Tổng thống Mỹ phớt lờ Đài Loan, bỏ lỡ cơ hội củng cố an ninh và kinh tế của thế giới tự do

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã không tới Đài Loan trong chuyến thăm các đồng minh trong khu vực như Hàn Quốc và Nhật Bản. Điều này sẽ không có lợi cho an ninh và kinh tế của Mỹ và các đồng minh. Đài Loan có thể là chính là giải pháp giúp phương Tây thoát khỏi sự phụ thuộc nguy hiểm vào sản xuất Trung Quốc.

Cách đây chưa đầy hai tuần, Tổng thống Joe Biden đã trình bày một bài phát biểu được quảng cáo rầm rộ trong một bối cảnh mô phỏng Tòa Bạch Ốc nằm ở bên kia đường của Tòa Bạch Ốc thực. Khung cảnh được thiết kế với các máy chiếu kỹ thuật số ngụy trang thành các khung cửa sổ nhìn ra Vườn Hồng và hàng chục chiếc đèn LED / thạch anh được treo trên trần. Với sự bố trí như vậy, ông Biden đã phát biểu: “Tôi muốn mọi người Mỹ biết rằng tôi đang rất quan tâm tới lạm phát và đó là vấn đề nội địa được ưu tiên hàng đầu của tôi”.

Nhưng chuyến đi của ông Biden đến châu Á đã chứng tỏ rằng lời nói đó cũng giả dối như bối cảnh dàn dựng (rõ ràng bối cảnh này được tạo nên để Tổng thống có thể đọc bài phát biểu từ một màn hình trực diện mà không cần kính phản chiếu - phương tiện ông Biden hay sử dụng để dễ dàng ghi nhớ nội dung phát biểu, thứ có thể bị khán giả truyền hình nhìn thấy). Rõ ràng hòn đảo Đài Loan tự do đã vắng mặt trong hành trình 5 ngày của ông tới thăm các đồng minh bao gồm Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong khi đó, nhiều nhà quan sát tin rằng Trung Quốc cộng sản đang sẵn sàng xâm lược Đài Loan, có lẽ chỉ trong vài tháng tới.

Phớt lờ Đài Loan, Tổng thống Mỹ đã bỏ qua những điều gì?

Việc Tổng thống dừng chân ở Đài Loan, nếu xảy ra, sẽ mang hai ý nghĩa quan trọng. Thứ nhất, nó sẽ củng cố an ninh quốc gia của Mỹ và tạo cho người Đài Loan sự tin tưởng rằng Mỹ đang chống lưng cho họ. Một cuộc xâm lược tiềm tàng có thể bị ngăn chặn nếu nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình thấy rõ rằng Mỹ sẽ làm nhiều hơn là chỉ đưa ra các phát biểu trong việc chống lại sự thống trị bằng vũ lực của cộng sản. Trong suốt 30 năm qua, các cuộc thăm dò cho thấy tỷ lệ cư dân trên hòn đảo tuyên bố quốc tịch của họ là Đài Loan chứ không phải Trung Quốc đã tăng lên theo cách đáng kinh ngạc nhất, từ dưới 18% lên hơn 64% - vì vậy một cuộc tấn công của Trung Quốc sẽ là một hành động xâm lược nước ngoài trong mắt của hầu hết các công dân trên đảo.

Nhưng ý nghĩa thứ hai là, ông Biden có thể đích thân khẩn cầu Đài Loan giúp giải tỏa các vấn đề trong chuỗi cung ứng mà ông cho rằng là lý do chính khiến Mỹ phải chịu mức lạm phát cao nhất trong 4 thập kỷ. Tuy nhiên, rõ ràng, việc giảm lạm phát không liên quan lắm đến chuyến đi tới lục địa vốn là nguồn cung cho lượng hàng hóa nhập khẩu trị giá 1,2 nghìn tỷ USD vào năm ngoái của Mỹ. Trong cuộc họp báo chung ngắn ngủi tại Seoul vào hôm thứ 7 (21/05) của ông Biden với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, người theo khuynh hướng bảo thủ và mới tuyên thệ nhậm chức, chính ông Yoon là người đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chống lại gián đoạn chuỗi cung ứng, điều được ông coi là thuộc về vấn đề an ninh quốc gia.

Theo Tổng thống Yoon, một phần là do COVID, “chúng tôi nhận thấy những rủi ro lâu dài của chuỗi cung ứng. Vì vậy ổn định chuỗi cung ứng là rất quan trọng”. Ông Biden chỉ thừa nhận rằng Samsung và các công ty Hàn Quốc khác “giúp củng cố chuỗi cung ứng của chúng tôi, đảm bảo chúng trước những cú sốc và mang lại lợi thế cạnh tranh cho nền kinh tế của chúng tôi” - kiểu hùng biện điển hình được mong đợi nếu không có cuộc khủng hoảng giá tiêu dùng hiện nay.

