Đưa Romania trở thành cửa ngõ vào châu Âu của Việt Nam

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thủ tướng Romania khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu, một trong những thị trường tiềm năng nhất với Romania; đề nghị tận dụng cơ hội để biến Romania trở thành cửa ngõ của Việt Nam vào châu Âu.

Sáng ngày 22/1 (theo giờ địa phương), trong khuôn khổ chuyến thăm Romania, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã hội đàm cùng Thủ tướng Romania Ion-Marcel Ciolacu.

Trong cuộc hội đàm, hai Thủ tướng thống nhất rằng hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư là trụ cột quan trọng trong quan hệ song phương; nhất trí đẩy mạnh quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư xứng tầm với quan hệ chính trị, phát huy hơn nữa các cơ chế hợp tác sẵn có, khuyến khích doanh nghiệp hai nước tiếp tục triển khai đầy đủ, hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam sẵn sàng đóng vai trò cửa ngõ để các mặt hàng của Romania tiếp cận thị trường Việt Nam và ASEAN.

Thủ tướng Ciolacu cũng mong muốn quan hệ hai nước sẽ "tiến tới tầm cỡ mới". "Tôi muốn Romania trở thành cửa ngõ giúp hàng hóa Việt Nam tiến vào thị trường châu Âu", ông nói, đồng thời bày tỏ mong muốn Việt Nam trở thành cầu nối giúp hàng hóa Romania tiến vào thị trường Đông Nam Á.

Ông cho biết Romania vừa đầu tư nâng cấp cảng Constanta, cảng lớn nhất trên Biển Đen và là một trong những cảng lớn nhất châu Âu, nhằm tăng khối lượng vận chuyển hàng hóa. Điều này sẽ giúp việc hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam đạt bước tiến mới.

Cho rằng Việt Nam và Romania có thể tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác như nông nghiệp, dược phẩm, dầu khí, Thủ tướng Romania kỳ vọng kim ngạch thương mại hai nước sớm đạt mục tiêu một tỷ USD.

Thủ tướng Ion-Marcel Ciolacu đánh giá Việt Nam là một trong những thị trường tiềm năng nhất của Romania tại châu Á-Thái Bình Dương, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Romania quan tâm mở rộng đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam. Thủ tướng Romania cho rằng hai bên cần tận dụng cơ hội thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực thương mại, logistics, du lịch và biến Romania trở thành cửa ngõ để Việt Nam vào châu Âu trong bối cảnh Romania sắp gia nhập khu vực Schengen vào tháng 3/2024.

Hai bên cũng đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực truyền thống như giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, an ninh - quốc phòng, văn hóa - thể thao - du lịch, lao động, y tế - dược phẩm đồng thời thúc đẩy mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực mới như công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn…

Tại hội đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Chính phủ Romania tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho cộng đồng người Việt Nam sinh sống tại Romania hội nhập ngày càng sâu rộng vào xã hội sở tại, đóng góp tích cực cho sự phát triển của Romania cũng như tăng cường quan hệ hữu nghị, giao lưu nhân dân, thúc đẩy hợp tác du lịch giữa hai nước.

Hai Thủ tướng khẳng định tiếp tục phối hợp chặt chẽ, chia sẻ kinh nghiệm và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế, góp phần bảo đảm hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Trao đổi về các vấn đề quốc tế, hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, phù hợp luật pháp quốc tế.

Hai bên phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, các tổ chức quốc tế và liên khu vực, đóng góp cho các vấn đề hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Dấu ấn hợp tác dầu khí

Những cơ hội này đã được lãnh đạo hai nước nhìn nhận từ kết quả thực thi Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và EU được ký kết và Romania là thành viên chính thức.

Dẫn chứng giai đoạn 2019 - 2023, thương mại hàng hóa song phương giữa hai nước đã tăng hơn 1,65 lần, từ 261,4 triệu USD lên 431 triệu USD (tăng trưởng bình quân 15%/năm).

Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Romania tăng 1,46 lần, từ gần 194 triệu USD lên 282,3 triệu USD. Nhập khẩu của Việt Nam từ nước này tăng 2,2 lần, từ 67,5 triệu USD lên 148,6 triệu USD.

Tuy vậy, nếu so với tiềm năng thì đây vẫn là những con số khiêm tốn. Thực tế thương mại hàng hóa song phương hai nước chỉ bằng 0,06% kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam, và bằng 0,2% kim ngạch xuất nhập khẩu của Romania.

Về đầu tư, nước này mới có năm dự án tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 1,56 triệu USD, trong khi Việt Nam mới chỉ có một dự án đầu tư tại Romania với 0,6 triệu USD.

Đặt trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, Bộ Công Thương cho hay Romania là một trong số ít các thị trường tại châu Âu có tăng trưởng thương mại trong năm 2023 với Việt Nam khi đạt mức thặng dư thương mại năm 2023 là 133,6 triệu USD.

Là một trong những chuyên gia từng gắn bó với Romania, kỹ sư Bỳ Văn Tứ cho hay, sự phát triển của ngành dầu khí có nhiều dấu mốc quan trọng gắn bó với Romania. Đó là việc ta nhập khẩu giàn khoan của bạn để thực hiện tìm kiếm, thăm dò dầu khí, hợp tác chuyên gia, đào tạo nhân lực dầu khí, bảo dưỡng các nhà máy đạm Phú Mỹ, lọc dầu Dung Quất...

Do vậy, ông Tứ cho rằng chuyến thăm của Thủ tướng cùng những kết quả đạt được sẽ tạo nên động lực mới cho lĩnh vực dầu khí nói riêng. Trong đó bao gồm đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao, thăm dò khai thác dầu khí trên biển, nghiên cứu khoa học kỹ thuật, nâng cao hệ số thu hồi dầu khí ở các mỏ cũ.

Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với Romania từ năm 1950. Giai đoạn 1950-1989, Romania đã viện trợ và cho Việt Nam vay để phát triển một số ngành kinh tế. Sau khi quốc gia này thay đổi chế độ chính trị cuối năm 1989, hai nước tiếp tục phát triển quan hệ và hợp tác nhiều mặt.

Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Romania tăng trưởng liên tục, từ hơn 200 triệu USD năm 2018 tăng gấp đôi lên hơn 400 triệu USD năm 2022.

Việt Nam Chính trị

Đưa Romania trở thành cửa ngõ vào châu Âu của Việt Nam