Vùng áp thấp mới xuất hiện trên Biển Đông, miền Trung nguy cơ lũ chồng lũ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, vào lúc 13h ngày 9/10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở cách đảo Song Tử Tây khoảng 360 km về phía Đông Bắc khiến khu vực Trung bộ của Việt Nam nguy cơ lũ chồng lũ.

Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.

Đến 13 giờ ngày 10/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới cách đảo Song Tử Tây khoảng 240 km về phía Bắc Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60 km/giờ), giật cấp 9.

Vùng nguy hiểm do áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 12,0 đến 16,0 độ Vĩ Bắc; từ 114,0 đến 118,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15 km và có khả năng mạnh thêm.

Vị trí và hướng di chuyển của vùng áp thấp nhiệt đới cập nhật lúc 13h ngày 9/10.
Vị trí và hướng di chuyển của vùng áp thấp nhiệt đới cập nhật lúc 13h ngày 9/10. (Nguồn: NCHMF)

Bản tin phát lúc 15h30 ngày 9/10 của Trung tâm Dự báo Khí tượng Trung ương cho biết, hiện trên khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Quảng Bình đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và Vịnh Thái Lan có mưa rào và dông.

Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới đi qua khu vực giữa Biển Đông kết hợp với không khí lạnh nên vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Cà Mau, vùng biển phía Nam khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa), khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang và Vịnh Thái Lan có mưa dông mạnh. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh. Sóng biển cao 2,0-4,0m.

Ở vịnh Bắc Bộ đêm nay còn có gió Đông Bắc mạnh cấp 6; khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8, biển động.

Khu vực Trung bộ của Việt Nam nguy cơ lũ chồng lũ

Ông Vũ Đức Long, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương thông tin, vào chiều 8/10, lũ ở các sông Quảng Trị đã đạt đỉnh.

Cụ thể, lúc 13h ngày 8/10, tại Trạm thủy văn Đông Hà (Quảng Trị), đỉnh lũ đã cao hơn đỉnh lũ lịch sử từng ghi nhận xảy ra trong năm 1983 (4,58 m) là 0,11 m. Trên sông Thạch Hãn, đỉnh lũ ngày 8/10 chỉ còn cách đỉnh lũ lịch sử năm 1999 (7,29 m) khoảng 0,6 m.

Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới đi qua Trung bộ kết hợp với hoạt động của không khí lạnh nên trong ngày 9 và 10/10, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-250 mm, có nơi trên 300 mm; ở Nam Nghệ An, Bình Định có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa 50-100 mm, có nơi trên 100 mm.

Từ ngày 11-13/10, ở các tỉnh Trung Trung bộ và Nam Trung bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

Tính đến sáng 9/10, các địa phương đã tổ chức di dời, sơ tán chủ yếu theo hình thức tại chỗ, tổng cộng khoảng 4.207 hộ/14.017 người (Quảng Trị 3.742 hộ/13.120 người, Thừa Thiên Huế 271 hộ/780 người, Đà Nẵng 23 hộ/73 người, Quảng Nam: 59 hộ) tại các khu vực bị ngập sâu khi mực nước lũ ở mức cao, các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất.

Kết quả đo đạc tại Thừa Thiên - Huế cho thấy, lúc 5h ngày 9/10, mực nước hồ Hương Điền ở mức 56,6 m (mực nước dâng bình thường +58 m), lưu lượng nước lũ đổ về hồ là 1.964 m3/giây. Hồ thủy điện Hương Điền được lệnh bắt đầu tăng lưu lượng vận hành điều tiết nước về hạ du lên 1.400 m3/giây vào lúc 6 giờ ngày 9/10; đến 9 giờ cùng ngày, lưu lượng đạt 1.800 m3/giây và duy trì lưu lượng trên cho đến khi có lệnh điều chỉnh mới. Trước đó, ngày 7/10, hồ thủy điện Hương Điền điều tiết nước qua tràn xả lũ với lưu lượng tăng dần từ 100-200 m3/giây.

Hiện vẫn còn 88 xã bị ngập lụt, trong đó tại Quảng Bình có 25 thôn, bản thuộc bảy xã của các huyện Minh Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy bị chia cắt cục bộ; 50 hộ dân tại xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa bị ngập sâu 0,5m; các quốc lộ 15, quốc lộ 12, 9B, 12A bị ngập với độ sâu từ 0,5-1m; tỉnh lộ: 562, 559B bị ngập 1,5-2m gây cản trở giao thông. Đến sáng 9/10, đã có 5 người chết và 8 người mất tích.


Vùng áp thấp mới xuất hiện trên Biển Đông, miền Trung nguy cơ lũ chồng lũ