Quan chức Bộ Công an Trung Quốc trúng cử ban chấp hành Interpol Châu Á làm dấy lên lo ngại

Giúp NTDVN sửa lỗi

Việc quan chức cấp cao của Công an Trung Quốc trúng cử vào Interpol làm dấy lên nhiều tranh cãi. Cộng đồng quốc tế lo ngại rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục sử dụng tổ chức quốc tế này để đàn áp những người bất đồng chính kiến ​​Trung Quốc đang lưu vong ở nước ngoài.

Truyền thông quốc tế đưa tin, Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) thông báo vào ngày 25/11 rằng, ông Hồ Bân Sâm (Hu Binchen) – Phó Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế thuộc Bộ Công an Trung Quốc – đã được bầu làm thành viên ban chấp hành khu vực Châu Á của Interpol, với nhiệm kỳ 3 năm. Việc ông Hồ trúng cử đã nhận được sự quan tâm lớn của quốc tế.

"Liên minh Nghị viện xuyên quốc gia về Trung Quốc" (IPAC) là một tổ chức gồm hơn 200 nghị sĩ đa đảng trên toàn thế giới có chung mối quan tâm về các vấn đề Trung Quốc. Vào ngày 15/11, khoảng 50 nghị sĩ đến từ 20 quốc gia thuộc 4 châu lục trong IPAC đã viết thư cho bộ trưởng các nước để cảnh báo rằng, việc ông Hồ Bân Sâm đắc cử sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với những người bất đồng chính kiến và cộng đồng người Hoa, người Duy Ngô Nhĩ ở nước ngoài, bao gồm cả Hong Kong, Đài Loan và Tây Tạng. Ngoài ra, còn có hơn 40 nhà hoạt động bảo vệ quyền lợi công dân cũng đã gửi thư cho các chính phủ thành viên thuộc Interpol để bày tỏ lo ngại như trên.

Ông Hồ Bân Sâm được cho là nhân vật gây tranh cãi. Ông này là Cục phó Cục Hợp tác Quốc tế và thanh tra cấp 1 của Bộ Công an Trung Quốc. Ở trong nước, nhiệm vụ chính của Bộ Công an Trung Quốc là duy trì ổn định, đây cũng là lực lượng chính thi hành các vụ trấn áp người bất đồng chính kiến và xâm phạm nhân quyền.

Trên bình diện quốc tế, Bộ Công an Trung Quốc sử dụng Interpol để truy bắt những người bất đồng chính kiến ​​sống lưu vong và công dân Trung Quốc mất tích. Hành vi này đã bị dư luận quốc tế lên án. Theo thông tin công khai, mỗi năm Trung Quốc phát động điều tra khoảng 3.000 vụ án thông qua Interpol, và mỗi năm cũng có hơn 500 "lệnh truy nã đỏ" được ban hành.

Một số nhà quan sát cho rằng việc ông Hồ Bân Sâm đắc cử là kết quả của hoạt động hậu trường của Bắc Kinh.

Ông Dương Kiến Lợi (Yang Jianli), người sáng lập tổ chức nhân quyền "Lực lượng Công dân", từng nói với Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) rằng, Trung Quốc không có đủ quyền lực mềm nên đã “chi mạnh tay" để ủng hộ các tổ chức quốc tế. Hiện nay nó vung tiền rất mạnh trong các tổ chức quốc tế, trên bề mặt thì là phí thành viên. Còn đối với các quốc gia độc tài nhỏ và lạc hậu, Trung Quốc đã sử dụng biện pháp hoãn nợ hoặc thậm chí hủy nợ để nhận được sự ủng hộ. Đồng thời, nó còn hối lộ cá nhân các quan chức.

Sếp cũ của ông Hồ Bân Sâm là cựu Chủ tịch Interpol

Sếp cũ của ông Hồ Bân Sâm chính là cựu Thứ trưởng Công an Trung Quốc – ông Mạnh Hoành Vĩ (Meng Hongwei) – cũng là người từng giữ chức Chủ tịch Interpol từ năm 2016 đến năm 2018. Vào tháng 9/2018, ông này đột ngột biến mất sau khi trở về Bắc Kinh, sau đó Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thông báo rằng ông Mạnh đang bị điều tra. Năm 2020, ông Mạnh bị kết án 13 năm rưỡi tù vì tội tham nhũng.

Bà Cao Ca (Gao Ge), vợ của ông Mạnh Hoành Vĩ, người được phép xin tị nạn chính trị ở Pháp, cho biết trong một cuộc phỏng vấn độc quyền gần đây với Hãng tin AP rằng, vụ án nhắm vào ông Mạnh "là một trường hợp điển hình của việc những người bất đồng ý kiến về chính trị bị biến thành tội phạm hình sự". Bà Cao mô tả chính quyền ĐCSTQ là một "con quái vật" ăn thịt chính những đứa con của mình.

Trả lời câu hỏi về ứng cử viên Hồ Bân Sâm, bà Cao nói rằng ông Hồ là một người mà bà biết rất rõ, ông này từng là cấp dưới của ông Mạnh Hoành Vĩ và đã làm việc cùng nhau gần 20 năm. Bà Cao cũng đã quen biết ông Hồ khoảng 10 năm. Bà nói, "Liệu một ngày nào đó, ông Hồ Bân Sâm cũng sẽ biến mất giống như ông Mạnh không?".

Đông Phương

Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Quan chức Bộ Công an Trung Quốc trúng cử ban chấp hành Interpol Châu Á làm dấy lên lo ngại