Cảnh giác với 5 vật dụng nhà bếp: Sử dụng sai cách có thể gây bệnh thận hoặc ung thư!

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một số vật dụng nhà bếp khá phổ biến trong mọi gia đình, nhưng việc lạm dụng thái quá hoặc sử dụng sai cách có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với sức khoẻ.

Chảo chống dính, dụng cụ nấu nướng bằng nhôm, bộ đồ ăn bằng melamine và bọc nhựa là những vật dụng phổ biến trong bếp của mọi gia đình. Tuy nhiên, nếu lạm dụng, chúng có thể thải ra chất hóa dẻo, melamine và kim loại nặng, gây nguy hiểm cho thận, bàng quang và có khả năng dẫn đến ung thư.

Tiến sĩ Yen Tzung-Hai, bác sĩ chuyên khoa thận và giám đốc Phòng thí nghiệm Độc chất tại Bệnh viện Chang Gung Memorial ở Linkou (Đài Loan), cung cấp hướng dẫn sử dụng đồ dùng nhà bếp đúng cách.

1. Bọc nhựa (Saran Wrap)

Hai loại bọc nhựa chính được sử dụng để đựng thực phẩm:

  • Nhựa 4 (số tái chế của nó), hoặc màng bọc nhựa LDPE, được làm bằng polyetylen mật độ thấp và có thể chịu được nhiệt độ từ 70-90°C.
  • Nhựa 3 được làm bằng polyvinyl clorua (PVC) và có thể chịu được nhiệt độ từ 60-80°C. Khi gặp nhiệt độ cao, màng bọc nhựa PVC giải phóng chất hóa dẻo, gây rối loạn hệ thống nội tiết của cơ thể, dẫn đến hiện tượng nữ tính hóa ở nam giới, dậy thì sớm ở nữ giới và tăng nguy cơ ung thư vú.

Tiến sĩ Yen nhấn mạnh màng bọc thực phẩm không có khả năng chịu nhiệt hoặc chịu dầu. Do đó, khi sử dụng, hãy nhớ:

  • Đối với thức ăn thừa, hãy để chúng nguội bớt trước khi gói bằng nilon.
  • Trước khi hâm nóng thức ăn thừa, bạn hãy tháo bọc nhựa trước. Bọc nhựa chủ yếu được sử dụng để bảo vệ chống lại các hạt hoặc mùi và không có tác dụng nhiều trong việc bảo quản thực phẩm.
  • Thức ăn thừa nên được cho vào tủ lạnh để giữ tươi.

Tiến sĩ khuyến cáo nên dùng hộp thủy tinh thay cho hộp nhựa để đựng thực phẩm. Thủy tinh có cấu trúc hóa học ổn định và an toàn hơn.

2. Xốp bọt biển Melamine

Bọt melamine trắng, giống như bọt được sử dụng trong Magic Eraser, được biết đến với khả năng làm sạch mạnh mẽ.

Tuy nhiên, tiến sĩ Yen cảnh báo không nên dùng những chất này để lau chùi dụng cụ ăn vì chúng có chứa melamine và formaldehyde polyme. Trong quá trình sử dụng, những miếng bọt biển này dần bị phân hủy và thải ra chất độc.

Formaldehyde là chất gây ung thư Nhóm 1, có thể làm tăng nguy cơ ung thư vòm họng và bệnh bạch cầu. Melamine có thể gây hại cho hệ tiết niệu và có liên quan đến suy thận và sỏi trong các vụ sữa bột nhiễm độc ở Trung Quốc.

Hãy ghi nhớ hai điều khi sử dụng miếng bọt biển tổng hợp:

  • Không sử dụng chúng để rửa dụng cụ nấu ăn hoặc bát đũa, vì melamine còn sót lại có thể hấp thụ thông qua đường miệng.
  • Tránh sử dụng nước ấm để làm sạch miếng bọt biển tổng hợp, vì chúng có thể hòa tan và giải phóng melamine có hại.

3. Bộ đồ ăn làm từ Melamine

Nhẹ và bền, bộ đồ ăn melamine đã trở thành lựa chọn hàng đầu tại các nhà hàng ở Nhật Bản cũng như các bậc phụ huynh có con nhỏ.

Tuy nhiên, giống như bọt biển tổng hợp, bộ đồ ăn melamine bao gồm các polyme melamine và formaldehyde.

