Chỉ 1 ngày sau khi bị chính quyền ông Tập điều tra, Evergrande liền ‘cầu cạnh’ Mỹ, là do ai chỉ đạo?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mới đây, hai tin tức liên quan đến tập đoàn bất động sản khổng lồ Evergrande của Trung Quốc đã thu hút sự quan tâm rộng rãi của cộng đồng quốc tế. Một là: Ngày 16/8, Evergrande bị Ủy ban Quản lý Giám sát Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) lập án điều tra với cáo buộc vi phạm luật và quy định về công bố thông tin. Hai là: Ngày 17/8, Evergrande nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ.

Sự việc 1 là chính quyền ông Tập Cận Bình điều tra Evergrande chiểu theo pháp luật; sự việc 2 là Evergrande chạy đến Hoa Kỳ để tự cứu lấy mình.

Vậy tại sao Evergrande lại ‘cầu cạnh’ Mỹ chỉ một ngày sau khi chính quyền ông Tập tiến hành điều tra tập đoàn này? Lý do đằng sau là gì?

Tác giả Vương Hữu Quần cho rằng đây thực chất là do Tăng Khánh Hồng, ông chủ ở hậu trường của Evergrande, đang thách đấu ông Tập khi ông Tập đang gặp khủng hoảng toàn diện về cả đối nội lẫn đối ngoại.

Trước khi cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Giang Trạch Dân qua đời vào tháng 11/2022, ông ta là nhân vật số 1 trong phe Giang - Tăng, còn cựu Ủy viên Ban thường vụ Bộ Chính trị kiêm Phó chủ tịch nước Tăng Khánh Hồng là nhân vật số 2. Nhưng sau khi Giang chết, Tăng Khánh Hồng đã trở thành nhân vật số 1. Phe Giang - Tăng là đối thủ chính trị lớn nhất của ông Tập trong ĐCSTQ.

Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng - hai cây “đại thụ” tham nhũng của ĐCSTQ vẫn luôn ung dung ngoài vòng pháp luật. (Ảnh: NTD Việt Nam tổng hợp)
Ông Giang Trạch Dân (trái) và ông Tăng Khánh Hồng. (Ảnh: NTD Việt Nam tổng hợp)

Sao lại nói rằng rất có khả năng Tăng Khánh Hồng đứng sau vụ này?

Hãy xem lại bối cảnh và các sự kiện liên quan đến cuộc thanh trừng Evergrande của ông Tập.

Từ năm 2012 đến năm 2017, trong 5 năm nhiệm kỳ đầu tiên của Tập Cận Bình, ông chủ yếu đoạt lại quyền lực cao nhất từ tay Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng thông qua việc “đả hổ” chống tham nhũng. Cuộc đấu tranh nội bộ trong 5 năm này là cuộc đấu tranh giữa Tập và phe Giang - Tăng.

Từ năm 2017 đến năm 2022, trong 5 năm của nhiệm kỳ thứ hai, ông Tập tiếp tục áp chiến dịch chống tham nhũng vào hệ thống chính trị và pháp luật để đoạt lại thực quyền từ các thân tín của Giang và Tăng; đồng thời đoạt lấy “túi tiền” kinh tế nằm trong tay các “găng tay trắng” của phe Giang - Tăng. Cuộc đấu tranh nội bộ trong 5 năm này tiếp tục là cuộc đấu giữa Tập và Giang - Tăng.

“Găng tay trắng” là từ để chỉ các doanh nhân phục vụ chính trị gia, các chính trị gia đứng sau chỉ đạo, còn các doanh nhân này sẽ ra mặt thực thi.

Trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Tập, do Giang Trạch Dân đã già yếu nên cuộc chiến giữa Tập và Giang - Tăng thực chất là cuộc chiến của Tập và Tăng.

Một kết quả rõ nét nhất giữa cuộc đấu Tập - Tăng là việc công ty bất động sản Fantasia Holdings của Tăng Bảo Bảo (Zeng Baobao), cháu gái của Tăng Khánh Hồng, đã bị chính quyền ông Tập thanh trừng đến mức rơi vào “thời điểm đen tối nhất”. Tập đoàn này không vay được tiền, không trả được nợ, phải giật gấu vá vai, thậm chí còn bị chủ nợ “đòi thanh toán”.

Tăng Khánh Hồng và cháu gái Tăng Bảo Bảo (Ảnh: Epoch Times)
Tăng Khánh Hồng và cháu gái Tăng Bảo Bảo. (Ảnh: The Epoch Times)

Cũng trong màn cân sức này, một ông lớn bất động sản khác là Tập đoàn Evergrande, với Tăng Khánh Hồng là trùm cuối sau hậu trường, đã bị vỡ nợ và rơi vào khủng hoảng nợ nần.

