ĐCSTQ không phải là Trung Quốc, càng không đại diện cho người dân Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đã đến lúc thế giới thức tỉnh trước sự thật rằng, ĐCSTQ không phải là Trung Quốc, cũng không phải là đại diện cho người dân Trung Quốc.

Hầu hết mọi người ở phương Tây [và trên thế giới] đều tin rằng, Trung Quốc, người dân Trung Quốc và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đều giống nhau. Điều này hoàn toàn khác xa sự thật. Đã đến lúc thế giới thức tỉnh trước sự thật rằng, ĐCSTQ không phải là Trung Quốc, cũng không phải là đại diện cho người dân Trung Quốc.

Chính trị gia đầu tiên chỉ ra sự thật này là cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Trong một bài phát biểu tại Bảo tàng và Thư viện Tổng thống Richard Nixon ở California vào tháng 7/2020, ông Pompeo tuyên bố: “Nhân dân Trung Quốc hoàn toàn khác biệt với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Lời nói dối lớn nhất mà [ĐCSTQ] nói, là ý nghĩ rằng họ lên tiếng thay cho 1,4 tỷ người. ĐCSTQ lo sợ ý kiến ​​trung thực của người dân Trung Quốc hơn bất kỳ kẻ thù nào”.

Vào ngày 1/9, Giáo sư Miles Yu - cựu cố vấn cho ông Pompeo về các chiến lược liên quan đến Trung Quốc - đã tạm dừng lịch trình bận rộn của mình và dành cho tôi (tức tác giả bài viết) một cuộc phỏng vấn độc quyền tại tư dinh của ông ở Maryland. Ông ấy giải thích tại sao ĐCSTQ và người dân Trung Quốc không phải là một.

Giáo sư Yu sinh ra ở Trung Quốc và đã rời khỏi đất nước này vào giữa những năm 1980. Ông hiểu rõ cuộc sống dưới sự cai trị của ĐCSTQ là như thế nào. Ông nói: “Bất cứ ai có kinh nghiệm sống ở Trung Quốc sẽ ngay lập tức kết luận rằng, lợi ích của [ĐCSTQ] và [của] nhân dân [Trung Quốc] là không giống nhau. Ví dụ, người dân muốn tự do nhưng bị khước từ với lý do bao biện vì an ninh quốc gia”.

Theo ông Yu, thật mỉa mai là trong khi lợi ích của ĐCSTQ trái ngược với lợi ích của người dân nước này, chế độ này lại tuyên bố một cách trơ trẽn rằng ĐCSTQ đại diện cho toàn bộ dân số khoảng 1,4 tỷ người của Trung Quốc. Bất cứ khi nào Bắc Kinh gây gổ với các cường quốc phương Tây, chế độ độc tài này sẽ cáo buộc họ (các nước phương Tây) đang “làm tổn thương cảm xúc của người dân Trung Quốc”. Nói cách khác, ĐCSTQ cố gắng đe dọa phương Tây bằng quy mô dân số tuyệt đối nằm dưới sự kiểm soát của nó.

Miles Yu, cựu cố vấn chính sách cấp cao đối với Trung Quốc của cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo tại Annapolis, Maryland (Tal Atzmon / The Epoch Times)
Miles Yu, cựu cố vấn chính sách cấp cao đối với Trung Quốc của cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo tại Annapolis, Maryland (Tal Atzmon / The Epoch Times)

Theo quan điểm của ông Yu, điều này giống như bắt cóc người dân Trung Quốc để đòi tiền chuộc. Cựu cố vấn cho ông Pompeo nhận định: “Trong khi ĐCSTQ bịt miệng người dân và trói tay họ, [chế độ này] lại tuyên bố đại diện cho những người mà họ bắt làm con tin — đây là những đặc điểm chính xác của một chế độ bất hảo”.

Chế độ Trung Quốc đã tức giận trước tuyên bố của ông Pompeo. Kênh truyền thông nhà nước của ĐCSTQ là Tân Hoa xã đã đăng một bài báo dài, cáo buộc cựu Ngoại trưởng Mỹ Pompeo “cố gắng tạo ra một vách ngăn giữa ĐCSTQ và người dân Trung Quốc”.

Hơn nữa, gia tộc họ Yu ở tỉnh An Huy đã loại bỏ Giáo sư Miles khỏi bản đăng ký cây phả hệ của dòng tộc, theo lệnh của chính quyền địa phương. Theo truyền thống Trung Quốc, đây được coi là một sự xúc phạm lớn đối với gia tộc họ Yu và là một hình phạt nặng nề về “đạo đức” đối với ông Miles.

Từ phản ứng gay gắt của ĐCSTQ, ông Yu suy luận rằng, bản thân ông và cựu Ngoại trưởng Pompeo đã trực tiếp chạm vào tử huyệt của ĐCSTQ.

ĐCSTQ hiểu rằng, sự khác biệt giữa chế độ này và nhân dân Trung Quốc có thể phải trả giá bằng tính chính danh của nó. Trước khi ĐCSTQ lên nắm quyền 100 năm trước, ĐCSTQ đã áp dụng cùng một chiến thuật để làm suy yếu Quốc dân đảng dẫn đầu bởi ông Tưởng Giới Thạch khi đó đang cầm quyền ở Trung Quốc. Mưu kế ấy đã dẫn đến sự sụp đổ sau cùng của Quốc dân đảng tại nước này.

