Tại sao ông Nguyễn Xuân Phúc bị miễn nhiệm? Miễn nhiệm chủ tịch nước

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau khi cựu Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng bị kỷ luật vì liên quan đến các chuyến "bay giải cứu", dư luận cho rằng cựu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có thể liên quan.

Cựu Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng là người làm việc trực tiếp dưới thời cựu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Tại sao ông Nguyễn Xuân Phúc bị miễn nhiệm?

Thông cáo phát đi ngày 17/1 nói ông Phúc "chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ, trong đó có 2 phó thủ tướng, 3 bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng; 2 phó thủ tướng đã xin thôi giữ các chức vụ, 2 bộ trưởng và nhiều cán bộ bị xử lý hình sự".

Theo thông cáo, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để ông Nguyễn Xuân Phúc thôi giữ các chức vụ ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, An ninh nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Qua thông cáo trên, ông Nguyễn Xuân Phúc thôi chức vụ là theo nguyện vọng cá nhân. Ông đã có đơn xin nghỉ công tác.

Miễn nhiệm là gì?

Miễn nhiệm là việc cán bộ, công chức được thôi giữ chức vụ, chức danh khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm

Định nghĩa này được nêu tại khoản 6 Điều 7 Luật Cán bộ, công chức năm 2008. Do đó, miễn nhiệm là trường hợp cán bộ, công chức chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm thì được thôi giữ chức vụ, chức danh.

Đây cũng là trường hợp áp dụng với cả cán bộ, công chức. Không giống bãi nhiệm chỉ áp dụng với cán bộ khi chưa hết nhiệm kỳ thì không được tiếp tục giữ chức vụ, chức danh. Tuy nhiên, miễn nhiệm không phải là hình thức kỷ luật áp dụng với cán bộ, công chức.

Ông Nguyễn Xuân Phúc có liên đới trong vụ ‘chuyến bay giải cứu’?

  • Chính phủ Việt Nam chủ trương dừng các chuyến bay thương mại đón khách về Việt Nam, chỉ thực hiện chuyến bay giải cứu những người khó khăn, thực sự cần thiết, theo cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống Covid-19, chiều 01/12/2020. Hành khách trên mọi chuyến bay về nước đều phải cách ly 14 ngày.
  • Khi đó, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, giải thích những đường bay thương mại quốc tế mở lại từ giữa tháng 9/2020 sẽ dừng chiều đón khách về Việt Nam, chỉ duy trì chiều đưa khách từ Việt Nam đi các nước. Việc này nhằm kiểm soát dịch bệnh, kiểm soát chặt chẽ việc cách ly người nhập cảnh.
  • Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 3/12/2020, sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo dừng các chuyến bay thương mại đón khách về Việt Nam, chỉ thực hiện chuyến bay giải cứu những người khó khăn, thực sự cần thiết, người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Với tinh thần không ai bị bỏ lại phía sau, các cơ quan chức năng của Việt Nam, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, trong thời gian vừa qua, đã và đang phối hợp chặt chẽ với các hãng hàng không trong và ngoài nước để tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước an toàn và phù hợp với năng lực cách ly trong nước".
Nguyễn Xuân Phúc và vụ chuyến bay giải cứu
Ông Nguyễn Xuân Phúc. (Ảnh: VGP)
  • Trả lời báo chí, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao lúc đó là bà Lê Thị Thu Hằng cho biết, các cơ quan trong nước, địa phương và đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã phối hợp các hãng hàng không triển khai hơn 1.000 chuyến bay, đưa hơn 200.000 công dân Việt Nam từ 60 quốc gia, vùng lãnh thổ về nước an toàn.
  • Thời điểm ấy, do số lượng người Việt Nam có nhu cầu về nước rất lớn, trong khi số “chuyến bay giải cứu” lại có hạn, việc kiếm được một tấm vé về nước quý giá hơn bao giờ hết. Nhưng cũng vì chuyện này, dư luận dần xôn xao với thông tin chi phí cho mỗi chiếc vé trên các “chuyến bay giải cứu” là quá cao, thủ tục lại rườm rà, phức tạp.
  • Sau 1 năm, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố tổng cộng 38 bị can tại 9 bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp có liên quan. Nhóm bị can bị điều tra về 5 tội danh khác nhau, gồm: đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nhiều quan chức bị kỷ luật vì những "chuyến bay giải cứu"

Nhiều quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam đã bị kỷ luật vì liên quan đến vụ án "những chuyến bay giải cứu".

