Gạo Việt Nam thẳng tiến EU, chạm mức giá cao nhất trong lịch sử

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tăng cường xuất khẩu gạo, nếu có thể tận dụng tốt “cơ hội vàng” này, gạo Việt sẽ vươn tầm xa hơn...

EVFTA là một FTA (Hiệp định thương mại tự do) thế hệ mới giữa Việt Nam và 27 nước thành viên EU. EVFTA, cùng với Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), là hai FTA có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay.

EVFTA được thông qua - Việt Nam ‘bắt được’ cơ hội lớn

Được ký kết ngày 30/6/2019, EVFTA được phê chuẩn bởi Hội đồng châu Âu ngày 30/3/2020, và được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn vào ngày 8/6/2020, Hiệp định này đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020.

Đối với xuất khẩu của Việt Nam, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU.

Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế; tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.

Ngành nông nghiệp dự kiến ​​sẽ tăng xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực đến năm 2025, như gạo (tăng 65%), đường (8%), thịt lợn (4%), lâm sản (3%) thịt gia súc và gia cầm (4%).

Như vậy, Hiệp định EVFTA đã mang đến cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam cơ hội “truy cập” vào thị trường châu Âu, thị trường rộng lớn với khoảng 500 triệu người tiêu dùng. Ngược lại, người tiêu dùng Việt Nam cũng được tiếp cận với hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao của châu Âu.

Hưởng ưu đãi về thuế - Gạo Việt có lợi thế cạnh tranh cực lớn

Theo Bộ Công Thương, hạn ngạch gạo cho Việt Nam trong khuôn khổ EVFTA dự kiến ​​sẽ thúc đẩy xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng lên từ nửa cuối năm nay.

Thống kê từ Bộ NN-PTNT, hàng năm, Việt Nam xuất khẩu từ 6,4 -7 triệu tấn gạo tới hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2019, nước ta xuất khẩu trên 6,3 triệu tấn với giá trị trên 2,8 tỷ USD.

 

Gạo Việt có lợi thế cạnh tranh cực lớn khi được hưởng ưu đãi về thuế... (Ảnh: JAY DIRECTO/AFP qua Getty Images)
Gạo Việt có lợi thế cạnh tranh cực lớn khi được hưởng ưu đãi về thuế... (Ảnh: JAY DIRECTO/AFP qua Getty Images)

Tám tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt trên 4,6 triệu tấn với giá trị trên 2,25 tỷ USD, tăng 10,4% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, các giống thuộc danh mục gạo thơm xuất khẩu sang EU được hưởng hạn ngạch ưu đãi thuế quan chiếm khoảng 43-46% tổng lượng gạo xuất khẩu hàng năm, với sản lượng khoảng trên 3 triệu tấn.

Bộ NN-PTNT cũng cho biết, hàng năm, EU nhập khẩu 2,3 triệu tấn gạo; kim ngạch là 1,4 tỷ Euro. Do vậy, khi thực hiện hiệp định EVFTA, gạo là mặt hàng có tiềm năng lớn để xuất khẩu vào thị trường EU.

Tám tháng năm 2020, xuất khẩu gạo đi EU thu về 8,5 triệu USD. Từ ngày 4/9 đến 17/9, có 6 DN nộp đơn xin chứng nhận xuất khẩu gạo sang EU với khối lượng gần 4,3 nghìn tấn gạo thơm.

Gạo Việt có lợi thế cạnh tranh cực lớn khi được hưởng ưu đãi về thuế, trong khi hai nhà xuất khẩu gạo lớn vào EU là Campuchia và Myanmar đang chịu thuế tuyệt đối với mặt hàng này cho đến hết 2021.

Gạo Việt Nam chạm mốc giá cao nhất trong lịch sử

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, EU với 27 quốc gia thành viên, hơn 511 triệu dân, GDP đầu người trên 35.000 USD, là thị trường lớn có mức thu nhập cao.

