Chiến trường đấu trí: Trung Quốc đẩy mạnh chiến tranh nhận thức chống lại Ấn Độ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các chiến lược gia cho rằng mặc dù Trung Quốc công khai kêu gọi hỗ trợ lẫn nhau và giảm bớt căng thẳng quân sự với Ấn Độ, nhưng họ đang ngấm ngầm đẩy nhanh việc sử dụng chiến tranh nhận thức chống lại tiểu lục địa.

Ngày 14/7, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar và nhà ngoại giao cấp cao của Trung Quốc Vương Nghị đã gặp nhau bên lề ASEAN tại Jakarta, Indonesia. Tại đây, ông Vương đã kêu gọi sự hợp tác thay vì ngờ vực giữa hai nước láng giềng khổng lồ.

Ông Vương nói thêm: “Thay vì hạ thấp nhau hoặc nghi ngờ lẫn nhau, hai bên nên hỗ trợ và cùng nhau hoàn thành mọi việc”.

Tuy nhiên, các chiến lược gia gọi những tuyên bố của ông Vương là bịp bợm và nói rằng Bắc Kinh đã gia tăng chiến tranh nhận thức chống lại Ấn Độ sau cuộc đụng độ đẫm máu ở Thung lũng Galwan. Trong khi đó, Ấn Độ đang thực hiện các biện pháp đối phó.

“Những nỗ lực to lớn của Trung Quốc trong chiến tranh nhận thức được hỗ trợ bởi AI (trí tuệ nhân tạo) đang được áp dụng trên khắp thế giới, ở mọi điểm uốn, trên tất cả các lĩnh vực [cụ thể là] kinh tế, ngoại giao, chính trị và quân sự”, Đại tá hồi hưu Vinayak Bhat, cựu sĩ quan tình báo quân đội Ấn Độ, nói với The Epoch Times trong một thông điệp bằng văn bản.

"Sau cuộc đụng độ đẫm máu ở Thung lũng Galwan, cuộc chiến nhận thức này chống lại Ấn Độ đã tăng tốc. Ấn Độ hiểu các trò chơi đấu trí của Trung Quốc và đang phản đối các nỗ lực của ĐCSTQ bằng các biện pháp đối phó như ngăn chặn trước, phản công trực tiếp, phản công gián tiếp, đánh lạc hướng và giáo dục đối tượng mục tiêu”.

Vào tháng 6/2020, quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đã giao tranh quyết liệt ở Thung lũng Galwan. Cả hai bên đã giao chiến bằng gậy gộc và đá, dẫn đến hàng chục thương vong cho cả hai bên.

Các cáo buộc được đưa ra trong bối cảnh một báo cáo về chương trình phát triển vũ khí NeuroStrike Program (Tấn công thần kinh) của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Ba tác giả của báo cáo này là Tiến sĩ Ryan Clarke, thành viên cao cấp tại Viện Đông Á của Đại học Quốc gia Singapore; ông Lâm Hiểu Húc (Sean Lin), một cựu sĩ quan Lục quân Hoa Kỳ kiêm nhà vi trùng học; và ông L.J. Eads, một cựu sĩ quan tình báo của Không Lực Hoa Kỳ kiêm nhà sáng lập Data Abyss.

Với tiêu đề “Liệt kê, nhắm mục tiêu và đánh sập chương trình NeuroStrike của ĐCSTQ”, báo cáo cáo buộc rằng chương trình của Trung Quốc có thể vô hiệu hóa khả năng nhận thức của các mục tiêu và kiểm soát não bộ của họ.

“Trong giai đoạn bùng phát dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất vào năm 2020 và 2021, hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông, Biển Hoa Đông, Eo biển Đài Loan và dọc biên giới Trung - Ấn đã gia tăng mạnh mẽ về mặt thống kê”, ngụ ý rằng Trung Quốc đã sử dụng COVID-19 như một cơ hội chiến lược.

Đại tá Bhat cảnh báo, chiến tranh nhận thức của Trung Quốc thường bị coi là chiến lược quân sự đơn thuần, nhưng trên thực tế, nó đang được sử dụng một cách tích cực để thúc đẩy mục tiêu thống trị thế giới của Trung Quốc.

