Hình ảnh của hy vọng: Pietà

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cảnh tượng thảm thương nhất có thể tưởng tượng được là một người mẹ mất con. Tuy nhiên, khi Michelangelo ra mắt bức tượng Pietà - vốn là hình tượng của Đức Mẹ Mary buồn bã với thân thể vô hồn của Chúa Giêsu - nhưng ông đã thể hiện nỗi buồn có thể bị chinh phục bởi niềm hy vọng.

Vào năm 1497, Hồng y Bilhères de Lagraulas đã ủy thác cho Michelangelo, khi đó là một nghệ sĩ 23 tuổi vô danh, tạo ra một nhóm tượng điêu khắc với kích thước lớn hơn cỡ thực tế, và đó là tác phẩm công cộng đầu tiên của người nghệ sĩ Florentine trẻ tuổi này. Nó được dành cho nhà nguyện an táng của Hồng y trong Vương cung Thánh đường St. Peter ở Rome, đó là một tòa nhà nhỏ hơn nhiều so với nhà thờ hiện đại đồ sộ. Nó được đặt trên một bàn thờ, nơi mà các thế hệ tương lai có thể cầu nguyện cho linh hồn của Hồng y.

Michelangelo đã dành khoảng một năm để tìm kiếm và vận chuyển phiến đá cẩm thạch từ mỏ Carrara, và công khai tác phẩm hoàn chỉnh trước sự thán phục của mọi người vào năm Thánh 1500. Năm Thánh được tổ chức cứ mỗi 50 năm một lần, sau bảy chu kỳ của năm nghỉ phép, và được kỷ niệm như một năm tự do và nghỉ ngơi.

Ngày nay, bức tượng được đặt phía sau bức tường kính sau khi nó bị tấn công bằng búa vào năm 1972. Các vết đứt đã được sửa chữa, nhưng tấm chắn bảo vệ đã làm mờ đi âm thanh nghệ thuật của bức tượng thiêng liêng này.

Tượng đá cẩm thạch “Pietà” của Michelangelo điêu khắc vào năm 1497. Trưng bày tại Vương cung Thánh đường St.Peter, Rome. (Phạm vi công cộng)

Chủ đề mới trong hoàn cảnh mới

Michelangelo lúc còn trẻ là nghệ sĩ Ý đầu tiên điêu khắc theo chủ đề của “Pietà” (Đức Mẹ Mary ôm thân xác Chúa Giêsu), chủ đề được phát triển bởi các nghệ sĩ Đức vào thế kỷ 14 và sau đó là tới lượt Pháp, họ đã đặt tên cho dòng chủ đề này nghĩa là “cảm giác tiếc nuối”.

Về bố cục, thể hiện cảnh Đức Mẹ Mary ôm Chúa Giêsu đã chết trước khi chôn cất, không có cơ sở kinh điển và các nghệ sĩ phía bắc đã tìm cách gợi lên lòng thương bằng cách nhấn mạnh những vết thương của Chúa Giêsu và nỗi đau của mẹ Mary. Với những lỗ vết thương trên bàn tay, bàn chân và bên hông của Chúa Giêsu, một cơ thể cứng ngắc vì sự đau đớn và vòng hoa vẫn quấn quanh trán, các phiên bản trước đó nhằm khiến người xem phải giật mình.

Nhưng điêu khắc gia của Florentine đã có một ý tưởng khác. Ông đã mô tả lại cơ thể của Chúa Giêsu theo tỷ lệ và khớp xương hoàn hảo với một vị thần Hy Lạp, hai chân nhẹ nhàng đặt lên chân của Đức Mẹ. Ông khắc những vết thương mờ nhạt đi và vẻ mặt giống như đang ngủ rất tường hòa. Dấu hiệu duy nhất của cái chết nằm ở những chi tiết được rèn luyện cẩn thận trên cơ thể: vai chụm lại dưới tai, cơ thịt ở đùi chảy xệ và máu đọng trên bàn tay, tất cả đều cho thấy sự nặng nề của cái chết.

Truyền tải nỗi buồn của chúng ta

Michelangelo đã sử dụng các yếu tố cảm động của hiện trường để chuyển hướng sự chú ý từ Chúa Giêsu, người đã chịu đựng nỗi đau từ lâu, đến khuôn mặt của Đức Mẹ Mary, với vẻ mặt buồn bã. Tuy nhiên, nhìn kỹ vào nét mặt trẻ trung, không có sự cau mày oán hận, không mở miệng than khóc, không có biểu hiện nghi ngờ. Khuôn mặt trang nghiêm tĩnh lặng của bà gợi lên hình ảnh Đức Mary khi còn là thiếu nữ trẻ trung, trong Phúc âm Luca, đã nói với sứ thần Gabriel rằng: “Này tôi là nữ tỳ của Chúa. Cầu mong điều này được thực hiện theo lời của Ngài.”

