Đừng tích của cải dưới đất, hãy tích trữ của cải trên trời

Giúp NTDVN sửa lỗi

[Radio] - Vinh hoa phú quý vẫn có thể theo bạn sang kiếp sống kế tiếp. Giống như tiền gửi trong ngân hàng, chỉ cần bạn đã gửi thì sau khi chuyển sinh rồi vẫn có thể lấy ra. 

Nghe thêm: Radio Văn Hóa

Người ta nói: “Tiền là phù du”, hết thảy tài phú đều chỉ như bóng câu qua thềm, như mây trôi bèo dạt. Câu nói ấy khuyên người đời nên biết buông bỏ lợi ích, đừng quá so đo tính toán, sống một đời thanh tao đạm bạc. Lại có người lý giải rằng tiền dù nhiều cũng không thể mang sang thế giới bên kia, tích cóp bao nhiêu cũng chẳng có tác dụng gì, chi bằng hãy tận dụng thời gian mà vui chơi hưởng lạc…

Kỳ thực, vinh hoa phú quý vẫn có thể theo bạn sang kiếp sống kế tiếp. Cũng giống như tiền gửi trong ngân hàng, chỉ cần bạn đã gửi, thì sau khi chuyển sinh rồi vẫn có thể lấy ra. Nhưng cần giữ tiền ở đâu? Kiếp sau làm thế nào có thể lấy ra được?

(Ảnh:Pixabay)

Hãy chia tiền thành ba phần đem gửi

Trong “Thanh bại loại sao - Chuyển thế tiền” có ghi chép rằng:

Vào thời nhà Thanh, vùng cao nguyên Thanh Hải lưu truyền một phong tục khá phổ biến, đó là tiến cúng gia tài vào cửa Phật. Một gia đình dù giàu hay nghèo, sang hay hèn thì đều lấy ra một nửa đem đi bố thí. Người ta gọi đó là “tiền chuyển thế”.

Ví dụ như khi ông bà hoặc cha mẹ qua đời, người con sẽ chia gia sản thành ba phần: Một phần đem thờ cúng cho các chùa đền trong dòng họ; một phần bố thí cho các tăng nhân để họ tụng kinh niệm Phật, siêu độ cho linh hồn người đã khuất; phần còn lại thì để cho con cháu hoặc cung tiến vào các chùa và tu viện lớn ở Tây Tạng.

Đối với tài vật bố thí, các Lạt Ma thường sẽ không bao giờ từ chối, hơn nữa còn thay gia chủ dùng tiền để cứu tế những người cùng khổ. Dân chúng Thanh Hải tin rằng: Các vị Lạt Ma được Thượng Thiên ban cho y phục và thức ăn, nên không tiêu xài tiền bạc và vải vóc cúng dường. Người làm việc bố thí là đang gây dựng phước đức cho chính mình, phước đức ấy sẽ được chuyển đổi thành tài vật hoặc phúc lộc trong đời sau, hết thảy đều sẽ được hoàn trả, một xu một hào cũng không thiếu. Người bố thí ít thì tiền tài ở đời sau sẽ ít, người bố thí nhiều thì tiền tài ở đời sau sẽ nhiều, còn người không bố thí thì kiếp sau phải sống cảnh bần cùng túng thiếu. Bởi họ chỉ biết chăm lo cho bản thân mà không quan tâm đến người khác, tất nhiên sẽ không được Thần Phật coi trọng.

Người dân Thanh Hải sùng bái Phật và kính trọng bậc tu hành. Họ tin rằng đức và nghiệp ở đời này sẽ ảnh hưởng đến phúc phận đời sau. Ai không bố thí, không có lòng từ bi hỉ xả thì cho dù quyền quý cao sang cũng sẽ bị thế nhân coi khinh, dè bỉu. Theo thời gian trôi qua, phong tục ấy dần dần phát triển thành thuyết “tiền chuyển thế”.


(Ảnh:Pixabay)

Đồng tiền vàng trong miệng người đã khuất

Quyển thứ ba của “Đại trang nghiêm luận kinh” kể một câu chuyện như sau:

Tương truyền, ở Ấn Độ cổ đại có một vị quốc vương tên là Nan Đà. Nan Đà vương rất giàu có, vàng bạc đầy kho, kim cương bảo ngọc nhiều không kể xiết. Mặc dù vậy, nhà vua vẫn lo sợ rằng, hết thảy những phú quý vinh hoa sẽ có ngày tan biến. Ông bèn hạ lệnh thu thập các loại trân bảo trong thiên hạ, hy vọng mang sang đời sau để tiếp tục hưởng thụ. Dần dần, khắp vương quốc không còn châu báu bạc vàng, bởi tất cả đều tụ tập về hoàng cung cả rồi.

Quốc vương xây dựng một tòa lầu dành riêng cho công chúa, sau đó hạ lệnh rằng bất cứ ai muốn gặp công chúa đều phải tiến cống bảo vật, và phải đến diện kiến trước mặt nhà vua.

Một ngày, có chàng trai trẻ mang đồng tiền vàng đến hoàng cung xin được gặp công chúa. Công chúa tuân lệnh vua cha, dẫn chàng trai trẻ ấy đến trước mặt phụ vương.