Một người đàn ông đi ngang qua tấm áp phích có chân dung của những người lính Ấn Độ thiệt mạng trong cuộc xung đột ở Thung lũng Galwan vào tháng 6/2020, ở New Delhi, vào ngày 31/8/2020. (Ảnh: Jewel Samad/ AFP/Getty Images)
Một người đàn ông đi ngang qua tấm áp phích có chân dung của những người lính Ấn Độ thiệt mạng trong cuộc xung đột ở Thung lũng Galwan vào tháng 6/2020, ở New Delhi, vào ngày 31/8/2020. (Ảnh: Jewel Samad/ AFP/Getty Images)

Trò chơi đấu trí và dối trá

Các tác giả của báo cáo gần đây đã mô tả NeuroStrike là “mục tiêu được thiết kế nhằm vào bộ não của binh lính hoặc dân thường bằng công nghệ phi động học, với mục tiêu làm suy giảm nhận thức, giảm nhận thức tình huống, gây tổn thương thần kinh lâu dài và làm suy giảm các chức năng nhận thức bình thường".

Chiến tranh phi động lực là chiến tranh được tiến hành bằng các phương tiện khác ngoài hành động quân sự thông thường, trực tiếp.

Điều đó có thể có nghĩa là các chiến thuật như chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng hoặc chiến tranh tâm lý. Tuy nhiên, báo cáo cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo về các chiến thuật như tấn công điện từ sử dụng công nghệ để nhắm trực tiếp vào não người.

Báo cáo cho biết ĐCSTQ đã tự khẳng định mình là quốc gia đi đầu thế giới trong việc phát triển các nền tảng vũ khí “tấn công trực tiếp, hoặc thậm chí kiểm soát, bộ não của động vật có vú (bao gồm cả con người) bằng vũ khí năng lượng vi sóng/năng lượng định hướng thông qua các nền tảng độc lập (tức là súng cầm tay) hoặc phổ điện từ rộng hơn”.

Tuy nhiên, thần kinh học là một lĩnh vực rộng lớn và không ngừng phát triển, do đó các nhà nghiên cứu khẳng định rằng chiến tranh Trung Quốc đã tiến bộ vượt xa việc sử dụng vũ khí vi sóng truyền thống. Một khía cạnh của các hoạt động chiến tranh nhận thức của Trung Quốc là sử dụng các giao diện người-máy tính được phân phối rộng rãi để kiểm soát toàn bộ dân số cũng như một loạt vũ khí được thiết kế để gây ra tổn hại về mặt nhận thức”.

Tam chiến

Các tác giả của báo cáo đã trình bày chi tiết về khái niệm chiến lược “Tam chiến”, lần đầu tiên được Đại học Quốc phòng Trung Quốc nêu ra vào năm 2014.

Họ nói: “Tam chiến được thiết kế đặc biệt để giúp Trung Quốc đạt được các mục tiêu cuối cùng mà theo truyền thống là đạt được bằng lực lượng quân sự thông thường thông qua việc sử dụng hiệu quả chiến tranh tâm lý, chiến tranh truyền thông và chiến tranh pháp lý”.

Theo các nhà nghiên cứu, vai trò chính của ba cuộc chiến này bao gồm kiểm soát dư luận, làm giảm quyết tâm của kẻ thù, chuyển hóa cảm xúc, tư vấn tâm lý, đánh sập tổ chức của kẻ thù, phòng thủ tâm lý và hạn chế thông qua luật pháp.

Nói rộng ra, điều đó liên quan đến việc nắm bắt “thiên thời” để kiểm soát dư luận, tổ chức tấn công và phòng thủ tâm lý, tham gia vào “lệnh pháp” đồng thời đấu tranh cho ý chí và dư luận của quần chúng.

Nhắm mục tiêu vào Ấn Độ

Theo các chuyên gia Ấn Độ, Trung Quốc đã tăng cường sử dụng chiến tranh nhận thức chống lại Ấn Độ kể từ năm 2020.

Đại tá Bhat đã nói "Lời nói dối lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ trở thành sự thực", trích lời nhà tuyên truyền của Đức quốc xã Joseph Goebbels.

Ông nói, sau vụ việc Galwan, Trung Quốc đã mạnh tay tuyên truyền để làm suy yếu tinh thần của quân đội Ấn Độ đóng tại biên giới tranh chấp ở vùng Ladakh, cao trên dãy Himalaya. Ở môi trường thiếu oxy, lạnh giá khủng khiếp, nơi nhiệt độ có thể giảm xuống -50° C, các trò chơi đấu trí càng có ý nghĩa quan trọng.