Vào đầu tháng 5, Tòa Bạch Ốc đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 nước, với kết quả là Mỹ sẽ cung cấp 150 triệu USD viện trợ cơ sở hạ tầng cho các nước ASEAN. Đây là động thái theo sau việc cộng sản Trung Quốc gửi 1,5 tỷ USD đến Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam vào năm ngoái. Tiêu tiền của những người đóng thuế Mỹ là điều ông Joe Biden không ngừng tìm ra những cách mới để thực hiện, nhưng dường như ông không thể tìm ra cách kêu gọi các đồng minh nước ngoài của Mỹ giúp đỡ người tiêu dùng của đất nước này.

Đài Loan có thể giúp phương Tây thoát khỏi sự phụ thuộc vào sản xuất Trung Quốc

Tất cả các quốc gia tự do ở châu Á đều nên được khuyến khích đóng góp nhiều hơn nữa để giúp Mỹ giảm bớt sự phụ thuộc vào sản xuất của Trung Quốc. Trong bốn thập kỷ qua, các doanh nghiệp Mỹ đã phát triển một sự phụ thuộc nguy hiểm vào Trung Quốc, với sự ủng hộ từ các chính trị gia Washington, khi các doanh nghiệp này tìm kiếm nguồn lao động giá rẻ. Để ví dụ một lĩnh vực minh họa cho mối nguy hiểm, Mỹ đã thực sự ngừng sản xuất penicillin do nguồn nhập khẩu giá rẻ, và quốc gia này thiếu trang bị một cách trầm trọng để sản xuất bất kỳ loại kháng sinh nào khác để điều trị nhiễm trùng trẻ em và viêm phổi một khi sự gián đoạn nguồn cung y tế toàn cầu lớn xảy ra. Khoảng 95% ibuprofen (thuốc chống viêm) và 70% acetaminophen (thuốc giảm đau) của Mỹ là do Trung Quốc cung cấp. Một thập kỷ rưỡi trước, hàng trăm người Mỹ đã chết do heparin bẩn từ Trung Quốc, một loại thuốc chống đông máu quan trọng trong điều trị bệnh tim.

Cắt nguồn cung cấp y tế vốn là một chiến thuật đặc biệt tàn nhẫn trong chiến tranh, trong cả thời kỳ hiện đại và quá khứ. Bắc Kinh có đủ khả năng để thực hiện chiến thuật đó đối với nền kinh tế Mỹ hiện nay.

Đài Loan chính là cơ hội để phương Tây thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Chẳng hạn, về y học, vị Tổng thống Mỹ nếu nhận ra sự vượt trội của khu vực tư nhân tự do có thể đứng trên đất Đài Loan và khuyến khích các nhà lãnh đạo chính quyền và doanh nghiệp của hòn đảo này cải thiện quy trình phê duyệt thuốc khó khăn, được cho là kéo dài trung bình 30 tháng và khiến Đài Loan không thể cạnh tranh trong thị trường dược phẩm toàn cầu. Đài Loan đã gây dựng được niềm tin và uy tín toàn cầu trong lĩnh vực bán dẫn, lĩnh vực Đài Loan nổi tiếng với sự xuất sắc và độ tin cậy và đang chiếm hữu 90% thị trường toàn cầu. Cũng với niềm tin như vậy, Đài Loan có thể thúc đẩy hoạt động của mình trong lĩnh vực y tế và các lĩnh vực khác. Và sự ủng hộ từ chính quyền Mỹ có thể rất hữu ích.

Kinh tế là an ninh, an ninh là kinh tế

Vị Tổng thống Mỹ có thể đã ca ngợi và cho thế giới thấy sự tự do của Đài Loan, thể hiện những nỗ lực khiến ông Tập không xâm phạm hòn đảo. Bằng cách đến thăm, ông có thể chứng tỏ rằng chính quyền Mỹ hiểu rõ lời nhắc nhở của ông Yoon rằng “kinh tế là an ninh và đến lượt mình, an ninh lại là kinh tế” — một quan điểm ​​thường được Tổng thống Donald Trump công nhận.

Với những thành tựu kinh tế của họ, các công nhân và chủ doanh nghiệp Đài Loan hẳn phải cảm thấy mất mặt khi bị vị lãnh đạo của thế giới tự do phớt lờ. Đặc biệt là khi người hàng xóm của họ ở bên kia eo biển Đài Loan, với trang bị vũ khí khổng lồ, đang suy tính việc đàn áp họ và lối sống của họ. Người Đài Loan có thể giúp đỡ người Mỹ trong cuộc khủng hoảng hiện tại của nước Mỹ, và người Mỹ có thể giúp Đài Loan, về kinh tế và quốc phòng. Tổng thống Biden, với những khuyết điểm và thất bại đã được công chúng công nhận, đã lãng phí thêm một cơ hội nữa, khiến thế giới tự do dễ bị tổn thương.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Tác giả Thomas McArdle từng là người viết bài phát biểu tại Tòa Bạch Ốc cho Tổng thống George W. Bush. Ông hiện đang viết bài cho IssuesInsights.com.

Bảo Nguyên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Tổng thống Mỹ phớt lờ Đài Loan, bỏ lỡ cơ hội củng cố an ninh và kinh tế của thế giới tự do