Quốc vương hỏi: “Bảo vật các nơi đều nằm trong quốc khố của ta, nhà ngươi lấy đồng tiền vàng này từ đâu ra?”.

Chàng trai trẻ đáp: “Năm ấy khi người cha quá cố của thảo dân qua đời, trong miệng ông ngậm một đồng tiền vàng. Vì muốn có cơ hội gặp công chúa, thảo dân buộc lòng phải lấy đồng tiền ấy ra”.

Quốc vương nghe xong liền trầm mặc suy nghĩ một hồi lâu. Ông nghĩ: “Chỉ có một đồng tiền vàng mà ông ta cũng không mang theo được, còn ta có nhiều châu báu như vậy, sao có thể mang đi được đây?”.

Ông lại tự nhủ: “Ta nghe nói trước kia có người mang những thứ kỳ trân dị bảo như voi báu và ngựa báu lên trời, lại có người xây dựng cây cầu cỏ dẫn thẳng tới Thiên môn. Nay ta vừa không có trân kỳ dị thú để thăng thiên, lại không có cây cầu để lên trời, vậy sao có thể…”

Quốc vương càng nghĩ càng thêm buồn bã, đôi mắt xa xăm chìm vào những đau đáu suy tư.

Một vị đại thần hiểu được tâm ý của nhà vua, bèn cất lời khuyên nhủ:

“Đại vương ngài hãy xem, một người có dung mạo đoan trang tuấn mỹ thì bóng ảnh phản chiếu trong nước cũng nhất định là mỹ hảo. Còn nếu anh ta xấu xí khó coi, vậy thì hình ảnh phản chiếu cũng không thể ưa nhìn cho được. Hết thảy những gì anh ta có trong đời này kiếp này cũng giống như thân hình trong nước, phúc phận đời sau cũng chỉ là hư ảo mà thôi.

Hẳn đại vương cũng biết, nhục thân của con người là trân quý nhất. Nhưng ngay cả bậc tôn quý như ngài cũng không mang thân thể của mình đi được, huống hồ là những vật ngoài thân? Nếu như ngài muốn đời sau vẫn được phú quý, thì chỉ có cách đem tiền tài cung phụng Thần Phật, cứu tế cho dân, tích lũy thêm nhiều thiện đức. Chuyển tài vật của đời này thành phúc đức, thì phúc đức ấy sẽ theo ngài chuyển sinh sang kiếp sống tới”.

Lời nói của đại thần khiến quốc vương bừng tỉnh, từ đó ông không còn thu thập bảo vật nữa.


(Ảnh: Pixabay)

Gửi tiền vào đâu thì kiếp sau có thể sử dụng tiếp?

Đại học sĩ thời nhà Thanh là Kỷ Hiểu Lam từng ghi chép một câu chuyện trong “Duyệt vi thảo đường bút ký - Như thị ngã văn tam”.

Kỷ Hiểu Lam kể rằng, trước kia có một người mắc bệnh dịch, sau đó chết đi và rồi đột nhiên sống lại. Khi chết, nguyên thần của ông ta xuống địa phủ và gặp lại một người bạn cũ. Ông thấy người bạn cũ này đầu bù tóc rối, áo quần tả tơi, đang làm một công việc khổ sai nặng nhọc, tình cảnh vô cùng tả tơi thảm hại nên không khỏi bi thương rơi lệ.

Ông nắm chặt tay bạn và nói: “Anh cả đời phú quý giàu sang, gia tài vạn quán, sao lại ra nông nỗi này? Chẳng lẽ anh một đồng cũng không thể mang được đến đây sao?”.

Người bạn cũ của ông ta buồn rầu đáp: “Ai cũng có thể mang theo phú quý đến đây, chỉ có điều người ta không chịu mang theo mà thôi. Anh hãy xem những người có công đức lúc sinh thời, chẳng phải khi đến đây họ cũng giàu có như khi còn sống hay sao? Xin anh hãy chuyển lời cho người trên dương thế: Hãy mau mau định liệu, đem theo phú quý xuống âm gian”.

Quả đúng như vậy, con người muốn mang theo phú quý bên mình thì cần phải hành thiện, tích đức, chuyển tiền tài trên dương thế thành phúc phận đời sau. Làm được như vậy thì cho dù trăm tuổi lâm chung, họ sẽ dựa vào phúc đức mang bên thân, lấy đó làm vốn liếng để tiếp tục cuộc sống giàu sang phú quý dưới âm gian.

Câu chuyện trên khiến chúng ta liên tưởng tới một câu trong Thánh Kinh: “Các ngươi chớ chứa của cải ở dưới đất, là nơi có sâu mối, ten rét làm hư, và kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy. Nhưng phải chứa của cải ở trên trời, là nơi chẳng có sâu mối, ten rét làm hư, cũng chẳng có kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy. Vì chưng của cải ngươi ở đâu, thì lòng ngươi cũng ở đó”.

Bởi “Tiền là phù du”, xin đừng tích trữ của cải dưới đất, mà hãy tích trữ của cải trên trời!

Minh Hạnh
Theo Vương Nhuận - Sound of Hope



BÀI CHỌN LỌC

Đừng tích của cải dưới đất, hãy tích trữ của cải trên trời