Đâu là nguyên nhân thực sự khiến năng suất lao động của Canada tụt hậu so với các nền kinh tế lớn?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các phương tiện truyền thông chính thống đang rất quan tâm tới năng suất lao động tụt hậu của Canada, điều được cho là do sự sụt giảm trong đầu tư vào tài sản cố định của đất nước này. Nhưng đó có thực sự là nguyên nhân?

Một chủ đề dường như đã trở nên nổi bật trong thời gian gần đây là thực tế về việc Canada đang tụt hậu về năng suất so với Mỹ và các nền kinh tế lớn khác. Xu hướng này thậm chí đã trở nên tồi tệ hơn trong thời gian gần đây và đột nhiên trở thành một vấn đề gây nhức nhối cho giới truyền thông. Tôi thấy điều này rất gây tò mò nếu không muốn nói là thú vị vì tôi đã quan tâm đến vấn đề này trong nhiều thập kỷ. Trên thực tế, tôi nhớ đã thảo luận về tăng trưởng năng suất tụt hậu của Canada với giáo sư kinh tế chính trị của tôi và cựu bộ trưởng nội các Đảng Tự do Eric Kierans vào năm 1976.

Trước khi đi sâu vào chủ đề này, người ta cần hiểu năng suất là gì trong mối quan hệ với kinh tế học. Năng suất có thể là một thuật ngữ đầy cảm tính. Việc chỉ ra rằng một người “năng suất” hơn người khác có thể rất chủ quan, ngụ ý rằng người làm việc kém năng suất hơn sẽ chậm chạp, lười biếng và kém hiệu quả hơn đồng nghiệp của mình. Đây không phải là ý nghĩa của năng suất kinh tế, mà nó chỉ đơn giản là sản lượng kinh tế trên một giờ lao động hoặc GDP trên một giờ làm việc. Vào năm 2022, năng suất của Canada là 61,10 đô la Canada (CAD) cho mỗi giờ làm việc, tương đương khoảng 47,00 USD. Mỹ có lợi thế về năng suất khoảng 30%, chỉ hơn 61,00 USD. Hơn nữa, người Mỹ làm việc nhiều giờ hơn từ 5% đến 10% so với người Canada, càng làm gia tăng khoảng cách này.

Điều này không phải luôn luôn như vậy. Năm 1980, khoảng cách năng suất giữa Mỹ và Canada là từ 5% đến dưới 10%. Ontario, nơi tôi đã sống từ năm 1979, thực sự tương đương hoặc tiệm cận với mức trung bình của người Mỹ. Tôi nhớ đã tham dự chương trình MBA của Đại học Toronto vào thời điểm đó. Chúng tôi tin rằng mặc dù Canada đi sau Mỹ một chút, nhưng có lẽ ở đây là đáng sống vì chúng tôi có tỷ lệ tội phạm thấp hơn nhiều, các trường đại học chất lượng rẻ hơn và hệ thống y tế miễn phí với thời gian chờ đợi thấp.

Tuy nhiên, các giáo sư của chúng tôi và một số bạn bè thân cận của tôi đã lo lắng rằng với các chính sách kinh tế không phù hợp đang được ủng hộ ở Canada, chúng tôi sẽ bị tụt lại phía sau. Nhìn lại, chúng tôi đã biết trước tình hình nhiều hơn những gì chúng tôi có thể tưởng tượng vào thời đó. Thành thật mà nói, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng GDP bình quân đầu người của tỉnh Quebec quê hương tôi lại có thể tương đương về mặt thống kê với Mississippi, bang nghèo nhất nước Mỹ với một sự chênh lệch đáng kể với các bang khác.

Đâu là nguyên nhân thực sự khiến năng suất lao động của Canada tụt hậu so với các nền kinh tế lớn?
Phố thương mại chính Sainte Catherine ở trung tâm thành phố Montreal, Canada, vào ngày 22/11/2022. (Ảnh: DANIEL SLIM / AFP qua Getty Images)