Theo cam kết ở EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm. Đặc biệt, EU tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm, giúp Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU hàng năm. Đối với sản phẩm từ gạo, EU đưa thuế suất về 0% sau 3-5 năm.

Trong khi gạo nhài của Thái Lan chỉ bán được mức 950 – 962 USD/tấn trong tháng 8/2020, gạo thơm ST20 ở Đồng bằng sông Cửu Long Việt Nam xuất sang thị trường EU lần đầu tiên được bán với giá trên 1.000 USD/tấn, tạo “làn gió lạc quan” cho ngành nông sản Việt.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty Trung An, cho biết do được hưởng thuế suất bằng 0% nên giá xuất khẩu của các mặt hàng cao hơn nhiều so với trước. Cụ thể, gạo ST20 được bán với giá 1.080 USD/tấn so với trước đây là 800 USD/tấn; và gạo Jasmine có giá trên 600 USD/tấn so với trước đây là 520 USD/tấn.

Như vậy, có thể nói, nhờ EVFTA mà giá gạo của DN Việt Nam vào EU trong tháng 8/2020 đã tăng từ 80 - 200 USD/tấn.

‘Giữ uy tín hạt gạo’ - Việt Nam thu về giá cao

Ngọn nguồn của việc giá gạo Việt Nam cao hơn Thái Lan là từ việc nông dân chịu thay đổi, làm lúa chất lượng hơn. Các công ty cũng từng ngày nâng chất lượng, giữ uy tín hạt gạo Việt, nhất là gần đây gạo ST25 thắng giải gạo ngon nhất thế giới, từ đó thế giới công nhận và ưa chuộng hạt gạo Việt hơn.

Ngọn nguồn của việc giá gạo Việt Nam cao hơn Thái Lan là từ việc nông dân chịu thay đổi, làm lúa chất lượng hơn. (Ảnh: HOANG DINH NAM/AFP qua Getty Images)
Ngọn nguồn của việc giá gạo Việt Nam cao hơn Thái Lan là từ việc nông dân chịu thay đổi, làm lúa chất lượng hơn. (Ảnh: HOANG DINH NAM/AFP qua Getty Images)

Việc được giảm thuế suất nhập khẩu bằng 0% cộng với thị trường gạo đang sôi động cũng đẩy giá gạo tăng cao. Hơn nữa, DN Việt bán hàng sang EU trực tiếp, giảm phụ thuộc vào trung gian nên giá tăng hơn.

Ngoài ra, hàng hóa Việt Nam qua EVFTA đã được đánh giá lại chất lượng một cách bài bản theo các tiêu chuẩn hai bên đặt ra, nghĩa là chất lượng, nguồn gốc sản phẩm công khai, rõ ràng, minh bạch hơn.

Những thách thức đối với gạo Việt Nam

Tuy nhiên, các nhà xuất khẩu sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn, ông Phạm Thái Bình nói, do các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về chất lượng, bảo vệ môi trường và uy tín kinh doanh, EU hiện đang ưa chuộng các sản phẩm gạo từ Thái Lan, Campuchia và Myanmar. Chỉ một phần hạn ngạch đối với gạo Việt Nam được cấp phép cho các giống lúa đặc sản có sản lượng và diện tích canh tác khiêm tốn.

Gạo là mặt hàng nhạy cảm nên việc chen chân vào nhập khẩu là rất khó. Trong khuôn khổ EVFTA, Việt Nam và EU đã thống nhất các loại gạo và các yêu cầu đối với xuất khẩu. Để được hưởng thuế suất 0%, gạo thơm phải có giấy chứng nhận đúng chủng loại do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và ghi rõ “gạo thuộc một trong các loại được hưởng ưu đãi theo EVFTA”.

Theo đó, để được chứng nhận là gạo thơm, sản phẩm phải được trồng từ giống đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, có thông tin rõ ràng về quy mô, địa điểm trồng trọt.