Tờ Tuổi trẻ tổng kết những trường hợp này như sau:

  • Khai trừ ra khỏi Đảng ông Nguyễn Hồng Hà - tổng lãnh sự Việt Nam tại Osaka, Nhật Bản; ông Lý Tiến Hùng - nguyên cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Nga; bà Nguyễn Lê Ngọc Anh - cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia; ông Vũ Ngọc Minh - nguyên cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Angola.
  • Cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng nhiệm kỳ 2020 - 2025 đối với ông Trần Việt Thái - đại sứ Việt Nam tại Malaysia.
  • Cảnh cáo ông Nguyễn Hoàng Linh - nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia.
  • Khiển trách ông Phạm Sanh Châu - nguyên đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ; ông Vũ Bình - tổng lãnh sự Việt Nam tại Fukuoka, Nhật Bản; bà Phạm Như Ý - cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ.
  • Kỷ luật Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao các nhiệm kỳ 2016 - 2021, 2021 - 2026; ông Bùi Thanh Sơn - ủy viên Trung ương Đảng, bí thư Ban cán sự đảng, bộ trưởng Bộ Ngoại giao và ông Vũ Hồng Nam - nguyên đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản.

 

Tiểu sử ông Nguyễn Xuân Phúc

  • Ông Nguyễn Xuân Phúc sinh ngày 20 tháng 7 năm 1954 tại Quảng Nam, là một chính trị gia người Việt Nam. Gần nhất, ông Phúc là Chủ tịch nước thứ 10 của Việt Nam – một trong những chức vụ cao nhất trong hệ thống chính trị Việt Nam.
  • Ông Nguyễn Xuân Phúc sinh ngày 20 tháng 7 năm 1954, tại xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Ông được gọi theo thông lệ miền Nam là Bảy do là người con thứ sáu và là con út trong gia đình.
  • Sau khi tốt nghiệp đại học năm 1978, Nguyễn Xuân Phúc trở về quê nhà và được nhận vào làm việc tại tỉnh nhà (bấy giờ là Quảng Nam – Đà Nẵng).
  • Từ năm 1980 đến 1993, ông Phúc lần lượt công tác với các chức vụ Cán bộ Ban Quản lý kinh tế tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, Chuyên viên, Phó Văn phòng rồi Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Sau đó, ông được bổ nhiệm làm Bí thư Đảng ủy Cơ quan, Chủ tịch Hội khoa học kinh tế Quảng Nam – Đà Nẵng.
  • Năm 1993, ông Phúc được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Du lịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Từ năm 1993 đến 1996, ông lần lượt giữ các chức vụ Giám đốc Sở Du lịch, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, Tỉnh ủy viên khóa XV, XVI tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng.
  • Từ năm 1997 đến 2001, ông là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XVII, XVIII, Phó Chủ tịch rồi Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam kiêm Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh khóa VI; kiêm Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Quảng Nam.
  • Năm 2001, ông Nguyễn Xuân Phúc được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam. Ông cũng kiêm nhiệm Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Quảng Nam – một liên hiệp khoa học kỹ thuật kết nối trí thức tỉnh. Thời gian này, ông bắt đầu lãnh đạo lĩnh vực hành pháp quê nhà Quảng Nam, thực thi pháp luật, phát triển tỉnh.
  • Giai đoạn 2004 – 2006, ông tiếp tục cương vị là Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam khoá XIX; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam khoá VII.
  • Tháng 3 năm 2006, ông Nguyễn Xuân Phúc làm Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, tương đương cấp Thứ trưởng. Năm 2006, ông được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Tháng 6 năm 2006, ông được điều động sang giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Chính phủ. Đến tháng 8 năm 2007, ông được Quốc hội phê chuẩn giữ chức vụ Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Việt Nam.
  • Tháng 1 năm 2011, ông Nguyễn Xuân Phúc được bầu vào Bộ Chính trị, trở thành Ủy viên Bộ Chính trị. Sau đại hội, ông được đề cử cho vị trí Phó Thủ tướng Chính phủ. Đến ngày 03 tháng 8 năm 2011, tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội Khóa XIII, Nguyễn Xuân Phúc được Quốc hội phê chuẩn làm Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Việt Nam.
  • Thời kỳ 2011 – 2016, ông Phúc giữ vai trò là Phó Thủ tướng thường trực, xử lý trực tiếp các nhiệm vụ, trọng trách của Chính phủ Việt Nam cùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các Phó Thủ tướng chuyển giao vị trí thời điểm khác nhau như Hoàng Trung Hải (2011 – 2016), Nguyễn Thiện Nhân, Vũ Văn Ninh (2011 – 2016), Trương Hòa Bình (từ 2016), Phạm Bình Minh (từ 2013), Vương Đình Huệ (2016 – 2020), Vũ Đức Đam (từ 2013), Trịnh Đình Dũng (từ 2016).
  • Năm 2015, tại Hội nghị lần thứ 14, ông Nguyễn Xuân Phúc được đề cử là một trong các ứng viên cho chức vụ Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016 – 2021, kế nhiệm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
  • Ngày 07 tháng 4 năm 2016, ông Nguyễn Xuân Phúc trúng cử chức vụ Thủ tướng Chính phủ.
  • Ngày 5 tháng 4 năm 2021, ông Nguyễn Xuân Phúc được Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước.

 

Việt Nam Chính trị

Tại sao ông Nguyễn Xuân Phúc bị miễn nhiệm? Miễn nhiệm chủ tịch nước