Mặc dù ngành công nghiệp tuyên bố melamine có khả năng chịu nhiệt lên tới 100°C, nhưng tiến sĩ Yen khuyên bạn nên tránh hoàn toàn.

Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Vật liệu Nguy hiểm cho thấy rằng, dù chỉ giữ chất lỏng ở nhiệt độ từ 30-40°C, bộ đồ ăn melamine vẫn giải phóng melamine.

Các thí nghiệm trên động vật cũng cho thấy rằng, bộ đồ ăn melamine có liên quan đến sự gia tăng nguy cơ mắc các khối u bàng quang và đường tiết niệu.

Do đó, bạn không nên cho bộ đồ ăn melamine vào nồi cơm điện hoặc lò vi sóng hoặc sử dụng với thức ăn nóng.

Tiến sĩ Yen đề nghị thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau đây khi mua hoặc sử dụng bộ đồ ăn melamine:

  • Đảm bảo bề mặt tiếp xúc với thực phẩm có màu trắng. Một số lớp phủ màu có thể chứa kim loại nặng như chì và cadmium.
  • Không làm nóng bộ đồ ăn melamine bằng lò vi sóng, nồi cơm điện, máy rửa chén… vì nó không thể chịu được nhiệt độ cao và có thể giải phóng melamine ở 30-40 độ C.
  • Tránh sử dụng bộ đồ ăn melamine với thức ăn nóng.

4. Chảo chống dính

Chảo chống dính được ưa chuộng vì nhẹ và dễ làm sạch. Tuy nhiên, lớp phủ của chúng có chứa các chất per- và poly-fluoroalkyl (PFAS), các kích thích tố có hại cho môi trường.

PFAS được sử dụng rộng rãi làm lớp phủ bề mặt trong các sản phẩm khác nhau, bao gồm chảo chống dính, bao bì thức ăn nhanh, túi giấy chống dầu mỡ cho gà rán, hộp bỏng ngô và trang phục thể thao ngoài trời chống thấm nước và dầu.

Tiếp xúc với PFAS là phổ biến. Một báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), sử dụng dữ liệu từ Khảo sát Kiểm tra Sức khỏe và Dinh dưỡng Quốc gia Hoa Kỳ (NHANES), cho thấy máu của 97% người Mỹ có chứa PFAS.

Tiến sĩ Yen khuyên nên thay chảo chống dính nếu chúng bị nứt hoặc trầy xước. Chảo chống dính bị nứt có thể giải phóng axit perfluorooctanoic (PFOA), một thành phần hóa học trong hệ thống PFAS.

PFOA có thời gian bán hủy lên đến ba năm trong cơ thể, nghĩa là phải mất ba năm để chuyển hóa PFOA xuống một nửa.

Những rủi ro sức khỏe của PFOA là gì? Tiếp xúc kéo dài có thể dẫn đến các điều kiện sau:

  • Rối loạn chức năng tuyến giáp.
  • Các bệnh tim mạch như bệnh tim, tăng huyết áp và đột quỵ.
  • Chức năng gan bất thường.
  • Tăng nguy cơ ung thư trong các thí nghiệm trên động vật (Tiến sĩ Yen cho biết thiếu bằng chứng ở người).

Tiến sĩ Yen khuyến cáo các cách sử dụng chảo chống dính an toàn như sau:

  • Tránh sử dụng các dụng cụ bằng kim loại vì chúng có thể dễ dàng làm xước lớp phủ.
  • Tránh làm nóng khô chảo, vì nó có thể làm hỏng lớp phủ.
  • Thận trọng khi sử dụng hải sản có vỏ cứng có thể làm xước lớp vỏ.
  • Thay chảo chống dính nếu nó bị trầy xước hoặc nứt.

5. Dụng cụ nấu ăn bằng nhôm

Tiến sĩ Yen khuyến cáo không nên dùng đồ nấu bằng nhôm vì có thể gây nhiễm độc thức ăn, dẫn đến các bệnh về xương. Thay vào đó, hãy sử dụng dụng cụ nấu bằng thép không gỉ hoặc gang.

Theo Amber Yang & JoJo Novaes - The Epoch Times
Chấn Hưng biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Cảnh giác với 5 vật dụng nhà bếp: Sử dụng sai cách có thể gây bệnh thận hoặc ung thư!