Chính phủ Việt Nam chi 6.600 tỷ đồng hỗ trợ tiền thuê nhà cho 3,4 triệu lao động

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chính phủ Việt Nam sẽ chi hơn 6.600 tỷ đồng hỗ trợ tiền thuê nhà cho 3,4 triệu lao động trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất.

Chiều 30/3, Bộ LĐ-TB-XH tổ chức họp báo về quyết định của Thủ tướng Việt Nam về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.

Theo Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình, việc thực hiện hỗ trợ tiền thuê nhà cho khoảng 3,4 triệu người lao động có kinh phí hơn 6.600 tỷ đồng.

Theo Bộ LĐ-TB-XH, chính sách này nhằm chia sẻ, hỗ trợ người lao động còn khó khăn về nhà ở để yên tâm làm việc; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh “giữ chân” người lao động để phục hồi sản xuất kinh doanh, góp phần phục hồi kinh tế - xã hội.

Về số tiền hỗ trợ, Cục trưởng Cục Việc làm cho biết, hai nhóm lao động đang làm việc và quay trở lại làm việc sẽ nhận hai mức hỗ trợ khác nhau.

Cụ thể:

Mức hỗ trợ 500.000 đồng/tháng, tối đa 3 tháng cho:

Người lao động đang làm việc ở trọ trong khoảng thời gian từ ngày 01/02/2022 đến ngày 30/6/2022; có hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 01 tháng trở lên được giao kết và bắt đầu thực hiện trước ngày 01/4/2022; đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại tháng liền kề trước thời điểm doanh nghiệp lập danh sách lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà.

Trường hợp người lao động không thuộc trường hợp tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì phải có tên trong danh sách trả lương của doanh nghiệp của tháng liền kề trước thời điểm doanh nghiệp lập danh sách lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà.

Mức hỗ trợ 1.000.000 đồng/tháng, tối đa 3 tháng cho:

Người lao động quay trở lại thị trường lao động; đang ở thuê, ở trọ trong thời gian từ ngày 1/4/2022 đến 30/6/2022; có hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 01 tháng trở lên được giao kết và thực hiện trong khoảng thời gian từ 1/4/2022 đến 30/6/2022; trừ trường hợp hợp đồng lao động giao kết tiếp nối của hợp đồng lao động đã giao kết và thực hiện trước đó.

Hoặc người lao động phải đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại tháng liền kề trước thời điểm người sử dụng lao động lập danh sách lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà.

Phương thức chi trả cho cả hai nhóm lao động là theo từng tháng.

Xác minh thông tin xin hỗ trợ như thế nào?

Cục trưởng Cục Việc làm cho hay, để tránh việc trục lợi chính sách, người lao động phải tự chịu trách nhiệm làm đơn đề nghị hỗ trợ; sau đó doanh nghiệp sẽ xác nhận, công khai và thêm bước xác nhận từ cơ quan Bảo hiểm Xã hội.

Đồng thời, danh sách thụ hưởng sẽ được kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an nhằm xác minh, tránh tình trạng có người được nhận nhiều lần, ở nhiều nơi khác nhau.

Ông Vũ Trọng Bình cho biết, quy trình từ lúc nộp hồ sơ đăng ký cho đến khi hưởng hỗ trợ đã được đơn giản nhất có thể; chỉ mất tối đa 2 ngày cho mỗi công đoạn xác nhận của doanh nghiệp, BHXH, UBND cấp huyện và cấp tỉnh.

Trách nhiệm của người lao động là chứng minh được bản thân đang thuê nhà trọ bằng cách đề nghị chủ nhà ký vào đơn đăng ký hỗ trợ. UBND tỉnh cùng với cơ quan công an có thể tham gia vào việc xác minh thông tin thuê nhà của người dân thông qua cơ sở dữ liệu dân cư.

Mạnh Hùng

Việt Nam Xã hội

Chính phủ Việt Nam chi 6.600 tỷ đồng hỗ trợ tiền thuê nhà cho 3,4 triệu lao động