Ông Hứa Gia Ấn, ông chủ của Evergrande, không có gia thế hiển hách, sinh ra ở vùng nông thôn Hà Nam và được ông bà nội nuôi dưỡng. Năm 1996, khi Giang và Tăng còn chấp chính, Hứa Gia Ấn đã thành lập Evergrande ở Thâm Quyến. Sau đó, hoạt động kinh doanh của Evergrande nhanh chóng mở rộng từ Thâm Quyến ra toàn quốc nhờ vào quyền thế của phe Giang. Chỉ trong hơn 20 năm, Evergrande đã ‘nhảy vọt’ trở thành một trong 500 công ty hàng đầu thế giới và Hứa Gia Ấn đã trở thành người giàu nhất Trung Quốc.

Làm thế nào mà Hứa Gia Ấn lại kết thân được với gia tộc Tăng Khánh Hồng?

Hứa Gia Ấn là bạn thân của Đới Vĩnh Cách (Dai Yongge), CEO của Tập đoàn Nhân Hòa (Renhe Commercial Holdings Co Ltd). Đới Vĩnh Cách là “kim chủ”, tức người đứng sau cung cấp kim tiền cho gia tộc Tăng Khánh Hồng. Ông ta từng chi 32,4 triệu đô-la Úc để giúp con trai của Tăng Khánh Hồng là Tăng Vĩ (Zeng Wei) mua biệt thự ở Úc, và còn chuyển nhượng không hoàn lại 40% cổ phần của Tập đoàn Nhân Hòa cho vợ của Tăng Vĩ là Tưởng Mai (Jiang Mei).

Thông qua Đới Vĩnh Cách, Hứa Gia Ấn đã thiết lập mối quan hệ với con trai của Tăng Khánh Hồng. Tờ báo The Sydney Morning Herald của Úc từng tiết lộ rằng, vào năm 2015, Hứa Gia Ấn đã cho Tăng Vĩ mượn căn biệt thự của mình ở Úc để tổ chức tiệc.

CEO Hứa Gia Ấn của Evergrande. (Ảnh: Etienne Oliveau/Getty Images)

Ngoài ra, Hứa Gia Ấn còn từng là thành viên ban giám đốc của Hiệp hội Công nghiệp Văn hóa Hong Kong (Hong Kong Association of Cultural Industries), hiệp hội này được mệnh danh là “câu lạc bộ người giàu Hong Kong”. Còn em trai của Tăng Khánh Hồng là Tăng Khánh Hoài lại từng là Thanh tra đặc biệt tại Hong Kong của Bộ Văn hóa Trung Quốc, ông ta còn là "ông chủ đằng sau hậu trường" của ngành văn hóa Hong Kong. Thông qua kênh này, Hứa Gia Ấn đã thiết lập mối quan hệ với Tăng Khánh Hoài.

Năm 2007, các tài phiệt Hong Kong là Trịnh Dụ Đồng (Cheng Yu-tung), Lưu Loan Hùng (Joseph Lau) và Trương Tùng Kiều (Cheung Chung-kiu) đã giúp Hứa Gia Ấn niêm yết ở Hong Kong, họ có mối quan hệ đặc biệt với Tăng Khánh Hoài. Theo báo chí nước ngoài đưa tin, khi Tập đoàn Fantasia Holdings của Tăng Bảo Bảo - con gái của Tăng Khánh Hoài - được niêm yết tại Hong Kong vào năm 2009, Hứa Gia Ấn, Trịnh Dụ Đồng và Lưu Loan Hùng đều đăng ký mua cổ phần.

Ông Viên Hồng Băng (Yuan Hongbing), một học giả luật sống ở Úc, cho biết: "Mọi người trong giới quan chức Trung Quốc đều biết điều này. Người liên lạc với Hứa Gia Ấn là em trai và con trai của Tăng Khánh Hồng, tức Tăng Khánh Hoài và Tăng Vĩ. Bản thân Tăng Khánh Hồng không thể ra mặt. Tăng Khánh Hoài chính là người đại diện của gia tộc Tăng Khánh Hồng".

Ông Viên nói, "Sở dĩ bất động sản của Hứa Gia Ấn ở Trung Quốc lớn mạnh như vậy là do có sự ủng hộ hết mình của Tăng Thanh Hoài. Đương nhiên, Hứa Gia Ấn cũng là găng tay trắng của gia tộc Tăng Khánh Hồng".

