Hà Nội: Kỳ thi vào lớp 10 công lập căng thẳng hơn cả thi đại học

Giúp NTDVN sửa lỗi

Với hiện trạng mỗi năm học sinh tốt nghiệp lớp 9 ngày càng tăng nhưng lại ít trường công lập khiến cả phụ huynh lẫn học sinh đều căng thẳng trong mùa thi chuyển cấp giống như thi đại học.

Năm học 2024-2025, Hà Nội tuyển hơn 77.000 học sinh vào lớp 10 công lập, tăng khoảng 1.000 học sinh so với năm ngoái.

Theo ước tính, số học sinh tốt nghiệp bậc THCS năm nay là khoảng 133.000 em, tăng hơn 5.000 em so với năm học trước. Như vậy, sẽ có khoảng 60% học sinh được vào công lập, số còn lại vào trường tư, giáo dục thường xuyên và học nghề.

Theo danh sách chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 công lập năm nay, khá nhiều trường giảm chỉ tiêu tuyển sinh so với năm ngoái. Tại quận Hà Đông hiện có 3 trường THPT công lập là: Trường THPT Lê Quý Đôn (04 P. Nhụê Giang, P. Nguyễn Trãi); Trường THPT Quang Trung (210 Đường Quang Trung, Hà Cầu); Trường THPT Trần Hưng Đạo (QL21B, Phú Lâm).

Năm nay, cả 3 trường này đều giảm chi tiêu tuyển sinh tuyển sinh. Nếu năm học trước, mỗi trường tuyển 765 em thì năm học này đều tuyển 675 em, giảm 90 chỉ tiêu.

Năm ngoái, trường THPT Lê Quý Đôn lấy điểm chuẩn là 42,25, cao nhất quận và đứng thứ 5 thành phố. Trường THPT Quang Trung lấy 40 điểm và THPT Trần Hưng Đạo lấy 35 điểm. Có thể thấy quận có 3 trường công lập thì 2/3 trường lấy mức điểm chuẩn rất cao, học sinh phải thực sự học tập tốt thì mới thi đỗ.

Nhà trường, học sinh “chạy nước rút”

Những ngày này, lịch học của em N.T.L (Hoàng Mai, Hà Nội) kín từ sáng đến tối mịt. Ngoài thời gian học cả ngày trên lớp, L. còn tham gia các lớp học thêm môn Toán và Ngữ văn. Riêng môn Tiếng Anh, L. còn có gia sư kèm riêng vào buổi tối.

Đặt mục tiêu vào Trường Trung học phổ thông Thăng Long, L. cho biết, em khá lo lắng vì đây là một trong những trường có điểm chuẩn khá cao của Hà Nội và thu hút rất nhiều thí sinh khá, giỏi của khu vực Hoàng Mai, Hai Bà Trưng.

L. chia sẻ, áp lực và lịch học dày nên em khá mệt nhưng phải cố gắng trong giai đoạn nước rút này nếu không muốn bị trượt.

Tương tự, thời gian biểu của em N.Đ.H.L (Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh) cũng dày đặc. Ngoài học ở trường, L. học thêm bên ngoài đến 9 giờ tối. Em tiếp tục tự học ở nhà đến khoảng 11 giờ và dậy từ 5 giờ sáng hôm sau để ôn bài.

Các nhà trường cũng nỗ lực hết sức để đồng hành cùng học sinh. Thầy Lê Tiến Thành, Hiệu trưởng Trường Thực nghiệm Victory cho hay, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 là mục tiêu số 1 của các trường Trung học cơ sở và học sinh lớp 9. Vì vậy, từ lớp 8, trường phân hoá học sinh theo trình độ để tổ chức học phù hợp với khả năng, khảo sát nguyện vọng của học sinh để xây dựng lộ trình cho lớp 9.

Từ giữa học kỳ 2 của lớp 9, trường dành thời gian để tập trung ôn tập và luyện giải các đề thi cho học sinh. Các giáo viên bộ môn củng cố kiến thức, bồi dưỡng học sinh yếu và phát triển năng lực cho nhóm học sinh khá giỏi. Đặc biệt, các thầy cô còn hướng dẫn học sinh kỹ năng làm bài, từ cách trình bày, diễn đạt, chú ý chữ viết để học sinh không bị trừ điểm bởi những sơ xuất không đáng có khi đi thi.

Cũng theo thầy Thành, bên cạnh việc rốt ráo ôn thi, nhà trường vẫn duy trì các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao để giúp học sinh giảm bớt áp lực học hành.

Phụ huynh cũng căng thẳng không kém

Không chỉ học sinh, nhà trường mà phụ huynh cũng vô cùng căng thẳng trước kỳ thi quan trọng này. Chị P.T.H (Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay, xác định mục tiêu cho con thi vào Trường Trung học phổ thông Thăng Long từ khá sớm nên không phải đến lớp 9 mà từ lớp 7, 8, chị đã cho con “tầm sư học đạo” ở các thầy cô giáo giỏi.

Chị H. chia sẻ, con chị có sức học khá tốt nhưng các bạn cùng lứa cũng đi học thêm rất nhiều nên nếu chỉ học ở trường là chưa đủ sức cạnh tranh. Càng giai đoạn nước rút thì lại càng phải cố gắng hơn. Chị cũng động viên con và chăm sóc sức khoẻ, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để tăng cường sức khoẻ.

Tự tin về sức học của con nhưng theo chị H., chị đã tìm hiểu về các trường ngoài công lập và dự kiến sẽ mua hồ sơ Trường Trung học phổ thông Tạ Quang Bửu để phòng khi con không may trượt trường công lập.

Có con đạt giải học sinh giỏi cấp thành phố, nhưng nỗi lo vào lớp 10 công lập với chị T.T.H (quận Hai Bà Trưng) không vì thế mà giảm đi.

Chị H. chia sẻ, con chị tập trung quá nhiều cho việc thi học sinh giỏi nên bị học lệch, kết quả thi khảo sát môn Văn rất thấp, trong khi đây là môn có điểm nhân hệ số 2 nên chị thực sự không yên tâm.

Cũng theo chị H., những ngày này, môn Văn trở thành môn ôn thi chính của con chị, cả ở nhà cũng như trên lớp. Vốn từ của con chị hạn chế, khả năng cảm thụ văn học chưa tốt nên bài văn của con thường chỉ loanh quanh vài câu là hết vốn vì bị lặp.

Không yên tâm nên chị H. đã tính toán phương án dự phòng cho con vào một trường ngoài công lập.

Lo lắng, căng thẳng cũng là tình hình chung của các sỹ tử và phụ huynh khối 9 hiện nay. Bởi tỷ lệ học sinh sẽ trúng tuyển vào các trường Trung học phổ thông công lập chiếm khoảng 61%, tương đương với việc cứ 10 học sinh đi thi sẽ có 4 em bị trượt. Tuy nhiên, do việc tuyển sinh được phân theo 12 khu vực nên trên thực tế, áp lực của các thí sinh ở các khu vực trung tâm hoặc nơi đông dân cư còn lớn hơn rất nhiều, áp lực cạnh tranh càng cao hơn nữa.

Theo kế hoạch của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Kỳ thi Tuyển sinh vào lớp 10 Trung học phổ thông công lập tại Thủ đô sẽ diễn ra vào các ngày 8 và 9/6. Thí sinh thi vào trường chuyên và hệ song bằng sẽ thi thêm môn chuyên và ngoại ngữ vào các ngày 10 đến 12/6.


Hà Nội: Kỳ thi vào lớp 10 công lập căng thẳng hơn cả thi đại học