Thực hư chuyện Houthi tuyên bố bắn hạ chiến đấu cơ F-22 của Mỹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Lực lượng Houthi tuyên bố bắn hạ chiến đấu cơ F-22 hàng đầu của Mỹ khi Washington tiến hành đợt không kích lớn nhắm vào các mục tiêu ở Yemen đáp trả việc Houthi tấn công tàu ở Biển Đỏ.

National Interest đưa tin, chỉ vài giờ sau khi các tàu chiến của Hải quân Hoa Kỳ phóng tên lửa Tomahawk vào hàng loạt vị trí của lực lượng Houthi ở Yemen, các chiến binh được Iran hậu thuẫn tuyên bố trên mạng xã hội rằng họ đã bắn hạ một chiếc F-22 Raptor. Đây là loại máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không thế hệ thứ 5 do Lockheed Martin sản xuất cho Không quân Mỹ.

Các báo cáo của Houthi trên mạng xã hội X loan tin F-22 đã "bị bắn hạ ở Sanaa", một trong 6 địa điểm bị Hoa Kỳ nhắm đến vào đêm 11/2 theo giờ địa phương. Dù vậy không có bằng chứng trực quan nào về việc máy bay Mỹ bị bắn rơi.

Trang tin quân sự Avia Pro cho biết, ngoài F-22, Houthi còn tuyên bố bắn hạ một máy bay chiến đấu của Anh.

"Quan chức quốc phòng Mỹ nói với tôi rằng không có chiếc F-22 nào của Mỹ bị bắn hạ tối nay, không có tàu chiến Mỹ nào bị tấn công cũng như đại sứ quán Mỹ ở #Baghdad không bị nhắm mục tiêu", Carla Babb, phóng viên Lầu Năm Góc và người dẫn chương trình của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ VOA, cho biết trong một tweet vào tối 11/2.

Trước đó, Lầu Năm Góc xác nhận tên lửa Tomahawk được phóng từ tàu mặt nước của Hải quân Mỹ và tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lớp Ohio USS Florida (SSGN-728).

Tuy nhiên, các hoạt động trên không do Lực lượng Không quân Hoàng gia Anh thực hiện và có sự tham gia của 4 máy bay Eurofighter Typhoon FGR4, được hỗ trợ bởi máy bay tiếp nhiên liệu trên không Voyager.

Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, máy bay đã phóng bom dẫn đường Paveway IV để tiến hành các cuộc tấn công chính xác vào hai cơ sở của Houthi.

Vào tháng 6/2023, Không quân Mỹ triển khai một số lượng máy bay F-22 Raptor tới Trung Đông – khu vực chịu trách nhiệm của Bộ Tư lệnh Trung ương Hoa Kỳ (CENCOM) – để giải quyết hành vi ngày càng không an toàn và thiếu chuyên nghiệp của máy bay Nga trong khu vực.

Lực lượng Houthi được cho là sở hữu cả hệ thống phòng không thời Liên Xô và hệ thống tên lửa phòng không do Iran cung cấp.

Trước đó, một thành viên cấp cao của lực lượng Houthi, Abdul Salam Jahaf, tuyên bố lực lượng này đã tiến hành các cuộc tấn công vào các tàu chiến của Mỹ và Anh ở Biển Đỏ để đáp trả cuộc tấn công của các đồng minh phương Tây vào các mục tiêu của Houthi ở Yemen.

Truyền thông Ả rập cũng đưa tin về một loạt vụ phóng tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình của Houthi nhằm vào các căn cứ và tàu của Mỹ. Theo các nguồn tin, các tên lửa bắn ra biển đã bị tàu hải quân Mỹ đánh chặn.

Theo trung tướng Douglas Sims II, chỉ huy tác chiến liên quân của Lầu Năm Góc, lực lượng Houthi đã bắn ít nhất một tên lửa đạn đạo chống hạm vào một tàu thương mại sau cuộc không kích của Mỹ và các đồng minh. Trước đó, người phát ngôn của lực lượng vũ trang Houthi tuyên bố nhóm này sẽ tiếp tục nhắm mục tiêu vào các tàu thương mại ở Biển Đỏ.

F-22 Raptor là chiến đấu cơ tàng hình một chỗ ngồi, hai động cơ, hoạt động trong mọi thời tiết. F-22 thực hiện chuyến bay đầu tiên cách đây 26 năm vào ngày 7/9/1997, sau 6 năm phát triển. F-22 được đánh giá cao về khả năng tàng hình, siêu hành trình, sự nhanh nhẹn và nhận thức tình huống, cùng với khả năng hỗ trợ được cải thiện.

Mặc dù chủ yếu là máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không, F-22 cũng có thể đóng vai trò là máy bay tấn công mặt đất đối không. Máy bay đa chức năng này còn được thiết kế để có khả năng tiến hành chiến tranh điện tử và thậm chí cả khả năng tình báo tín hiệu.

Là máy bay thế hệ thứ 5 đầu tiên, F-22 được phát triển với lợi thế "nhìn trước, bắn trước", bao gồm radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) AN/AGP-77, có thể theo dõi mục tiêu trước khi chuyển sang chế độ im lặng. Ngoài ra, mỗi phi công F-22 có thể nhận thông tin từ những chiếc F-22 khác, cho phép thực hiện cuộc tấn công mà không cần radar.

Hiện vẫn chưa rõ liệu máy bay F-22 của Không quân Mỹ có còn hoạt động ở Trung Đông hay không. Nhưng nó có thể sẽ không phải là lựa chọn hàng đầu để thực hiện những nhiệm vụ chống lại người lực lượng Houthi. Bởi dù có khả năng tấn công mặt đất nhưng F-22 vẫn là máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không. Và trên thực tế nó được đưa đến Trung Đông với nhiệm vụ ngăn chặn các máy bay chiến đấu của Nga.

Viên Minh (tổng hợp)

Thế giới Quân sự


BÀI CHỌN LỌC

Thực hư chuyện Houthi tuyên bố bắn hạ chiến đấu cơ F-22 của Mỹ