Ông Viên Hồng Băng còn cho hay, giới quan trường Bắc Kinh cũng lan truyền rộng rãi thông tin rằng quả bom nợ của Evergrande là do đích thân ông Tập Cận Bình châm ngòi nổ. Đích thân ông Tập ra lệnh cho các tổ chức tài chính không được phép tiếp tục cho Evergrande vay.

tập cận bình trung quốc
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình có bài phát biểu hôm 1/7/2022, đánh dấu kỷ niệm 25 năm ngày Vương Quốc Anh bàn giao Hong Kong cho Trung Quốc. (Ảnh: Selim Chtayti/Pool/AFP/Getty Images)

Ông Tập chỉnh đốn Hứa Gia Ấn, thực chất là đang nhắm vào Tăng Khánh Hồng?

Vào ngày 20/8/2020, chính quyền ông Tập đã đặt ra “ba lằn ranh đỏ” cho các nhà phát triển bất động sản:

  1. Sau khi loại trừ các khoản thu trước, nợ không được vượt quá 70% tài sản;
  2. Nợ ròng không được vượt quá vốn chủ sở hữu;
  3. Tiền mặt phải bằng hoặc lớn hơn nợ ngắn hạn.

Đối với trường hợp nghiêm trọng nhất là giẫm vào cả 3 lằn ranh này, công ty bất động sản đó sẽ bị cấm vay thêm các khoản vay tính lãi. Mà Evergrande lại đều chạm phải 3 lằn ranh đỏ này, công ty không thể tiếp tục vay từ các ngân hàng Trung Quốc, ngay lập tức rơi vào tình thế tài chính khó khăn.

Vào ngày 17/7/2023, Evergrande phát hành bổ sung 3 báo cáo hiệu quả hoạt động cho năm 2021, nửa đầu năm 2022 và năm 2022.

Theo báo cáo tài chính, trong năm 2021 và 2022, Evergrande lỗ ròng 812 tỷ nhân dân tệ (CNY). Khoản lỗ hơn 800 tỷ CNY trong hai năm là một khoản lỗ siêu khổng lồ!

Tính đến cuối năm 2022, tổng nợ phải trả của Evergrande là 2,4 nghìn tỷ CNY, tương đương khoảng 330 tỷ đô-la Mỹ, đây là công ty bất động sản có khoản nợ khổng lồ nhất thế giới!

Trong năm 2022, tổng tài sản của Evergrande là khoảng 1.838,3 tỷ CNY, tổng nợ phải trả là khoảng 2.437,4 tỷ CNY, tức là tài sản ròng sẽ rơi vào khoảng -599,1 tỷ CNY. Điều này cho thấy Evergrande đang vỡ nợ nghiêm trọng và đã trở thành một công ty zombie.

Kết cục ngày nay của Evergrande liên quan trực tiếp đến việc Hứa Gia Ấn tự kiêu rằng có Tăng Khánh Hồng chống lưng thì có thể đối chọi lại Tập Cận Bình.

Theo những người trong ngành, năm 2016 là năm có nhiều bước ngoặt trong ngành bất động sản Trung Quốc. Chính quyền ông Tập Cận Bình đã nhắc đi nhắc lại rằng cần phải sử dụng các biện pháp về tài chính, đất đai, tài chính và thuế, đầu tư, luật pháp, v.v. để đưa nhà ở thương mại quay trở lại chức năng cư trú của nó chứ không phải để đầu cơ.

Tuy nhiên, Evergrande gần như bỏ ngoài tai tất cả những điều này. Chỉ trong năm 2016, đà nợ của Evergrande đã mở rộng đáng kể, nợ phải trả lãi lên tới 535,1 tỷ CNY, tăng 80% so với một năm trước đó.

Năm 2017, ông Tập Cận Bình một lần nữa nhấn mạnh trong báo cáo Đại hội toàn quốc lần thứ 19 của ĐCSTQ rằng “nhà ở phải để ở chứ không phải để đầu cơ”. Evergrande vẫn tiếp tục phớt lờ và trong năm này, nợ phải trả lãi của Evergrande lại tăng thêm 37%, nó lên tới 732,6 tỷ CNY.

Năm 2018, thị trường bất động sản Trung Quốc chuyển từ nóng sang lạnh. Nhìn bề ngoài, tỷ lệ nợ của Evergrande đã giảm nhưng tổng nợ vẫn tăng hơn 50 tỷ CNY.

