Thiếu hụt nghiêm trọng thuốc hạ sốt và thuốc giảm ho do chính sách kiểm soát nghiêm ngặt của ĐCSTQ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hiện tại, thuốc hạ sốt ibuprofen hiệu Merrill Lynch đã hết hàng tại các hiệu thuốc tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Người dân muốn mua phải tìm kiếm và liên hệ khắp nơi. Tại cổng Bệnh viện nhi Thiên Tân, một chai Merrill ban đầu có giá khoảng 20 nhân dân tệ (gần 70.000 VNĐ) giờ đã được đẩy lên với giá bán từ  2.500 đến 3.000 nhân dân tệ (khoảng 8 - 10 triệu VNĐ).

Dịch COVID-19 đang bùng phát ở Trung Quốc như một cơn sóng thần nhưng hệ thống y tế chưa được chuẩn bị. Hệ quả là mặt hàng thuốc khan hiếm, giá thuốc tăng cao thậm chí có nơi có tiền cũng không mua được.

Theo báo cáo của China NetEase News vào ngày 19/12, tại Bắc Kinh và Thiên Tân, loại thuốc hạ sốt ibuprofen cho người lớn và trẻ em đều đang rất khan hiếm.

Sau khi tìm kiếm trên các nền tảng thương mại điện tử về dược phẩm ở Trung Quốc, một phóng viên của tờ "Bắc Kinh thương báo" cho biết, thuốc hạ sốt Merrill Lynch đã hoàn toàn hết hàng. Ngoài ra, trên mạng xã hội, các bà mẹ từ Thanh Đảo, Sơn Đông, Thái Châu, Chiết Giang và Côn Sơn, Giang Tô đều đang cầu cầu cứu để có thể mua Merrill Lynch.

Ibuprofen là loại thuốc không cần kê đơn nhưng bị hạn chế mua trước khi gỡ phong tỏa

Ibuprofen là một loại thuốc hạ sốt không cần kê đơn điều trị tình trạng nhiễm virus Covid-19 tại nhà được chính quyền ĐCSTQ khuyên dùng. Do đó, việc người dân Trung Quốc đổ xô đi mua loại thuốc này có thể liên quan đến hướng dẫn điều trị do chính quyền ban hành.

Vào ngày 7/12, các cơ quan chức năng đã đưa ra "Hướng dẫn điều trị Covid-19 tại nhà". Trong đó, yêu cầu những người nhiễm vi rút không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ tự điều trị tại nhà. Và một trong những loại thuốc được khuyến cáo dùng cho những người có triệu chứng sốt là ibuprofen, acetaminophen, Aspirin , Liên hoa Thanh Ôn, v.v.

Tuy nhiên, trong 3 năm bị ĐCSTQ phong tỏa, việc bán các loại thuốc hạ sốt và thuốc giảm ho ở Trung Quốc đã bị kiểm soát chặt chẽ. Người mua thuốc phải đăng ký bằng tên thật và thông tin của họ sẽ phải công khai với cộng đồng nơi sinh sống và phòng Quản lý để tiện theo dõi. Chính vì vậy, nhiều gia đình Trung Quốc đã không thể mua hay dự trữ thuốc hạ sốt.

Khi ĐCSTQ đột ngột nới lỏng kiểm soát và yêu cầu người dân tự điều trị tại nhà, nhiều gia đình phải đổ xô đi mua ibuprofen và các loại thuốc hạ sốt khác trong cơn khủng hoảng.

Ly Ly (bút danh), một cư dân Thiên Tân, nói với The Epoch Times vào ngày 21/12: “Trong thời gian phong tỏa, các hiệu thuốc không bán thuốc cảm sốt. Sau khi dỡ bỏ phong tỏa với yêu cầu tự điều trị thì chúng tôi phải mua thuốc để đề phòng. Nhưng nhà thuốc cũng không có thuốc, vắc-xin thì không hiệu quả. Tôi bị sốt và mọi người xung quanh tôi đều nhiễm bệnh. Tôi không biết chính phủ nghĩ gì khi đột ngột dỡ phong tỏa, và bây giờ chúng tôi không nhìn thấy ai trên đường phố. Không có ai ra ngoài, và gần 90% người dân đã bị nhiễm bệnh.”

Trương Thiết (bút danh) đến từ thành phố Cát Lâm nói với các phóng viên của Epoch Times rằng: "Các hiệu thuốc về cơ bản đã bán hết tất cả các loại thuốc hạ sốt, giảm đau và giảm ho. Mặc dù tôi đã uống thuốc nhưng vẫn bị sốt, toàn thân đau nhức và ho rất nhiều. Uống thuốc vẫn không có tác dụng.”

