10 điểm cần lưu ý về thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử

Giúp NTDVN sửa lỗi

Những ai được cấp thẻ căn cước công dân mới trước, ai chưa cần vội? Khi đi làm thẻ CCCD cần mang theo giấy tờ gì? Không đổi sang thẻ gắn chip có bị phạt? Khi nào được trả thẻ CCCD?

NTD Việt Nam tổng hợp những thông tin người dân cần lưu ý khi đi làm thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử:

Ai cần phải đổi CMND/CCCD mã vạch sang CCCD gắn chip?

  • Những người có chứng minh nhân dân (CMND) hoặc CCCD bị mất, hỏng.
  • Công dân cần đổi mới các thông tin, nhận dạng cá nhân trên căn cước.
  • Công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi - do đến hạn đổi (theo khoản 1 Điều 21 Luật Căn cước công dân 2014).

Lợi ích của việc đổi sang CCCD gắn chip

Căn cước công dân gắn chip điện tử có nhiều ưu điểm so với các loại giấy tờ tùy thân hiện nay, cụ thể:

  • Tích hợp được nhiều thông tin của công dân hơn.
  • Dễ dàng liên kết dữ liệu về bảo hiểm y tế, bằng lái xe, thuế,… của công dân đó.
  • Không cần phải mang theo nhiều loại giấy tờ khác khi làm các thủ tục hành chính như trước đây.
  • Tiết kiệm thời gian, chi phí công chứng, chứng thực giấy tờ.

Xem thêm: Hà Nội lập các tổ lưu động cấp căn cước công dân

Những trường hợp cần làm căn cước công dân gắn chip?

Chiều 18/3, tại buổi họp báo thông tin về dự án sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân (CCCD) tại TP. HCM, cơ quan chức năng cho biết những ai cần làm CCCD gắn chip từ ngày 1/1 đến 1/7/2021.

Theo đó, các đối tượng cần làm gồm:

  • Nhân khẩu từ đủ 14 tuổi trở lên chưa được cấp căn cước công dân, đang sử dụng CMND 9 số;
  • Người có CCCD, CMND 12 số nhưng hết hạn sử dụng, mất, có thay đổi về thông tin nhân khẩu cần cấp lại thẻ căn cước công dân.

Trước mắt, Công an TP. HCM cấp CCCD cho nhân khẩu có hộ khẩu thường trú tại TP. HCM, sau ngày 1/7, sẽ cấp cho nhân khẩu tạm trú.

Như vậy, đối với nhân khẩu đang sử dụng CMND 12 số, CCCD mã vạch còn giá trị sử dụng; không bị hư hỏng, sai sót hay thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên, đặc điểm nhân dạng, xác định lại giới tính, quê quán thì không phải đổi sang thẻ căn cước công dân có gắn chip.

Sau ngày 1/7/2021, Công an TP sẽ thực hiện việc cấp CCCD theo quy định và tiếp tục cấp thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử cho công dân khi có yêu cầu.

Không đổi sang thẻ căn cước công dân gắn chip, có bị phạt?

Theo tư vấn của luật sư Phạm Thanh Hữu (Đoàn luật sư TP. HCM), nếu CMND, CCCD hết hạn hoặc có sai sót nhưng công dân không thực hiện đổi sang CCCD có gắn chip thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng theo điểm b khoản 1 điều 9 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.

Chip gắn trên thẻ căn cước công dân không có chức năng định vị?

Cơ quan công an khẳng định chip gắn trên thẻ CCCD không có chức năng định vị, theo dõi để xác định vị trí của công dân; việc tích hợp, chia sẻ, sử dụng thông tin trên chip tuân thủ quy định của pháp luật VN. Đặc biệt, khi công dân mất thẻ hoàn toàn không bị lộ lọt thông tin cá nhân.

Đi làm thẻ CCCD mang theo giấy tờ gì?

Tại địa điểm cấp thẻ CCCD, công dân chỉ cần cung cấp thông tin nhân thân, sau đó được trích xuất dữ liệu trong phần mềm cấp CCCD để thực hiện quy trình cấp, theo báo Tuổi trẻ.

Công dân không cần kê khai, ký giấy tờ nào theo quy trình cấp CCCD mã vạch trước đây (trừ trường hợp công dân chưa có dữ liệu thông tin dân cư, thông tin có sự thay đổi, điều chỉnh).