Một ví dụ là quan điểm cho rằng người Trung Quốc đang sử dụng vũ khí vi sóng chống lại binh lính Ấn Độ. Theo một giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Bắc Kinh, lực lượng Trung Quốc đã biến hai đỉnh đồi quan trọng thành một "lò vi sóng", khiến quân đội Ấn Độ cảm thấy ốm nặng và buộc phải rút lui.

Cáo buộc này sau đó đã được đăng trên các tờ báo của Anh và Úc. Tờ Daily Guardian đã dán nhãn đây là "tin giả" trong cuộc điều tra vào tháng 11/2020. Trong khi đó, các phương tiện truyền thông Ấn Độ tràn ngập các bài báo bác bỏ những khẳng định của Trung Quốc.

Đại tá Bhat cũng cho biết cáo buộc này là sai. Ông nói, ở độ cao trên 4.200 km về mặt kỹ thuật, vũ khí vi sóng không thể đạt được loại tác động như Trung Quốc tuyên bố.

Lẩu giao tận nơi bằng máy bay không người lái

Vài tháng sau sự cố Galwan, truyền thông Trung Quốc đưa tin rằng các máy bay không người lái đang giao bữa ăn nóng hổi cho các binh sĩ của Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) dọc biên giới Đông Dương. Tổng biên tập Thời báo Hoàn cầu Hồ Tích Tiến (Hu Xijin) đã chia sẻ một video trên Twitter dường như cho thấy những chiếc máy bay không người lái đang giao đồ ăn.

Theo Đại tá Bhat, Twitter bị hạn chế về mặt pháp lý ở Trung Quốc, do đó, video này chắc chắn nhằm mục đích cho người nước ngoài xem.

Các phương tiện truyền thông toàn cầu như Eurasian Times đã đưa tin về câu chuyện này. Trong khi đó, tờ South China Morning Post đã tạo ra một hình ảnh ấm áp về cuộc sống trên mặt trận lạnh giá, với tiêu đề "Quân đội Trung Quốc ổn định cho mùa đông ở Himalaya với dịch vụ giao lẩu và bình oxy”.

Đại tá Bhat tỏ ra hoài nghi về câu chuyện này, đồng thời nói rằng câu chuyện được dựng lên để làm suy yếu tinh thần của quân đội Ấn Độ.

Đáp lại ông nói rằng: “Ấn Độ bắt đầu nói về việc đặt mua quần áo tầm cao do châu Âu và Mỹ sản xuất cho binh lính của họ, để đáp trả trò đấu trí của Trung Quốc”.

Trò chơi ngoài đấu trí

Theo báo cáo, cuộc chiến nhận thức của Trung Quốc chống lại Ấn Độ rất có thể sẽ vượt ra ngoài những trò chơi đấu trí và những lời tuyên truyền dối trá. Do Ấn Độ có lãnh thổ rộng lớn, dân số đông và năng lực quân sự truyền thống cũng như phi truyền thống mạnh đáng kể nên các hoạt động tâm lý của Trung Quốc nhắm vào Ấn Độ cũng bị hạn chế.

Hơn nữa, với bối cảnh chính trị của đất nước, Trung Quốc khó có thể "có được các đối tác thân Bắc Kinh trong giới lãnh đạo Ấn Độ, những người sẽ hoạt động ở Ấn Độ để thúc đẩy các mục tiêu của Trung Quốc dọc theo biên giới tranh chấp".

Trong bối cảnh này, các tác giả cảnh báo rằng Trung Quốc có thể tấn công hệ thống công nghệ thông tin quan trọng của New Delhi.

"Với những hạn chế rõ ràng đối với các hoạt động tâm lý của PLASSF [Lực lượng hỗ trợ chiến lược PLA] chống lại Ấn Độ, có thể PLASSF sẽ tập trung nhiều hơn vào các khả năng tấn công thần kinh cưỡng chế và nhắm mục tiêu chính xác vào các hệ thống công nghệ thông tin trọng yếu của Ấn Độ, bao gồm cả Hệ thống vệ tinh định vị khu vực Ấn Độ (IRNSS)", các tác giả nói, đồng thời cho biết thêm rằng IRNSS cung cấp khả năng định vị thời gian thực bên trong Ấn Độ, cũng như cho bán kính 1.500 km bên ngoài Ấn Độ.

