Trẻ mắc bệnh tay chân miệng ở TP. HCM tăng báo động

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chỉ trong thời gian một tuần (từ ngày 29/4 đến 5/5), số ca bệnh tay chân miệng ở trẻ em tại TP. HCM tăng gần gấp 4 lần so với trung bình 4 tuần trước đó. Số ca bệnh đều tăng ở nhóm bệnh nhi nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú.

Tối ngày 9/5, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. HCM (HCDC) cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2022, TP. HCM ghi nhận 936 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng. Trong đó, 95% trẻ mắc bệnh ở độ tuổi từ 1 - 5.

Chỉ riêng từ ngày 29/4 đến 5/5, thành phố đã ghi nhận 420 ca mắc bệnh tay chân miệng; tăng gần gấp 4 lần so với trung bình 4 tuần trước đó.

Theo HCDC, số ca bệnh tay chân miệng có sự gia tăng báo động ở hầu hết các khu vực; đặc biệt ở quận 12, Bình Tân, Gò Vấp, Tân Bình, huyện Hóc Môn và TP. Thủ Đức.

HCDC nhận định, sau khi mọi hoạt động xã hội trở lại trạng thái bình thường sau hai năm gián đoạn do dịch COVID-19, các chuyên gia dự đoán các dịch bệnh lưu hành thường niên tại thành phố như: sốt xuất huyết, tay chân miệng sẽ diễn biến phức tạp trong năm nay.

Do đó, việc phòng ngừa dịch bệnh ngay từ sớm là rất quan trọng, không để dịch bùng phát; và nhất là không để xảy ra tử vong.

Bệnh tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm do virus gây ra; có biểu hiện đặc trưng là sốt và mụn nước thường thấy xuất hiện tập trung ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và ở bên trong miệng.

Bệnh tay chân miệng phần lớn ảnh hưởng đến nhóm trẻ em dưới 10 tuổi và thường gặp nhất là ở lứa tuổi dưới 5.

Trẻ em ở nhà trẻ, mẫu giáo, nơi tập trung nhiều trẻ em dễ bị ảnh hưởng bởi các đợt bùng phát dịch bệnh tay chân miệng do bệnh lây qua tiếp xúc từ người sang người; trẻ còn nhỏ nên sẽ dễ bị lây bệnh nhất.

Trẻ em khi lớn lên thường miễn dịch với bệnh tay chân miệng do các kháng thể được hình thành sau khi phơi nhiễm với virus gây bệnh; tuy nhiên, vẫn có khả năng thanh thiếu niên và người lớn cũng bị mắc bệnh này.

Minh Nguyệt

Xem thêm:

Việt Nam Xã hội

Trẻ mắc bệnh tay chân miệng ở TP. HCM tăng báo động