Người dân chỉ cần xuất trình sổ hộ khẩu, CMND/CCCD, giấy tờ hợp pháp khi chưa có dữ liệu thông tin dân cư hoặc có sự thay đổi, điều chỉnh thông tin cá nhân.

Khi nào được trả thẻ CCCD?

Kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, 7 ngày làm việc đối với hồ sơ cấp mới và đổi; 15 ngày làm việc đối với trường hợp cấp lại (do cần tra cứu, xác minh).

Công dân nhận trực tiếp tại nơi cấp thẻ hoặc nhận qua bưu điện, mức cước trong TP. HCM là 30.000 đồng, ngoài TP. HCM là 31.000 đồng.

Luật Căn cước công dân năm 2014 quy định:

Khoản 2 điều 38 quy định: CMND đã được cấp trước ngày 1/1/2016 vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định.

Khoản 1 điều 23 quy định: Thẻ căn cước công dân được đổi trong các trường hợp sau:

  • Thẻ CCCD phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi;
  • Thẻ bị hư hỏng không sử dụng được;
  • Thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng;
  • Xác định lại giới tính, quê quán;
  • Có sai sót về thông tin trên thẻ CCCD;
  • Khi công dân có yêu cầu.

Khoản 2 điều 23 quy định: Thẻ CCCD được cấp lại trong các trường hợp bị mất thẻ hoặc được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định Luật Quốc tịch Việt Nam.

Nghị định 05/1999/NĐ-CP, điều 2 quy định: CMND có giá trị sử dụng 15 năm kể từ ngày cấp.

Thông tư 06/2021/TT-BCA, khoản 2 điều 4 quy định: Thẻ CCCD đã được cấp trước ngày 23/1/2021 vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định.


Vì sao thẻ căn cước công dân mới được cấp 'xuyên đêm'?

Công an các tỉnh, thành tập trung cấp căn cước công dân, tổ chức làm cả ngày và đêm, để thực hiện mục tiêu cấp mới 50 triệu thẻ trong 3 tháng tới.

Trường THCS Đại Kim, phường Đại Kim, Hoàng Mai (Hà Nội) những ngày qua liên tục sáng đèn đến 0h. Hàng trăm người dân ở khu đô thị Kim Văn, Kim Lũ đến làm hồ sơ cấp thẻ căn cước gắn chip. Cảnh sát chia ca làm việc từ 7h mỗi ngày đến nửa đêm, thậm chí đến rạng sáng và làm cả thứ Bảy, Chủ nhật.

C06 cho hay vào đầu tháng 3, lãnh đạo Bộ Công an yêu cầu đến trước ngày 1/7, lực lượng chức năng ở địa phương cấp 50 triệu thẻ căn cước mới. Trong đó, 50% số dân cư trú thuộc 10 tỉnh, thành (Hà Nội, TP. HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đồng Nai, Bình Dương, Thanh Hóa, Nghệ An và Bắc Ninh) phải được cấp căn cước trước 30/4.

Để hoàn thành mục tiêu trên, trung bình mỗi ngày, công an các tỉnh, thành trên toàn quốc phải thu nhận, cấp thẻ cho khoảng 300.000 công dân. Số lượng thẻ căn cước cấp mới rất lớn, nên các đơn vị liên quan chia thành các tổ lưu động, xuống tận khu dân cư, đồng thời chia làm 3 ca mỗi ngày là sáng, chiều và tối để kịp tiến độ.

Tính năng mã QR, chip điện tử trên căn cước mới

Thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử tích hợp số chứng minh thư cũ và mã hoá các dữ liệu cá nhân như nhận dạng khuôn mặt, vân tay.

Điểm khác biệt của thẻ căn cước lần này so với trước đây là con chip gắn ở mặt sau thẻ và mã QR ở mặt trước.

Nhờ chip điện tử và mã QR in trên thẻ căn cước mới này, người dân khi đi giải quyết thủ tục hành chính sẽ không cần phải có thêm giấy xác nhận số chứng minh thư cũ (như khi đổi từ chứng minh thư 9 số sang thẻ căn cước mã vạch 12 số trước đây).

Với mã QR trên thẻ mới, bất cứ cá nhân, tổ chức nào sử dụng điện thoại thông minh cũng "quét" được các thông tin như số chứng minh thư cũ, họ tên của người được cấp, do vậy cảnh sát không cần cấp giấy xác nhận số chứng minh thư cũ.

Việt Nam Xã hội

10 điểm cần lưu ý về thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử