200.000 nhà báo Trung Quốc tham gia kiểm tra 'Tư tưởng Tập Cận Bình'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Gần đây, hơn 200.000 nhà báo đến từ các kênh truyền thông chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã vượt qua bài kiểm tra "Tư tưởng Tập Cận Bình". Một số nhà báo dự thi đã thẳng thừng nói rằng, bài kiểm tra này vô cùng hài hước.

Từ cuối năm 2019, ĐCSTQ đã chính thức yêu cầu các nhà báo phải vượt qua kỳ thi "học Tập cường quốc" (chơi chữ họ của ông Tập, nghĩa là học tập/học theo Tập để làm cho đất nước hùng mạnh), trên cơ sở các bài phát biểu của ông Tập Cận Bình. Đài Á Châu Tự Do (RFA) đưa tin, theo số liệu thống kê do Cục Quản lý Báo chí và Xuất bản Quốc gia Trung Quốc công bố, tính đến ngày 30/10/2020, có tổng cộng 205.000 nhà báo Trung Quốc đã vượt qua kỳ thi "Tư tưởng Tập Cận Bình" và được cấp thẻ nhà báo.

Tuy nhiên, anh Lý (thuộc thế hệ 9x) - người đã trở về nước sau khi hoàn thành bằng thạc sĩ báo chí ở Mỹ và làm việc trong cơ quan truyền thông trung ương ĐCSTQ, nói thẳng rằng kỳ thi này "cực kỳ hài hước".

Anh Lý nói, anh phát hiện ra là để trở thành một nhà báo ở Trung Quốc thì cần phải được đào tạo về tư tưởng, điều này rất khác so với những gì anh được học trong báo chí phương Tây. "Toàn bộ quá trình đào tạo và thi cử đều nằm trong khuôn khổ tuyên truyền của ĐCSTQ, họ muốn các nhà báo phải nhận thức rõ rằng báo chí là công cụ của đảng".

Ví dụ, câu hỏi kiểm tra là: Tổng Bí thư Tập Cận Bình nhấn mạnh, điều cơ bản nhất phải giữ vững trong công tác thông tin và dư luận là gì? Câu trả lời là "sự lãnh đạo của đảng đối với công việc tin tức và định hướng dư luận".

Ông Ngô, một nhà báo khác thuộc thế hệ 8x, người đã làm việc trong cơ quan truyền thông trung ương của ĐCSTQ hơn 10 năm, cũng đã tham gia kỳ thi lấy thẻ nhà báo vào năm 2014. Ông cho biết, chủ đề của kỳ thi hiện nay đã thay đổi từ “Lý luận báo chí chủ nghĩa Marx” thành “Tư tưởng Tập Cận Bình”.

Ông Ngô nói: "Kỳ thực, bây giờ trong rất nhiều kênh truyền thông của ĐCSTQ không còn có các nhà báo chân chính nữa. Hầu như là bộ phận biên tập và xử lý tin tức đi thu thập thông tin từ truyền thông cấp trung ương rồi tiến hành đưa tin".

Ông cảm thán: “Trong những năm gần đây, rất nhiều đồng nghiệp truyền thông mà tôi quen biết đã chuyển sang kinh doanh… vì nghề báo không còn ý nghĩa nữa”.

Trình Ích Trung (Cheng Yizhong), một người có thâm niên trong lĩnh vực truyền thông Trung Quốc, người đã tham gia thành lập hai tờ báo Southern Metropolis DailyThe Beijing News, nói rằng ông đã làm truyền thông ở Trung Quốc trong nhiều thập kỷ nhưng chưa bao giờ xin cấp, mà cũng không muốn có thẻ nhà báo chính thức.

"Tôi từ chối học thứ đó (lý luận báo chí chủ nghĩa Marx), và tôi cũng sẽ không tham gia kỳ thi. Đó là một điều hết sức vô lý", ông Trình bày tỏ.

Trong khoảng thời gian ông Trình Ích Trung lãnh đạo tờ Southern Metropolis Daily vào năm 2003, ông đã bị bắt và bỏ tù hơn nửa năm vì đưa tin về vụ án Tôn Chí Cương và vạch trần sự thật về dịch SARS ở Trung Quốc. Ông nói rằng môi trường tin tức của Trung Quốc đã có những thay đổi to lớn kể từ đó, cùng với việc xây dựng “Vạn lý Tường lửa”.

Ông Ôn Vân Siêu (Wen Yunchao), một người kỳ cựu trong giới truyền thông Trung Quốc, cho rằng việc ông Tập Cận Bình hô hào “truyền thông đảng mang họ Đảng” (nghĩa là truyền thông do ĐCSTQ chủ trì bắt buộc phải đi theo chỉ thị của Đảng) vào năm 2016 là một sự kiện mang tính bước ngoặt. Báo chí Trung Quốc đã hoàn toàn trở thành cái loa phát thanh của ĐCSTQ.

Đông Phương

Theo NTD tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

200.000 nhà báo Trung Quốc tham gia kiểm tra 'Tư tưởng Tập Cận Bình'