Năm 2019, tổng nợ phải trả của Evergrande tăng mạnh từ 1.571,402 tỷ CNY ban đầu lên 1.848,04 tỷ CNY, tăng gần 300 tỷ CNY nợ mỗi năm. Còn các khoản nợ phải trả lãi tăng lên 799,9 tỷ CNY.

Có thể thấy, từ năm 2016 đến 2020, Evergrande đã không coi chính sách “nhà ở để ở chứ không phải để đầu cơ” của ông Tập ra gì mà lại đi ngược chiều gió.

Tình cảnh éo le của những người mua phải nhà dang dở ở Trung Quốc
Các tòa nhà chung cư đang xây dựng dở dang tại khu phát triển Health Valley của China Evergrande Group ở ngoại ô Nam Kinh, Trung Quốc, vào ngày 22/10/2021. (Qilai Shen/Bloomberg via Getty Images)

Tại sao Hứa Gia Ấn lại dám 'đi ngược chiều gió để đầu cơ bất động sản'?

Không thể không nói rằng có người đứng sau Hứa Gia Ấn chỉ đạo ông ta.

Có chuyên gia trong ngành đã tóm tắt cách “đi ngược chiều gió đầu cơ bất động sản” của Hứa Gia Ấn thành 5 bước sau:

  • Thứ nhất, cá nhân hóa tài sản, nói chính xác hơn là Hoa Kỳ hóa tài sản.
  • Thứ hai, doanh nghiệp hóa nợ, nói chính xác hơn là Trung Quốc hóa nợ.
  • Thứ ba, xã hội hóa rủi ro, nói chính xác thì nên là Trung Quốc hóa rủi ro.
  • Thứ tư, đăng ký công ty ở nước ngoài và vay vốn ngân hàng trong nước.
  • Thứ năm, nợ vẫn ở trong nước, còn bảo vệ quyền của chủ nợ lại ở ngoài nước.

Hứa Gia Ấn là người gốc Hà Nam, Trung Quốc, là Đảng viên ĐCSTQ, Bí thư Đảng ủy Evergrande. Tên đầy đủ của công ty do ông ta thành lập là Tập đoàn Evergrande Trung Quốc. Ban đầu, Đảng ủy Tập đoàn Evergrande chỉ có 6 chi bộ đảng với hơn 100 đảng viên, nhưng đến nay đã phát triển thành 38 đảng ủy, 27 tổng chi bộ đảng, 1.133 chi bộ đảng và 12.075 đảng viên.

Phần lớn các dự án bất động sản của Evergrande đều nằm ở Trung Quốc. Phần lớn tiền của Evergrande là được cho vay, huy động vốn, hoặc vay từ các ngân hàng và tổ chức tài chính Trung Quốc. Ngày nay, Evergrande đã trở thành công ty bất động sản mắc nợ nhiều nhất Trung Quốc, với tổng số nợ lên tới 2,4 nghìn tỷ CNY vào cuối năm 2022.

Evergrande được đăng ký tại Quần đảo Cayman thuộc Anh và hiện đang nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại tòa án ở Hoa Kỳ.

Xu hướng quay trở lại kinh tế kế hoạch của Trung Quốc bắt đầu từ ngành bất động sản và ngành thép
Một tổ hợp bất động sản của Evergrande ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. (Ảnh: Getty Images)

Evergrande của ông Hứa Gia Ấn có thể được coi là một “kỳ quan lớn” trong lịch sử doanh nghiệp của nhân loại. Kỳ quan này là biểu hiện điển hình của việc các gia tộc quyền lực trong ĐCSTQ điên cuồng hút máu người dân Trung Quốc thông qua các “găng tay trắng” của họ.

Nếu không có Tăng Khánh Hồng chống lưng, Hứa Gia Ấn sẽ không thể “bành trướng rầm rộ” ở Trung Quốc như vậy, cũng không thể “đi ngược chiều gió mà đầu cơ bất động sản” ở Trung Quốc như vậy, lại càng không thể chạy sang Mỹ để xin bảo hộ phá sản dù ở Trung Quốc đã vay thấu chi và thực tế là đã phá sản như vậy.

Mấu chốt của việc xin bảo hộ phá sản ở Mỹ là gì?

Đó là bảo vệ tài sản cho Tăng Khánh Hồng và các gia tộc quyền lực khác trong ĐCSTQ, và còn bảo vệ cho số tài sản mà Hứa Gia Ấn đã chuyển ra nước ngoài, đồng thời giao lại cục diện hỗn loạn của Evergrande ở trong nước cho ông Tập Cận Bình.

