Du học sinh Trung Quốc tại Đại học Yale Mỹ kêu gọi đừng quên vụ Bành Soái

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhật báo Yale (Yale Daily News), tờ báo đại học lâu đời nhất ở Hoa Kỳ, đã đăng một bài bình luận ẩn danh với tiêu đề "Bành Soái đang ở đâu" vào ngày 2/1. Tổng biên tập của Yale Daily News cho biết, đây có thể là lần đầu tiên trong gần 144 năm qua, tờ báo cho phép đăng bài ẩn danh. Bài báo kêu gọi cộng đồng quốc tế không thể để Bành Soái bị "chôn vùi" và không thể tiếp tục dung thứ cho việc chế độ Trung Quốc dùng quyền lực để đối phó với những người bất đồng chính kiến.

Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đưa tin vào ngày 4/1 rằng, theo ghi chú của người biên tập bài báo "Bành Soái đang ở đâu", tờ Yale Daily News đã cho phép tác giả ẩn danh vì việc công khai danh tính có thể gây nguy hiểm cho gia đình tác giả. Tổng biên tập Rose Horowitch của Yale Daily News cho biết, mặc dù không rõ đây có phải là lần đầu tiên tờ báo cho phép đăng bài ẩn danh trong gần 144 năm qua hay không, “nhưng đây là lần đầu tiên kể từ khi tôi đảm nhận vị trí này vào tháng 10 năm ngoái, chúng tôi cho phép tác giả ẩn danh vì chúng tôi cho rằng tác phẩm này rất quan trọng, và có đầy đủ bằng chứng cho thấy nếu công bố danh tính tác giả, sự an toàn của gia đình người đó có thể bị đe dọa".

Bà Horowitch cũng dẫn chứng bài báo đăng ngày 31/12/2021 của The New York Times có tiêu đề gốc là “A Digital Manhunt: How Chinese Police Track Critics on Twitter and Facebook” (Tạm dịch: "Cuộc truy lùng kỹ thuật số: Cách cảnh sát Trung Quốc theo dõi những người chỉ trích trên Twitter và Facebook) để chỉ ra sự cần thiết của việc giấu tên.

Tác giả của bài bình luận "vô cùng lo lắng" về tình hình của tay vợt Bành Soái

Đây là một bài bình luận bằng tiếng Anh dài gần 600 từ. Tác giả viết ở phần mở đầu như sau: “Một tháng sau khi ngôi sao quần vợt Trung Quốc Bành Soái công khai cáo buộc một cựu quan chức Đảng Cộng sản [Trung Quốc] tấn công tình dục, tôi vẫn không biết liệu cô ấy có an toàn và tự do hay không. Nhưng tôi biết chế độ độc tài này sẽ chôn vùi cô ấy như thế nào: Bành Soái sẽ không được truy phong như một liệt sĩ, cũng sẽ không bị truy tố. Cô ấy sẽ biến mất khỏi tầm mắt của công chúng ... Sau vài tháng và vài năm, cô ấy sẽ bị lãng quên. Hoặc Đảng Cộng sản Trung Quốc đã lên kế hoạch như vậy".

Tác giả cho biết bản thân là một sinh viên Yale, nhưng không thể không đăng bài ẩn danh, vì lo sợ đưa người thân vào vòng nguy hiểm. Nhưng mục đích viết bài là "vì để Bành Soái không bị lãng quên" và nhắc nhở mọi người đừng để câu nói "Bành Soái đang ở đâu” (#WhereIsPengShuai) chỉ là một hashtag trên mạng xã hội.

Vụ Bành Soái từng là tâm điểm của truyền thông quốc tế

Vào ngày 2/11 năm ngoái, tay vợt nổi tiếng Trung Quốc Bành Soai đã đăng bài tố cáo trên Weibo cá nhân việc bị cựu Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ (Zhang Gaoli) – người hơn cô 40 tuổi – tấn công tình dục, và vợ của ông Trương là bà Khang Khiết (Kang Jie) cũng biết chuyện. Điều này gây ra một cơn chấn động quốc tế, sau đó Hiệp hội Quần vợt nữ Quốc tế (WTA) đã rút các giải đấu tại Trung Quốc; các nước phương Tây cũng lần lượt tẩy chay Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh, đưa Bắc Kinh vào thế khó xử.

Tuy nhiên, theo thời gian, sự chú ý đến Bành Soái đang dần hạ nhiệt. Mặc dù các kênh truyền thông đã theo dõi chặt chẽ sự an toàn của cô Bành từ tháng 11 đến đầu tháng 12 năm ngoái, nhưng từ giữa tháng 12 đến nay sự kiện này dường như chìm vào quên lãng. Cho đến nay, không ai biết chắc liệu cô Bành có an toàn hay không.

Nghi vấn "Bành Soái đang ở đâu" có thể đang bị hố đen thời gian nuốt chửng. Tác giả bài viết ẩn danh trên Yale Daily News lo lắng rằng, điều này có nghĩa là thế giới lại một lần nữa bỏ qua báo động đỏ.

Trung Quốc có vô số "Bành Soái" như thế

Tác giả cho rằng, lý do chính mà Bành Soái bị Bắc Kinh trừng phạt là vì cô đã "trực tiếp phản đối chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc". Tác giả cũng chỉ trích chế độ Trung Quốc là "một tập đoàn đảng-nhà nước dùng cách thức khủng bố để đối phó với những lời chỉ trích, [chính quyền này] đã biến thành những tên lưu manh. ... [Nó] cũng không ngại ngần cởi bỏ lớp mặt nạ bảo vệ nhân quyền".

Bài báo "Bành Soái đang ở đâu" đã chỉ ra rằng, nạn nhân đang ở nơi mà chế độ Trung Quốc yêu cầu cô đến. Mỗi ngày, Trung Quốc – quốc gia nằm dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc – có vô số "Bành Soái" biến mất. Ở Tây An – nơi đang bị phong thành vì đại dịch Covid-19, hay là Trịnh Châu sau trận lụt thảm họa vào năm ngoái, ở bất kỳ nơi nào bị dịch bệnh tàn phá, bất kỳ cá nhân nào muốn chống lại cường quyền, đều sẽ bị đối xử như Bành Soái. "Bành Soái" là một ví dụ sống động cho thấy người dân Trung Quốc đang phải sống trong hoàn cảnh thiếu thốn nhân quyền và tự do, sự an toàn cá nhân cũng không thể được đảm bảo.

Đông Phương

Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Du học sinh Trung Quốc tại Đại học Yale Mỹ kêu gọi đừng quên vụ Bành Soái