Hàng hóa 'đầy ắp' sẵn sàng phục vụ Tết Nguyên đán

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các địa phương, doanh nghiệp đã chuẩn bị từ sớm hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2024 cùng chương trình bình ổn thị trường với nhiều mặt hàng đa dạng, phong phú.

Những ngày này, không khí mua sắm hàng hóa tiêu dùng dịp Tết tại cách nơi trên toàn quốc bắt đầu sôi động hơn. Tại các siêu thị, cửa hàng bán lẻ, chợ dân sinh, các loại mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân rất phong phú, đa dạng với nguồn cung dồi dào, giá cả ổn định, đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Trong đó, để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, đồng thời kích cầu tiêu dùng, tại các hệ thống siêu thị tại thành phố Hà Nội, từ sớm đã đồng loạt triển khai nhiều chương trình ưu đãi giảm giá từ 5-50%, tập trung các sản phẩm đặc trưng ngày Tết như: bánh kẹo, mứt, thực phẩm, bia - nước giải khát, đồ trang trí.

Cụ thể, chuỗi siêu thị WinMart đã đưa hàng hóa phiên bản Tết lên kệ với giá ưu đãi lên đến 30%, đơn cử là đồ khô, bánh kẹo, bia rượu, nước giải khát. Đặc biệt, với các sản phẩm là giỏ quà Tết năm nay, hệ thống siêu thị này áp dụng chương trình khuyến mãi tới 21%.

Tương tự, hệ thống siêu thị BRGMart/Haprofood BRGMart, Go!BigC; Co.opmart/Co.opXtra, cũng đang có các chương trình khuyến mãi lên tới 30% các mặt hàng thiết yếu, hàng thực phẩm, bánh kẹo đồ uống. Thậm chí, đối với các sản phẩm chăm sóc cá nhân, sắc đẹp, đồ dùng gia đình, có nơi còn ghi nhận mức khuyến mãi lên tới 50%.

Mặt hàng quà biếu Tết là thứ không thể thiếu (Ảnh minh hoạ: Hoàng Anh)

Về cơ cấu sản phẩm, số lượng hàng Việt Nam trên các quầy kệ siêu thị chiếm 90%, trong đó hàng nông sản chiếm hơn 95%. Nhiều sản phẩm được bán theo combo hoặc kèm khuyến mãi, quà tặng để thu hút khách hàng.

Nhân viên bán hàng siêu thị WinMart cho biết, trong những ngày vừa qua, lượng khách hàng đến siêu thị mua sắm bắt đầu có dấu hiệu tăng, đặc biệt là vào các buổi tối và dịp cuối tuần. Tuy nhiên, lượng hàng tiêu thụ vẫn chủ yếu tập trung ở bánh kẹo, đồ khô, các giỏ quà Tết phục vụ hoạt động biếu, tặng.

Không chỉ ở các siêu thị, tại các chợ truyền thống, nhiều tiểu thương cũng cho biết, sức mua mới chỉ tập trung ở các đồ nông sản khô như măng, mộc nhĩ, nấm hương, miến dong. Còn các mặt hàng tươi, sống mới chỉ dừng lại ở mức hỏi giá, đặt hàng trước với số lượng nhỉnh hơn so với ngày thường không đáng kể, chậm hơn so với cùng thời điểm năm ngoái khoảng 10-30%.

Nhiều cửa hàng, siêu thị lớn nhỏ đều nhập hàng dồi dào phục vụ người dân mua sắm (Ảnh minh hoạ: Hoàng Anh)

Kênh bán hàng trực tuyến, sàn thương mại điện tử, lâu nay vốn rất “hút khách cũng chưa cho thấy được sự tấp nập của ngày cận Tết. Theo số liệu của Metric, một nền tảng chuyên phân tích thống kê dữ liệu thương mại điện tử (E-commerce), quý IV/2023, các ngành hàng đều giảm doanh thu so với quý III/2023, bởi người tiêu dùng đã không dồn dập sắm Tết như trước đây mà mua sắm trải dài ổn định trong cả năm.

Báo cáo của Metric cho thấy, ba ngành hàng có mức tăng trưởng vượt bậc so với các ngành khác trên thương mại điện tử là ngành giỏ quà, hàng quà tặng Tết, đồ uống có cồn và giải khát tăng 16% so với Tết 2023, ngành hàng trang trí nhà cửa và thực phẩm Tết có mức tăng trưởng ấn tượng hơn 50% trong Tết 2024.