Đức Mẹ Mary mà Michelangelo lột tả là người phụ nữ khi đã nói “đồng ý” với Chúa thì sẽ có nghĩa là như vậy. Trải qua những thử thách khi giải thích việc mang thai bí ẩn của cô với Joseph, người chồng sắp cưới, để giải cứu Con của Chúa trong một chuồng ngựa thô sơ, đến chuyến đi cấp tốc đến Ai Cập trước những người lính của Hê-rốt một bước, lời “xin vâng” của Mary đã thay đổi cuộc sống của cô.

Sau 33 năm dành trọn tình cảm cho con trai cũng như 33 năm kỳ vọng vào Đấng cứu thế, có vẻ như quá sức nếu đem tất cả tình yêu và hy vọng chắt chiu chôn vùi trong một ngôi mộ.

Hy vọng bất chấp sự tăm tối

Tác phẩm điêu khắc khéo léo của Michelangelo làm nổi bật những nguy cơ của thời khắc ảm đạm này. Tấm màn che xung quanh khuôn mặt của Đức Mẹ dường như buông lỏng, để lại một dải bóng mờ quanh lông mày của bà, đọng lại thành bóng tối ở hai bên cổ. Những đường xẻ sâu trên vạt áo và váy của bà ấy nuốt chửng ánh sáng, tạo thành những chiếc túi che khuất.

Bóng tối có thể sẽ đổ dồn về mọi phía. Không nản lòng trước bóng tối, Đức Mẹ Mary kiên trì nhìn vào thân thể Chúa Giêsu: Được Michelangelo chạm khắc trên những mặt phẳng mịn nhất có thể và được đánh bóng tốt nhất. Các nhà sử học nghệ thuật ngạc nhiên rằng nhà điêu khắc không bao giờ đánh bóng đá cẩm thạch nhiều như vậy nữa nhưng bước ra khỏi tác phẩm, người ta có thể hiểu tại sao.

Bóng tối vây quanh lấy Đức Mẹ, đôi mắt của bà sững lại vì những tia sáng phản xạ từ thân thể của người con trai. Mẹ Mary không bao giờ đánh mất ánh sáng, ngay cả trong những giờ phút đen tối nhất — một bài học vượt thời gian cho hàng triệu người đã đứng trước tác phẩm nhớ lại những nỗi đau buồn của chính họ trong khi nhìn thấy Mẹ Mary đặt lên vai gánh nặng nhất mà bất kỳ người nào có thể gánh chịu. Cấu trúc hình chóp của bức tượng giúp tăng cường cảm giác về sự kiên định của người mẹ. Niềm hy vọng của Đức Mẹ đã neo giữ bà trong những khoảnh khắc bão táp nhất.

Giữa tất cả sự hoàn hảo nghệ thuật này, có một điểm bất thường tồn tại: phần thân dưới của Đức Mẹ lớn hơn không tỷ lệ với phần thân trên. Phần váy xếp nếp rộng biến chân người mẹ thành nơi nâng đỡ cho thân thể của Chúa Giêsu, giống như tấm vải liệm bao bọc, chẳng khác nào bụng của người mẹ đã nuôi nấng đứa con suốt chín tháng.

Nhưng Chúa Giêsu nằm ngang qua hai chân của Mẹ Mary, dường như không vững chắc, mà rơi thõng xuống, như thể sắp rơi xuống bàn thờ bên dưới. Với một tay giữ chặt người con, tay còn lại hướng về phía người xem như một cử chỉ chào đón. Ánh sáng và hy vọng là nguồn sức mạnh của Đức Mẹ, nhưng không giữ riêng cho mình mà sẵn sàng chia sẻ cho những ai đến tìm kiếm sự an ủi trong khoảng thời gian mù mịt.

Du Du
Theo Elizabeth Lev - The Epoch Times

Elizabeth Lev là một nhà sử học nghệ thuật sinh ra ở Mỹ, giảng dạy, thuyết trình và hướng dẫn tại Rome.



BÀI CHỌN LỌC

Hình ảnh của hy vọng: Pietà