Ông Tập yêu cầu toàn đảng trung thành, kiên quyết điều tra và xử lý các 'băng đảng chính trị'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào ngày đầu tiên của năm mới 2022, tạp chí "Cầu Thị” (Qiushi) của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đăng bài phát biểu của ông Tập Cận Bình tại Phiên họp toàn thể lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Ông yêu cầu "toàn đảng trung thành" và phải điều tra nghiêm về "các băng đảng chính trị trong đảng".

Vào ngày 1/1, tạp chí Cầu Thị (Qiushi) đã đăng trên trang web chính thức bài phát biểu của ông Tập Cận Bình tại Phiên họp toàn thể lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khóa 19. Tại cuộc họp, ông Tập Cận Bình yêu cầu "toàn đảng kiên định không thay đổi, đi theo Trung ương Đảng""đoàn kết thành một ‘khối thép cứng' ".

Ông Tập gửi tín hiệu đầu năm mới?

Ông tuyên bố rằng, "cuộc chiến chống tham nhũng nhất định không được buông lỏng dù chỉ một khắc""không được nhẹ tay đối với những người tham gia vào các băng nhóm chính trị, nhóm nhỏ, tập đoàn lợi ích trong đảng, phải kiên quyết điều tra và xử lý". Chủ tịch Trung Quốc còn yêu cầu “toàn đảng nhất định phải làm được trung thành với đảng”.

Cũng trong bài phát biểu này, ông Tập Cận Bình cảnh báo, "[nếu] hành động xử lý chậm chạp, mềm yếu, cuối cùng sẽ người mất, chính quyền tan". Về vấn đề này, trang RFI của Pháp đã đăng bài bình luận rằng, có bao nhiêu nước trên thế giới lo lắng về “người mất, chính quyền tan” như Tổng Bí thư Tập Cận Bình? Hầu hết chính quyền các nước sẽ luân phiên thay thế nhau, chính quyền này hết nhiệm kỳ sẽ lại là chính quyền khác lên thay, không có chuyện ‘người mất, chính quyền tan’, không tồn tại vấn đề không giữ gìn được đất nước.

Chuyên gia: Trong đảng có người không nghe lời

Truyền thông chính thống Trung Quốc đưa tin, ông Tập Cận Bình cũng đưa ra cảnh báo tại "Cuộc họp về Đời sống Dân chủ" của Bộ Chính trị tổ chức vào cuối tháng 12 năm ngoái. Đó là, các Ủy viên Thường vụ và Ủy viên của Bộ Chính trị nên "đi đầu trong việc bảo vệ uy quyền của Trung ương Đảng và tập trung vào lãnh đạo thống nhất". Ông nói rằng, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 là nhiệm vụ chính trị hàng đầu trong năm tới (2022) của Bộ Chính trị; các quan chức cấp cao trong đảng nhất định phải tuân thủ "quy tắc chính trị", giữ vững “kỷ luật trong nhiệm kỳ mới", và "tuân theo toàn cục, tuân theo tổ chức, tuân theo sắp xếp”.

Nhà bình luận thời sự người Hoa, ông Đường Tịnh Viễn (Tang Jingyuan) phân tích rằng, để đảm bảo cho việc tái đắc cử ở Đại hội 20, ông Tập Cận Bình đã công khai yêu cầu các ủy viên Bộ Chính trị "tuân theo toàn cục, tuân theo tổ chức, tuân theo sắp xếp”. Điều này cho thấy, rất có khả năng là trong đảng có người không tuân theo nên ông Tập sẽ phải trấn áp.

Ông Đường cho rằng, “theo truyền thống của Đảng Cộng sản Trung Quốc, trong thời kỳ tranh giành quyền lực khốc liệt, cái gọi là ‘Cuộc họp về Đời sống Dân chủ’ trên thực tế chính là cuộc họp để các phe phái chia chác lợi ích và thậm chí là đấu tố lẫn nhau. Việc đưa ra yêu cầu công khai như vậy đã nêu bật tình hình tranh đấu gay gắt giữa các vị trí cao nhất trong Bộ Chính trị".

Truyền thông của đảng không đồng điệu

Một bài bình luận gần đây trên tờ Nhân dân Nhật báo đã ca ngợi “cải cách mở cửa” của ông Đặng Tiểu Bình mà không hề đề cập đến ông Tập Cận Bình. Sau đó, tờ Giải phóng Nhật báo cũng đăng bài nhấn mạnh rằng ĐCSTQ phải kiên trì đi theo “đường lối chính xác (tức là đường lối của Đặng Tiểu Bình) được thiết lập trong Phiên họp toàn thể lần thứ 3 của Ủy ban Trung ương khóa 11, không lay động, không buông lỏng”. Sau Phiên họp toàn thể lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương đương nhiệm, các kênh truyền thông chính thức đã đưa tin không đồng điệu, cũng là dấu hiệu của một cuộc nội đấu khốc liệt.

Đầu tháng 10/2021, cựu Thứ trưởng Bộ Công an Tôn Lực Quân và cựu Bộ trưởng Bộ Tư pháp Phó Chính Hoa lần lượt rớt đài. Đây được coi là khởi đầu của một đợt thanh trừng mới trên quy mô lớn đối với các quan chức cấp cao trong hệ thống chính trị và pháp luật.

Ông Ngô Quốc Quang (Wu Guoguang), Giáo sư Khoa Chính trị của Đại học Victoria ở Canada, nói với Đài Á Châu Tự do (RFA) rằng, trước khi Đại hội 20 được tổ chức vào năm 2022, có thể là trước mùa hè, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu một Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị đương nhiệm hoặc tiền nhiệm bị điều tra.

Đông Phương

Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Ông Tập yêu cầu toàn đảng trung thành, kiên quyết điều tra và xử lý các 'băng đảng chính trị'