Lời giải thích vô nghĩa

Thật kỳ lạ, nhiều chính trị gia bỏ qua vấn đề này hoặc hưởng ứng quan điểm của nhiều phương tiện truyền thông chính thống, nhấn mạnh rằng khoảng cách ngày càng tăng giữa Canada, Mỹ và các quốc gia phát triển khác là do Canada chi tiêu ít hơn cho đầu tư tài sản cố định cho mỗi công nhân so với các quốc gia khác. Các doanh nhân Canada không đủ đổi mới, giới tinh hoa Canada nhấn mạnh. Giá như những ông trùm xảo quyệt keo kiệt chịu nới lỏng hầu bao và đầu tư trở lại Canada, mọi thứ sẽ tốt hơn. Có lẽ chính phủ nên buộc các doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển hoặc in tiền và phân phát, tốt nhất là cho các sáng kiến năng lượng xanh. Rõ ràng, các nhà đầu tư quá thiếu hiểu biết để tự nguyện đầu tư vào các sáng kiến môi trường nếu mọi thứ vận hành theo thị trường tự do. Lập luận này rõ ràng là vớ vẩn và mang tính xúc phạm.

Theo như tôi có thể nhớ, Canada đã chi ít hơn cho nghiên cứu và phát triển - ít nhất là từ những năm 1970 - nhưng chúng tôi đã tương đối cạnh tranh hơn vào năm 1980 so với hiện nay. Do đó, lời giải thích này không có ý nghĩa. Hơn nữa, tương quan đó không tạo thành quan hệ nhân quả, và đôi khi nhân và quả bị lẫn lộn. Canada có ít vốn đầu tư tài sản cố định hơn vì lợi tức trên vốn ở nước này kém hơn so với Mỹ. Điều này có thể vì nhiều lý do, nhưng Canada đã phải chịu mức thuế cá nhân và doanh nghiệp cao, thứ trừng phạt sự thành công và thưởng cho thất bại. Canada cũng có một môi trường pháp lý nặng nề và kém thích ứng so với các nền kinh tế sôi động hơn về kinh tế.

Đâu là nguyên nhân thực sự khiến năng suất lao động của Canada tụt hậu so với các nền kinh tế lớn?
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen (phải) gặp Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Canada Chrystia Freeland tại Bộ Tài chính ở Washington, D.C., Mỹ, vào ngày 10/01/2023. (Ảnh: Kevin Dietsch/Getty Images)

Chi tiêu của chính phủ theo tỷ lệ phần trăm của GDP đã tăng lên, tạo ra sự lệch lạc về đầu tư. Con số chính xác còn gây tranh cãi do các phương pháp khác nhau được sử dụng, nhưng nó quá cao so với sức khỏe lâu dài của nền kinh tế. Tổng nợ trên GDP vốn đã ở mức cao (theo ý kiến của tôi) 45% vào năm 1980 và hiện nay là khoảng 107%. Con số đó sẽ tăng lên, đặc biệt nếu chúng ta bước vào thời kỳ suy giảm kinh tế và cũng do chi phí lãi vay tăng cao khi chính quyền liên bang và tỉnh tiến hành đảo nợ các khoản nợ của họ.

Với môi trường kinh tế được tạo ra bởi các chính trị gia thiển cận được bầu chọn một cách dân chủ bởi những cử tri ủng hộ những thành quả tức thì trong khi phớt lờ tương lai của chính họ và con cái họ, không có gì ngạc nhiên khi người Canada không đầu tư vào các doanh nghiệp năng động. Rốt cuộc, tại sao phải mạo hiểm vốn trong một dự án kinh doanh khi bạn có thể, với một khoản trả trước nhỏ, mua một tòa chung cư được xây dựng tồi tàn nhìn ra đường cao tốc và cho thuê nó. Giá thuê tiếp tục tăng. Giá nhà chung cư tăng 80% trong 10 năm qua. Tỷ lệ nhập cư cao, lãi suất thấp giả tạo và những hạn chế đối với xây dựng nhà ở mới đã tạo ra tình trạng này, và cả ba yếu tố này đều là kết quả của việc chính phủ cố gắng đi tắt đón đầu sự thịnh vượng.

Canada đã mất nhiều thập kỷ mới rơi vào trong vị thế tụt hậu này. Sẽ mất nhiều thập kỷ để thoát khỏi nó, nhưng sẽ cần một số lựa chọn cứng rắn và can đảm của các chính trị gia và sự thắt lưng buộc bụng của người Canada.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Ông Tom Czitron từng là nhà quản lý danh mục đầu tư với hơn bốn thập kỷ kinh nghiệm đầu tư. Ông từng là nhà quản lý chính của quỹ trái phiếu chính của Ngân hàng Hoàng gia.



BÀI CHỌN LỌC

Đâu là nguyên nhân thực sự khiến năng suất lao động của Canada tụt hậu so với các nền kinh tế lớn?