Giáo sư Yu giải thích: “Do đó, họ quá nhạy cảm khi chúng tôi chỉ ra rằng, thực tế họ [ĐCSTQ] không đại diện cho người Trung Quốc”.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Pompeo từng nói: “Hoa Kỳ từ lâu đã rất coi trọng tình hữu nghị với người dân Trung Quốc, nhưng ĐCSTQ không phải là nhân dân Trung Quốc.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Pompeo từng nói: “Hoa Kỳ từ lâu đã rất coi trọng tình hữu nghị với người dân Trung Quốc, nhưng ĐCSTQ không phải là nhân dân Trung Quốc. (Nguồn ảnh: Andrew Harnik / POOL /AFP / Getty Images)

Thật vậy, khái niệm "vách ngăn" đang khiến ĐCSTQ trăn trở. Vào ngày 3/9/2020, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã có bài phát biểu trong lễ kỷ niệm 75 năm Chiến tranh chống Nhật Bản (1937–1945) và nói: “Người dân Trung Quốc sẽ không bao giờ cho phép bất kỳ ai hoặc bất kỳ lực lượng nào cố gắng dựng nên vách ngăn giữa ĐCSTQ và người dân Trung Quốc”.

Chủ đề tương tự cũng được đưa ra trong cuộc gặp cấp cao Trung - Mỹ ở Alaska vào đầu năm nay, khi quan chức hàng đầu về đối ngoại của Trung Quốc là ông Dương Khiết Trì vạch ra cái gọi là lằn ranh đỏ đối với Hoa Kỳ, cảnh báo nước này không đặt câu hỏi về tính hợp pháp của ĐCSTQ.

Trước đây, bất cứ khi nào Bắc Kinh phàn nàn rằng một chính sách nào đó của Hoa Kỳ đang “gây tổn hại đến cảm xúc hoặc lợi ích của 1,4 tỷ người”, phía Washington sẽ giảm nhẹ lập trường của mình một chút, ông Yu cho biết. Bắt đầu từ thời của ông Pompeo, luận điệu này không còn hiệu quả nữa vì “chúng tôi biết rằng, ĐCSTQ không đại diện cho người dân Trung Quốc”.

Ở cấp độ chính sách, chính quyền ông Trump đã phân biệt rõ ràng giữa người dân Trung Quốc và ĐCSTQ. Trong khi chính quyền Hoa Kỳ tiền nhiệm hoan nghênh các công dân Trung Quốc đến Hoa Kỳ học tập, họ cũng đã áp đặt các hạn chế đối với một số thành viên ĐCSTQ nhập cảnh vào nước Mỹ.

Ông Yu nêu rõ: “Chúng tôi trừng phạt ĐCSTQ vì đã làm tổn thương Hong Kong, vì tội diệt chủng ở Tân Cương, vì đe dọa Đài Loan và vi phạm luật pháp quốc tế ở Biển Đông. Tất cả những biện pháp này thực sự vì lợi ích của người dân Trung Quốc nhưng lại đối nghịch với những [lợi ích] của ĐCSTQ”.

Cựu cố vấn của ông Pompeo tin rằng, bằng cách chỉ ra một thực tế rõ ràng rằng ĐCSTQ không cùng một khái niệm với Trung Quốc hay người dân Trung Quốc, điều này sẽ thúc đẩy một chặng đường dài hướng tới việc chấm dứt xu hướng cố gắng vỗ về xoa dịu của phe thân Bắc Kinh.

Cho đến khi chính quyền Trump xuất hiện tại Hoa Kỳ, đã tuyên bố rõ ràng rằng ĐCSTQ là mối đe dọa cho toàn nhân loại, cũng đem tách ĐCSTQ ra khỏi người dân Trung Quốc.
Cựu Tổng thống Trump cho rằng việc ngăn chặn ĐCSTQ liên quan trực tiếp đến sự an toàn của đất nước và sự an toàn của người Mỹ. (Tổng hợp)

Ông giải thích rằng, sâu trong nền văn hóa Mỹ, người Trung Quốc đã nhận được những đồng cảm mạnh mẽ - nhờ những người truyền giáo Cơ đốc ban đầu, những người đã chứng kiến ​​cảnh khốn cùng và lạc hậu của người dân thường nước này. Lòng trắc ẩn đối với những người Trung Quốc khốn khổ đã được phản ánh rõ nhất trong cuốn sách “The Good Earth” của Pearl Buck.

Thật không may, lòng nhân từ này đối với những công dân bình thường của Trung Quốc đã bị ĐCSTQ khéo léo biến đổi, thông qua tuyên truyền và chiến thuật mặt trận thống nhất, để phục vụ lợi ích của chính chế độ này. Điều này dẫn đến một xu hướng cảm xúc xoa dịu mạnh mẽ đối với ĐCSTQ.

Ông Yu nói: “Chính sách xoa dịu này đã tồn tại trong 8 đời tổng thống, cho đến thời của Donald Trump. Ông tin rằng sự xoa dịu sẽ tự nhiên giảm đi một khi mọi người nhận ra rằng, ĐCSTQ và người dân Trung Quốc có những lợi ích hoàn toàn trái ngược nhau”.

Vị giáo sư kết luận: “Trong hơn nửa thế kỷ, chúng ta đã bị lời tuyên truyền của Trung Quốc đánh lừa khi tin rằng, ĐCSTQ và Trung Quốc có ý nghĩa như nhau. Lần đầu tiên, chúng tôi phá vỡ câu chuyện huyễn hoặc này, và điều này sẽ có tác động đáng kể trong những ngày tới đây”.

Tác giả bài viết là ông Ching Cheong từng tốt nghiệp Đại học Hong Kong. Trong sự nghiệp báo chí kéo dài hàng thập kỷ của mình, ông chuyên viết về tin tức chính trị, quân sự và ngoại giao ở Hong Kong, Bắc Kinh, Đài Bắc và Singapore.

Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times và NTD Việt Nam.

Theo Epoch Times tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

ĐCSTQ không phải là Trung Quốc, càng không đại diện cho người dân Trung Quốc