Úc cam kết phát triển thương mại hai chiều với đối tác 'hàng đầu' Việt Nam

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thủ tướng Úc Anthony Albanese đã kỷ niệm 50 năm quan hệ song phương với Việt Nam bằng bánh mì và bia tại Hà Nội, trong lúc đề cao mối quan hệ thương mại giữa hai nước. Chuyến thăm cũng chứng kiến các thỏa thuận hợp tác được ký kết.

Tập trung nhiều vào việc tăng cường thương mại, Thủ tướng Albanese cho biết đã có kế hoạch nâng cấp mối quan hệ của Úc với Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam lên Đối tác Chiến lược Toàn diện để thể hiện sự tin tưởng mà cả hai nước dành cho nhau với tư cách là đối tác “hàng đầu”. Ông Albanese đã gọi tình hữu nghị giữa hai nước là “hết sức quan trọng” để giải quyết các thách thức khu vực.

Ông nói: “Việc ăn một chiếc bánh mì Việt Nam - như tôi vừa làm chiều nay - khi biết bánh mì baguette được làm từ lúa mì Úc cho bạn biết rất nhiều điều về sự bổ sung lẫn nhau đối với các nền kinh tế của chúng ta".

“Thương mại hai chiều của chúng ta đạt hơn 22 tỷ USD trong năm tài chính vừa qua - tăng 40% so với năm trước".

“Nhưng tôi biết vẫn còn dư địa phát triển”.

Úc cam kết phát triển thương mại hai chiều với đối tác 'hàng đầu' Việt Nam
Thủ tướng Úc Anthony Albanese ăn bánh mì tại một quán bán hàng rong trong chuyến thăm chính thức Việt Nam tại Hà Nội vào ngày 03/06/2023. (Ảnh: Nhạc Nguyễn/AFP qua Getty Images)

Ông Albanese đã đặt vòng hoa tại lăng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng từ chối bình luận về sự tham gia của Úc trong Chiến tranh Việt Nam.

Ông nói: “Những gì chúng ta đang làm là hướng tới tương lai". “Và đó là điều mà các chính phủ ở Úc đang làm trên cơ sở lưỡng đảng”.

Ông Albanese cũng đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo chính trị hàng đầu của Việt Nam, bao gồm Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.

Các nhà lãnh đạo tuyên bố thiết lập cơ chế đối thoại chính thức cấp bộ trưởng về thương mại để thể hiện cam kết phát triển thương mại hai chiều vốn đã phát triển mở rộng.

“Mặc dù tôi ở xa nhà, nhưng tôi không cảm thấy thế”, ông Albanese nói vào ngày 05/06. “Và đó là vì có rất nhiều người Việt Nam ở Úc - chính xác là 350.000, số người Úc gốc Việt".

“Họ đã mang văn hóa, sự sáng tạo và tham vọng của họ đến Úc”.

Thu hút lao động Việt Nam cũng là một cơ hội để lấp đầy tình trạng thiếu hụt kỹ năng phổ biến mà nhiều doanh nghiệp Úc hiện đang phải đối mặt.

Albanese nói với các phóng viên: “Chúng tôi muốn đảm bảo rằng khi chúng tôi xem xét vấn đề nhập cư của mình, chúng tôi sẽ tuyển đúng người vào đúng nơi với các kỹ năng phù hợp, vì vậy trọng tâm đó là đáp ứng nhu cầu của Úc”. “Chúng tôi biết rằng trong một số lĩnh vực đang thiếu hụt kỹ năng, thì Việt Nam có thể hỗ trợ rất nhiều”.

Thỏa thuận và hợp tác

Cùng với việc tăng cường thương mại, hai chính phủ cũng đã ký một số thỏa thuận về giáo dục, đầu tư năng lượng sạch, tăng số lượng chuyến bay trực tiếp giữa hai nước và tăng cường hợp tác và chia sẻ thông tin tình báo chống rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Liên kết giáo dục là trọng tâm chính trong chuyến thăm của thủ tướng, mà ông gọi là “trụ cột” của mối quan hệ song phương.

Ông Albanese đã khai trương trung tâm đổi mới và công nghiệp mới của Học viện Công nghệ Hoàng gia Melbourne (RMIT), cùng với khoản đầu tư trị giá 250 triệu USD bao gồm việc mở rộng cơ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh.

RMIT là trường đại học Úc đầu tiên được thành lập tại Việt Nam và kể từ đó đã có thêm một số trường đại học khác của Úc tham gia vào lĩnh vực này.

Ông Albanese cũng thông báo rằng, Úc sẽ tăng cường hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi năng lượng sạch của Việt Nam với gói phát triển mới trị giá 105 triệu USD.

Khoản đầu tư sẽ hỗ trợ quy hoạch cơ sở hạ tầng bền vững của Việt Nam, khuyến khích đầu tư tư nhân vào cơ sở hạ tầng của ngành và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật trong giai đoạn phát triển.

Úc cam kết phát triển thương mại hai chiều với đối tác 'hàng đầu' Việt Nam
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính (phải) và Thủ tướng Úc Anthony Albanese (trái) đến dự cuộc họp tại văn phòng chính phủ ở Hà Nội vào ngày 04/06/2023. (Ảnh: Nhạc Nguyễn/AFP qua Getty Images)

Hai nước cũng khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định và tự do hàng hải ở Biển Đông.

“Việt Nam sẵn sàng đồng hành cùng Australia trong giai đoạn hợp tác mới, nâng tầm quan hệ Đối tác chiến lược lên tầm cao mới, thực chất hơn nữa, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Mặc dù không khí của chuyến thăm phần lớn là tích cực, tập trung vào nhiều cơ hội trong tương lai cho cả hai nước, nhưng ông Albanese cũng nêu ra một số vấn đề với chính phủ Việt Nam. Điều này bao gồm sự im lặng của Việt Nam trong khi thế giới đang lên án việc Nga xâm lược Ukraine.

Thách thức khu vực

Chuyến đi của ông Albanese đến Việt Nam diễn ra sau khi ông tham dự Đối thoại Shangri-La ở Singapore.

Tại đó, ông dẫn lời Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long rằng “các cường quốc có trách nhiệm nặng nề trong việc duy trì mối quan hệ ổn định và khả thi với nhau”.

Trong các bình luận nhắm vào Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Albanese nói rằng nếu không có đối thoại, sẽ có nhiều nguy cơ biến các giả định thành “hành động không thể cứu vãn”, đề cập đến việc chính quyền Trung Quốc từ chối liên lạc với Lầu Năm Góc và các quan chức quốc phòng Mỹ.

Ông nói: “Hậu quả của một sự đổ vỡ như vậy – dù ở eo biển Đài Loan hay ở nơi nào khác – sẽ không chỉ giới hạn ở các cường quốc hay nơi xảy ra xung đột của họ, chúng sẽ tàn phá thế giới”.

“[Chúng tôi] nói rất rõ rằng khi có bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực: dù là ở Đài Loan, Biển Đông, Biển Hoa Đông hay bất kỳ nơi nào khác, rủi ro xung đột sẽ luôn lớn hơn rất nhiều bất kỳ lợi ích tiềm năng nào”.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Úc cam kết phát triển thương mại hai chiều với đối tác 'hàng đầu' Việt Nam