DN phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn của giống theo quy định trong quá trình thu hoạch, sấy khô, bảo quản, chế biến và đóng gói.

Chất lượng là yếu tố quan trọng hàng đầu đối với các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam đang tìm cách chinh phục thị trường EU. Các sản phẩm có chứa thuốc trừ sâu hoặc chất cấm bị cấm vào thị trường này.

Nếu có thể khắc phục điểm yếu, xuất khẩu gạo Việt sẽ ‘vươn xa’ hơn

Văn hóa thương mại của một số thương nhân Việt còn rất kém, cứ mở cửa được thị trường nào lại đua nhau giảm giá để cạnh tranh nhằm chiếm lĩnh thị trường.

Theo ông Phạm Thái Bình, giá gạo Công ty Trung An xuất hơn 1.000 USD/tấn không phải là giá cao và vẫn chưa đúng với giá trị thực. Bởi gạo thơm Thái giá trị thấp hơn gạo thơm Việt đang xuất sang EU nhưng bán được giá gấp đôi. Nếu đánh giá đúng chất lượng, gạo hữu cơ Việt Nam có thể bán với giá trên 3.000 USD/tấn và người châu Âu sẵn sàng trả giá cao theo đúng giá trị thực của nó. Tuy nhiên, do cạnh tranh về giá, các thương nhân trong nước tự… lấy đá ghè chân mình.

Mặt khác, có nhiều trường hợp, ban đầu DN Việt khi bán hàng sang EU làm rất tốt, hàng giao đúng hẹn, đúng chất lượng. Song khi khách hàng đặt hàng lượng lớn hơn, thì DN bị lúng túng trong việc mua nguyên liệu, dẫn đến mua nguyên liệu không đúng chất lượng, từ đó có khả năng bị mất khách hàng và mất luôn thị trường; vì EU không chỉ khó tính trong tiêu thụ mà cực kỳ nghiêm khắc và coi trọng chữ tín.

Thông thường, khách hàng từ EU mua số lượng ít ban đầu, sau khi thấy chất lượng tốt, bán ổn định, họ sẽ nhập với số lượng lớn hơn. Nhiều nhà sản xuất trong nước đôi khi xuất phát từ quy mô hộ gia đình, sản xuất kiểu thủ công, nguồn nguyên liệu không ổn định, vì vậy rất khó giữ chân khách hàng. Nếu không có năng lực làm đơn hàng lớn, sẽ không thể duy trì quan hệ kinh doanh với khách hàng; và như vậy, nỗ lực mở thị trường lại về con số không.

Nói về chất lượng, nhiều người tiêu dùng và đối tác nhập khẩu thừa nhận gạo Việt đậm đà hơn gạo Thái, nhưng người tiêu dùng ở Mỹ và cả châu Âu không tìm được thương hiệu gạo nào của Việt Nam trong các siêu thị, vì gạo Việt phải mượn tên của thương hiệu khác hoặc gắn mác của nước nhập khẩu để vào siêu thị.

Việt Nam có lịch sử 30 năm xuất khẩu gạo nhưng vẫn chưa xây dựng được thương hiệu nào cho hạt gạo, dù rằng hiện nay chúng ta đang có tới hơn 200 loại gạo, và địa phương nào cũng tự hào có gạo ngon, gạo đặc sản. Tại thị trường nội địa, việc phân thương hiệu cũng không rõ ràng, thậm chí còn trộn các loại gạo Việt Nam rồi đem bán với “mác” gạo Thái, Nhật, Hàn...

DN Việt Nam đã làm gì để đón đầu cơ hội ?

Hàng hóa Việt Nam cần được nâng lên một cấp độ mới, tiêu chuẩn hóa, thân thiện với môi trường, tránh thuốc trừ sâu và chất bảo quản. Điều này không chỉ cải thiện về chất lượng sản phẩm mà còn giúp hàng hóa “made in Vietnam” tránh chủ nghĩa bảo hộ từ các quốc gia khác, không chỉ ở EU.

