Thời điểm ông Giang Trạch Dân qua đời bị đặt nghi vấn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sáng nay ngày 6/12, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tổ chức lễ truy điệu cho cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân. Trước đó, ban tổ chức tang lễ thông báo sẽ không có nghi thức tiễn biệt thi thể, việc này chưa từng có tiền lệ trong ĐCSTQ. Thông báo trên khiến ngoại giới đặt nghi vấn về thời gian chết thực sự của ông Giang.

Ngày 24/11, đám cháy khiến ít nhất 10 người tử vong ở Urumqi, Tân Cương đã kích nổ làn sóng "phong trào giấy trắng" trên khắp Trung Quốc và lan ra cả nước ngoài. Cùng lúc này, truyền thông chính thống Trung Quốc công bố tin tức về cái chết của ông Giang Trạch Dân hôm 30/11. Ủy ban tang lễ tuyên bố rằng lễ truy điệu sẽ được tổ chức vào lúc 10 giờ sáng ngày 6/12, nhưng sẽ không tổ chức nghi thức tiễn biệt thi thể.

Các nhà lãnh đạo cao nhất ĐCSTQ luôn được tổ chức lễ tiễn biệt khi qua đời

Tiến sĩ Chương Thiên Lượng (Zhang Tianliang) phân tích rằng, cách tổ chức tang lễ này đã phá vỡ thông lệ của ĐCSTQ, bởi vì các nhà lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ đều được tổ chức nghi thức tiễn biệt. Nếu lễ tiễn biệt thi thể Giang Trạch Dân bị hủy bỏ, có khả năng là ông ta đã thất thế trong cuộc đấu tranh chính trị. Tuy nhiên, từ việc ông Tập dẫn đầu đoàn quan chức cấp cao tới sân bay đón thi thể, có thể thấy địa vị trong ĐCSTQ của Giang vẫn được thừa nhận.

Tiến sĩ Chương nói, "Do đó, tôi nghĩ có một khả năng khác là, thi thể của Giang Trạch Dân đã [bị phân hủy tới mức] thê thảm không ai dám nhìn, thậm chí trang điểm cũng không thể che lấp được".

Tuy trước đó thông báo không tổ chức lễ tiễn biệt, nhưng theo CCTV đưa tin, vào lúc 10 giờ sáng ngày 5/12, buổi lễ tiễn biệt thi thể ông Giang Trạch Dân đã được tổ chức tại phòng tiễn biệt của Bệnh viện 301 Bắc Kinh. Sau 15 phút, thi thể được đưa đến Nghĩa trang Bát Bảo Sơn để hỏa táng, ông Tập Cận Bình và các lãnh đạo ĐCSTQ đã đi cùng.

'Nước sông (Giang) chảy về phía đông', một đi không trở lại

Ngoại giới đặt nghi vấn rằng có thể ông Giang Trạch Dân đã chết từ trước, chỉ là tới ngày 30/11 mới bị “rút ống”.

Trước đó vào ngày 13/11, bà Tần Phong (Qin Feng), cháu gái của cựu Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lý Triệu Tinh (Li Zhaoxing), và là phóng viên kênh Truyền hình Vệ tinh Hong Kong (HKSTV), đăng trên Weibo rằng: "Giang thủy đông lưu khứ” (nghĩa mặt chữ là nước sông chảy về phía đông, nghĩa bóng là một đi không trở lại).

Sau khi truyền thông chính thống Trung Quốc công bố cái chết của cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân vào ngày 30/11, bà Tần Phong lại đăng rằng: "[Tôi] nói một lần nữa, giang thủy đông lưu khứ", và còn gắn kèm biểu tượng chiếc nến. Hành động này có vẻ như ám chỉ ông Giang Trạch Dân đã chết từ lâu, ít nhất là từ nửa tháng trước. Hiện tại hai bài viết trên đã bị xóa.

