Sự bùng phát virus Langya dấy lên nghi vấn về khủng bố sinh học (Phần 1)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Gần đây, việc phát hiện ra virus Langya ở các tỉnh Sơn Đông và Hà Nam của Trung Quốc đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của các chuyên gia y tế trên thế giới.

Đây là một loại henipavirus lây truyền từ động vật sang người. Kể từ năm 2019 đến nay, đã có 35 người được xác định nhiễm virus Langya tại hai tỉnh nói trên.

Đáng chú ý, loại virus này có liên quan đến virus Mojiang — được tìm thấy trong các hang động nổi tiếng ở Mojian, nơi mà coronavirus được phát hiện trên dơi rất tương đồng với chủng SARS-CoV-2 trước đó.

Viện virus học Vũ Hán rất quan tâm đến henipavirus, cũng rất nỗ lực thu thập và tái tạo lại virus Nipah, loại virus thậm chí chưa hề đe dọa Trung Quốc.

Tất cả điều này có nghĩa là gì, và chuyện gì đang diễn ra bên trong các phòng thí nghiệm quân sự của Trung Quốc?

Virus Langya là gì? Các triệu chứng điển hình

Virus Langya thuộc một nhánh của họ henipavirus. Các henipavirus khác bao gồm virus Nipah (được biết đến với tỷ lệ tử vong cao), virus Hendra và virus Mojiang.

Henipavirus không lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp. Thay vào đó, chúng lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với người hoặc động vật bị nhiễm bệnh, hoặc tiếp xúc với phân của chúng.

Theo một bài báo đăng ngày 4 tháng 8 năm 2022 trên Tạp chí Y học New England, đã có ít nhất 35 người bị nhiễm virus Langya ở tỉnh Hà Nam và Sơn Đông (Trung Quốc), chưa có bất kỳ ca tử vong nào liên quan.

Trong số tất cả các bệnh nhân, 26 người chỉ nhiễm duy nhất virus Langya, trong khi 9 người còn lại bị nhiễm các mầm bệnh khác cùng lúc.

Tất cả 26 bệnh nhân nhiễm virus Langya đều bị sốt. Xác suất mắc chứng biếng ăn, ho, suy nhược, đau cơ và giảm bạch cầu của họ là 50%. Ngoài ra, suy giảm chức năng gan, giảm tiểu cầu và đau đầu cũng là những triệu chứng thường gặp.

Phân tích gen cho thấy, virus Langya có đặc điểm tương đồng nhất với virus Mojiang, nhưng không phải virus Nipah hoặc Hendra, hai chủng henipavirus vốn được biết đến nhiều hơn.

Virus Mojiang: Henipavirus từ một mỏ bí ẩn ở Vân Nam (Trung Quốc)

Virus Mojiang được tìm thấy trong một khu mỏ bỏ hoang khét tiếng ở huyện Mojiang, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

Khu mỏ ở Vân Nam này lần đầu tiên thu hút sự chú ý của cộng đồng y khoa vào năm 2012, khi sáu thợ mỏ làm việc bên trong mắc bệnh viêm phổi nặng không rõ nguyên nhân. Được biết, đã có ba người trong số họ tử vong.

Hơn nữa, các nhà nghiên cứu còn phát hiện virus Mojiang từ những con chuột trong mỏ.

Vào năm 2013, nhà virus học Shi Zhengli tại Viện virus học Vũ Hán đã phát hiện ra coronavirus RaTG13 từ những con dơi ở mỏ Mojiang, vốn có họ hàng gần nhất với chủng SARS-CoV-2. Mức độ giống nhau lên tới 96% giữa hai loài.

Mỏ này giống như một “hang virus”, chứa hai loại virus nguy hiểm trong các vật chủ khác nhau: coronavirus ở dơi và virus Mojiang ở loài gặm nhấm.

Vẫn còn rất nhiều câu hỏi chưa được giải đáp về hang động bí ẩn này: Điều gì đã xảy ra với ba người thợ mỏ khác bị viêm phổi chưa rõ nguyên nhân nhưng không chết? Họ có nhiễm virus nào trước đó hay không?

Sau khi virus Mojiang được xác định, các mẫu xét nghiệm của thợ mỏ có được kiểm tra lại để đánh giá khả năng lây nhiễm sang người không? Điều gì khiến hang động này dường như trở thành một trung tâm của các mầm bệnh?

Tuy nhiên, đối với các nhà khoa học và nhà báo, mỏ hoang ở Vân Nam đã trở thành một “hố đen không có thông tin”. Vì yếu tố nhạy cảm chính trị, chính quyền Trung Quốc đã ngăn cản bất kỳ nhà khoa học hay nhà báo nào đến đó để điều tra.

Ví dụ, một nhóm phóng viên của hãng tin AP đã bị xe cảnh sát thường phục theo sau khi cố gắng vào khu mỏ để điều tra. Tại đây, họ đã bị chặn và không được phép xâm nhập khu mỏ này.

Cũng có trường hợp một nhóm các nhà nghiên cứu khác sau khi lấy mẫu từ mỏ đã bị tịch thu tất cả.