Hàng hóa Việt Nam cần được nâng lên một cấp độ mới, tiêu chuẩn hóa, thân thiện với môi trường, tránh thuốc trừ sâu và chất bảo quản. (Ảnh: HOANG DINH NAM/AFP qua Getty Images)
Hàng hóa Việt Nam cần được nâng lên một cấp độ mới, tiêu chuẩn hóa, thân thiện với môi trường, tránh thuốc trừ sâu và chất bảo quản. (Ảnh: HOANG DINH NAM/AFP qua Getty Images)

Xây dựng vùng trồng lúa và chuỗi sản xuất có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam phát triển xuất khẩu gạo sang các thị trường lớn. Về lâu dài, những quy định chặt chẽ về tiêu chuẩn chất lượng đối với nông sản Việt Nam xuất khẩu, trong đó có gạo, sẽ buộc ngành nông nghiệp phải thực hiện tái cơ cấu toàn diện sản xuất kinh doanh.

Để gia nhập thị trường EU “khó tính” này, các DN cần chú trọng vấn đề vệ sinh thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn và quy trình quản lý do EU quy định, coi trọng trách nhiệm xã hội, minh bạch hóa thông tin về lao động, môi trường sản xuất, đặc biệt đảm bảo quy tắc xuất xứ khi xuất khẩu vào EU.

Bản thân các DN phải có sự chuẩn bị kỹ càng trước. Ví dụ, để sản xuất ra loại gạo có chiều dài hạt tiêu chuẩn 8 mm, màu trắng, thơm nhẹ và ngọt vừa phải, Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed, thành viên của Tập đoàn PAN) phải sử dụng một trong những giống lúa tốt nhất trong nước, kiểm soát chặt chẽ chất lượng từ khâu chọn giống đến nuôi trồng, áp dụng công nghệ Nhật Bản cũng như đảm bảo truy xuất nguồn gốc.

Ngoài việc xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn VietGap, Vinaseed còn phải đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại đáp ứng Hệ thống an toàn thực phẩm của Hà Lan (FSSC 22000). Tính đến hết năm 2019, công ty đã xuất khẩu 2.000 tấn gạo sang châu Âu với giá trị khoảng 2 triệu USD, cao gấp đôi giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Trung An cho biết, DN đã sẵn sàng xuất hàng sang EU bằng việc xây dựng cánh đồng lúa sạch hữu cơ theo tiêu chuẩn của EU và Hoa Kỳ. Ngoài ra, công ty cũng đã đầu tư hơn 10 silo chứa lúa khô của Đức, có thể chứa khoảng 30.000 tấn để đảm bảo cung cấp và chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của đối tác.

Để xây dựng được thương hiệu, không chỉ đơn thuần là thu gom của nông dân rồi giao cho đối tác nhập khẩu, mà DN nhập khẩu phải quản lý, giám sát được cả quy trình của hạt gạo từ đồng ruộng tới nhà máy xay xát, đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, thậm chí đến tận tay người tiêu dùng cuối cùng, hình thành quy trình khép kín từ tổ chức nguyên liệu cho đến khâu chế biến, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm và chú ý đến bao bì, nhãn mác.

Theo chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam định hướng đến năm 2030, chúng ta sẽ không chạy theo số lượng xuất khẩu, mà phải tập trung xây dựng thương hiệu.

Đầu tư thương hiệu không chỉ để bán được nhiều gạo hơn, mà còn để xây dựng được uy tín trên thị trường, từ đó gạo Việt mới có thể có giá bán cao hơn, đạt kim ngạch xuất khẩu cao, và vươn tầm xa hơn.

Thủy Tiên



BÀI CHỌN LỌC

Gạo Việt Nam thẳng tiến EU, chạm mức giá cao nhất trong lịch sử