Khó có sự đột phá

Theo số liệu công bố mới đây của Tổng cục Thống kê, dù các chỉ số kinh tế vĩ mô tháng 1/2024 tiếp tục cho thấy xu hướng tích cực hơn của nền kinh tế, nhưng thực tế thì khó khăn vẫn chực chờ và một trong những khó khăn lớn nhất là sức mua của thị trường (bao gồm cả thị trường trong nước và nước ngoài) vẫn yếu.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2024 chỉ tăng 0,31% cho thấy lạm phát vẫn đang được kiểm soát tốt nhưng đây là tháng có Tết Dương lịch, cận kề Tết Nguyên đán, thì mức tăng này lại cho thấy, sức mua của thị trường dù đã có cải thiện, nhưng vẫn ở mức thấp.

Tổng cục Thống kê cho biết, tháng 1/2024, hoạt động thương mại và dịch vụ diễn ra khá sôi động, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp Tết Nguyên đán. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2024 ước đạt 524.100 tỷ đồng, tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là mức tăng khá cao, song vẫn thấp hơn mức tăng 13,3% của cùng kỳ năm 2023 so với 2022. Nếu loại trừ yếu tố giá cả, thì mức tăng là 5,8%, cũng thấp hơn con số 9,1% của cùng kỳ năm ngoái.

Người dân thay đổi thói quen mua sắm Tết, không mua nhiều tích trữ như trước (Ảnh minh hoạ: Hoàng Anh)

Lý giải nguyên nhân hoạt động mua sắm có xu hướng chậm hơn so với các năm, dù các nhà kinh doanh ra sức tung “chiêu” kích cầu, một số chuyên gia cho rằng, vấn đề nằm ở túi tiền của người tiêu dùng đã eo hẹp hơn. Tình hình kinh doanh chung của phần đông doanh nghiệp không được tốt, các khoản lương thưởng cũng ít và chậm hơn, dẫn đến người tiêu dùng còn dè dặt trong vấn đề mua sắm.

Trong một báo cáo nghiên cứu về tâm lý người tiêu dùng khu vực ASEAN năm 2023, được Ngân hàng UOB công bố vào tháng 11/2023, thì người tiêu dùng Việt Nam vẫn khá lạc quan, với 76% số người được hỏi kỳ vọng rằng, tình hình tài chính cá nhân sẽ tốt hơn vào tháng 6/2024, cao hơn con số 74% của Indonesia và 68% của Thailand.

Tuy vậy, người tiêu dùng vẫn có nhiều e ngại về tài chính và thận trọng trong chi tiêu. Cụ thể, báo cáo của UOB cho biết, cứ 10 người tiêu dùng ở Việt Nam, thì có 8 người lo lắng về vấn đề tài chính của mình. Càng lo lắng về tài chính bao nhiêu, người tiêu dùng lại càng thận trọng hơn trong vấn đề chi tiêu và đầu tư bấy nhiêu.

“Sự thận trọng của người tiêu dùng khiến sức mua của nền kinh tế chưa được như kỳ vọng và điều này sẽ ảnh hưởng đến động lực sản xuất, kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp”, báo cáo của UOB nhận định.

Thực tế cho thấy, hầu hết người tiêu dùng khi được hỏi đều cho biết, sẽ ưu tiên chọn cách chi tiêu ít tốn kém mà vẫn đầy đủ dịp Tết (Ảnh minh hoạ: Hoàng Anh)

Một người dân tại quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết, hàng hóa tại các kênh bán hàng năm nay khá dồi dào, tính đến thời điểm này tại các siêu thị, chợ không diễn ra cảnh chen hàng nhưng năm nay khó khăn nên chị cũng mua đồ hạn chế hơn, chỉ cần mua đủ dùng trong gia đình và biếu hai bên nội ngoại.

Đồng quan điểm, một nội trợ tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, năm nay gia đình chị cũng thực hiện mục tiêu Tết tiết kiệm. Mẫu mã hàng hóa năm nay cũng như mọi năm đa dạng, giá thành ổn định, nhưng bây giờ gia đình chị không còn thói quen mua đồ tích trữ như trước. Ngoài ra, các siêu thị, chợ cũng mở cửa hàng từ sớm nên chị chỉ mua số lượng đủ dùng trong 1-2 ngày đầu năm, sau đó nếu cần thì mua tiếp.

Theo đánh giá của một số chuyên gia, thời điểm này, tình hình thị trường tiêu dùng cơ bản tương đối ổn định, nguồn cung các mặt hàng được bảo đảm phục vụ nhu cầu người dân mua sắm Tết. Càng gần Tết, các mặt hàng thời vụ như hoa cảnh, cây cảnh, vật dụng trang trí... được nhập về càng nhiều. Song năm nay, tình hình kinh tế khó khăn nên nhìn chung, thị trường Tết trầm lắng hơn, sức mua không đạt cao như những năm trước.

Việt Nam Xã hội

Hàng hóa 'đầy ắp' sẵn sàng phục vụ Tết Nguyên đán