Cũng vào ngày 13/11, trên mạng xã hội trong và ngoài Trung Quốc cũng lan truyền một thông báo của Baidu – trang web được gọi là “Google của Trung Quốc”. Thông báo cho hay, phải chuẩn bị để chuyển nội dung trên trang thành màu đen trắng, khi đó có rất nhiều cư dân mạng suy đoán rằng chắc hẳn một nhân vật lớn nào đó đã qua đời. Và đối tượng được suy đoán là cựu lãnh đạo 96 tuổi – Giang Trạch Dân.

Bà Cao Du (Gao Yu), một người làm truyền thông thâm niên ở Trung Quốc, ngày 30/11 đăng bài trên mạng xã hội và tiết lộ: "Truyền thông Hong Kong đã nhận được tin này từ trước, chỉ chờ công bố".

Tránh xui xẻo vào ngày ông Tập đăng cơ nhiệm kỳ 3?

Một người làm truyền thông có bí danh Vương Bác (Wang Bo) nói với VOA của Mỹ vào ngày 5/12 rằng, theo phán đoán của ông, Giang Trạch Dân có thể đã chết trong thời gian diễn ra Đại hội ĐCSTQ lần thứ 20, nếu không, chỉ cần Giang chưa tắt thở, “ĐCSTQ cũng phải kéo ông ta lên sân khấu để tham gia vào lễ đăng quang của Hoàng thượng. Đây là truyền thống của xã hội đen (ám chỉ ĐCSTQ), để nhấn mạnh tính chính thống và hợp pháp của Tập Cận Bình".

Ông Vương cũng nói rằng, thông lệ của ĐCSTQ là khi nhà lãnh đạo hàng đầu hấp hối, sẽ phải dùng máy ECMO (tim - phổi nhân tạo) và tất cả các phương pháp có thể để kéo dài sinh mạng, chờ Ủy ban Trung ương ra chỉ thị thì mới được rút ống. “Do đó, tôi cho rằng ông ta đã chết từ lâu, chỉ là bị giữ ở đó làm người thực vật, chờ đến khi được tuyên bố tử vong”.

Ông còn chỉ ra, trong xã hội mà ĐCSTQ kiểm soát, thời gian chết của một người sẽ do đảng quyết định. Bởi vì chế độ này không thể để cái chết của Giang Trạch Dân trở thành điềm xui cho Tập Cận Bình, tuyệt đối không được tuyên bố “tiên đế” băng hà vào ngày ông Tập đăng cơ tại Đại hội 20.

Chuyển dịch sự chú ý khỏi phong trào giấy trắng

Ông Lý Đại Vũ (Li Dayu), một người làm truyền thông thâm niên, nói với NTDTV: "Sở dĩ họ lựa chọn thông báo vào lúc này, tôi nghĩ mục đích là muốn chuyển dịch sự chú ý. Đột nhiên người ta không mấy chú ý tới cuộc cách mạng giấy trắng nữa mà chuyển sang bàn luận về Giang Trạch Dân".

VOA dẫn lời các nhà phân tích cho hay, thời điểm Bắc Kinh công bố về cái chết của Giang Trạch Dân có thể giúp chuyển dịch sự chú ý của công chúng khỏi cuộc cách mạng giấy trắng, nhưng lý do thực sự khiến các cuộc biểu tình dịu bớt là Quảng Châu, Thượng Hải, Thành Đô và những nơi khác đã gỡ bỏ phong tỏa.

Phân tích chỉ ra rằng, ĐCSTQ lại dùng thủ đoạn sở trường là “đoàn kết một đám lớn, cô lập một nhóm nhỏ” để xoa dịu tình hình, cách làm này hiệu quả hơn cả thông báo Giang Trạch Dân qua đời. Do đó, mục đích cuối cùng của ĐCSTQ có thể là trước tiên “dụ rắn ra khỏi hang”, sau đó mới xử lý những người phản đối chính quyền, cách làm này cũng là bước kiểm tra sự bền bỉ của phong trào giấy trắng.

Đông Phương

Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Thời điểm ông Giang Trạch Dân qua đời bị đặt nghi vấn