Trung Quốc: Nhiều cô gái khuyết tật bị ‘rao bán trắng trợn’ trên Internet

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chính quyền Trung Quốc lâu nay luôn bị cáo buộc là dung túng cho nạn buôn người, và vụ án "bà mẹ 8 con bị xích cổ ở Từ Châu” không được giải quyết tận gốc đã càng khiến những kẻ buôn người lộng hành. Gần đây, một lượng lớn các cô gái khuyết tật đã bị công khai “rao bán” trên mạng với danh nghĩa “tìm đối tượng kết hôn”, trong ảnh còn ghi rõ số "tiền sính lễ”.

Ngày 3/10, tài khoản “Cai Ge (Quanguo Xiangqin)”, nghĩa là “Anh Tài (Xem mắt Toàn quốc)”, trên mạng xã hội Kuaishou của Trung Quốc đã thu hút sự chú ý của đông đảo cư dân mạng Weibo khi đăng tải loạt ảnh của của các cô gái cùng lời giới thiệu “kết hôn chớp nhoáng”, “xem mắt trên toàn quốc”, “hỗ trợ đăng bài tìm đối tượng kết hôn”, v.v.

Theo bức ảnh chụp màn hình tài khoản Kuaishou nói trên do cư dân mạng đăng tải, địa chỉ IP của “Anh Tài” là ở Vân Nam.

Ảnh chụp màn hình tài khoản "Anh Tài (Xem mắt Toàn quốc)".

Trong một thời gian dài, tài khoản này đã đăng video giới thiệu các cô gái “đi xem mắt”, nhiều người còn được ghi rõ giá "sính lễ" như 16 vạn tệ (khoảng 542 triệu VND), 12,6 vạn tệ (khoảng 427 triệu VND), v.v. Trong số đó có một lượng lớn các cô gái khuyết tật, một số bị câm điếc và một số bị thiểu năng trí tuệ. Có các trường hợp khác còn ghi rõ thông tin rằng “đã ly dị”, “cha mẹ đều đã mất”, hay “sẵn sàng kết hôn chớp nhoáng và lấy chồng xa”, v.v.

Một số người được giới thiệu là “20 tuổi”, nhưng xét về dáng người, ngoại hình và trang phục thì có vẻ như họ mới chỉ mười mấy tuổi, đang ở tuổi vị thành niên.

Ảnh chụp màn hình video các cô gái được đăng trên tài khoản "Anh Tài (Xem mắt Toàn quốc)".

Nhiều cư dân mạng Weibo nghi ngờ rằng đằng sau tài khoản này có thể là những kẻ buôn người công khai và họ đang buôn bán phụ nữ dưới chiêu bài "xem mắt, kết hôn". Vì vậy, các cư dân mạng đã lần lượt báo cáo sự việc với Công an Vân Nam và các kênh truyền thông.

Theo phản ánh từ cư dân mạng, nhiều video liên quan trên nền tảng Kuaishou đã bị xóa, các tài khoản Kuaishou liên quan cũng bị đổi tên. Phản ứng của chủ tài khoản Kuaishou nói trên càng khiến cư dân mạng nghi ngờ.

Một số cư dân mạng chỉ ra rằng, trên nhiều nền tảng trực tuyến khác của Trung Quốc cũng có các tài khoản đang thực hiện hoạt động "kinh doanh" tương tự.

Tài khoản Weibo của trang Tin tức Sina cũng đăng bài phản ánh sự việc trên và cho hay, nhân viên công tác tại một đồn quản lý trong trung tâm môi giới hôn nhân đề nghị mọi người không nên tin vào những tin tức môi giới này, họ sẽ điều tra thêm về tài khoản đăng tải những video trên (Đồn quản lý này là một đơn vị cấp cơ sở của Công an Trung Quốc, chuyên trách quản lý hộ khẩu và vấn đề trị an).

Bài đăng trên tài khoản Weibo của trang Tin tức Sina. (Ảnh chụp màn hình)

Trên mạng xã hội Trung Quốc, nhiều cư dân mạng bày tỏ sự tức giận và hoài nghi: "Loại video này lại có thể được đăng tải một cách trắng trợn như vậy"; "Đây không phải là buôn người sao? Thế giới điên hay là tôi điên?"; “Rồi bây giờ không xét duyệt [bài đăng] gì nữa, phụ nữ không được coi là con người mà”; “Trời ơi đây là thế kỷ 21 rồi đấy”...

Luật sư Lưu Huy (Liu Hui) đến từ Công ty luật Chấn Bang (Chenbang) ở Bắc Kinh nói rằng: “Đây là hành vi mua bán, nghi ngờ liên quan đến buôn người, phải điều tra cho kỹ”.

Cũng có cư dân mạng cho rằng đây có thể là một nhóm "phụ nữ bị xiềng xích" khác.

Khi vụ án "bà mẹ 8 con bị xiềng xích" ở Từ Châu được tiết lộ vào năm ngoái, không chỉ cư dân mạng Trung Quốc mà cả nước ngoài cũng đã lên tiếng thay cô để đòi lại sự thật. Cuối cùng, chính quyền Trung Quốc đưa ra cái gọi là “kết quả điều tra” và “xác nhận danh tính” của bà mẹ 8 con, tỉnh Giang Tô cũng tuyên bố xử lý 17 quan chức liên quan. Nhưng “báo cáo điều tra” này khiến cư dân mạng cả trong và ngoài nước Trung Quốc đều dậy sóng. Tuy vậy, từ đó vụ “bà mẹ 8 con bị xích cổ” cũng bị đánh chìm.

Khi đó có một bình luận chỉ ra rằng, hành động của chính quyền Trung Quốc tương đương với việc đưa cho những kẻ buôn người trên khắp đất nước một “viên thuốc an thần”, nạn buôn người có thể sẽ còn tràn lan hơn.

Một số chuyên gia pháp lý chỉ trích rằng, trong Bộ luật Hình sự của Trung Quốc rõ ràng bao gồm tội giam giữ trái phép, cố ý gây thương tích, hãm hiếp và các tội nghiêm trọng khác để có thể kết tội những kẻ buôn người, nhưng chính quyền lại thường chỉ đưa ra “tội buôn người” với mức án tương đối nhẹ.

Theo NTD tiếng Trung

Minh Lý biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc: Nhiều cô gái khuyết tật bị ‘rao bán trắng trợn’ trên Internet