Dù đã đắc cử nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp nhưng ông Tập lại đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng trong và ngoài nước nghiêm trọng nhất trong 11 năm cầm quyền vừa qua.

Ở trong nước, các quan chức cấp cao được đích thân ông Tập đề bạt trọng dụng lần lượt gặp chuyện, như Bộ trưởng Ngoại giao Tần Cương bị miễn nhiệm chỉ sau nửa năm nắm quyền; Chỉ huy Lực lượng Tên lửa Lý Ngọc Siêu và Chính ủy Lực lượng Tên lửa Từ Trung Ba bị cách chức chỉ sau một năm rưỡi cầm quyền. Nền kinh tế đang trong tình thế nguy cấp, từ các ông lớn trong ngành bất động sản như Evergrande và Country Garden cho đến quỹ tín thác lớn nhất nhì Trung Quốc là Zhongzhi đều đã, đang và sắp vỡ nợ.

Ở nước ngoài, mới đây khi tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Nam Phi, ông Tập Cận Bình đã gặp phải rất nhiều sự cố bất ngờ. ĐCSTQ cũng đang bị quốc tế “bao vây tứ phía”.

Theo phân tích của tác giả Vương Hữu Quần, về việc Evergrande chạy sang Mỹ nộp đơn xin bảo hộ phá sản chỉ 1 ngày sau khi bị Bắc Kinh điều tra, có thể thấy bề ngoài là để tái cơ cấu nợ nhưng thực chất là Tăng Khánh Hồng - đối thủ chính trị lâu năm của ông Tập Cận Bình - đã nhân cơ hội để vừa lợi mình hại người. Một là để bảo vệ lợi ích ở nước ngoài của ông ta, hai là giáng sấm sét vào ông Tập, khiến ông phải gánh chịu hậu quả từ khoản nợ khổng lồ của Evergrande.

Vào ngày 23/8/2023, ông Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Johannesburg, Nam Phi, với ông Thái Kỳ phía sau. (Gia nluigi Guercia/POOL/AFP viaGetty Images)

Hồi cuối năm ngoái, tổng số nợ của Evergrande lên tới 2,4 nghìn tỷ CNY. Vào ngày 28/8 năm nay, Evergrande đã quay trở lại giao dịch trên Sở giao dịch Chứng khoán Hong Kong. Hôm 27/8, Evergrande thông báo rằng trong nửa đầu năm nay, tổng nợ phải trả của tập đoàn là 2,38 nghìn tỷ CNY. Dù ít hơn năm ngoái một chút nhưng vẫn là một “con số thiên văn” (những con số rất lớn từ hàng trăm triệu trở lên).

Một số cư dân mạng đã tính toán và chỉ ra: "Mbappé (cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp người Pháp) có mức lương hàng năm là 700 triệu euro, nếu anh ta không ăn không uống thì phải mất hơn 400 năm mới trả hết số nợ của Evergrande".

"2,38 nghìn tỷ nhân dân tệ là bao nhiêu? Tôi vừa tra rồi, vừa đủ cho chi tiêu ngân sách công vào năm ngoái của 4 đô thị loại I là Thượng Hải, Bắc Kinh, Thâm Quyến và Quảng Châu".

"Tôi vừa mới tra cứu, một chiếc hàng không mẫu hạm có giá mấy chục tỉ, 2.38 nghìn tỷ [nhân dân tệ] đủ để chế tạo ra mấy chục chiếc".

"Dùng một phép tính đơn giản thì 2,38 nghìn tỷ nhân dân tệ tương đương với 320 tỷ đô-la Mỹ, trong khi GDP của Ukraine chỉ là 160 tỷ đô-la Mỹ. Một Evergrande tương đương với hai Ukraine".

Liệu ông Tập có thể nuốt trôi trái đắng từ món nợ khổng lồ của Evergrande? Với tính khí của Tập Cận Bình thì chắc chắn là không. Nhưng ông ấy không có chiêu nào để hóa giải.

Trước Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ, Tăng Khánh Hồng đều lép vế khi đối đầu với Tập Cận Bình. Liệu lần này Tăng có thể lật ngược tình thế? Chúng ta hãy cùng chờ xem.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Đông Phương biên dịch

Nhà bình luận Vương Hữu Quần có bằng tiến sĩ luật của Đại học Nhân Dân Trung Quốc. Ông từng là một trong những người soạn thảo cho ông Úy Kiện Hành – cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ khóa 15, cựu Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương.

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Chỉ 1 ngày sau khi bị chính quyền ông Tập điều tra, Evergrande liền ‘cầu cạnh’ Mỹ, là do ai chỉ đạo?