Theo báo cáo của Nhật báo Côn Minh, đài truyền hình Vân Nam, Tencent đã ra mắt nền tảng cung cấp dịch vụ hỗ trợ thuốc vào ngày 21/12 khi các loại thuốc đang khan hiếm ở nhiều nơi. Từ đó, hơn 50.000 thông báo tìm kiếm trợ giúp đã được đăng trên nền tảng này trong vòng một ngày.

Văn Chiêu, một người bình luận chính trị nổi tiếng của Trung Quốc hiện sống ở Canada đã phát biểu trên kênh truyền thông cá nhân "Văn Chiêu luận đàm kim cổ" vào ngày 21/12 rằng, không có sự chuẩn bị là lý do số một dẫn đến cuộc khủng hoảng thuốc ở Trung Quốc hiện nay.

Văn Chiêu cho biết, Trung Quốc là nhà sản xuất và xuất khẩu thuốc hạ sốt ibuprofen lớn nhất thế giới, chiếm ⅓ tổng sản lượng toàn cầu. Hoa Kỳ và các nước phương Tây đều mua nguyên liệu từ Trung Quốc. Nhưng kết quả thì chính người dân Trung Quốc lại không thể mua được thuốc hạ sốt. Nguyên nhân sâu xa là chính quyền ĐCSTQ đã không có kế hoạch chuẩn bị và dự trữ thuốc..

4 loại thuốc bị kiểm soát, doanh nghiệp dược khó chuẩn bị hàng

Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý Dược phẩm Trung Quốc, chỉ riêng thuốc ibuprofen sản xuất nội địa đã có tới 558 loại biệt dược được cấp phép.

Văn Chiêu cho biết với năng lực sản xuất của Trung Quốc, nhu cầu của người dân có thể được đáp ứng trong vòng một hoặc hai tuần. Nhưng hiện tại, người dân ở khắp nơi đang phải kêu cứu vì không thể mua được thuốc. Lý do là bởi các công nhân trong dây chuyền sản xuất dược phẩm và hậu cần của Trung Quốc đều có kết quả xét nghiệm dương tính nên phải nghỉ ốm. Do đó khả năng sản xuất và công tác hậu cần đều giảm đáng kể. Khả năng vận chuyển bổ sung thuốc hạ sốt vốn có hạn, việc phân phối các loại thuốc khác lại càng ít. Khi quy trình bị tê liệt thì tình trạng càng trở nên trầm trọng, dẫn đến cái chết của rất nhiều người dân. Tất cả những điều này đều là do sự thay đổi chính sách đột ngột của ĐCSTQ

Theo kênh thông tin y tế Cyberland Trung Quốc vào ngày 20/12, không chỉ ibuprofen mà bốn loại thuốc (hạ sốt, giảm ho, kháng sinh và thuốc kháng vi-rút) hiện cũng đều đã hết hàng.

Một công ty sản xuất bốn loại thuốc này đã trả lời với Cyberland “rằng trong vài năm qua, việc bán các loại thuốc này bị kiểm soát nghiêm ngặt ở nhiều vùng của Trung Quốc".

Một chuyên gia nổi tiếng trong ngành cũng cho biết, mặc dù chính sách này đã được nới lỏng từ tháng 11 nhưng về cơ bản các công ty dược phẩm vẫn chưa nhận được thông báo chính thức. Bởi vì các công ty dược cũng lo lắng về lượng hàng tồn kho nên cũng sẽ không tích trữ.

Ngoài ra, do nhu cầu tăng nên giá nguyên liệu dược phẩm cũng tăng vọt. Giá một số thảo dược Trung Quốc như Forsythia, Radix Isatidis và Folium rất đắt và thay đổi liên tục, cứ nửa ngày lại tăng một lần. Thậm chí giá các nguyên liệu của bốn loại thuốc trên cứ 2 -3 giờ lại tăng giá. Nguyên liệu để sản xuất Amoxicillin (một loại kháng sinh) thậm chí là hết hàng và không thể mua.

Gần đây, các trang web chính thức của Trung Quốc cũng đã thừa nhận các nguyên nhân như do các công ty dược phẩm không lập kế hoạch đầy đủ và thiếu liên kết trong hoạt động phân phối dược phẩm cũng như tình trạng công nhân nhà máy liên tiếp bị dương tính đã ảnh hưởng đến việc sản xuất các loại thuốc.

Theo Epoch Times tiếng Trung
Cát Mộc biên dịch

video: 5 khoảnh khắc linh hồn thoát ra khỏi CƠ THỂ được camera ghi lại



BÀI CHỌN LỌC

Thiếu hụt nghiêm trọng thuốc hạ sốt và thuốc giảm ho do chính sách kiểm soát nghiêm ngặt của ĐCSTQ