Các thành viên của Tổ chức Thanh niên Thành phố cầm các áp phích có logo của các ứng dụng Trung Quốc để ủng hộ chính phủ Ấn Độ cấm ứng dụng chia sẻ video cực kỳ phổ biến TikTok, ở Hyderabad, Ấn Độ, vào ngày 30/6/2020. (Ảnh: Noah Seelam/AFP/Getty Images)
Các thành viên của Tổ chức Thanh niên Thành phố cầm các áp phích có logo của các ứng dụng Trung Quốc để ủng hộ chính phủ Ấn Độ cấm ứng dụng chia sẻ video cực kỳ phổ biến TikTok, ở Hyderabad, Ấn Độ, vào ngày 30/6/2020. (Ảnh: Noah Seelam/AFP/Getty Images)

Tấn công vào phương tiện truyền thông và trò chơi điện tử

Một chuyên gia Ấn Độ khác, N.C. Bipindra, Chủ tịch Liên minh Luật pháp và Xã hội ở New Delhi, đã cung cấp các ví dụ về cách người Trung Quốc đang sử dụng trò chơi điện tử và phương tiện truyền thông toàn cầu để nhắm mục tiêu vào các chính trị gia nổi tiếng của Ấn Độ.

“Sau vụ Galwan, [người] Trung Quốc đã phát triển một trò chơi điện tử mô tả trận đấu quyền anh giữa ông Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi”, ông Bipindra, biên tập viên của bài báo “Lập bản đồ các hoạt động gây ảnh hưởng và dấu chân của Trung Quốc ở Ấn Độ”, cho biết.

Thông điệp của trò chơi kém tinh tế hơn: "Khi trận đấu quyền anh bắt đầu, tất cả các nước Nam Á: Bangladesh, Nepal, Sri Lanka, v.v. đều đứng về phía ông Modi, và khi trận đấu kết thúc, mọi người đều đứng về phía ông Tập Cận Bình”.

Ông Bipindra cũng đề cập đến vụ tấn công ông Sridhar Vembu, một trong những người giàu nhất Ấn Độ, hồi đầu năm nay. Năm 2021, ông Vembu được chọn vào Ban cố vấn an ninh quốc gia của nước này.

Vào ngày 13/3, một bài báo trên tạp chí Forbes nói rằng ông Vembu đã bỏ rơi người vợ đã ly thân và đứa con trai 24 tuổi của họ, đồng thời cáo buộc ông này có sai phạm tài chính.

Nhiều độc giả của tờ Forbes có thể đã không nhận ra rằng ấn bản này thuộc sở hữu của người Trung Quốc vào thời điểm đó.

Vào năm 2014, một công ty đầu tư của Trung Quốc, Integrated Whale Media, đã mua phần lớn cổ phần của tạp chí. Hơn nữa, vào năm 2021, một công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC) có trụ sở tại Hong Kong tên là Magnum Opus đã tiếp quản nhà xuất bản Forbes của Mỹ, trong một thỏa thuận trị giá 630 triệu USD. Magnum Opus được hỗ trợ bởi quỹ tài sản có chủ quyền của Trung Quốc.

Ông Vembu đã đi đầu trong cuộc cách mạng AI cấp cơ sở ở Ấn Độ thông qua công ty của ông, Zoho. Kể từ khi bài báo xuất hiện trên tờ Forbes, ông đã tung ra một “trình duyệt riêng” mới ở Ấn Độ. Ông cũng đã công bố tham vọng đưa các công nghệ AI sáng tạo vào trong công ty, mở rộng phạm vi các giải pháp thương mại của công ty.

Ông Bipindra tin rằng doanh nhân công nghệ thông tin Vembu bị coi là mối nguy hiểm đối với Trung Quốc. Ông Bipindra tuyên bố: “Vào thời điểm [câu chuyện] về ông Sridhar Vembu được tung ra, [người] Trung Quốc đã nắm [một] cổ phần kiểm soát đa số trong Forbes”, ông Bipindra tuyên bố, ám chỉ rằng bài báo được tạo ra rõ ràng là nhằm bôi nhọ danh tiếng của ông Vembu

Ông Vembu đã bác bỏ cáo buộc của vợ mình trong một tin nhắn trên Twitter chỉ một ngày sau khi bài báo được công bố. Ông viết: "Vấn đề là ở tòa án Hoa Kỳ, hồ sơ của tôi được công khai”.

Đến thời điểm hiện tại, Forbes thuộc sở hữu của một tỷ phú người Úc, Austin Russell. Vào tháng 5/2023, anh Russell, 28 tuổi, đã mua 82% cổ phần của Forbes từ Integrated Whale Media, khiến công ty đầu tư chỉ còn một ghế trong hội đồng quản trị.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Chiến trường đấu trí: Trung Quốc đẩy mạnh chiến tranh nhận thức chống lại Ấn Độ