Trung Quốc thu thập dữ liệu của 2,4 triệu người nước ngoài: ‘Ai cũng được đánh số’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một công ty công nghệ Trung Quốc có quan hệ với quân đội và cơ quan tình báo Bắc Kinh đã và đang thu thập thông tin cá nhân của hàng triệu người ở Hoa Kỳ, Anh, Úc, Canada, Ấn Độ và Nhật Bản.

Theo nguồn tin cho biết, những người chống chủ nghĩa cộng sản có được thông tin này và tiết lộ nó cho Liên minh Ngũ Nhãn (Five Eyes).

Theo Australian Financial Review tiết lộ ngày 13/9, công ty này có tên là Công ty Công nghệ thông tin và Dữ liệu Chấn Hoa Thâm Quyến (Zhenhua Data), khách hàng chính của công ty này gồm quân đội Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), theo nguồn tin thì cả Cục tình báo và Bộ An ninh Quốc gia ĐCSTQ đều sử dụng dữ liệu liên quan nói trên.

Kho dữ liệu của công ty này chứa thông tin cá nhân của khoảng 2,4 triệu người nước ngoài. Trong số 250.000 dữ liệu cá nhân đã bị bẻ khóa, có 52.000 người Mỹ, 40.000 người Anh, 35.000 người Úc, hơn 10.000 người Ấn Độ và 5.000 người Canada, v.v. Trong số những người này có một lượng lớn nhân vật có tiếng như các chính trị gia cao cấp, các thành viên của gia đình hoàng gia, các nhà lãnh đạo tôn giáo và các sĩ quan quân đội…, hơn nữa những người này đều đã được “đánh số thứ tự”.

Các thông tin cá nhân chi tiết của họ gồm có ngày sinh, địa chỉ, tình trạng hôn nhân, họ hàng, hiệp hội chính trị và ID mạng xã hội. Rất nhiều dữ liệu được lấy từ phương tiện truyền thông mạng xã hội và các tài liệu công khai khác trên Internet, nhưng một số dữ liệu dường như đến từ hồ sơ ngân hàng bí mật, đơn xin việc và hồ sơ tâm lý, được cho là có được thông qua dark web (tạm dịch: web tối - là những nội dung mạng không thể truy cập bằng những cách thông thường mà phải sử dụng các phần mềm chuyên biệt).

Các chuyên gia bảo mật Mỹ: Một phát hiện lớn

Giáo sư Christopher Balding - một học giả người Mỹ kiêm chuyên gia an ninh mạng, là người lần đầu tiên tiếp xúc với dữ liệu này. Ông cho biết, khi ông bắt đầu nghiên cứu hoạt động dữ liệu của Huawei vào năm ngoái, có người đã vô tình gửi cho ông cơ sở dữ liệu khổng lồ của Công ty Dữ liệu Chấn Hoa Thâm Quyến.

Ông Balding nói rằng, phát hiện khổng lồ này “tương tự như việc phát hiện ra Chén Thánh (được ví như một thứ rất quan trọng)”. Ông cho rằng đây là xác nhận đầu tiên cho thấy ĐCSTQ đang bí mật thu thập một lượng lớn dữ liệu cá nhân ở nước ngoài nhằm gây ảnh hưởng và kiểm soát các hoạt động đối ngoại.

Theo báo cáo của ABC, một nguồn tin tình báo phương Tây cho biết quy mô của cơ sở dữ liệu toàn cầu khổng lồ này là "vô cùng đáng sợ" và tương đương với "Vụ bê bối dữ liệu Facebook–Cambridge Analytica (công ty này đã bị phát hiện thu thập dữ liệu của 50 triệu người dùng Facebook “theo cách không phù hợp” vào tháng 3/2018)."

Ngoại giới không rõ mục đích mà Zhenhua Data thu thập thông tin là gì, nhưng Zhenhua Data (trang web chính thức của họ sau đó đã bị đóng cửa) từng tuyên bố rằng họ cung cấp "các dịch vụ quân sự, an ninh và tuyên truyền đối ngoại" và mô tả sứ mệnh của mình là "tích hợp dữ liệu nguồn mở toàn cầu để giúp phục hưng dân tộc Trung Hoa vĩ đại".