Ngoài việc phát hiện virus coronavirus và virus Mojiang, quân đội Trung Quốc và Viện virus học Vũ Hán dường như rất quan tâm đến một henipavirus khác, đó là virus Nipah.

Phải chăng Viện virus học Vũ Hán đang nghiên cứu virus Nipah như một loại vũ khí sinh học?

Gần đây, một nhà khoa học nổi tiếng đã chỉ ra rằng, viện này có thể đang âm thầm tiến hành nghiên cứu di truyền trên virus Nipah.

Tiến sĩ Steven Quay, Giám đốc điều hành của Atossa Therapeutics, Inc. (một công ty dược phẩm giai đoạn lâm sàng), là một bác sĩ và nhà khoa học giàu kinh nghiệm, người đã xuất bản hơn 300 bài báo và nắm giữ hơn 80 bằng sáng chế.

Ông đặc biệt quan tâm đến nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 và đã xuất bản các bài báo, trong đó nói rằng tất cả mọi bằng chứng gián tiếp cho đến nay đều cho thấy khả năng coronavirus rò rỉ từ phòng thí nghiệm là rất cao.

Tiến sĩ Quay phát hiện rằng dữ liệu thô của các nghiên cứu liên quan đến virus SARS-CoV-2 chứa một phần trình tự gen của virus Nipah, và một số trình tự gen tương đối hoàn chỉnh. Ngoài ra, nó cũng chứa một phần chuỗi vector được sử dụng cho sinh học tổng hợp.

Do đó, Tiến sĩ Quay nghi ngờ Viện virus học Vũ Hán có thể đang tiến hành tái cấu trúc hoặc thiết kế một bản sao truyền nhiễm của dòng virus Nipah, một loại virus gây chết người cao và rất nguy hiểm.

Đây không chỉ là một suy đoán, vì mối quan tâm mạnh mẽ của Viện này đối với virus Nipah đã được tìm thấy trong một sự cố rất bất thường khác:

Vào năm 2019, một nhà virus học vi sinh vật tại Phòng thí nghiệm Vi sinh vật Quốc gia Canada, Tiến sĩ Xiangguo Qiu, đã bí mật gửi các mẫu virus Ebola và virus Nipah cho Viện virus Vũ Hán sau khi đánh cắp chúng từ nơi làm việc của mình.

Sau khi hành vi phạm tội bị lật tẩy, Cảnh sát Hoàng gia Canada đã thực hiện điều tra. Cuối cùng, bác sĩ Qiu bị sa thải.

Virus Nipah, được Viện virus học Vũ Hán thu được với chi phí rất cao, là một loại virus rất nguy hiểm, đã gây ra nhiều đợt bùng phát chủ yếu ở Nam Á và Đông Nam Á. Nó có thể giết chết tới 90% dân số trong một vài đợt bùng phát nhất định.

Dơi rất tích cực hoạt động ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, vật chủ tự nhiên chủ yếu của virus Nipah là dơi ăn quả. Dơi cũng có thể truyền virus cho các động vật lớn khác, chẳng hạn như ngựa và lợn.

Trung Quốc hiện không phải đối mặt với mối đe dọa từ virus Nipah và không có nhu cầu cấp thiết để phát triển một loại vaccine cho nó. Vậy tại sao Viện virus học Vũ Hán lại quan tâm đến virus Nipah như vậy? Đây là một câu hỏi đáng báo động!

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh CDC Hoa Kỳ đã xếp virus Nipah vào danh sách “tác nhân khủng bố sinh học”, và xếp nó vào mầm bệnh loại C — một loại virus có khả năng chế tạo thành vũ khí sinh học.

Trước khi COVID-19 bùng phát, trang web của Viện virus học Vũ Hán thậm chí còn liệt kê một “bộ phận quản lý của quân đội”. Điều này cho thấy Viện không chỉ đơn thuần là một cộng tác viên cho Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.

Mặc dù Trung Quốc đã tham gia Công ước Vũ khí Sinh học (BWC) vào năm 1984, người ta nghi ngờ rằng họ có thể vẫn chưa ngừng nghiên cứu về vũ khí sinh hóa.

--> Xem tiếp: Sự bùng phát virus mới dấy lên nghi vấn về khủng bố sinh học (Phần 2)

Bảo Vy
Theo The Epoch Times tiếng Anh

Tiến sĩ Xiaoxu Sean Lin là trợ lý giáo sư Khoa Khoa học Y sinh tại Cao đẳng Feitian - Middletown NY. Tiến sĩ Lin cũng là nhà phân tích và bình luận thường xuyên của Epoch Media Group, VOA và RFA. Tiến sĩ Lin là một cựu chiến binh từng là nhà vi sinh vật học của Quân đội Hoa Kỳ. Tiến sĩ Lin cũng là thành viên của Ủy ban Nguy cơ Hiện tại: Trung Quốc.



BÀI CHỌN LỌC

Sự bùng phát virus Langya dấy lên nghi vấn về khủng bố sinh học (Phần 1)