Tsinghua Unigroup: Phép thử cho tham vọng công nghệ của Bắc Kinh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Gã khổng lồ vi mạch Trung Quốc Tsinghua Unigroup là hiện thân cho khát vọng của Bắc Kinh trong cuộc “đổ bộ” vào thị trường vi mạch bán dẫn. Nhưng tiếc thay, “phép thử” này đã nhanh chóng thất bại...

Vào năm 2015, một công ty bất động sản Trung Quốc ít người biết đến đã khiến thế giới phải choáng váng khi đặt giá 23 tỷ USD để mua lại nhà sản xuất chip Micron của Mỹ. Không khó để nhận ra, công ty có sự tài trợ và hậu thuẫn chính trị của nhà nước trong cuộc đấu giá này. Sự kiện đó đã đánh thức thế giới về tham vọng của Trung Quốc trong ngành công nghệ chất bán dẫn và công nghệ nền tảng hỗ trợ tính toán.

6 năm sau, nhà vô địch vi mạch của Trung Quốc đã trở thành nỗi thất vọng quốc gia. Trong tháng này, Tsinghua Unigroup cho biết một trong những chủ nợ của họ đã bắt đầu thủ tục phá sản, khiến khả năng công ty bị giải thể không còn xa.

Câu chuyện của Tsinghua Unigroup là một thất bại khó chịu đối với các quan chức Trung Quốc, những người đã tìm cách sử dụng các quỹ của nhà nước để lên kế hoạch đối đầu với Mỹ trong cuộc cạnh tranh khốc liệt về tương lai của công nghệ. Từng là một tấm gương về quyền lực của chủ nghĩa tư bản nhà nước, Unigroup đang nổi lên như một câu chuyện cảnh giác về sự lãng phí lớn có thể xảy ra khi đầu tư và trợ cấp không đúng chỗ.

Tuy nhiên, đối với các nhà hoạch định kinh tế Trung Quốc, điều đó có thể không quan trọng. Trong 2 năm qua, những ưu đãi của thị trường cũng như những trợ cấp đối với Unigroup đã làm bùng nổ mọi thứ liên quan đến vi mạch. Một phân tích của các phương tiện truyền thông nhà nước cho thấy Trung Quốc đã tạo ra 58.000 công ty bán dẫn từ tháng 1 đến tháng 10 năm 2020 - khoảng 200 công ty mỗi ngày. Mặc dù nhiều công ty trong số này sẽ thất bại, nhưng niềm tin ở Bắc Kinh là một số ít có thể tạo ra đột phá. Nói cách khác, công nghệ, đối với họ, mới là điều quan trọng, chứ không phải tài chính.

Các chip của Tsinghua Unigroup tại Hội nghị Bán dẫn Thế giới 2020 ở Nam Kinh thuộc tỉnh Giang Tô phía đông Trung Quốc vào ngày 26/8/2020. (Nguồn ảnh: STR / AFP / Getty Images)

Ông Dan Wang, nhà phân tích công nghệ của công ty nghiên cứu Gavekal Dragonomics cho biết: “Sẽ là một thất bại nếu công nghệ hóa ra không thể sử dụng được”, "Tsinghua Unigroup đã đào tạo ra một thế hệ kỹ sư bán dẫn mới và xây dựng một vị trí đáng tin cậy trong việc sản xuất chip nhớ".

Ông cho biết thêm, cách tốt hơn để nghĩ về tham vọng chip của Trung Quốc là về chương trình không gian của nước này. Lợi nhuận, ít nhất là trong ngắn hạn, không phải là vấn đề. Thay vào đó, mục tiêu là đạt được khả năng tự cung tự cấp trong việc sản xuất những con chip nhỏ bé giúp mọi thứ từ ô tô đến tên lửa và siêu máy tính đều hoạt động.

Đây là lĩnh vực rất quan trọng. Khi mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên căng thẳng, các lệnh cấm sử dụng vi mạch của Mỹ đã giáng một đòn mạnh vào các công ty Trung Quốc như gã khổng lồ hạ tầng viễn thông Huawei.

Quay trở lại vụ đấu thầu gây sốc kia, sự kiện mua Micron năm 2015 đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với Washington, đây được coi là một ví dụ rõ ràng về việc các công ty Trung Quốc sử dụng tài chính nhà nước để thâu tóm các ngành công nghệ nhạy cảm. Unigroup dường như là một trò chơi của Trung Quốc để rải đường tiến lên vị trí dẫn đầu trong ngành công nghiệp vi mạch quan trọng này.

Sau khi vụ đấu thầu Micron không thành công, Mỹ đã bắt đầu một chuỗi các hành động nhằm kiềm chế khả năng Trung Quốc thâu tóm hoàn toàn các công ty công nghệ nhạy cảm. Đó là giai đoạn đầu của một cuộc cạnh tranh công nghệ âm thầm và gay cấn, cuối cùng dẫn đến việc Hoa Kỳ đưa các công ty Trung Quốc vào danh sách đen do lo ngại về nhân quyền và an ninh quốc gia.

Là một công ty được biết đến nhiều với vai trò kinh doanh chất bán dẫn hơn là một nhà sáng tạo nổi tiếng, Unigroup đã phát triển nhanh chóng trong 6 năm qua khi lãnh đạo kiêm ông trùm bất động sản, Zhao Weiguo, đã chi hàng tỷ USD để tiếp quản một số công ty vi mạch hứa hẹn nhất của đất nước, cuối cùng trở thành một trong những công ty lớn nhất Trung Quốc trong ngành thiết kế và sản xuất chip điện thoại thông minh.

Ông ta cũng đạt được những thỏa thuận lớn với một số thương hiệu nổi tiếng nhất ở Mỹ, trong đó nổi tiếng nhất là 2 thỏa thuận: đảm bảo khoản đầu tư 1,4 tỷ USD từ Intel để phát triển chip điện thoại thông minh; tiếp quản cổ phần kiểm soát trong mảng kinh doanh máy chủ và lưu trữ tại Trung Quốc của HP, H3C Technologies.

Công ty này cũng nắm giữ cổ phần của Western Digital, ký hợp tác chiến lược với Dell và tham gia kế hoạch cấp phép chip của IBM. Để tài trợ cho tất cả, ông Zhao đã sử dụng nền tảng chính trị vững chắc của công ty, huy động tiền từ quỹ nhà nước được phân bổ để giúp Trung Quốc bắt kịp khả năng sản xuất chip của nước ngoài.

"Tsinghua Unigroup là một câu chuyện thành công về chính trị hơn là một câu chuyện thành công về công nghệ", ông Wang nói. Và giờ những căng thẳng địa chính trị mà Unigroup gây ra đã cuối cùng đã giúp ích cho một số hoạt động kinh doanh của họ.

Lê Minh

Theo NYTimes



BÀI CHỌN LỌC

Tsinghua Unigroup: Phép thử cho tham vọng công nghệ của Bắc Kinh