ĐCSTQ thu thập dữ liệu chi tiết về các chính trị gia và người nổi tiếng của các nước

Cho đến nay, các chuyên gia an ninh mạng đã bẻ khóa được dữ liệu cá nhân của 250.000 người do Zhenhua Data thu thập, bao gồm những nhân vật nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng như lãnh đạo quốc gia, quan chức quân đội, doanh nhân và nghệ sĩ, v.v.

Trong danh sách 35.558 người Úc, có cả Thủ tướng Úc đương nhiệm Scott John Morrison, cựu lãnh đạo Đảng Tự do Liên bang Andrew Peacock, cựu Tư lệnh Hải quân Úc Raydon Gates, tỷ phú ngành công nghệ Úc Mike Cannon-Brookes…

Báo chí Ấn Độ đưa tin, Zhenhua Data đã thu thập thông tin của hơn 10.000 người nổi tiếng và tổ chức Ấn Độ. Trong đó có ít nhất 1.350 nhân vật chính trị như Tổng thống Modi, Thủ tướng, Thống đốc, Thị trưởng, nghị sĩ, thẩm phán và các nhân vật trong đảng phái cùng thông tin gia đình của họ. Phạm vi của cơ sở dữ liệu dữ liệu này bao phủ khắp các tỉnh, thành phố và các khu trực thuộc trung ương ở Ấn Độ.

ĐCSTQ đánh số từng người và vẽ một "bản đồ quan hệ"

Cơ sở dữ liệu này của Zhenhua Data được gọi là "Cơ sở dữ liệu nhân vật chủ chốt ở nước ngoài" (OKIDB), và nó đánh số từng người.

Ngoài việc thu thập thông tin về cá nhân, công ty Zhenhua cũng đã thu thập một lượng lớn thông tin cá nhân của các thành viên trong gia đình họ, và gọi là "bản đồ quan hệ". Chẳng hạn như trong đó có thông tin về cha, vợ và con trai của ông Andrew Hastie - Chủ tịch Ủy ban Liên hợp thường trực Tình báo và An ninh của Quốc hội Úc; Thông tin về con cái của cựu Bộ trưởng Tài chính Úc Peter Costerllo và lãnh đạo Đảng Lao động đương nhiệm Anthony Albanese.

Ngoài các nhân vật nổi tiếng trong giới chính trị, luật pháp và quân đội, các đối tượng được thu thập còn bao gồm các doanh nhân công nghệ, học giả, doanh nhân thương mại, giám đốc điều hành công ty, công chức, nhà báo, luật sư, kế toán và các nhà lãnh đạo tôn giáo.

ĐCSTQ đang giám sát toàn thế giới

Giáo sư Balding đã làm việc tại Đại học Bắc Kinh cho đến năm 2018, sau đó ông rời Trung Quốc vì lo ngại về an toàn cá nhân của mình.

Ông Balding nói với ABC: "Tôi nghĩ những gì Trung Quốc (ĐCSTQ) đang làm tiềm ẩn một mối đe dọa lớn hơn. Họ theo dõi, giám sát và gây ảnh hưởng không chỉ đến công dân của họ mà còn cả công dân trên toàn thế giới". Ông cho biết, ĐCSTQ “chắc chắn sẽ thành lập một quốc gia giám sát có quy mô lớn cả ở trong nước và trên quốc tế".

Trong một tuyên bố viết hôm 14/9, ông Balding nói rằng: “[Chúng ta] không thể đánh giá thấp việc ĐCSTQ tiến hành giám sát quy mô sâu rộng trên toàn thế giới… ĐCSTQ đã đầu tư bao nhiêu tiền cho các hoạt động tình báo và gây ảnh hưởng thì điều mà chúng ta nắm được hiện nay mới chỉ ở giai đoạn sơ khai".

Ông Robert Potter, Chủ tịch của Internet 2.0, nói rằng Zhenhua Data đã giúp ĐCSTQ thu thập dữ liệu của các đối thủ cạnh tranh. Ông chỉ ra rằng: “Trong quá trình này, công ty này đã vi phạm quyền riêng tư của hàng triệu công dân toàn cầu, vi phạm điều khoản dịch vụ của hầu hết mọi nền tảng truyền thông mạng xã hội lớn và xâm nhập các công ty khác để lấy dữ liệu của họ".

Đông Phương
Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc thu thập dữ liệu của 2,4 triệu người nước ngoài: ‘Ai cũng được đánh số’