn cầu dự kiến đạt 82,9 tỷ USD vào năm 2028, mây, tre có thể mang về hàng tỷ USD cho Việt Nam.

Diện tích tre trong nước rất lớn, lên đến 1,5 triệu ha, phân bố ở hầu hết các tỉnh trên cả nước, trong đó có 37/63 tỉnh có diện tích trên 10.000 ha. Tài nguyên tre Việt Nam phong phú và đa dạng với hàng trăm loài, trong đó có một số loài kinh tế cao như luồng, lùng, trúc sào, lồ ô, bương, tầm vông, tre gai. Việt Nam có diện tích tre rất lớn.

Đặc biệt, cả nước có trên 1.000 làng nghề mây tre đan, chiếm 24% tổng số các làng nghề thủ công mỹ nghệ. Trong đó, khu vực phía Bắc và miền Trung tập trung nhiều về các sản phẩm mây tre lá và cói, còn khu vực Tây Nam bộ tập trung nhiều các sản phẩm về bèo tây, lá buông.

Việt Nam Xã hội

Sản vật triệu đô cực hiếm trên thế giới mọc đầy tại Việt Nam